Alfred Hitchcock – Những mảng màu sáng tối trong một nhân tài - Tạp chí Đẹp

Alfred Hitchcock – Những mảng màu sáng tối trong một nhân tài

Review

Tính cách đối lập với tác phẩm

Nếu ai đã từng tiếp xúc và sống bên cạnh Alfred Hitchcock từ lúc nhỏ sẽ không thể ngờ một cậu bé nhút nhát lại có thể trở thành một đạo diễn lừng danh với thể loại phim kinh dị. Nhưng có lẽ tính cách nhút nhát đó chính là chất liệu giúp ông vua phim kinh dị sáng tạo ra nhiều tình huống phim độc đáo đến rùng rợn.

Ngày nhỏ, chỉ vì không nghe lời cha và bị ông dọa cho vào đồn cảnh sát một lần, ngồi trong đó 10 phút, cậu bé Alfred đã sợ chết run và ám ảnh mãi hình ảnh đồn cảnh sát tới mãi tận sau này và mang cả nỗi ám ảnh đó vào trong các tác phẩm của mình.

Sự sáng tạo và bản chất nhút nhát đã giúp ông tạo nên những thước phim lạnh tóc gáy mà khán giả không thể nào quên trong suốt 60 năm lao động nghệ thuật của ông.

Để có những thước phim không quên đó, Alfred Hitchcock tiên phong trong việc sử dụng máy quay và biết cách di chuyển nó để bắt được từng ánh nhìn của diễn viên, là cách ông buộc người xem phải tham gia vào cuộc chơi mà ông “lĩnh xướng”. Đó cũng là yếu tố then chốt tạo nên thành công mỗi bộ phim của Hitchcoock. Mỗi một cảnh quay của Hitchcock khán giả sẽ đi tới tận cùng lo sợ nhờ sự dẫn dắt tài tình của một con người vốn bản tính nhút nhát và biết rõ những cung bậc sợ hãi.

Phim của ông thường có những cuộc chạy trốn và nhân vật nữ chính luôn là những cô gái tóc vàng xinh đẹp. Rất nhiều phim của Hitchcock có cái kết quằn quại và rất nhiều cảnh bạo lực, giết chóc, tội phạm. Tuy nhiên, những nút thắt bí ẩn trong phim được sử dụng làm chủ đề của phim và là những bài cân não của các nhân vật.

Rợn người với những chi tiết trong phim Alfred Hitchcock

Khán giả sẽ không thể quên những pha rượt đuổi đến ngạt thở khi xem “Blackmail” (1929) hay thót tim với cũ ngã tự do từ tượng Nữ thần Tự do trong “Saboteur” (1942)…  Nhưng điểm ghi dấu ấn nhất của Alfred Hitchcock chính là những chi tiết rùng rợn được ông sáng tạo và nêm mắm muối bởi kỹ xảo quay và âm thanh rất cầu kỳ.

Phim “The Lady Vanishes” (1938)

Cảnh nhân vật Marion (Janet Leigh thủ vai) bị đâm dã man cho đến chết dưới vòi hoa sen trong phim Psycholà một ví dụ. Để hoàn thành cảnh quay khoảng 3 phút, đoàn phim đã phải quay trong sáu ngày liền tiếp với 77 góc máy khác nhau. Cảnh quay đó đã khiến cho khán giả bị ám ảnh mãi về sau khi họ bước chân vào phòng tắm nhà mình. Hay cảnh những con chim giết người tập trung trong một sân trường ở “The Birds (1963) cũng mãi ám ảnh người xem. Điều đáng nói, tất  cả những cảnh quay rùng rợn ấy đều được xây dựng nên từ trí tượng của một con người luôn mang trong mình nỗi sợ hãi. Khác biệt là, Alfred Hitchcock đã biết biến điểm yếu lúc nhỏ của mình trở thành điểm mạnh và đưa ông lên ngôi vị thượng thặng của dòng phim kinh dị.

Nỗi ám ảnh về những cô gái tóc vàng

Điều dễ thấy là trong những bộ phim của Alfred Hitchcock, các vai nữ luôn là những cô gái tóc vàng xinh đẹp. Không những thế ông còn thích quay cận cảnh mái tóc được chải chuốt khéo léo này. Vua phim kinh dị từng tâm sự ông muốn nhân vật nữ chính của mình phải thật đẹp và thoát khỏi hình ảnh một bà nội trợ. Chính vì thế, những nhân vật nữ trong phim của ông đều phải tóc vàng và mang vẻ đẹp kiêu sa, lạnh lùng như Ingrid Bergman, Grace Kelly, Kim Novak, Eva Marie Saint, và Tippi Hedron…

Ingrid Bergman trong phim  “Notorious” (1946).

Mê mẩn với các cô gái tóc vàng, Alfred Hitchcock từng dính nhiều tin đồn không hay với các nữ diễn viên chính của mình. Diễn viên tóc vàng đầu tiên lọt vào mắt xanh vị đạo diễn tài ba là Tippi Hedren. Ông đã bị vẻ đẹp của nữ diễn viên người Mỹ mê hoặc và ưu ái. Nhưng mọi sự không như Alfred mong muốn bởi Tippi luôn từ chối những lời tán tỉnh của vị đạo diễn và không muốn tiếp tục hợp tác với ông nữa.

Mặt trái của vị đạo diễn tài ba đã được phơi bày trong bộ phim “The Girl” của HBO trình chiếu cách đây gần 3 năm. Bộ phim kể về câu chuyện của Tippi Hedren, nữ diễn viên chính trong phim “The Birds” và “Marnie”, nàng thơ một thời của Alfred Hitchcock.

Theo lời kể của Hedren, bà đã phải chống lại những đòn tán tỉnh và lạm dụng tình dục từ vị đạo diễn nổi tiếng Alfred Hitchcock mỗi khi kết thúc một ngày quay. Nữ diễn viên tóc vàng, nay đã 82 tuổi, còn cho rằng chính Alfred đã phá hỏng sự nghiệp của bà và rằng nỗi ám ảnh những cô gái tóc vàng của ông là một sự biến thái.

Trong dự án phim tiểu sử kể về đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock, Scarlett Johansson được chọn vào vai nữ diễn viên Janet Leigh

Và theo một số nguồn tin thì Tippi không phải là nữ diễn viên tóc vàng duy nhất bị Alfred Hitchcock quấy rối. Grace Kelly, Janet Leigh cũng là hai nữ diễn viên tóc vàng nằm trong danh sách được “sủng ái” của ông vua phim kinh dị.

Điều đáng nói, dù say mê với các cô gái đẹp kiêu sa trên màn ảnh và dính không ít tin đồn với các diễn viên, nhưng Hitchcock lại là một trong số ít đạo diễn chung thủy với một người vợ duy nhất. Bà Alma Reville là người phụ nữ ông gắn bó từ năm 1926 đến cuối đời. Cuộc sống hôn nhân của ông cũng được đánh giá là bền vững và hạnh phúc. Hai người có một con gái chung là Patricia Hitchcock, cô gái này từng vài lần được xuất hiện trong phim của bố.

Chưa có duyên với Hollywood

Trong suốt cuộc đời đạo diễn kéo dài 60 năm của mình Hitchcock đã chỉ đạo hơn 50 bộ phim. Trong một cuộc bình chọn năm 2007 về điện ảnh, các nhà phê bình phim của tờ Daily Telegraph đã tự hào nhận xét về nhân tài nghệ thuật thứ 7 của đất nước mình: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Hitchcock là người đã hình thành nên nền điện ảnh hiện đại chứ không phải đạo diễn nào khác. Tạp chí MovieMaker đã miêu tả ông là nhà làm phim có ảnh hưởng nhất mọi thời đại và ông được đông đảo mọi người công nhận là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.”.

Nhưng một giải thưởng Oscar chưa đánh giá đúng thành tựu nghề nghiệp của vị đạo diễn tài năng này. Bên cạnh đó, dù nổi danh ở Anh với rất nhiều bộ phim bất hủ nhưng  Alfred Hitchcock lại không có cơ duyên hợp tác với các hãng phim Hollywood bởi một lý do kỳ cục, họ không tin tưởng vào tài năng của ông. Và điều đó đã đánh mất cơ hội làm phim đầu tiên ở Hollywood của Hitchcock, khi mà lẽ ra, ông đã là đạo diễn của bộ phim đình đám Titanic”. Ông bị nhà sản xuất từ chối vì không tìm được đạo cụ là chiếc tàu để đánh chìm. Cuối cùng ông bắt tay với Hollywood bằng bộ phim khác – Rebecca.

Ngày 29/4/1980, Hitchcock qua đời vì suy thận, thọ 80 tuổi. Ông được hỏa táng và tro được rải ở biển Thái Bình Dương.

Sau nhiều năm tháng nỗ lực từ vị trí người thiết kế tựa phim, viết kịch bản, trợ lý đạo diễn đến năm 1925 Alfred Hitchcock mới được thỏa lòng với tác phẩm điện ảnh đầu tay do ông làm đạo diễn.

Tác phẩm đầu tay bộ phim câm “The Pleasure Garden của Alfred Hitchcock đã mang hơi thở của một bộ phim kinh dị nhưng màu sắc và dấu ấn chưa khiến khán giả phải rợn tóc gáy. Phải đến năm 1926, với bộ phim hồi hộp rùng rợn, “The Lodger, sự nghiệp ông bắt đầu thăng hoa. Người ta đã thấy ở “The Lodger nhiều chi tiết sẽ còn xuất hiện tiếp trong các cuốn phim sau này của ông: người phụ nữ tóc vàng, tên sát nhân, người đàn ông bị kết án oan… Tiếp đó là một loại những tác phẩm đã làm nên thương hiệu ông vua phim kinh dị như: Blackmail (1929), The Man who knew too much (1934), The 39 Steps (1935 ), The Lady Vanishes (1938) , “Saboteur(1942), “Notorious” (1946) , “Strangers on a Train” (1951), “Rear Window”(1954),“Vertigo” (1958) , “North by Northwest” (1959) , Psycho (1960), The Birds” (1963 ).

Bài: An Nhiên

Ảnh: NY, Daily


logo

Thực hiện: depweb

09/04/2015, 20:00