Ăn dặm thế nào cho... sung sướng? - Tạp chí Đẹp

Ăn dặm thế nào cho… sung sướng?

Sống

Chuyên đề “Và mẹ đã lớn lên như thế, cùng con”

Làm mẹ là một công việc vô cùng khó, mà lại không có thời kỳ “thực tập”. Vì thế mà mẹ cũng có nhiều lúc “sa lầy” vào những quan niệm sai lầm. Nhưng, cùng với quá trình trưởng thành của con, mẹ đã học được những bài học cho riêng mình. Và, mẹ đã lớn lên như thế, cùng con.

>> Ăn dặm không phải là để “nhồi” dưỡng chất cho con

>> Nhu cầu ăn của con không phải do mẹ quyết định

>> Ăn dặm thế nào cho … sung sướng?

Thời điểm bắt đầu

Như câu chuyện mẹ đã kể về My lần trước. Con 6 tháng tròn nhưng chỉ hợp tác với mẹ trong mỗi 1 tuần đầu ăn bột. Từ khi biết đến phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), mẹ quyết định dừng hẳn việc ăn bột lại, cho My nghỉ ngơi, uống sữa thêm 1 tháng nữa mới bắt đầu ăn dặm lại từ đầu. My sinh non 5 tuần, thật may mẹ đã được đọc rằng như vậy tuổi thật của My mới chỉ gần 5 tháng. Nghĩa là tất cả những trẻ sinh non từ 4 tuần trở lên, thì thời điểm ăn dặm và các chỉ số cân nặng – chiều cao đều trừ đi 1 tháng hoặc nhiều hơn, tương ứng số tuần em bé sinh non. Nghĩa là tròn 7 tháng kể từ lúc ra đời, My cũng chỉ cần tiêu chuẩn cân nặng của em bé 6 tháng, và ăn dặm không có gì là muộn. Dù ông bà có vẻ không hài lòng nhưng bố My đã lắng nghe mẹ nói, cùng mẹ thức đêm đọc tài liệu và thuyết phục ông bà để mẹ hoàn toàn quyết định việc sẽ chăm sóc Hà My như thế nào.

Giúp trẻ hình thành phản xạ nhai và nuốt

Bí xanh nghiền nhuyễn cho My ăn trong giai đoạn đầu

Mẹ đã bắt đầu bằng việc mỗi ngày cho My ăn 1 thìa cháo trắng, không nêm gia vị, loãng như sữa chua mềm, nghiền qua rây (mẹ mua chiếc lưới lọc cua loại tốt, mắt dày và khít). Mỗi ngày 1 thìa nhỏ 5ml, có thể nhiều hơn nhưng không quá 5 thìa. Duy trì liên tục trong 1 tháng, cứ 3 ngày lại đổi món 1 lần, từ cháo gạo sang cháo bánh mì (quấy ruột bánh mì trong nước và đun sôi), từ cháo bánh mì sang bí đỏ, đỗ xanh rồi đỗ đen, khoai lang và khoai tây, đều theo cách nấu chín rồi rây nhuyễn… Thử hầu hết những loại tinh bột và rau củ, hoàn toàn không có thịt, trứng hoặc dầu ăn. Cứ mỗi món ăn 3 ngày liên tục, mỗi hôm 1-5 thìa rồi đổi sang món khác để kiểm tra xem cơ thể trẻ có thể My dị ứng với món nào hay không. Việc này giúp My có phản xạ đánh lưỡi, dùng lợi để “nhai” và nuốt thức ăn.

Tăng dần độ thô

My được 7 tháng, My đã được ném thử vị chuối trộn với sữa chua

Tròn 1 tháng ăn đồ rây nhuyễn, mẹ chuyển từ món ăn nghiền nhuyễn của My sang món đậu non (tào phớ) và bắt đầu cho My ăn hoa quả. Lượng ăn tăng lên nhưng vẫn chỉ dao động từ 0 đến 10 thìa tùy vào sự hợp tác của con. Mẹ bắt đầu rây rối, không mịn và sánh như hồi trước, cứ thế thấy con hợp tác được, mẹ lại nâng dần lên. Nếu con không thoải mái, con lè ra, mẹ lùi độ thô lại hoặc cho con dừng ăn dặm vài ngày.

My cứ thế ăn cháo rây rồi cháo gạo vỡ. 9 tháng tròn, tức là 2 tháng sau ngày ăn dặm, My đã ăn được rau củ luộc mềm và cháo nguyên hạt rồi. Đây không phải là chuyện gì thần kỳ ghê gớm, các cô trên diễn đàn còn kể các bạn khác, mới 8 tháng tròn còn gặm cơm rồi ấy. Mẹ thấy là My cũng có thể ăn thịt được, mẹ hầm thịt lên cho mềm hoặc cho em ngồi bốc lòng đỏ trứng, nhưng vì biết đến vị ngọt tự nhiên của rau củ rồi, em thích rau hơn. Thỉnh thoảng lắm mới gặm đôi chút thịt. Điều đặc biệt là vì My đã có 1 tháng ăn đồ nhuyễn, lại không hề bị nhồi ép ăn nhiều nên My làm chủ quá trình xử lý thức ăn của mình rất tốt. Khi thức ăn cứng quá, không nhai được, My chủ động lè ra mà không hề bị hóc như mẹ đã lo lắng và hình dung. Về sau “lão luyện” rồi nên em chỉ chạm lưỡi vào là biết, “cái này” có thể nuốt được không. Không nuốt được, em mút chán, nhẩn nha chán, em lè.

Lượng ăn

My không ăn nhiều. Em gặm miếng rau bằng đốt ngón tay là mỏi hàm rồi nên tiếp theo là em sẽ ngồi chơi trên ghế ăn, bóp nát và bôi cả nước rau lên đầu. Mẹ không thấy phiền hà gì cả, coi như trò chơi em luyện ngón tay. Kết thúc bữa ăn, mẹ sẽ tắm cho em sạch sẽ, cho em uống sữa rồi đi ngủ, nhàn tản sung sướng hơn biết bao nhiêu lần ăn rong, và lại biết chính xác là con thoải mái và vui vẻ.

Sau này khi đã quen, My còn nhấm nháp chả thịt cùng với bố mẹ nữa.

Mọi người thắc mắc là em ăn đã ít mà gặp thức ăn cứng còn lè ra thì vào bụng được gì, nhưng mẹ thì biết, chẳng có gì vào bụng nhưng kinh nghiệm và cảm giác về thế giới thì đã vào đầu My, phong phú và vui tươi! Với lại, My không hề thiếu cân. Em biết đi từ khi 11 tháng và “tiêu thụ” đều đặn 1 lít sữa hàng ngày. Vậy là mẹ biết em phát triển bình thường. Và tiến trình hoàn toàn đơn giản, tự nhiên.

Thỉnh thoảng, nghe mọi người xung quanh kể chuyện họ sợ không dám sinh thêm em bé vì nghĩ đến quá trình nuôi em bé đầu tiên quá khổ sở và mệt mỏi, mẹ lại muốn chia sẻ thêm kinh nghiệm của mình. Chỉ cần tóm tắt rằng trong 1 tháng đầu cho em ăn thật ít và thật nhuyễn, không nêm nếm gì. Qua 1 tháng đó thì cứ căn cứ vào tình hình thực tế của con mà quyết định tiến/lùi về độ thô. Đến 9 tháng mới bắt đầu cho gia vị nhạt vào những món con ăn. Con không muốn ăn gì thì mẹ sẽ cất đi và cho con uống sữa. Vì bị “đói ăn” nên con sẽ uống sữa nhiệt tình, không có gì lo ngại.

Hành trình ăn dặm của My đã cho mẹ những bài học kinh nghiệm “nhớ đời”

Những ngày lớn cùng con đã cho mẹ nhận ra, những gì mẹ tưởng đúng đắn và hợp lý, khi đặt vào thực tiễn vẫn cần phải xem xét thận trọng hơn. Nhưng có những điều, thực tiễn và tự nhiên dẫn dắt chúng ta đi nhanh hơn những gì chúng ta có thể hình dung, và không cần phải quá phụ thuộc vào lý thuyết.

Bài và ảnh: Trúc An
sớm

Mẹ thật sai lầm khi đã không tôn trọng nhu cầu ăn của con, ép con ăn khi mẹ nghĩ là con đói chứ không phải khi con thực sự đói


Thực hiện: depweb

29/05/2014, 14:41