Quảng cáo thời trang ‘xấu’ mà sành điệu

Suốt hơn 12 năm qua, quảng cáo của Marc Jacobs luôn toát lên tinh thần rất “cool”, độc đáo và riêng biệt. Quả thực, những người nổi tiếng không đẹp lộng lẫy trong các bức ảnh quảng cáo của Marc Jacobs, họ cũng không hiện diện để làm cho một trang phục hay phụ trang nào đó trông thật hấp dẫn.

“Xấu và nghệ”

Quảng cáo của nhà thiết kế thời trang người Mỹ Marc Jacobs có thể được coi là thước đo của sự sành điệu. Có thấy xấu thì cũng không ai nói thẳng ra điều này, vì họ không muốn bạn bè nhìn mình bằng nửa con mắt (rằng “anh/chị chẳng biết gì về phong cách thời trang sành điệu cả”).

Thật sự là những bức ảnh này không trau chuốt, mỹ miều, cũng không đẹp hoành tráng như quảng cáo của các thương hiệu khác. Màu sắc thô ráp, cảnh vật lộn xộn, nước ảnh hơi xấu. Thời trang đóng vai trò thứ yếu trong những tấm ảnh quảng cáo đó, không đem lại cho người ta cảm giác dễ chịu của việc ngắm nhìn những bộ đồ hợp mốt, đắt tiền trên người các cô gái đẹp.

Đây là sành điệu với sự mỉa mai, châm biếm độc đáo. Nhiều người cho rằng ảnh quảng cáo của Juergen Teller “quá nghệ”, tuy nhiên phải nghe giọng nói của người nhận định để biết được đây có phải là một lời khen hay không!

Phong cách snapshot là một trường phái ảnh nghệ thuật với nhiều tên tuổi nổi tiếng, từ William Eggleston đến Nan Goldin và Wolfgang Tillmans. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh “bắt chước” cách chụp ảnh nghiệp dư “thấy gì chụp nấy”, giả vờ như không có ý tưởng và chủ định cụ thể. Họ quan tâm đến những sự việc, cảnh vật hay con người bình thường trong cuộc sống hàng ngày, đến hoàn cảnh xung quanh họ.

Helena bonham Carter nằm co quắp như lại lọt vào thế giới ly kỳ của Alice trong vai bà Hoàng hậu Đỏ. (*)

Trong thời trang, snapshot xuất hiện khoảng đầu thập kỷ 1990, với Corinne Day, David Sims, Craig McDean và chính Juergen Teller. Điều làm cho ảnh quảng cáo của Juergen Teller có chút tính chất thương mại là nhân vật trong ảnh thường là những người nổi tiếng, mặc trang phục đắt tiền của Marc Jacobs. 
 
Chỉ chụp 12 tấm

Juergen Teller sinh năm 1964 ở Tây Đức, trong một gia đình sống bằng nghề làm đàn violon. Nếu không bị dị ứng với gỗ thì anh đã trở thành thợ làm cần kéo đàn. Anh biết đến nhiếp ảnh một cách tình cờ, sau đó được đi học bài bản tại Munich.

Juergen Teller kể rằng chính phủ “trợ cấp” cho anh ba chiếc máy ảnh, máy phim 35mm, máy phim cỡ trung và cỡ lớn. Khi sắp đến thời hạn nhập ngũ, năm 1986, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi này đã bán hai chiếc máy phim cỡ trung và cỡ lớn để có tiền đi London. Ở đây, tuy không biết tiếng Anh nhưng Juergen Teller đã thành công bước đầu với việc chụp ảnh chân dung cho các ban nhạc và ca sỹ pop, rock, như The Cocteau Twins, Sinead O’Connors. Đây là thời điểm thú vị trên sân khấu âm nhạc thế giới, khi dòng alternative rock bắt đầu khởi sắc. 
 
Juergen Teller cộng tác với i-D, The Face – hai tờ tạp chí thời trang, âm nhạc, phong cách sống dành cho giới trẻ có ảnh hưởng nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Năm 1991, tạp chí Details thuyết phục anh chụp ảnh tour biểu diễn của Nirvana tại Đức. “Họ để tóc dài, mặc quần jeans rách. Ngày một, ngày hai, họ sẽ nổi tiếng ở Mỹ” – Details nói về ban nhạc “grunge” khi đó còn chưa ai biết đến ở châu Âu, ngay trước ngày họ gây đình đám với album để đời “Nevermind”.
 
Sau một thời gian cộng tác, The Face đề nghị Juergen Teller chụp ảnh thời trang, mặc dù anh không biết gì về mốt cũng như ảnh thời trang. “Lộng lẫy” cũng là khái niệm xa lạ với nhà nhiếp ảnh trẻ. “Tôi thậm chí không đủ tiền rửa ảnh nên phải dùng máy Polaroid. Một hộp phim có 36 kiểu hoặc 12 kiểu, nhưng tôi cũng chỉ có tiền để mua hộp 12 kiểu. Chùm ảnh nào của tôi cho các tạp chí cũng chỉ có 12 tấm”.

Kate Moss nằm ngửa trên sàn nhà, giả bộ đang “ân ái” với cây đàn guitar. (*)

Juergen Teller kể rằng anh quan tâm đến việc lột tả cá tính của nhân vật đứng trước ống kính hơn là trang phục của họ. Có lẽ ảnh hưởng của ảnh chân dung, việc chụp ảnh cho các ca sỹ nhạc rock đã làm cho những bức ảnh thời trang của nhà nhiếp ảnh trẻ thật sự khác biệt và mới. Đến đầu thập kỷ 1990, Juergen Teller đã có tên tuổi trong giới thời trang, nhất là qua những bức ảnh quảng cáo cho Helmut Lang, nhà thiết kế mốt người Áo với phong cách minimalism điển hình cho thập kỷ.

Làm bạn với Marc Jacobs

Bức ảnh quảng cáo đầu tiên của Juergen Teller cho Marc Jacobs năm 1998 là một bức snapshot thật sự, chụp một ca sỹ rock thực thụ, chơi loại nhạc mà cả Marc Jacobs và Juergen Teller hâm mộ. Kim Gordon, ca sỹ của ban nhạc Sonic Youth, yêu thích chiếc váy vải tulle màu xanh hoa oải hương pha hồng đến mức ngày nào cô cũng mặc nó khi biểu diễn. Đó không hẳn là một chiếc váy đẹp hoặc khác thường. Juergen Teller chụp Kim Gordon khi cô chơi guitar trên sân khấu sau lời gợi ý của Marc Jacobs.

“Bạn có thể cảm nhận được sinh lực mạnh mẽ tỏa ra từ bức ảnh đó!”. 10 năm sau, Juergen Teller nhận xét như vậy về bức ảnh đã gây bước ngoặt trên con đường công danh của mình (tờ New York Time đã gọi bức ảnh này là “bằng chứng rành rành của sự điên rồ và gu thẩm mỹ thời trang” vào thời điểm đó). “Thế nên chúng tôi quyết định sẽ không tập trung vào quần áo hay phụ kiện, mà nhân vật chính là bạn bè của Marc và của tôi”, Juergen nói.

Victoria Beckham nằm gọn trong túi giấy
in dòng chữ “MARC JACOBS”, thò đôi chân ra ngoài.
(*)

 

Nhiếp ảnh gia người Đức quen Marc Jacobs nhờ bạn gái lúc bấy giờ của mình là Venetia Scott, cô stylist tài năng và nhiều quyền lực trong thời trang, thường xuyên cộng tác với Marc. Mối quan hệ bạn bè và công việc của Juergen Teller và Marc Jacobs suốt hơn 12 năm vừa qua có thể coi là ngoại lệ trong giới thời trang. Đầu tiên, họ trao đổi ý tưởng về bộ sưu tập mới. “Mọi việc rất đơn giản”, Marc Jacobs giải thích, “Tôi để anh ấy yên. Anh ấy chụp ảnh. Xong, chúng tôi lại ngồi xem ảnh và trao đổi tiếp”.

(*): Những bức hình quảng cáo của Marc Jacobs được chụp bởi Juergen Teller.

 

Thời trang cũng là một dạng sản phẩm và cần quảng cáo để kích cầu. Mỗi bức hình quảng cáo thời trang chứa đựng những câu chuyện thú vị về ý tưởng hình thành để cho ra đời sản phẩm (bức hình) ưng ý.

Hình ảnh quảng cáo thời trang phải thể hiện được tinh thần của thương hiệu với những hình ảnh sống động nhất, thể hiện định hướng rõ ràng. Và người ta vẫn nói: quảng cáo thời trang là mảng “khó nhằn” nhất trong ngành công nghiệp quảng cáo. Những nhiếp ảnh gia chuyên chụp quảng cáo thời trang không nhiều, có thể kể đến những cái tên như Nick Knight, uergen Teller, Mario Testino, Steven Meisel,… Dĩ nhiên, để có được những tấm hình phù hợp với chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu thời trang còn phụ thuộc vào sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nữa.

Fashion Stories lần này mang đến 3 câu chuyện về một nhiếp ảnh gia, một nhà thiết kế và một xu hướng quảng cáo thời trang.

Mời độc giả đọc về hai câu chuyện còn lại:

Khỏa thân cùng Tom Ford

Lãnh địa riêng của các thương hiệu thời trang

Bài: Theo Đẹp số 150

From the same category