'Khỏa thân' cùng Tom Ford - Tạp chí Đẹp

‘Khỏa thân’ cùng Tom Ford

Thời Trang

Thế nên, thật khó có thể tìm được quảng cáo nào của Tom Ford mà lại không có sự khêu gợi xác thịt.

“Porno chic” của Tom Ford

Bảy năm đã trôi qua nhưng người ta vẫn còn nhắc đến việc Tom Ford chia tay Gucci năm 2004 với sự nuối tiếc, như thể đó là cái kết không thỏa đáng cho một cuộc tình mặn nồng. Phong cách “porno chic” khêu gợi, khiêu khích của anh thay thế cho trường phái tối giản minimalism khổ hạnh nửa đầu thập kỷ 1990, đưa Gucci từ chỗ phá sản trở thành một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu trên thế giới. Rồi cũng chính sự “quá thể” đó trở thành nguyên nhân khiến tập đoàn PPR, chủ nhân của Gucci, nói lời chia tay với Tom Ford.

Trong buổi phỏng vấn của tạp chí Interview gần đây, nhà thiết kế nói đến sức ép lên người phụ nữ để luôn có một cơ thể hoàn hảo. “Phụ nữ bây giờ thực ra chẳng mặc gì cả khi xuất hiện trước đám đông. Họ không những để hở bàn chân, ngón chân, khoe cả hai chân, mà ngực cũng để hở hang. Toàn bộ cơ thể họ được phơi ra, cổ, hai tay cũng vậy”. Không ai khác ngoài Tom Ford đóng vai trò tích cực nhất trong việc lăng xê phong cách đầy khiêu khích này.

Năm 2000, Gucci mua thương hiệu Yves Saint Laurent. Tom Ford lúc đó ở cương vị của nhà thiết kế chính của Gucci, đảm nhận luôn vai trò giám đốc sáng tạo cho thương hiệu này. Năm 2001, Tom Ford lăng xê nước hoa Opium cổ điển của YSL (năm 1977) với Sophie Dahl – người mẫu có nước da trắng ngần và thân hình đầy đặn hơn hẳn các đồng nghiệp. Cô khỏa thân trước ống kính của Steven Maison, trên người chỉ đeo trang sức, chân đi giày cao gót, tay cô thậm chí không buồn che bầu vú để trần. Opium sẽ làm cho phụ nữ đẹp và quyến rũ, hay biến họ thành một thân thể trần trụi dưới con mắt đàn ông? Tại nước Anh, ảnh quảng cáo của nước hoa này bị cấm đăng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng.



Nhà thiết kế mốt giải thích “Người ta đẹp nhất lúc khỏa thân”. Và điều này không sai?


Năm 2002, M7, nước hoa thứ 7 cho nam giới của thương hiệu YSL, ra đời. Đây là sản phẩm quan trọng cho cả YSL lẫn Tom Ford, nước hoa mới dành cho nam giới đầu tiên sau 8 năm của thương hiệu và cũng là nước hoa nam đầu tiên Tom Ford thực hiện cho YSL. Samuel de Cubber, cựu vô địch võ thuật người Pháp, xuất hiện trên bức ảnh quảng cáo đen trắng không một mảnh vải che thân, trong tư thế thư giãn, tự nhiên và khỏa thân. Tom Ford giải thích rằng đây là bức ảnh khỏa thân kinh điển, miêu tả vẻ đẹp cổ điển của người đàn ông. Thân hình vạm vỡ, chất phác, vẫn còn nguyên lông ngực của cựu vận động viên thể thao khác hẳn với tuýp người mẫu nam thịnh hành lúc bấy giờ.

Chiến dịch quảng cáo của M7 đã gây sốc không kém gì năm 1971, khi nhà thiết kế mốt Yves Saint Laurent quyết định khỏa thân quảng cáo cho Yves Saint Laurent Pour Homme, nước hoa đầu tiên của ông. Báo chí Pháp từ chối đăng quảng cáo có “ảnh khỏa thân kinh điển”, chỉ chấp nhận phiên bản… ít nhạy cảm hơn. Người Pháp cho rằng nước hoa là hiện thân của sự quyến rũ tinh tế. Xét cho cùng, thời trang của YSL là quyến rũ bằng trí tưởng tượng, đùa giỡn với những điều cấm kỵ, chứ không phải sự phơi bày cơ thể.
 
Bức ảnh gây tai tiếng nhiều nhất của thời Tom Ford do Mario Testino thực hiện năm 2004, quảng cáo cho Gucci với người mẫu Louise Pedersen. Nhà thiết kế mốt yêu cầu cô người mẫu trẻ tạo chữ G (theo mẫu chữ của logo Gucci) trên vùng kín của mình. Sex được thương mại hóa, người phụ nữ mang dấu ấn như một nô lệ của logo. Nhưng không có khỏa thân, không có sự tẩy chay hay cấm đoán.
 
Thời “hậu Gucci”

Năm 2005, năm đầu tiên của thời “hậu Gucci”, bức ảnh khỏa thân đầu tiên của chính nhà thiết kế mốt xuất hiện trên trang tạp chí W Magazine, trong một chùm ảnh miêu tả cuộc sống tưởng tượng đầy nhục dục. Tuy vậy, điều này không gây xôn sao dư luận bằng loạt hình trong chiến dịch quảng cáo nước hoa Tom Ford For Men hai năm sau đó. Tác giả của những bức ảnh chụp lọ nước hoa đặt lên những vùng nhạy cảm trên cơ thể phụ nữ là Terry Richardson.

Tom Ford nhận giải thưởng VH1-Vogue Fashion Awards năm 1999

 
Xin được tạm dừng những suy luận về ý nghĩa của các bức ảnh đầy khiêu khích. Điều thú vị là cơ quan quản lý quảng cáo ASA tại Anh cho rằng độc giả của các tờ báo như Wallpaper hay GQ khó có thể cảm thấy bị xúc phạm. Năm 2007 là một năm đầy bận rộn của nhà thiết kế. Tom Ford mở boutique thời trang nam giới may theo đơn đặt hàng (tailor-made) tại New York. Terry Richardson một lần nữa lại chụp ảnh nude quảng cáo cho bộ sưu tập thời trang nam giới Xuân Hè năm 2008 với những bức hình tiếp tục gây tranh cãi. Cùng với Tom Ford, phong cách “porno chic” chính thức quay trở lại với thời trang.

 Thời trang cũng là một dạng sản phẩm và cần quảng cáo để kích cầu. Mỗi bức hình quảng cáo thời trang chứa đựng những câu chuyện thú vị về ý tưởng hình thành để cho ra đời sản phẩm (bức hình) ưng ý.

 

Hình ảnh quảng cáo thời trang phải thể hiện được tinh thần của thương hiệu với những hình ảnh sống động nhất, thể hiện định hướng rõ ràng. Và người ta vẫn nói: quảng cáo thời trang là mảng “khó nhằn” nhất trong ngành công nghiệp quảng cáo. Những nhiếp ảnh gia chuyên chụp quảng cáo thời trang không nhiều, có thể kể đến những cái tên như Nick Knight, uergen Teller, Mario Testino, Steven Meisel,… Dĩ nhiên, để có được những tấm hình phù hợp với chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu thời trang còn phụ thuộc vào sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nữa.

Fashion Stories lần này mang đến 3 câu chuyện về một nhiếp ảnh gia, một nhà thiết kế và một xu hướng quảng cáo thời trang.

Mời độc giả đọc hai câu chuyện cùng chuyên đề này:

Lãnh địa riêng của các thương hiệu thời trang 

 

 

 

 Quảng cáo thời trang ‘xấu’ mà sành điệu

Theo Đẹp số 150


Thực hiện: depweb

08/07/2011, 10:21