Bơi - Tạp chí Đẹp

Bơi

DELETED

Bơi lội là môn thể thao của mọi lứa tuổi, vì đây là môn thể thao nhẹ nhàng, không va chạm.

Những lỗi thường gặp khi bơi


– Không khởi động kỹ trước khi bơi: Đây là nguyên nhân gây ra những sự cố khi xuống nước như chuột rút, đuối sức, rét lạnh, rất nguy hiểm.


– Tay bơi sải, chân bơi ếch: Đây là một lỗi mà người bơi thường mắc phải vì không được hướng dẫn bài bản. Tay đánh nước về phía trước nhưng chân thì co – duỗi từ trong ra ngoài hoặc ngược lại. Khi bơi như thế thì thể hình của bạn không thể phát triển hoàn chỉnh, nhất là các nhóm cơ ở tay và đùi. Bạn phải tập luyện từng kiểu bơi riêng biệt để tay chân phối hợp thật ăn ý.


– Đánh tay quá vội vàng: Rất nhiều người luôn cố gắng vung tay đánh vào nước thật mạnh để bơi cho nhanh. Nhưng thay vì thế, bạn nên để cho phần sống lưng chuyển động dài ra phía trước trong khi tay còn đang vung lên trong không khí. Khi tay chạm nước, hãy dừng một giây và sau đó nhẹ nhàng di chuyển. Không nên vội vùng vẫy trong nước ngay.


– Khi bơi, luôn úp mặt xuống nước: Đa số những người mới tập bơi đều có tâm lý sợ, luôn tìm cách bơi thật nhanh, tìm bờ gần nhất. Sự căng thẳng khiến họ bơi trong tư thế nhịn thở, mặt luôn chìm bên dưới mặt nước, không thể nào hít – thở bình thường trong một tư thế như vậy. Trừ kiểu bơi ngửa ra, các kiểu bơi phổ biến còn lại như bơi sải hay bơi ếch đều có nguyên tắc hô hấp như sau: thân trên nổi – hít vào, chìm – thở ra. Bạn phải luôn thực hiện đúng nhịp hít, thở luân phiên bằng cách tập nâng thân trên lên khỏi mặt nước.


– Phối hợp chân không đúng: Khi bơi sải nhiều người luôn mắc lỗi chân co lại, khi đánh nước không có sự phối hợp đồng bộ giữa hai chân. Khi tập sai, khả năng tăng chiều cao bị hạn chế, cơ bắp ở đùi và cơ chân sau không thể phát triển tương ứng. Khi tập chân co vào, duỗi thẳng ra luân phiên khi đánh nước.


Lời khuyên


– Khởi động khoảng 30 phút trước khi xuống nước. Khởi động các khớp theo thứ tự: khớp các đốt sống cổ, thẳng lưng, khớp hông (háng), rồi khớp gối, cổ chân, ngón bàn chân, các khớp vai, khuỷu, cổ tay, các ngón tay. Thực hiện vận động vặn xoay vòng các khớp theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.


Khi xuống nước, cơ thể sẽ diễn ra quá trình phản ứng với 3 giai đoạn:

Giai đoạn ức chế (kéo dài khoảng 10-15 phút): Mặc dù đã được khởi động để sẵn sàng thực hiện hoạt động bơi lội, song khi tiếp xúc với nước, cơ thể vẫn có phản ứng lại, huyết áp tăng nhẹ, tim đập nhanh lên, nhịp thở tăng và mạch cũng nhanh hơn.

Giai đoạn thích nghi: Đây là giai đoạn tiêu hao năng lượng, kéo dài khoảng 1-3 giờ tùy theo sức khỏe và sự rèn luyện của mỗi người. Lúc này cơ thể đã bắt đầu thích nghi với môi trường nước, các biểu hiện ức chế trên dần dần hết, nhịp tim, mạch, nhịp thở và huyết áp ổn định về trạng thái ban đầu. Bởi vậy các động tác vận động phối hợp nhẹ nhàng, chính xác, thoải mái. Đây là giai đoạn tập luyện hiệu quả.

Đa số các môn thể thao chỉ làm phát triển một vài bộ phận như đua xe đạp, bóng đá, chạy bộ… chỉ làm phát triển đôi chân. Nhưng khi bơi lội người ta phải vận động toàn thân giúp cho cơ thể phát triển toàn diện, cân đối và đẹp một cách tự nhiên… Ngoài ra, bơi lội giúp phòng chống một số bệnh tật, giúp cho hệ thống tuần hoàn, hô hấp và thần kinh hoạt động tốt.

Giai đoạn bù đắp: Lúc này cơ thể đã tiêu hao nhiều năng lượng do đó cần được bù đắp phần năng lượng đã mất đi. Trên thực tế sẽ thấy mỏi cơ, các động tác phối hợp rời rạc, không còn được nhịp nhàng, cơ thể cần được nghỉ ngơi. Nếu tiếp tục gắng sức bơi sẽ bị hiện tượng chuột rút. Khi cảm thấy mỏi cơ, người bơi cần giảm dần tốc độ, bơi vào gần bờ sau đó thả lỏng toàn thân trong tư thế nổi 3-5 phút rồi lên bờ. Trường hợp cảm thấy rét lạnh thì phải lên bờ ngay, tìm nơi kín gió, có thể uống một ít nước trà đường nóng.

Giai đoạn lên bờ: Khi lên bờ cần nằm nghỉ ngơi thư giãn cơ 10-15 phút nơi kín gió, sau đó tắm lại bằng nước ấm 5-10 phút. Lau khô người và mặc quần áo ấm ngay trong phòng. Nếu mệt có thể uống một cốc trà đường nóng. Chú ý lau khô tai, mũi, mắt, cần thiết có thể nhỏ thuốc.


Khi đang bơi nếu có hiện tượng bị chuột rút (nguy hiểm nhất là bị chuột rút cơ bụng) cần bình tĩnh thả lỏng toàn thân trong tư thế dang rộng tay chân, từ từ hít sâu và dùng tay bấm các huyệt xung quanh và xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút, khi thấy đỡ thì báo cho người xung quanh hoặc bộ phận cứu hộ đến giúp đỡ đưa lên bờ. Trường hợp quá xa nơi cứu hộ hoặc có một mình thì sau khi tự xử trí như trên thấy đỡ phải nhẹ nhàng bơi vào bờ ngay.

Trần Văn Nhật (HLV Bơi lội – ĐH Hàng Hải)

Thực hiện: depweb

14/08/2008, 16:51