Nàng Thơ: Nguồn cảm hứng bất tận - Tạp chí Đẹp

Nàng Thơ: Nguồn cảm hứng bất tận

Thời Trang

Nàng Thơ

“Nhà ngươi, hãy lại đây, nào bắt đầu với Nàng Thơ – những kẻ hân hoan linh hồn vĩ đại của cha mình, thần Zeus, trên đỉnh Olympus bằng bài ca kể câu chuyện đã, đang và sẽ thuộc về quá khứ với giọng hát đầy mê ly.” (trích trường ca “Theogonía” của nhà thơ Hesiod, mô tả nguồn gốc các vị thánh thần Hy Lạp, được viết vào khoảng thế kỉ 8-7 trước Công nguyên)

“Nàng Thơ Thaleia” (tranh sơn dầu, Michele Ungaro, Michele Pannonio, bảo tàng Budapest)

Từ truyền thuyết bên chân núi Olympus…

Theo truyện xưa tích cũ thời Hy Lạp cổ đại, điển hình qua các bài thơ của Hesiod hay bản trường ca “Odyssey” và “Iliad” viết bởi Homer, thần Zeus – vị thần dũng mãnh và quyền năng cũng là một người vô cùng đa tình, đã có tình cảm với nàng Mnemosyne, hiện thân của trí nhớ trong vóc dáng một nữ thần. Tình cảm ấy phôi thai thành những cô con gái xinh đẹp, sinh ra ở Pieria, nơi chân ngọn núi linh thiêng Olympus, là những Nàng Thơ huyền thoại – Mousae theo tiếng Hy Lạp, bậc nữ thần của thi ca. Các Nàng Thơ thừa hưởng trí nhớ phi thường từ mẹ, họ có thể hát lên bài ca tưởng chừng đã tuyệt diệt trong quá khứ, làm sống lại nó bằng tài nghệ và vẻ duyên dáng thần thánh. Họ có khả năng ghi nhớ các tuyệt phẩm thơ văn và âm nhạc của con người, rồi sau này cất thành lời ca, biến chúng mãi mãi bất diệt trong trí tuệ nhân loại.

Không ai có thể biết chắc tồn tại bao nhiêu Nàng Thơ tất cả, bởi truyện thần thoại Hy Lạp có vô vàn phiên bản khác nhau, ngay cả nguồn gốc thực sự của các Nàng, liệu là bầy con của thần Zeus cùng Mnemosyne như lời Hesiod và Homer hay không, khó có thể xác nhận rõ ràng.

 

Apollo, Aurora và các Nàng Thơ” (tranh tường, 1750, Carlo Innocenzo, thuộc bộ sưu tập của Joseph và Maria Matzkervor) 

Nhưng đa số về sau người ta thường lấy theo lời kể của Homer, và văn chương La Mã cũng theo đó ghi nhận, rằng có cả thảy chín Nàng Thơ, gồm Calliope, tượng trưng cho thi ca bất hủ; Cleio, Nàng Thơ của lịch sử; Euterpe, Nàng thổi sáo hát khúc thơ trữ tình; Melpomene, Nàng Thơ mang ủng của tấn kịch nghệ bi thương trên sân khấu Hy Lạp cổ; Terpsichore, biểu tượng của thánh ca và các điệu nhảy nghi lễ; Erato, Nàng Thơ về thi ca tình ái và tài bắt chước; Polyhymnia, nữ thần của sự suy ngẫm và lời hát tụng thiêng liêng; Urania, Nàng Thơ của thiên văn chỉ hướng vũ trụ và cuối cùng, Nàng Thaleia của màn hài kịch vui nhộn. Những Nàng Thơ thổi hồn vĩnh cửu cho nghệ thuật văn chương, kịch nghệ và âm nhạc; bởi thế, bao thế hệ tác giả, nhà thơ, văn nghệ sĩ luôn bày tỏ lòng trân trọng lẫn si mê đối với Mousae, nguồn nuôi dưỡng tinh thần và biểu tượng của sự sáng tạo linh thiêng.

 

“Nội thất với người con gái đang vẽ (Nàng Thơ)” (tranh sơn dầu, 1935, Pablo Picasso) 

… Đến lăng thờ Nàng Thơ – Cội nguồn của Bảo tàng

Không khó mà truy ra được ở ngôn ngữ cổ châu Âu lục địa, “bảo tàng” – “museum” xuất phát từ chữ “Mouseion” trong tiếng Hy Lạp, ý chỉ ngôi điện thờ tôn sùng các Mousae – Nàng Thơ. Điều này chẳng phải trùng hợp ngẫu nhiên, khi nguồn gốc “bảo tàng” là điện thờ những nữ thần của nguồn cảm hứng nghệ thuật.

Câu chuyện lịch sử này bắt đầu vào khoảng năm 530 trước Công nguyên, lúc triết gia kiêm nhà toán học lừng danh Pythagore chuyển đến vùng Croton, nay thuộc nước Ý. Ông khuyên nhủ người dân nơi đây xây dựng một ngôi đền dành cho các Nàng Thơ, làm nơi suy tôn và nghiền ngẫm tri thức và nghệ thuật. Với truyền thống thờ cúng hình tượng Nàng Thơ, khối học giả lục địa qua nhiều thế hệ và thăng trầm lịch sử vẫn dành cho các nữ thần này tấm thịnh tình và lòng kính cẩn sâu sắc. Ngay đến tận thế kỉ thứ 18, tức là hơn hai ngàn năm sau ngôi đền thờ đầu tiên tại Croton, nhiều bậc triết gia và văn sĩ thuộc thời kì Khai sáng (Enlightenment Movement) như Voltaire, Franklin, Gébelin, Greuze, … đã lập hội Les Neuf Soeurs – Chín chị em gái, tức chín Nàng Thơ, làm nơi tụ họp, trao đổi tư tưởng và tri thức.

Cũng vào chính thời kì này, khao khát chia sẻ kiến thức cũng như phong trào cách mạng giáo dục được dấy lên mạnh mẽ, tạo tiền đề thành lập hàng loạt bảo tàng khắp châu Âu, nơi khoa học, nghệ thuật và lịch sử được tôn vinh và có thể tiếp cận với số đông trong xã hội. Tinh hoa nhân loại, tựa như mong muốn cùng sứ mệnh của Nàng Thơ Mousae từ truyền thuyết cũ xưa, được hội tụ, chăm chút, lưu giữ, trình bày cho muôn người xem và lĩnh hội tại bảo tàng. Lăng thờ nữ thần nay trở thành suối nguồn của trí tuệ.

Nàng Thơ trong mỹ thuật

Hình tượng Nàng Thơ được kể qua truyền thuyết, mô tả qua văn chương, thờ phụng với lòng tôn kính của con người. Nhưng hơn thế nữa, Nàng sống động dưới bàn tay sáng tạo của các họa sĩ, biến hóa muôn vẻ trong các bức họa hay điêu khắc từ cổ đại tới hiện đại – đương đại. Mỹ thuật “hình tượng hóa” Nàng Thơ trong tích cổ và thi ca thành hình hài xác thịt, cảm nhận bằng thị giác lẫn cả xúc giác.

“Calliope, Nàng Thơ của thi ca” (tranh ghép gốm ở Baalbek, Li Băng, 200-215)

Gần hai ngàn năm trước, thợ thủ công Li Băng đã khắc họa Nàng Thơ Calliope tinh tế trên một điện thờ ở vùng Baalbek bằng nghệ thuật ghép gốm. Một hình ảnh tuyệt đẹp khác của nàng Polyhymnia trong dáng dấp một người nông dân mạnh khỏe nhưng lại đầy chất thơ, xuất hiện trong bức tranh “Nàng Thơ Polyhymnia, người phát kiến nông nghiệp” do Francesco del Cossa sáng tác cho Cung điện Schifanoia, Ý. Các Nàng Thơ xuất hiện vô số trong tranh thời hậu Phục hưng tiến tới kỉ Khai sáng, vì niềm tin vào sự cởi mở từ tri thức và nghệ thuật của xã hội bấy giờ.

Đơn cử là bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Apollon và các Nàng Thơ trên đồi Helion”, được hoàn thành trong những năm cuối đời vào tuổi 82 của họa sĩ Claude Lorrain. Nghệ thuật hiện đại tiếp nối suối nguồn nghệ thuật của Nàng Thơ, qua tuyệt phẩm “Nàng Thơ truyền cảm hứng cho thi sĩ” của Henri Rousseau hay “Nội thất với người con gái đang vẽ (Nàng Thơ)” của Picasso. Phá cách, nóng bỏng vô tận, “Tiếng gọi Nàng Thơ II” của Donkor Godfried xé bỏ tượng đài cũ kĩ về nữ thần, truyền vào cho Nàng sức hút mãnh liệt và thái độ khiêu khích, bốc đồng cộng chút châm biếm của nghệ thuật đương đại.

Và dù hiện thân dưới cung bậc cảm xúc lẫn lý trí nào chăng nữa, Nàng Thơ vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận rót đầy cơn khát trí tuệ – nghệ thuật của nhân loại. Để sau đó, thời trang, ví như một phân môn tách ra từ nghệ thuật thị giác, cũng xây dựng những Nàng Thơ cho riêng khoảng trời sáng kiến tạo mẫu. Nàng Thơ trở thành một khái niệm mở, không chỉ dành riêng cho nghệ thuật hàn lâm, mà còn đi vào thế giới làm đẹp – thời trang với muôn hình vạn trạng và đủ các sắc màu. Nàng vừa là suối nguồn đánh thức cảm thức, vừa là sự thách đố khiến các nhà sáng tạo phải chinh phục, phải quyến rũ cho được dù trong phút giây ít ỏi nhất dưới tấm vải vóc. 

 

“Tiếng gọi Nàng Thơ II” (ảnh ghép, 2001, Donkor Godfried) 

Bài & ảnh: Arlette Quỳnh Anh

Chuyên đề Nàng Thơ

Bài viết đã đăng:

>> Nàng Thơ: Nguồn cảm hứng bất tận

>> Nàng Thơ chỉ có thể là “Nàng”






Thực hiện: depweb

15/08/2012, 16:27