Bộ ảnh về thế hệ trẻ em bị lãng quên ở Trung Quốc và hồi chuông cảnh báo đau lòng về giá trị gia đình - Tạp chí Đẹp

Bộ ảnh về thế hệ trẻ em bị lãng quên ở Trung Quốc và hồi chuông cảnh báo đau lòng về giá trị gia đình

Sống

Vì câu chuyện “cơm áo gạo tiền” muôn thuở mà không ít trẻ em bị lấy đi đặc quyền quý giá nhất là được ở bên cạnh gia đình, đối mặt với một tuổi thơ thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. 

Trong hơn 3 năm, nhiếp ảnh gia Ren Shichen (phóng viên ảnh của tờ báo kinh tế Xibu ở Lan Châu – Cam Túc) đã đi khắp Trung Quốc chụp hơn 100 bức ảnh chân dung – cũng đồng nghĩa với hơn 100 hoàn cảnh trẻ em bị lãng quên – phần lớn tại tỉnh Cam Túc, nơi miền quê nghèo của đất nước tỷ dân.  Mỗi đứa trẻ được chụp ảnh trong lớp học với thông điệp được viết trên bảng đen sau lưng. Phía bên trái bảng là hình vẽ các em muốn thể hiện, bên phải là điều các em muốn gửi gắm đến bố mẹ hoặc bày tỏ nỗi lòng giấu kín bấy lâu.

Có những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khó khăn. Vì mưu sinh, các phụ huynh buộc phải rời bỏ con mình, kiếm việc làm ở những thành phố lớn và xa xôi. “Nhiều bậc phụ huynh rời xa con mình khi chúng chỉ mới lên một hoặc hai tuổi. Khi họ gọi điện về nhà, chúng không bắt máy, thậm chí còn không muốn gặp lại. Sợi dây gắn kết tình cảm thiêng liêng, điều đặc trưng của mỗi gia đình dường như bằng không” – Ren chia sẻ hoàn cảnh của các em.

Bé Gou Lingyu (6 tuổi, trường tiểu học Gaomiao – tỉnh Balipu) viết: “Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu? Mẹ bỏ đi khi con chỉ mới 6 tháng tuổi. Bố cấy lúa ngoài đồng, vất vả nấu từng bữa cơm và đưa chúng con đi học mỗi ngày. Mẹ sẽ về với con, đúng không?”.
Bé Wang Zixuan (8 tuổi, trường tiểu học Gaomiao – tỉnh Cam Túc) viết: “Con nhớ bố mẹ lắm. Bố mẹ đi làm xa và con đã không được gặp hai người trong suốt 3 năm qua”.
Bé Zhao Jinbao (7 tuổi, trường tiểu học Matan – tỉnh Cam Túc) viết: “Bố ơi, khi nào bố về với con? Bố con đi kiếm tiền ở thành phố Bạch Ngân, còn mẹ mỗi ngày vẫn nấu ăn và ra đồng làm việc”.

Bên cạnh những em bé phải ở xa cha mẹ, ta vẫn thấy ấm lòng vì có những bậc phụ huynh chấp nhận kiếm ít tiền hơn, chịu cảnh sống thiếu thốn hơn nhưng được ở gần con cái.

Bé Wang Baohua (11 tuổi, trường tiểu học Majiawan – tỉnh Cam Túc), viết: “Bố cháu ở rể. Cháu yêu bố lắm, ông thường xuyên mua sắm cho cháu. Bố mẹ cháu rất yêu thương nhau. Ông bà ngoại cũng thương bố”.

Đói nghèo là nguồn cơn của mâu thuẫn, tệ nạn và cả những rủi ro trong cuộc sống. Đã có rất nhiều đứa trẻ bị cướp mất cha hoặc mẹ chỉ vì chữ “nghèo”.

Bé Ma Haishan (trường tiểu học Bulengou – tỉnh Cam Túc) viết: “Sau này cháu muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Bố cháu đã qua đời vì bệnh dạ dày vào năm 2012. Cháu nhớ bố nhiều lắm”.
Bé Ma Jincai (7 tuổi, trường tiểu học Bulengou – tỉnh Cam Túc) viết: “Bố cháu gặp tai nạn khi đào mỏ than năm 2011. Chính chú cảnh sát là người đã cứu bố ra khỏi đó. Vì vậy, khi lớn lên cháu muốn trở thành cảnh sát để giúp đỡ thật nhiều người”.
Bé Zhang Zhiyi (7 tuổi, trường tiểu học Longmenmajia – tỉnh Cam Túc) viết: “Mẹ không cho bố đánh bạc. Bố ơi, con xin bố đừng cờ bạc nữa. Mỗi lần thua hết tiền bố trở về nhà, mẹ lại tức giận và lao vào đánh bố. Con rất sợ khi chứng kiến cảnh tượng đó”.
Bé Li Guojun (14 tuổi, trường tiểu học Majiawan tỉnh – Cam Túc) viết: “Hãy hạnh phúc ở bên kia thế giới mẹ nhé… Hồi năm cháu 11 tuổi, mẹ đã tự sát trong một lần cãi nhau với bố. Cháu nhớ mẹ lắm”.
Bé ZhaoMin (7 tuổi, trường tiểu học Donghe – tỉnh Cam Túc) viết: “Mẹ cháu bỏ đi vì bố nghiện ngập. Bố giờ đã đi làm xa, cháu không biết ông ấy ở nơi nào. Cháu đang ở cùng với ông bà nội”.

Số liệu thống kê ở Trung Quốc vào năm 2015 đã liệt kê những ảnh hưởng tiêu cực mà trẻ em nước này phải gánh chịu: 80% trẻ em thiếu vắng vòng tay bố mẹ khi bị bắt nạt đều không biết nói với ai, và đa số (90%) không tâm sự với bố mẹ ở xa về khó khăn chúng gặp trong cuộc sống. Theo số liệu từ tòa án Trung Quốc, trong vài năm qua, tỷ lệ tội phạm vị thành niên tăng trung bình 13% mỗi năm; trong đó trẻ em thiếu sự chăm sóc của bố mẹ chiếm 70% số án phạm tội, và có 5% án bạo lực. Theo thống kê hồi năm 2016, có khoảng 9,02 triệu trẻ em dưới 16 tuổi ở vùng nông thôn Trung Quốc không được sống cùng cha mẹ.

Năm 2018, bức ảnh “Đứa trẻ tóc đóng băng” Wang Fuman với mái tóc bị băng tuyết bám dày sau quãng đường gần 4.8 km đến trường học được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đã hướng dư luận chú ý nhiều hơn đến chất lượng cuộc sống của thế hệ tương lai

Bộ ảnh giàu cảm xúc này đã giúp Ren Shichen đã giành giải ba “Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới” của Sony hạng mục ảnh chân dung năm 2017. Không chỉ truyền tải chân thật hoàn cảnh của các bé, điều đặc biệt khiến bộ ảnh của Ren Shichen ý nghĩa hơn cả chính là lời kêu gọi hãy quan tâm đến thế giới nội tâm của những đứa trẻ ấy nhiều hơn. “Tôi muốn kể cho người Trung Hoa và thế giới một thước phim tự sự chân thực về những con người ở ngay chính đất nước mình” – Ren bộc bạch, thoáng chút trầm ngâm trên gương mặt nhiếp ảnh gia.

Trẻ em giống như một tờ giấy trắng, câu nói này luôn đúng trong mọi hoàn cảnh gia đình. Những ước mơ trở thành cảnh sát, bác sĩ là điểm sáng duy nhất trong cuộc đời của những cô, cậu bé đang đối mặt với sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần trong quãng thời gian đầu đời. Các con cần có cha mẹ để giúp chúng thực hiện ước mơ thật đẹp ấy, và các bậc phụ huynh, xin hãy cố gắng để ở gần con mình hơn, đồng cảm và thấu hiểu nguyện vọng từ tâm hồn ngây thơ ấy.

Thực hiện: Huyền My Trương

11/08/2019, 07:00