Chàng nói gì khi chàng nói chuyện tình - Tạp chí Đẹp

Chàng nói gì khi chàng nói chuyện tình

Review

Tháng Ba, không hẹn mà ba tác giả trẻ của Việt Nam đều ra sách nói về tình yêu: Nguyễn Ngọc Thạch với “Khóc giữa Sài Gòn” kể về các mối tình buồn thương, xa cách trong hơi thở vội vã của thành phố; Phan An với “Tình không như là mơ” chia sẻ những chuyện tình dang dở đầy nuối tiếc và ngậm ngùi mà người trong cuộc cũng không hiểu nổi; và Joe với “Tình yêu cũng chỉ là một hoóc môn”, một ebook mang cái nhìn lạnh lùng, tỉnh táo về cơ sở hoóc môn của cái mà chúng ta vẫn cứ thích gọi là tình yêu, và cách cơ thể điều khiển ta từ bên trong.

Đàn ông viết về chuyện tình thì sao? Có phải như Chimamanda Ngozi Adichie, cây bút nữ trẻ tuổi của văn học châu Phi gây tiếng vang trên toàn thế giới với các tác phẩm dấn thân, từng bày tỏ: “Chẳng phải tất cả chúng ta đều viết về tình yêu hay sao? Khi đàn ông viết chuyện tình, đó là một bình luận mang tính chính trị. Còn khi phụ nữ làm điều đó, đây đơn giản chỉ là một chuyện tình yêu”?

Chuyên đề “Đàn ông viết chuyện tình” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả giới thiệu ba tác phẩm – ba tác giả – ba chân dung – ba góc nhìn về chủ đề thú vị này.

Các bài viết:

–    Chàng nói gì khi chàng nói chuyện tình
–    50 sắc thái đàn ông và tình yêu
–    Nguyễn Ngọc Thạch: “Tôi viết về sex, vì nó rất đẹp”
–    Joe: “Xuân Diệu đã không biết gì về nhiễm sắc thể 17”
–    Phan An: Tình không như… đàn bà mơ

Tổ chức: Đinh Phương Linh

1. Trong con mắt của các nhà xuất bản (hay nói cách khác, nhà buôn sách) phương Tây, nam tác giả viết chuyện tình không phải là một thứ… sáng sủa. “Khi có chữ “Love” trên tiêu đề, tác giả nên là phụ nữ” – tiểu thuyết gia người Anh Ray Connolly kể. Khi xuất bản cuốn “Love Out of Season”, ông đã là một tác gia nổi tiếng của Anh, liên tục xuất hiện trên các tờ báo lớn nhất thế giới. Nhưng không quan trọng, nhà xuất bản vẫn yêu cầu ông tìm một bút danh mới và… chuyển giới. Connolly đã mất rất nhiều công tranh cãi để bảo vệ cái tên mình.

Tình yêu có hai phía. Trong thời đại này, chúng ta hiểu rằng “hai phía” ở đây có thể được tổ hợp từ cả 3 giới tính, hay nói cách khác là ranh giới giới tính đã bị xóa nhòa, chứ không còn là chuyện của nam-nữ như cách hiểu thông thường. Nhưng hãy cứ tạm tách bạch ra thành 2 khái niệm kinh điển như thế: “đàn ông” ở đây còn là khái niệm được quy định bởi nhiều đặc tính xã hội chứ không chỉ có giới tính.

Và đàn ông, thì nói về phía bên kia luôn khó khăn hơn phụ nữ. Hãy nghe ý kiến của nữ tiểu thuyết gia người Mỹ Sally Koslow: “Về cơ bản, phụ nữ có nhiều thuận lợi hơn đàn ông trong nỗ lực khắc họa người khác giới. Vì cả đời chúng ta đã đọc hàng đống sách văn học viết bởi đàn ông”.

Phần lớn các tác gia lớn trong lịch sử là đàn ông. Phần lớn tư tưởng trong lịch sử được viết bởi đàn ông. Cuối cùng, đàn ông trở nên dễ hiểu hơn phần còn lại của thế giới. Và phụ nữ, khi viết văn, lại dễ có cái nhìn chân xác về tình yêu hơn.

2. “Khi tàu đi qua đống gỗ vào ga và nhìn thấy vợ đang đứng đợi bên đường ra, tôi ước gì mình được chết trước khi phải yêu ai khác ngoài nàng”.

Ernest Hemingway đã viết như thế trong “Hội hè miên man”. Câu ấy thật tình cảm, và trong nó chứa đựng một tình yêu nồng cháy. Nhưng đồng thời, nó cũng thật lạnh lùng. Nó nghiêm túc thừa nhận nguy cơ về cái chết của chính tình yêu ấy, thoáng gợi lên hình bóng của một cô gái trẻ người Pháp, dịu dàng và xinh đẹp nào đó mà người đàn ông sẽ gặp trong một quán rượu ở Paris, một thời điểm nào đó trong tương lai. Đó là một nguy cơ rất rõ ràng, và nó khiến Hemingway phải sợ.

Đó có thể là một ví dụ kinh điển cho tình yêu trong những  dòng viết đàn ông. Trong những xúc cảm luôn có một khoảng bất chợt nén lại để dành cho những suy tưởng thuần túy lý tính – theo đúng kiểu đàn ông. Không phải vì họ ít cảm xúc, vẫn rất nhiều cảm xúc, chỉ có điều họ là đàn ông.

3. Trong phim “As Good As It Get”, khi nhân vật Melvin Udall (do Jack Nicholson thủ vai), một nhà văn, được hỏi rằng tại sao ông mô tả phụ nữ hay như thế, ông trả lời: “Tôi nghĩ về một người đàn ông và bỏ đi sự lý tính và trách nhiệm”.

Tính dục và các vấn đề xã hội, hoặc một thứ cài cắm ngoài cảm xúc thuần túy trở thành một “bản sắc” của những dòng viết bởi các tay nam giới. Nếu nhìn vào cuốn sách về tình yêu bởi đàn ông có lẽ là nổi tiếng nhất trong thế hệ này, “Rừng Na Uy” của Haruki Murakami, thì tình yêu trong tác phẩm ấy chỉ trở thành phương tiện để truyền tải một thông điệp về xã hội.

Tất nhiên, đàn ông vẫn có thể viết về một tình yêu thuần khiết – như cái cách người ta hay tưởng tượng. Nicholas Sparks  (“The Notebook”, “Dear John”) là ví dụ. Những kịch bản của “Love Actually”; “Bốn đám cưới và một đám ma”, “Notting Hill” đều là do đàn ông viết.

Nhưng có lẽ hãy cứ chấp nhận và tôn trọng một thứ “tình yêu lai” trong những dòng viết của đàn ông như thế. Dù sao thì, tình yêu cho dù người ta có nghĩ về nó như thế nào, cũng sẽ chẳng bao giờ tách biệt được hoàn toàn với lý tính và trách nhiệm.

Bài: Hoàng Anh 


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Thời tuổi trẻ, tôi luôn tâm niệm rằng đã làm đàn ông thì phải làm đàn ông tử tế. Chữ “tử tế” bao gồm hai phần “đàng hoàng” và “lịch thiệp” ghép vào với nhau. Và chỉ có làm đàn ông tử tế thì mới nhanh chóng chiếm được trái tim phụ nữ, bất kì phụ nữ giai tầng nào.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

 

Thực hiện: depweb

30/03/2014, 23:46