Ước mơ của cậu bé mồ côi Đoàn Văn Trung là có thể trở thành thầy giáo dạy văn (Ảnh: Minh Chiến)
Chúng tôi đến thăm Trung khi trời đã chuyển sang Thu với cái se lạnh heo may đầu mùa buồn man mác, theo lời kể của một người bạn về một cậu bé nghèo, hoàn cảnh rất đặc biệt, học giỏi và ngoan ngoãn, nhưng đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì quá khó khăn.
Căn nhà nhỏ trống tuyềnh toàng, nằm sâu giữa xóm, những mảng tường đã bong tróc lớp vữa bên ngoài, để lộ ra gạch mộc loang lổ. Ở một góc phòng, khói hương nghi ngút với bài vị của bà nội Trung, nơi chiếc bàn nhang vừa mới lập ít ngày, bức di ảnh nhòa trong màu khói. Nơi ấy, vốn là vị trí của chiếc giường ọp ẹp, nơi bà nội Trung vẫn nằm co ro trong những ngày cuối đời trong cơn bạo bệnh.
Liền đó, trong căn buồng nhỏ, giữa những chăn màn đã ngả màu thời gian bạc phếch quyện với mồ hôi và ẩm mốc, thành một thứ màu nâu vàng nhờ nhờ, bác gái Trung [bác không lập gia đình, ở cùng ông bà – PV], nằm liệt một chỗ, không tự đi lại được.
Bên chiếc bàn nhỏ cũ kỹ, ông Đoàn Văn Biêu, ông nội Trung, đã gần 80 tuổi, không cầm được nước mắt khi có người hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình mình.
Nỗi đau chồng lên nỗi đau
Giữa những khoảng lặng đi vì nghẹn ngào, ông kể câu chuyện của gia đình mình, như những thước phim quay chậm và buồn. Bố Trung bất ngờ mất vì tai nạn giao thông khi em vừa tròn 10 tuổi. Chỉ 5 ngày sau đó, mẹ em đột ngột bỏ đi.
Trong vòng chưa đầy một tuần lễ, nỗi đau chồng lên nỗi đau, mái ấm gia đình tan nát, Trung và em trai mới chỉ lên 4 tuổi bỗng chốc bơ vơ giữa cuộc đời.
Nhìn các cháu rồi lại ngước nhìn di ảnh con trai, ông lặng đi trong đau đớn, rồi nghẹn ngào kể: “Vợ chồng tôi lúc đó đón cháu về nuôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Hai đứa rất chăm ngoan, chẳng mấy khi để cho ông bà phải phiền lòng, đặc biệt là Trung. Cháu học rất giỏi, luôn đứng đầu khối, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Năm nay cháu vừa lên cấp ba, nhưng tôi không biết có đủ sức cho cháu ăn học tiếp không vì nhiều tốn kém, mà tôi thì đã già yếu quá rồi…”
“Bà nhà tôi mắc bệnh nan y. Bác gái của cháu thì ốm yếu, hơn một năm chỉ nằm một chỗ, không thể tự đi lại được. Một mình tôi mà nhà có 5 miệng ăn. Hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học. Hai mẹ con bà ấy thì đều ốm nặng, mỗi người nằm một góc nhà, cần tiền thang thuốc. Mà tôi bây giờ không làm được nhiều như trước nữa… nhưng tôi cũng gắng hết sức. Ấy nhưng thuốc thang mãi rồi mà bà ấy cũng vừa bỏ tôi, bỏ cháu mà đi…”
Ông khóc nấc lên thành tiếng, rồi lại vội nâng cánh tay với chiếc áo bay bộ đội sờn cũ lên lau hai hàng nước mắt đã lăn dài trên gương mặt già nua khắc khổ.
Tôi thấy mình như có lỗi. Ngồi đối diện tôi, người ông đã gần 80 tuổi, nhưng những vất vả và đau đớn của cuộc đời còn làm ông già hơn so với tuổi, đang co rúm trong nỗi đau tuyệt vọng.
“Địa phương người ta cũng quan tâm lắm, hỗ trợ được gì là hỗ trợ. Trước thấy hoàn cảnh gia đình ngày càng túng quẫn, họ có liên hệ để tôi có thể đưa cháu vào làng trẻ SOS. Tôi cay đắng lắm, nhưng giờ tôi cũng gần đất xa trời rồi, người già như tàn than rạ, nghĩ đến tương lai của hai cháu, tôi cũng xuôi lòng. Nhưng bà vợ tôi khi ấy nhất quyết không nghe. Bà ấy bảo, khi nào bà ấy vẫn còn sống, vẫn còn thở, thì không để cháu bơ vơ… Thế là lại thôi…”
Những ước mơ nhỏ dần
9 năm liền, Trung luôn là học sinh giỏi và đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi (Ảnh: Minh Chiến)
Niềm an ủi lớn nhất của ông là anh em Trung tuy thiếu vắng cha mẹ nhưng rất ngoan. 9 năm liền, Trung luôn là học sinh giỏi và đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi.
Những ngày cuối tháng 5/2016, trong khi các bạn đang tất bật với việc ôn thi trung học phổ thông, Trung vẫn phải tranh thủ những giờ không lên lớp để phụ giúp ông những việc trong nhà, từ cơm nước, lợn gà, quét dọn nhà cửa, bưng cơm rót nước, giúp bà và bác những khi cần di chuyển.
Cuộc sống quá khó khăn và khắc nghiệt như càng làm cho cậu học trò nhỏ ấy mạnh mẽ hơn so với vẻ bề ngoài mảnh khảnh.
Trung kể: “Nhiều khi nhìn bạn bè ríu rít bên cha mẹ, em cũng thấy tủi lòng, nhưng em có ông bà yêu thương, bạn bè và thầy cô yêu thương, nên theo thời gian, nỗi đau thiếu vắng cha mẹ cũng vơi dần. Em chỉ nghĩ mình phải cố gắng sống và học cho thật tốt để ông bà vui, để sau này có thể chăm sóc khi ông bà già yếu, có thể giúp đỡ những người khó khăn như mọi người đang giúp đỡ em bây giờ…”
Ước mơ của cậu học sinh giỏi ấy là có thể vào lớp chuyên văn của trường Trung học phổ thông chuyên Thái Bình và trở thành thầy giáo dạy văn, đứng trên bục giảng và nuôi dưỡng tâm hồn cho những học trò. “Nhưng em biết đấy chỉ là ước mơ thôi vì học trường chuyên rất tốn kém. Em đang học lớp 10, trường Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương, vừa gần nhà, đỡ chi phí, lại có thể chăm sóc cho ông, cho bác và cho em được nhiều hơn,” Trung chia sẻ.
Rồi như chợt nhớ đến hoàn cảnh thực tại của mình, Trung cười buồn: “Bây giờ, em chỉ muốn được… đi học.”
Nhìn ánh mắt em, tôi thấy nghẹn lòng cho những ước mơ cứ thu hẹp dần ấy.
Nói về cậu học trò nhỏ của mình, cô Trần Mỹ Anh, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9 của Trung, xúc động cho biết em thường xuyên phải nhịn ăn đến lớp. Sách vở, đồ dùng học tập, đến cả áo quần cũng phải đi xin để dùng lại. Khó khăn, thiếu thốn, nhưng Trung chưa bao giờ phải để thầy cô phải nhắc nhở về chuyện học hành.
(Video: Phan Hải Tùng Lâm)
“Em là lớp trưởng gương mẫu, là học sinh xuất sắc của trường, được bạn bè yêu mến. Em cũng luôn nhiệt tình trong các phong trào của lớp, của trường. Em bảo ước mơ sau này làm thầy giáo, có thể mang năng lực của mình, cái tâm của mình giúp đỡ những thế hệ mai sau. Mỗi lần nhìn cậu học trò nhỏ của mình, nghĩ về tương lai của em, tôi thấy rất xót xa…”
Đó không chỉ là lo lắng của cô Mỹ Anh, mà còn là của cả ban giám hiệu trường Trung học cơ sở xã Bình Nguyên. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Trần Tuấn Hùng bần thần nói: “Chúng tôi đã miễn hết cho anh em Trung mọi khoản đóng góp. Xin được hỗ trợ ở đâu, chúng tôi đều dành suất cho em, từ sách, vở, cái đèn học hay quà tết. Nói là dành suất vì mỗi khi cậu lớp trưởng ấy giới thiệu học sinh khó khăn của lớp để tặng quà, em đều nhường cho bạn khác. Em bảo mình đã nhận nhiều rồi.”
Hướng ánh nhìn lên dãy phòng học, thầy buồn rầu bảo: “Nhưng năm nay em đã tốt nghiệp, hoàn cảnh Trung quá khó khăn, chúng tôi rất lo không biết khi học tiếp lên cấp ba em có khả năng theo học hay không…”
Theo VietnamPlus
Bài: Mai Phạm
Ảnh: Minh Chiến
Video: Phan Hải Tùng Lâm