Bí kíp sử dụng thiết bị điện gia dụng an toàn

Theo tiêu chuẩn của một số quốc gia, điện áp xoay chiều trên 36V đã được gọi là điện áp nguy hiểm. Bất cứ thiết bị gia dụng nào sử dụng nguồn điện lưới 220V cũng đều có nguy cơ gây ra điện giật nếu không được lắp đặt và sử dụng đúng cách. Dưới đây là một số giải pháp an toàn điện khi sử dụng.

Lắp đặt thiết bị an toàn tích cực

Đối với những ngôi nhà xây mới, chủ nhà nên tính toán ngay từ đầu việc lắp đặt hệ thống dây đất (hay còn gọi là dây mát, dây tiếp địa). Hệ thống điện dân dụng dẫn đến các hộ gia đình hiện nay chỉ có hai dây, nhưng chúng ta thấy ở nhiều ổ điện và phích cắm có tới 3 cọc, cọc thứ 3 đó chính là để nối vào đường dây tiếp đất, giúp tránh bị điện giật trong đa số trường hợp. Khi xây nhà mới hoặc với những nhà riêng ở tầng trệt thì việc làm hệ thống dây đất này khá đơn giản. Chỉ cần chọn một thanh đồng to bản dài hơn 1m, cắm xuống đất và sau đó hàn nối với đường tiếp địa của tất cả các ổ điện trong nhà. Bạn cũng có thể nhờ các chuyên gia tư vấn chi tiết. Lúc đó đường điện trong nhà sẽ có 3 đường thay vì 2 đường như đại đa số các căn hộ hiện nay.

Bạn cũng nên trang bị cho ngôi nhà của mình aptomat loại chống rò. Hiện nay các cửa hàng thiết bị điện đều có bán loại aptomat chống giật, có thể bảo vệ người dùng khi có hiện tượng rò điện ra vỏ thiết bị, đặc biệt hiệu quả trong sử dụng bình nước nóng, bếp điện, lò nướng,… Giá những loại aptomat này khá hợp lý nên bạn có thể lắp riêng chúng cho một số thiết bị nói trên hoặc cho mỗi tầng nhà. Aptomat chống rò này chỉ có hiệu quả khi nhà bạn có đường dây tiếp địa, và cần phải kiểm tra hoạt động của chúng khoảng 6 tháng một lần bằng cách nhấn vào nút check trên aptomat.

Một giải pháp đơn giản nữa để chống giật đó là dùng biến áp cách ly. Loại biến áp này sẽ cách ly hoàn toàn điện lưới với điện sử dụng thông thường. Đây là giải pháp rất tốt, tuy nhiên biến áp cách ly khá đắt tiền và công suất thường chỉ lên tới 2-5kVA nên giải pháp này chỉ thích hợp sử dụng cho một vài căn phòng, ví dụ phòng có các thiết bị nghe nhìn của gia đình hay phòng của em bé.

Sử dụng đúng cách, kiểm tra thường xuyên

Sử dụng thiết bị điện đúng cách và kiểm tra thường xuyên là giải pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả mà không tốn kém.

Khi bố trí các thiết bị trong nhà bếp như bếp điện, bếp từ, nồi cơm điện, bình đun nước nóng, lò nướng, v.v. . bạn nên để chúng cách xa bồn rửa bát, vòi nước và nguồn nước. Một số thiết bị điện sau một thời gian sử dụng hoặc thậm chí ngay cả khi mới lắp đặt cũng có thể gây ra cảm giác tê tê tay, dù rất nhẹ, khi chạm vào các chi tiết kim loại. Hãy lấy bút thử điện để kiểm tra. Nếu thấy bút có sáng đỏ dù là mờ, bạn hãy rút phích cắm và đảo chiều lại, hiện tượng nói trên có thể sẽ hết, nếu không thì phải thông báo ngay với thợ điện để kiểm tra.

Lưu ý, các thiết bị như bếp điện, lò nướng và ấm đun nước sử dụng dòng điện lớn hơn nhiều so với ti vi hay dàn âm thanh, do vậy nên hạn chế cắm nhiều thiết bị điện đun nấu vào một ổ cắm, vì điều này có thể gây cháy.

Khi sử dụng bình nước nóng loại đun gián tiếp, bạn nên bật bình trước khi tắm khoảng 20 phút là đã có đủ nước nóng dùng, và tắt aptomat trong khi tắm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Dù hiện nay hầu hết bình nước nóng thế hệ mới đều có aptomat chống giật kèm theo nhưng “cẩn tắc vô áy náy”, vẫn nên tắt hẳn để an toàn. Sau vài năm sử dụng bạn nên yêu cầu kĩ thuật viên thay dây mayso đun nước bên trong bình, để tránh đóng cặn và rò điện.

Các loại dây điện cũ, có thể bị mủn, bị rạn nứt hoặc chuột cắn gây rò điện rất nguy hiểm, vì vậy lưu ý thỉnh thoảng kiểm tra để phát hiện thay thế kịp thời.

Chị em phụ nữ đôi khi cũng phải tự thay bóng đèn hoặc lau chùi, bảo dưỡng làm sạch bụi ở máy điều hòa, trong những trường hợp đó, nên tắt aptomat điện để thao tác cho an toàn; nếu thiếu sáng, có thể dùng đèn pin hoặc đèn bàn kéo điện từ phòng khác sang, khi xong hết mới đóng điện trở lại. Nên tạo thói quen kiểm tra và tắt các thiết bị tiêu thụ điện lớn như bình nước nóng, lò nướng, bếp điện… trước khi đi ngủ.

An toàn điện cho bé

Trẻ em rất hiếu động và tò mò. Vì vậy bạn cần đảm bảo cho bé không bị giật điện bằng cách thường xuyên để mắt đến con và có các giải pháp an toàn như nắp che ổ điện. Để các thiết bị điện và điện tử xa tầm với của bé. Kiểm tra, thay dây thiết bị khi thấy dây bị rạn nứt, đứt hoặc dây đã sử dụng lâu ngày. Không để trẻ nghịch dây điện hay các thiết bị điện. Lưu ý nhiều em bé rất thích cắn dây sạc điện thoại di động.

Hạn chế dùng ổ cắm rời. Chỉ nên dùng ổ cắm có thiết kế an toàn hoặc sử dụng nắp nhựa bịt lỗ cắm, dán băng keo những ổ cắm không sử dụng để tránh sự tò mò, nghịch ngợm của trẻ.

Che chắn toàn bộ ổ cắm điện và công tắc điện trên tường. Những thiết bị điện không dùng đến nên rút khỏi phích cắm.

Phần lớn ổ cắm điện được thiết kế lỗ nhỏ để trẻ  không thể cho ngón tay vào. Tuy vậy, trẻ lớn hơn một chút có thể cầm que sắt nghịch ngợm chọc vào, điều này rất nguy hiểm, chính vì vậy phòng của bé hoặc chỗ bé hay chơi nên dùng biến thế cách ly là giải pháp an toàn nhất.


From the same category