Bí truyền chữa bệnh rắn cắn

Lực hút từ viên “đá thần”

Viên đá có sức mạnh hút hết nọc độc do rắn độc cắn từ cơ thể nạn nhân ra ngoài thuộc gia đình ông Vũ Văn Khảm, thôn Dương Cốc, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Theo lời ông Khảm, đây là báu vật được gia đình cất giữ lâu đời. Chuyện kể rằng, ngày trước viên đá do 2 chiến sĩ cách mạng được gia đình cưu mang trong thời kỳ hoạt động bí mật trao lại cho gia đình để đền đáp ân nghĩa. Kể từ đó, viên đá luôn được gia đình ông lưu giữ cẩn thận và thường xuyên mang ra để cứu người bị rắn độc cắn.

Thoạt nhìn, viên đá không khác gì một viên nam châm hình vuông có chiều dài 2cm, nặng khoảng 50g. Nhìn kỹ, viên đá có màu hơi đậm. Ở giữa hai mặt đều có hình tròn, bên trong là chữ U (viết hoa), một mặt đá đã bị sờn. Nếu như nam châm dính được ở 2 mặt thì viên “đá thần” có thể dính được cả 4 mặt.

Theo ông Khảm, khi nạn nhân bị rắn cắn, chỉ cần đặt viên đá lên chỗ bị cắn thì tức khắc viên đá như dính chặt vào da và nọc độc ắt tuôn theo viên đá ra ngoài. Khi hết độc, viên đá sẽ tự động nhả ra. Ông Khảm bảo, lần chữa rắn cắn đầu tiên vào năm 1960. Đến nay, “đá thần” đã cứu sống cho hàng nghìn người dân. Trung bình 1 ngày, đều có từ 2 đến 4 trường hợp bị rắn cắn đến chữa trị. Tất cả nạn nhân sau khi được “đá thần” điều trị đều khỏe mạnh và ăn ngủ bình thường, không thấy có biểu hiện khác lạ hoặc có tác dụng phụ. Sau mỗi ca “cứu người” bị nạn, để “bảo dưỡng đá thần”, ông Khảm phải xin một ít sữa tươi của phụ nữ mới sinh con, cho sữa và “đá thần” vào trong chén để “đá thần” nhả hết nọc độc vào sữa. Thường nọc độc sẽ nổi lên trên có màu đen hoặc vàng, tủy từng loại rắn và có mùi rất tanh, sữa ở trong chén sẽ trong như nước lọc đóng chai.

Ông Vũ Văn Khảm chỉ cách chữa rắn cắn bằng hòn đá thần

Biết công dụng chữa rắn cắn từ viên đá thần này, nhiều người đã ngỏ ý mua lại viên đá với giá cao hoặc đổi trao tay giữa đá với vàng nhưng ông Khảm đều từ chối. Theo ông Khảm, khi biết viên đá có thể cứu được người, gia đình thường xuyên bị trộm cậy cửa. Có lần, không tìm được viên đá thần, chúng đã lấy đi của gia đình cả tivi và đầu VCD. Để bảo quản viên đá được tốt, chủ nhân của nó phải lót một lớp gạo nếp rang khô, đặt viên đá lên trên và đựng trong hộp gỗ. Cứ nửa tháng phải thay gạo nếp trong hộp một lần.

Với sức mạnh thần bí từ viên đá, có thể thấy công dụng chữa rắn cắn cực kỳ hiệu quả, tuy nhiên đến nay vẫn chưa một ai lý giải được vì sao viên đá có “sức mạnh” ghê gớm đến vậy. Chỉ biết rằng, khả năng hút nọc độc rắn cứu người của viên đá đã được hơn một nghìn nạn nhân, gia đình họ, gia đình ông Khảm và những người dân thôn Dương Cốc kiểm chứng.

Ống nứa “thần kỳ”

Cách chữa rắn cắn của ông Bùi Hồng Thái (73 tuổi), trú tại thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cũng thật khó lý giải. Có thể nói, cách chữa rắn cắn của ông quả có một không hai. Đó là chữa rắn cắn bằng ống nứa và cau trầu mà bao đời nay gia đình ông vẫn làm.

Mẹ ông là cụ bà Bùi Thị Thao, chính là người tìm ra phương pháp chữa rắn cắn kỳ lạ này. Sau khi cụ qua đời đã truyền lại cho ông. Thừa hưởng bí quyết được mẹ truyền lại, ông Thái đã vận dụng nó cứu sống hàng trăm người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Ông Thái bảo, dụng cụ chữa rắn cắn của mẹ ông để lại chỉ có một ống nứa dài khoảng 30cm và mấy câu thần chú. Khi có người bị rắn cắn dù độc đến đâu nhưng ông chỉ cần lấy ống nứa, 3 quả cau, 3 lá trầu tươi chia làm 9 miếng đều nhau, sau đó dùng ống nứa, cau trầu thổi 81 lần lên người bệnh rồi đọc mấy câu thần chú là người đó sẽ khỏi ngay, không cần bôi thuốc hay dùng bất cứ một thứ gì khác.

Ông Bùi Hồng Thái chữa rắn cắn bằng ống nứa và trầu cau

Với cách chữa trị như trên, dù người hoặc con vật bị rắn cắn có nặng đến mấy thì khi được ông chữa khoảng 30 phút sau là khỏe lại, vết thương cũng tự nhiên biến mất và lành lặn như thường. Điều đáng quý, ông Thái, không xem chữa rắn cắn là một nghề mưu sinh mà đó là cái tâm làm phúc, cứu người. Ông chỉ coi như họ gặp nạn đến xin thuốc của tổ tiên nên mình nhiệt tình giúp chứ không màng đến vật chất.

Giờ bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Bùi Hồng Thái vẫn tận tâm cứu chữa những người bị rắn độc cắn. Ngay trong căn nhà nhỏ 3 gian của gia đình, ông vẫn dành riêng một nơi để đặt chiếc giường cho những người đến nhờ ông chữa trị có chỗ ngả lưng và sau khi chữa bệnh được nghỉ ngơi.

Và những bài thuốc linh nghiệm trong dân gian

Ngoài những cách chữa rắn cắn ly kỳ như trên thì trong dân gian cũng có những bài thuốc đầy linh nghiệm. Theo các chuyên gia y tế, khi bị rắn cắn, dù là rắn lành hay rắn độc cũng cần ngồi ngay xuống, một tay nắm chặt phía trên chỗ bị rắn cắn còn tay kia quơ lại phía sau, vặt nắm lá nhai, nuốt nước, lấy bã đắp lên vết rắn cắn. Bởi theo nghiên cứu khoa học hiện đại, các lá tươi có nhiều chất tanin và men oxydaza được giải phóng trong khi nhai. Mặt khác, các men tiêu hóa trong nước bọt cũng có tác dụng với nọc. Nếu có thể chọn được các loại cây như bồ bồ, bồ cu vẽ, cà gai leo, chè xanh, chìa vôi, chi tử, diếp cá, lưỡi rắn, rau dừa nước, rau má, rau răm, rượu hội, lá sắn dây, thảo quả là tốt nhất, vì đây là những loại thảo dược có tác dụng nâng cao tỉ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự với nọc độc rắn.

Từ thực tế đó, đến thời điểm này có rất nhiều bài thuốc dân gian được đưa ra để chữa bệnh rắn cắn. Điển hình như của mế Nguyễn Thị Chùi – Hòa Bình rất hiệu nghiệm. Theo bài thuốc của mế Chùi thì khi bị rắn cắn lấy ngay 5 củ hành tăm, lá ớt, giã nhỏ đắp nơi bị rắn rết cắn, hết nhức thì tháo bỏ đi. Ngày làm 1 – 2 lần đến khi hết đau, thường thì 15 – 30 phút là hết đau, 2 – 3 giờ là khỏi. Hành tăm có tác dụng giải độc thông kinh lạc, lá ớt có tác dụng hoạt huyết, sát trùng lợi tiểu.

Cùng với đó, cụ Nguyễn Hữu Triệu ở tình Hòa Bình đã đúc kết bài thuốc chữa rắn độc cắn thành bài thơ dễ nhớ là: Lá Lưỡi hùm, rễ Cỏ may/ Chữa rắn độc cắn, khỏi ngay tức thì/ Đều một nắm giã nát đi/ Nước sôi bảy chục mili pha rồi/ Lắng trong cho uống một hơi/ Còn bã đắp vết thương ngoài băng lên/ Nửa giờ sau hết đau rên/ Uống thêm lần nữa bệnh liền đoạn căn/ Tôi từng kinh tự bao lần/ Để xin giới thiệu khi cần dùng ngay.

Theo lý giải của các chuyên gia y tế, đây cũng là một phương pháp hiệu quả. Bởi lá Lưỡi hùm tức là cây Cam xũng, còn gọi là Lưỡi hổ hay lá Lưỡi cạp, tên khoa học là Sauropus rostratusmip… thuộc họ Thầu dầu thường dùng chữa trẻ em cam xũng phù nề, đi ngoài, có tác dụng chữa dị ứng. Ngoài ra, rễ Cỏ may có tác dụng tiêu độc, giải nhiệt lợi tiểu. Kết hợp lá Lưỡi hùm với rễ Cỏ may chữa rắn độc cắn là một bài thuốc độc đáo của cụ Triệu mà cụ đã chữa khỏi cho rất nhiều người.

Mặc dù với những cách chữa rắn cắn đầy hiệu quả như trên, nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, khi bị rắn cắn, cần nhận diện rắn độc hay rắn lành bằng cách nhìn vết cắn. Rắn lành cắn có vết răng vòng cung đều nhau, còn rắn độc luôn có 2 vết sâu hơn, cách nhau khoảng 5mm, đó là 2 móc độc. Sau đó, cần khẩn trương sơ cứu và tìm cách nhanh nhất chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế hoặc trung tâm chống độc.

Hoàng Vững (theo Gia đình Việt Nam)


From the same category