Âm thanh của nỗi chết

Nắng. Nắng ùa ạt từng vạt bỏng rát, từng đợt hào phóng lên mặt Tuyên. Bây giờ đã là đầu tháng sáu, đã sang mùa mưa hơn bốn mươi ngày, mà vẫn nắng. Nắng cứ chực chiếm chỗ mưa như lũ trẻ chiếm chỗ ngồi nhau ngoài bãi chiếu bóng lưu động.

Tuyên dự định vào mùa này, anh sẽ đi du lịch đâu đó xa xa một chút. Thể nào anh cũng tìm được một cái cớ “công việc’’ cho chuyến đi của mình. Thể nào anh cũng sẽ dành hai ngày đầu ở nơi lạ, gặp ông này thăm bà kia, ra vào vài mươi cổng cơ quan, cụng ly vài mươi lần với đám người lâu không gặp. Rồi ngay sau đó, những ngày tiếp đó, là của anh. Tuyên lẩm nhẩm, “Những tên hề đã khóc. Xuất diễn sau cùng. Những ngày đời còn lại. Là của tôi hay của cái chết chậm…”, đoạn bài hát Tuyên ưa thích mà Quang đã viết. Quang chỉ là một nhạc sĩ nghiệp dư, nhưng có hề gì.

Có hề gì. Nắng đang chiếm chỗ trong hồn Tuyên vào lúc này. Nó không cho anh tiếp tục hát. Và cũng chẳng nghĩ được gì thêm cho dự định chuyến đi.

Chưa bao giờ Tuyên cảm thấy an toàn khi đi đâu xa bằng ô tô. Kinh nghiệm chết đuối hụt vào năm lên tám vẫn không làm anh từ chối đi tàu thủy, nhưng dứt khoát dị ứng với ô tô. Tuyên điểm lại trong trí nhớ vốn khá lộn xộn của mình những lần buộc phải dùng đến xe “đóng hộp”; đấy toàn là những lần suýt chết, hay cũng có thể, sự bất an chỉ là tưởng tượng của Tuyên. Lần thì xe cứ như trượt thẳng xuống sông khi qua phà, lần khác mỗi khúc quanh đường đèo đều như báo hiệu phút cuối của đời anh. Tám lần cả thảy. Thế thôi nhé, đủ rồi nhé, Tuyên tự bảo, anh cương quyết sẽ không bao giờ bước lên ô tô trong quãng đời còn lại.

Tuyên không sống một mình, dù người ngoài tưởng thế. Thỉnh thoảng, một cô gái xinh đẹp đến ở lại ít ngày, hình như chưa bao giờ quá một tuần. Cô đến và đi đều yên lặng, lặng đến mức ông già về hưu nhà ngay sát bên Tuyên cũng mới chỉ thoáng thấy màu áo xanh mạ của cô lướt qua trong chiều muộn đúng một lần, khi cô ra khỏi nhà.

Tuyên không sống một mình, dù người ngoài tưởng thế. Thỉnh thoảng, một cô gái xinh đẹp đến ở lại ít ngày. Cô đến và đi đều yên lặng, lặng đến mức ông già về hưu nhà ngay sát bên Tuyên cũng mới chỉ thoáng thấy màu áo xanh mạ của cô lướt qua trong chiều muộn đúng một lần, khi cô ra khỏi nhà.

Trong mắt Tuyên, cô hoàn hảo. Chưa đầy hai mươi, cô xanh nõn như một mầm cây, da thịt lúc nào cũng như được tráng một lớp nước mỏng, trong suốt, óng ánh. Cô thích mặc áo top màu xanh mạ, quần jeans xanh lưng rất thấp, khoe vòng eo thon gần như gãy ở đoạn cong, có khi Tuyên còn nhìn thấy những sợi lông măng sáng lấp lánh ở phía trên mông cô. Ngực tròn, đẹp như thể không có thật. Dĩ nhiên Tuyên đã được nhìn ngắm bao nhiêu lần không nhớ nổi khuôn ngực ấy, thế mà, anh vẫn cứ ao ước được ngắm nữa, ngắm nữa.

Có lần Tuyên còn nghe thấy trong đêm, hình như bộ ngực tuyệt hảo ấy biết nói. Nó phát ra thứ âm thanh tựa như tiếng ọ ẹ của trẻ sơ sinh. Tuyên nhớ lúc ấy, anh buông vội điếu thuốc hút dở, nghe ngóng xem âm thanh phát ra từ đâu. Cô gái thở đều, và anh phân biệt được rõ âm thanh của hơi thở với tiếng ọ ẹ kia. Anh cúi xuống cô. Càng gần bộ ngực, tiếng càng rõ ràng. Nó biết nói.

Chưa đầy hai mươi, cô đã có một quá khứ đáng để nhiều người ganh tị. Mốt bây giờ, là quá khứ càng dày, càng phức tạp, càng u tối, càng nhiều chuyện kể, thì càng tự hào. Cô đã kể cho Tuyên trong nhiều đêm liên tiếp về tuổi thơ cô, về thời niên thiếu, về những mối quan hệ nhằng nhịt rắc rối tuổi dậy thì, về những lần tự tử hụt, về những đêm mất ngủ, về cha mẹ cô, về một vài người ít ỏi thực sự tốt với cô nhưng chẳng hiểu sao cô cứ bỏ đi.

Chưa đầy hai mươi, như thế là quá nhiều, nhưng Tuyên có cảm giác, tất cả những câu chuyện cô kể hoàn toàn có thể được kể lại từ đầu trong nhiều đêm liên tiếp khác, vì chúng có khả năng dị bản hết sức cao. Chẳng hạn, Tuyên được biết cô bị người cậu ruột làm nhục đúng vào sinh nhật thứ mười; anh cứ đinh ninh thế cho đến một lúc vui chuyện, cô lại bảo anh, người đã hiếp cô không thành công vào năm cô mười sáu tuổi là ông hàng xóm bạn của người cậu. Tuyên không tiện hỏi như thế là đã xảy ra hai cuộc hãm hiếp hay chỉ một, và nếu một thì cuộc nào là thật.

Chẳng hạn, cô đã chìa tay cho Tuyên xem vết cắt tĩnh mạch mà theo lời cô, nó được thực hiện vào đêm trước ngày khai giảng lớp mười, cô cắt tay nhìn máu chảy rồi lấy ngòi bút lá tre chấm máu viết nhật ký. Rồi một hôm, khi Tuyên đang mân mê vết sẹo trên cổ tay cô, định nói đùa rằng mai mốt anh cũng bắt chước em cắt tay viết đơn ly dị, thì cô lại kể một lai lịch khác của vết sẹo ấy, “Em giằng co với tên người yêu cũ, cái cậu sinh viên ấy, ngón cái của hắn đeo một chiếc nhẫn to, lúc em giật được tay ra thì cả cổ tay bầm tím, về đến nhà mới thấy máu ròng ròng”.

Tuyên lại không tiện hỏi, vậy là em bị rách hai lần ở cùng một chỗ hay sao. Chẳng hạn, cô kể lần tự tử hụt bằng cách trèo qua lan can cầu định lao xuống sông, nhưng quai giày bỗng vướng vào một cái mấu trên thành cầu, cô cúi xuống gỡ thì mấy bàn tay níu lấy giật cô lại – bọn trẻ nhặt rác nửa đêm đã cứu cô. Rồi một hôm khi Tuyên rủ cô đi bơi, cô buột miệng bảo, bơi ở sông mới thú, em đã từng lao xuống sông định tự tử, thế mà chạm nước là bơi một hơi vào bờ, chả chết được. Tuyên không tiện hỏi con sông mà cô đã bơi với con sông cô được trẻ nhặt rác ngăn không cho bơi là hai sông hay chỉ một.

Với chừng ấy câu chuyện, chừng ấy giai thoại, chừng ấy khả năng dị bản, Tuyên tin là mình còn thèm muốn cô suốt đời. Anh chẳng bao giờ chán được cô.

Tuyên đã có một đời vợ, tuy chưa làm hôn thú. Khi bỏ nhau, họ chia tay lặng lẽ, không có nước mắt, cũng chẳng một lời trách cứ. Tuyên cứ luôn nghĩ cuộc chung sống ấy của hai người không kéo dài được là vì lý do tiền bạc; anh và vợ anh có quan niệm về tài sản, về đồng tiền quá khác nhau. Thời gian sống chung hai năm rưỡi, chưa bao giờ Tuyên phản bội vợ. Anh cũng đinh ninh rằng vợ anh chung thủy tuyệt đối với mình, thế nên sau khi chia tay, anh một mực giải thích với bạn bè rằng đấy là do lỗi của anh, lỗi cố chấp, lỗi gia trưởng.

Mãi sau này trong một cuộc rượu, Quang, gã nhạc sĩ nghiệp dư bạn nối khố của Tuyên, mới say chuyện kể cho anh nghe gã đã dan díu với vợ Tuyên một thời gian, mà quãng thời gian đó trùng gần khít với thời gian chung sống của vợ chồng Tuyên. Hôm đó, Tuyên cũng say. Anh lặng lẽ bỏ quán ra về. Anh cũng chẳng hiểu sao những ngày sau cuộc rượu kia, nghĩ về câu chuyện chung thủy, anh vẫn không thấy tổn thương.

Tuyên vốn là người cả nghĩ, mẫn cảm quá đáng; thế mà ở tình thế biết mình bị lừa như thế này, anh lại chẳng gợn lên một nỗi khó chịu nào. Anh vẫn quý Quang, họ vẫn gặp nhau qua những cuộc rượu khác, anh còn xem Quang như tay viết nhạc tài năng nhất thế kỷ. Anh vẫn lẩm nhẩm hát bài hát của Quang đấy, “Những tên hề đã khóc. Xuất diễn sau cùng. Những ngày đời còn lại. Là của tôi hay của cái chết chậm…”, bài hát không trọn vẹn mà vẫn mê hoặc.

Màu xanh mạ ít hôm nay không đến. Trước khi bỏ đi, cô có dặn, “Anh đừng sốt ruột nhé, em thu xếp một ít việc để sống với anh cho trọn vẹn hơn.” Tuyên không sốt ruột mong cô, nhưng thỉnh thoảng anh hay bật dậy trong đêm vì thoáng nghe thấy tiếng ọ ẹ của trẻ sơ sinh. Anh thức giấc luôn, ra sân hút thuốc chờ sáng, nhớ lại những câu chuyện cô kể cùng những dị bản của chúng, rồi cứ mong ngóng được nghe thêm những dị bản khác. Màu xanh mạ ngày mai có đến không, màu xanh mạ cuối tuần có về không, màu xanh mạ cuối năm có chịu cho mình cưới không, Tuyên đâm ra lẩn thẩn tự hỏi mình như thế.

Tuyên ra phòng vé, mua một vé duy nhất đi Đ., cô bán vé to béo như một chiếc gối hình hạt đậu chất trên chiếc ghế xoay lui cui gõ máy tính, gọi điện hỏi, lại gõ máy tính, lại gọi điện, mười phút sau cô bảo, không còn một chiếc vé nào đi Đ. trong vòng hai tuần tới. Tuyên ngạc nhiên, người ta kéo về Đ. làm gì đông thế. Anh điện thoại hỏi một người quen làm hàng không, kết quả không khả quan hơn, người ta bảo anh phải chịu đăng ký waiting list. Tuyên rất ghét vị trí làm kẻ trám chỗ, nên bỏ về. Dọc đường, đi qua các văn phòng du lịch lữ hành, Tuyên định ghé vào rồi lại thôi. Anh ghét đi ô tô. Anh đã thề không đi ô tô nữa.

Nhưng anh muốn đến Đ. trong dịp này. Trời nắng quá, Tuyên mệt. Căng thẳng. Nhớ. Những cảm giác chồng chất. Khó khăn. Anh phải đi đâu đó. Anh phải đến Đ., bất cứ giá nào. Có lẽ, mình sẽ thuê xe bốn chỗ, dẫu sao, xe nhỏ thấp cũng làm anh yên tâm hơn. Tuyên nhớ lại cảm giác ngồi xe ca đường đèo. Trọng tâm đặt quá cao so với mặt đất khiến anh luôn có cảm tưởng mình sẽ bị bắn ra khỏi xe, xuyên thủng kính, văng xuống vực. Tuyên về gần nhà, nơi có một người cho thuê xe du lịch. Anh bảo cần xe bốn chỗ thật tốt, tài xế thật cứng tay, để đi Đ.

Buổi tối trước ngày đi, Tuyên đi uống rượu với Quang. Anh lại lẩm nhẩm hát, “Những tên hề đã khóc. Xuất diễn sau cùng. Những ngày đời còn lại. Là của tôi hay của cái chết chậm…”. Quang bảo, mày hát hay ghê, tao không ngờ bài hát vớ vẩn mà thành hay thế. Hôm đó Tuyên rất mệt, có lẽ do cả một ngày chịu nắng. Anh có vẻ say dù chưa uống được bao nhiêu. Tuyên bảo, tao thích mày hát bài của mày, mày hát đi, tao thu vào điện thoại, mai đi đường tao nghe. Quang sửng sốt, bài hát ấy mày thuộc lòng rồi, mày lại hát hay hơn tao. Tuyên bảo, mày chiều tao chút, tao thích thế, hát đi.

 Quang hát, giọng khan đặc:
 “Những tên hề đã khóc
 Xuất diễn sau cùng
 Những ngày đời còn lại
 Là của tôi hay của cái chết chậm
 Những ngày vui chưa đến
 Là của em hay của chúng ta
 Xuất diễn còn đông khán giả
 Thôi tên hề đừng khóc
 Cái chết bao giờ cũng mang bộ mặt tươi cười…”

 Tuyên cúi mặt, cảm ơn mày.

Đêm hôm đó mưa. Tuyên nghe rõ trong tiếng mưa có những tiếng ọ ẹ của trẻ sơ sinh. Anh mơ thấy mình nhặt được một đứa trẻ còn đỏ hỏn trước sân nhà, bên cạnh chiếc kệ để giày. Anh chạy vội đi gõ cửa hàng xóm nhờ họ giúp đỡ, nhưng khi cả xóm ùa đến thì bên chiếc kệ để giày chỉ còn vắt một chiếc áo top màu xanh mạ, đứa bé đã biến mất.

Quang nhận được tin bạn mình đã tử nạn khi đổ dốc đèo. Tuyên rơi xuống vực, nhưng tài xế chỉ bị xây xát nhẹ. Đó không hề là một tai nạn giao thông, việc ấy mãi về sau gã mới biết. Vào ngày Tuyên gặp nạn, Quang cũng đi khỏi thành phố, gã đi theo một cô gái có bộ ngực đẹp nhất trần gian. Mãi nửa năm sau, Quang mới về nhà, tha theo cô gái kia. Trong một đêm mưa nhưng trời đất vẫn oi nồng, Quang không ngủ được, gã đòi cô gái kể chuyện. Chuyện cô kể như thế này:

Ngày trước em có một anh người yêu, tay này giàu và dễ tính kinh khủng, hắn để em tự do, chẳng bao giờ quản lý. Hắn cũng hứa hẹn này khác, nhưng em chả tin. Một lần kia tình cờ em biết hắn thuê ông cậu em lái xe đưa đi Đ., em cũng vui miệng thôi, bảo cậu, anh ấy là người yêu cháu đấy. Cậu chả nói gì, chỉ thấy mặt xám lại. Mới hôm nọ, cậu ấy đưa cho em cái di động của hắn, bảo em là chuyến xe ấy bị tai nạn, thằng bồ mày chết rồi, tao bị thương, bị công an giữ, rồi thả ra vì thiếu chứng cứ kết tội tao. Thực ra, tao xử thằng bồ mày đấy. Nó ngồi ghế sau mà cứ lải nhải bật một bài hát gì đó trong di động, tao mệt đầu quá.

Em đang dùng cái di động của hắn đây này.

Quang được nghe về cái chết của bạn mình như thế. Nhưng gã không giống Tuyên, không khao khát nghe thêm các dị bản khác của câu chuyện./.

 

 


From the same category