Tháng Ba, không hẹn mà ba tác giả trẻ của Việt Nam đều ra sách nói về tình yêu: Nguyễn Ngọc Thạch với “Khóc giữa Sài Gòn” kể về các mối tình buồn thương, xa cách trong hơi thở vội vã của thành phố; Phan An với “Tình không như là mơ” chia sẻ những chuyện tình dang dở đầy nuối tiếc và ngậm ngùi mà người trong cuộc cũng không hiểu nổi; và Joe với “Tình yêu cũng chỉ là một hoóc môn”, một ebook mang cái nhìn lạnh lùng, tỉnh táo về cơ sở hoóc môn của cái mà chúng ta vẫn cứ thích gọi là tình yêu, và cách cơ thể điều khiển ta từ bên trong.
Đàn ông viết về chuyện tình thì sao? Có phải như Chimamanda Ngozi Adichie, cây bút nữ trẻ tuổi của văn học châu Phi gây tiếng vang trên toàn thế giới với các tác phẩm dấn thân, từng bày tỏ: “Chẳng phải tất cả chúng ta đều viết về tình yêu hay sao? Khi đàn ông viết chuyện tình, đó là một bình luận mang tính chính trị. Còn khi phụ nữ làm điều đó, đây đơn giản chỉ là một chuyện tình yêu”?
Chuyên đề “Đàn ông viết chuyện tình” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả giới thiệu ba tác phẩm – ba tác giả – ba chân dung – ba góc nhìn về chủ đề thú vị này.
Các bài viết:
– Chàng nói gì khi chàng nói chuyện tình
– 50 sắc thái đàn ông và tình yêu
– Nguyễn Ngọc Thạch: “Tôi viết về sex, vì nó rất đẹp”
– Joe: “Xuân Diệu đã không biết gì về nhiễm sắc thể 17”
– Phan An: Tình không như… đàn bà mơ
Tổ chức: Đinh Phương Linh
“Khóc giữa Sài Gòn”
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Số trang: 316
Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Ngọc Thạch mang đầy hơi thở Sài Gòn vội vã, nóng bỏng với những chuyện thời sự nhưng lại khiến độc giả trăn trở về những phận người.
Khác với các cuốn sách trước đây thường đề cập đến những số phận thấp hèn, bị người đời coi khinh trong xã hội, “Khóc giữa Sài Gòn” nói về những người trẻ, thành đạt, có công việc, cuộc sống ổn định, nhưng mỗi người lại mang trong mình một câu chuyện riêng, một nỗi đau riêng.
Câu chuyện xoay quanh sáu nhân vật tưởng chừng như không hề có điểm chung: Đó là Ân, cô gái trẻ không đam mê, mục đích, gắn liền cuộc sống với thế giới ảo; đó là Thụy, cậu trai tỉnh lẻ lên Sài Gòn kiếm sống và mãi chơi vơi giữa hai bờ giới tính; đó là Tú, gã nhà văn nhìn đời bằng đôi mắt xám lạnh; hay đó là Mễ, người đàn bà với khát khao tìm hiểu tâm lý đàn ông, là Phan, mải mê chinh phục những đỉnh cao xã hội và là Nam, một con người cứ mãi lạc trong niềm đau riêng.
Họ được số phận và Sài Gòn đặt vào một vòng tròn quan hệ khép kín, vô tình nhận ra rằng người này mắc vào đời người kia và có ảnh hưởng đến cuộc sống người nọ. Cứ vậy mà họ sống, họ mang lại niềm vui lẫn nỗi đau cho nhau, để rồi đến cuối cùng, khi phải biệt ly, họ vẫn giữ trong nhau một niềm tin vững chắc rằng sẽ có ngày được gặp lại nhau, có khi chỉ là để được ôm nhau vào lòng mà khóc giữa Sài Gòn.
Vẫn mang nét đặc trưng văn phong bình thản, không phán xét, Nguyễn Ngọc Thạch chỉ đơn thuần như một người ngoài cuộc kể lại những thứ được chứng kiến tại Sài Gòn. Phần đúng sai, lại tùy thuộc vào trải nghiệm của mỗi người để nhận định.
“Khóc giữa Sài Gòn” đậm phong cách của Nguyễn Ngọc Thạch: không hoa mỹ nhưng đi sâu vào những chi tiết đời thường, nhỏ nhặt, để dựng lên được bức tranh sống động về Sài Gòn với cà phê, bánh mì, bụi đường, kẹt xe. Đọc “Khóc giữa Sài Gòn”, người ta cảm giác như đang xem một bộ phim với các phân cảnh diễn ra nhanh gọn trước mắt. Các nhân vật thường dùng hành động để bộc lộ nội tâm của mình, chính vì vậy cuốn sách khiến người ta khó lòng dứt ra được khi đã bắt đầu đọc.
Có một số ý kiến cho rằng cuốn sách quá nặng nề khi vẽ lên một Sài Gòn u ám, ảm đạm. Trả lời cho những ý kiến trên, tác giả cho biết: “Đó là lý do vì sao cuốn sách này được gắn dấu 16+ và lời khuyên chỉ nên đọc sách khi bạn đủ trưởng thành.”
Số trang: 200
“Tình không như là mơ” của Phan An thực ra là một món lẩu thập cẩm “Viết cho người đẹp và đàn ông nói về đàn bà”. Phan An tập hợp rất nhiều truyện ngắn, tản văn, tiểu phẩm đã đăng báo vào trong sách, mặc dù vậy, tất cả các mảnh ghép này đều rất nhất quán ở điểm thể hiện góc nhìn của người đàn ông ban ngày là luật sư, ban đêm là người viết, về tình yêu, và về phụ nữ. Phan An cũng tự bạch về mình trong cuốn sách những thông tin có thể hé mở phần nào nguyên nhân khiến anh có góc nhìn này: “sinh ra ở Hà Nội, trưởng thành ở Moldova, sống ở Moscow và chắc sẽ già đi ở Sài Gòn hay một thành phố biển nào đó…”.
Khi viết, Phan An ưa triết lý. Có thể vì anh thích nghĩ, thích chiêm nghiệm, nhưng những triết lý này rất đời thường và giản đơn, như những câu status được nhiều lượt like trên Facebook mỗi ngày.
Phan An tự nhận mình sống chậm, văn của anh cũng cần phải đọc từ từ để nhận thấy đủ vị chua cay. Đọc các cuốn trước giờ của Phan An có thể chứng kiến tất cả tâm trạng khi yêu của một người đàn ông đô thị, với những câu chuyện tình trong quán cà phê, một thành phố lạ. Văn Phan An có nhiều đoạn tả tâm trạng rất tinh tế, bên cạnh những phát hiện thú vị nho nhỏ về cả hai giới và về tâm lý con người.
Nếu như truyện ngắn của Phan An chủ yếu viết về đề tài tình yêu, thì ở tản văn, anh chủ yếu xoay quanh việc bày tỏ quan điểm cá nhân – của một người đàn ông – về phụ nữ. Những nội dung này không hề cực đoan, vừa thể hiện sự thấu hiểu, vừa là chỉ dẫn cho phụ nữ trong con đường chinh phục nửa kia.
Ebook
“Chàng Tây viết hay hơn ta” (theo lời của đạo diễn Lê Hoàng) Joe Ruelle, người được cộng đồng mạng Việt Nam gọi thân mật là Mr.Dâu Tây, tái ngộ độc giả với một câu chuyện hấp dẫn về… oxytocin, neutrophin và cuddle-tô-xin.
“Tình yêu cũng chỉ là một hoóc môn” gồm sáu phần: Phần 1: chuyện của hai hoóc môn, phần 2: ba nhóm hoóc môn yêu, phần 3: The problem is dick, phần 4: Hoóc môn và thời gặp nhau, phần 5: Hoóc môn và thời chán nhau, và phần 6: Chuyện Hội An và Nha Trang.
Dù nghe tiêu đề các phần có vẻ khô khan, nhưng trong ebook này, Joe tiếp tục chứng tỏ khả năng dùng tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn và duyên dáng. Rất nhiều lúc, anh khiến người đọc bật cười thích thú với các tung hứng câu chữ, hoặc các so sánh, ví von bất ngờ.
Về nội dung, theo lời tác giả, nếu các thông tin khoa học trong sách có cơ sở đàng hoàng (còn nhiều nghiên cứu mới hơn cho thấy rằng nó có cơ sở rất đàng hoàng) thì chúng ta sẽ phải thay đổi quan điểm về tình yêu, cũng như thời xưa một số bài nghiên cứu về thuyền buồm và la bàn đã buộc mọi người phải thay đổi hẳn quan điểm về hình dạng thế giới.
Chọn hình thức phát hành sách mới mẻ – ebook, Joe chia sẻ về lý do cũng rất thú vị của anh: “Tôi và bạn có thể dễ dàng lon ton từ ebook sang Facebook và ngược lại. Chúng ta có thể tranh luận trên Facebook về nội dung của ebook… bạn có thể tát tôi vì đã kéo tình yêu xuống đất trong suy nghĩ của bạn, hoặc ôm tôi, cũng vì đã kéo tình yêu xuống đất”.
Bài: Hoa Đường
>>> Có thể bạn quan tâm: Murakami lồng vào tác phẩm đậm đặc chất hư ảo. Người đọc, người kể chuyện, và cả nhân vật khi đóng vai người kể chuyện (như Tengo khi kể về thành phố mèo), không ai biết hết mọi thứ. Dù được người quan sát (chính là “người tí hon”) dẫn dắt từ đầu đến cuối, nhưng sự gắn kết giữa hiện thực trong 1Q84 với những gì quan sát được chỉ là tương đối.