Thực đơn cuối tuần: Đậm đà và dễ chịu - Tạp chí Đẹp

Thực đơn cuối tuần: Đậm đà và dễ chịu

Ẩm Thực

1. Bữa sáng: Miến há cảo trứng


Nguyên liệu:


– Phần há cảo: 400g thịt lợn xay, 20g hành lá, 30g nấm hương, 30g măng củ, 200g cải thảo, 7g gừng tươi, 7g bột ngô, 10ml xì dầu, 5ml dầu mè, 6 quả trứng


Ngoài ra bạn cần thêm:

– 300g cải thảo
– 400g miến ngâm vào nước cho mềm
– 3 bìa đậu bạn chiên vàng
– 50g nấm hương cũng ngâm mềm
– 15 viên mọc, bạn có thể chọn thịt viên để thay thế
– Khoảng 15 quả trứng cút luộc
– Khoảng 100g chả lụa và 100g ga la thầu (hoặc củ cải dầm)
– Nước hầm xương


Nguyên liệu chuẩn bị cho món ngon ngày cuối tuần



Cách làm món này này khá cầu kỳ và gồm nhiều bước, bạn cần đọc kỷ và sau đó làm lại theo đúng trình tự.



Cách làm món ngon ngày cuối tuần


Bạn băm nhỏ nấm hương, hành lá, cải thảo, măng củ và gừng



Các bước thực hiện món ngon ngày cuối tuần này


Cho hết nấm hương, thịt xay, cải thảo, măng, bột ngô và gừng vào 1 tô lớn rồi ướp dầu mè và nước tương. Sau đó trộn đều cho thấm gia vị.




Dùng một tô lớn sau đó đập trứng vào và nêm nguyên liệu cho vừa ăn. Cho dầu ăn vào chảo nóng sau đó đổ 2 muỗng canh trứng vào, cho đến khi trứng hơi se lại bạn cho nhận vào một nữa phần trứng



Nhân thịt được cuốn lại trong trứng


Rồi bạn lật phần trứng còn lại lên, ở khâu này bạn làm thật nhẹ để trứng không bị nát. Úp trứng để bao hết phần nhân thịt bên trong. Lật trứng qua lại cho khi chín đều cả hai mặt và cả phần nhân thịt bên trong trứng.



Hoàn tất món ngon cho ngày cuối tuần

Chần chín miến, cải thảo, nấm hương trong nước xương rồi xếp tất cả vào tô và chan là xong! Cùng thưởng thức món ăn độc đáo này thôi nào!

2. Bữa trưa


* Ngao nướng


Nguyên liệu:


– 2 con ngao lớn chọn ngao tươi cho thêm hấp dẫn


– Nửa củ hành xanh



– 1 muỗng bơ


Gia vị khác: Một ít muối, rượu sake, canh xì dầu, rượu mirin mỗi thứ một muỗng canh


 



Cách làm

– Rửa thật sạch ngao dưới nước, cạo sạch lớp bùn bẩn bên ngoài vỏ. Nếu muốn sạch hơn nữa ta ngâm ngao thêm một thời gian trong nước 2- 4h  rồi đem ra chế biến.


Tiến hành nướng ngao:


– Ướp gia vị cho ngao với các nguyên liệu hành lá thái nhỏ, bơ cắt miếng. Trộn chung tất cả các nguyên liệu làm gia vị vào trong một bát.



– Sau đó đặt ngao lên bếp nướng, chờ cho đến khi ngao đã mở miệng, ta cho hỗn hợp gia vị đã trộn sẳn rưới lên ngao tiếp tục nướng ngao cho đến khi ngửi thấy mùi ngao và mùi gia vị hòa quện vào nhau là được.


– Cuối cùng bạn cẩn thận gắp ra đĩa. Lưu ý đừng cho nước gia vị trong ngao tràn ra ngoài sẽ mất đi hương vị thơm ngon của ngao nướng.



Cuối tuần thưởng thức ngao nướng cùng một chút muối rắc lên đậm đà hương vị của biển cả mà không cần đi đâu xa.


* Gỏi sứa


Nguyên liệu:



200g sứa, 50g bắp chuối bào, 1 cây bạc hà (dọc mùng), 2 trái khế chua, 2 trái chuối chát, 50g húng lủi, 2 thìa súp mè rang, 2 thìa súp đậu phộng rang, 500g bún tươi.



Nước trộn: 2 thìa súp đường + 2 thìa súp nước mắm + 1 thìa súp tương ớt + 2 thìa súp nước tắc (quất) + 1 thìa súp giấm gạo + 2 thìa cà phê ớt băm và tỏi băm. 



Cách làm:



Gỏi sứa – chế biến không hề đơn giản. Trước hết, sứa phải trải qua khá nhiều công đoạn chế biến mới ra được từng miếng tròn tròn, trắng tinh, giòn rụm. Miếng sứa có màu trắng này được gọi là sứa chân – vì cắt ra từ chân con sứa, ăn giòn như gân và sụn.



Sứa thái miếng vừa ăn, rửa sạch bằng nước ấm pha ít muối nhạt. Bắp chuối rửa sơ qua nước muối pha loãng để ráo. Bạc hà tước vỏ ngoài, rửa sạch, thái xéo mỏng rồi thái chỉ trở lại. Khế chua, chuối chát rửa sạch thái khoanh. Húng lủi nhặt bỏ lá sâu rửa sạch.



Sau khi rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, vắt ráo nước, thì người ta đem trộn sứa với chuối chát, khế hoặc cóc xanh, ít hành khô và lạc, thêm chút rau thơm nữa. Thế là có giòn ngọt của sứa, có chua của cóc xoài, có vị chát của chuối xanh, thêm tí bùi bùi của lạc và mùi thơm của rau… Ăn rất lạ miệng và ngon. Có thể ăn kèm cùng với bánh đa, chấm mắm ruốc Huế hoặc muối tiêu chanh đều rất ngon.


 



Mách bạn:



– Sứa có hương vị đặc trưng riêng nên cũng có người ăn được và có người không ăn được, nếu người bị lạnh bụng thì món sứa không phải là sự lựa chọn. Tuy vậy, nếu ai đã ưa thì không thể quên khi đã ăn sứa lần đầu.


– Không chỉ là món ăn lạ, ngon miệng, sứa còn là món ăn rất tốt cho cơ thể, giải nhiệt, chữa chóng mặt, nhức đầu nhất là trong cái nắng sớm đầu hè. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, người đang cho con bú thì đây là liều thuốc hữu hiệu chống lại chứng nóng trong do căng sữa gây ra.


* Canh chay rau củ



Nguyên liệu:


2 miếng đậu phụ non

4 tai mộc nhĩ

1/2 củ đậu

2 cây hành lá

1 ít muối súp vừa đủ


Cách làm:



– Đậu phụ thái miếng vuông nhỏ; rau cải bẹ nhặt rửa sạch, bổ dọc cả cây; mộc nhĩ ngâm mềm, thái lát dài; củ đậu gọt bỏ vỏ, thái vài lát dài theo chiều khoanh tròn, phần còn lại thái lát mỏng; hành lá nhặt rửa sạch, bỏ phần lá, phần thân thái khúc ngắn.





– Cho nước vừa đủ vào nồi đun sôi, thả củ đậu và mộc nhĩ vào nấu chín mềm.





– Tiếp đó cho đậu phụ vào đun sôi, cho tiếp rau cải vào nấu chín, nêm gia vị vừa ăn.





Tắt bếp, rắc hành lá vào và múc canh ra bát.





3. Bữa tối



* Cá thu xốt đậu hũ và nấm





Nguyên liệu: cho 4 người



350g cá thu
1 cây đậu hũ non
50g nấm đông cô
50g nấm đùi gà
50g cà rốt
10g ngò
1 thìa cà phê hạt nêm
½ thìa cà phê tiêu xay
1 thìa cà phê tỏi băm
2 thìa súp nước tương Nhật
1 thìa súp đường
½ thìa cà phê bột ngọt
1 thìa súp tương cà
300ml dầu ăn
Xà lách và các loại rau thơm ăn kèm



 





Cách làm:





1. Cá thu rửa sạch, cắt thành khoanh vừa ăn. Ướp cá với hạt nêm, tiêu xay, hạt ngò, để thấm gia vị. Đậu hũ non xắt hạt lựu. Nấm đông cô, nấm đùi gà cắt bỏ chân, rửa sạch, luộc chín, xắt hạt lựu. Cà rốt bào vỏ, xắt hạt lựu.





2. Đun nóng dầu ăn, cho cá vào chiên vàng, vớt ra để ráo. Gạn bớt dầu ăn cho vào chén, dùng lại chảo, trút tỏi băm vào phi thơm, cho khoảng ½ chén nước, nước tương Nhật, đường, bột ngọt, tương cà vào đun sôi cho tan hết gia vị, trút nấm, cà rốt, đậu hũ non vào quậy đều.





3. Cho cá vào đĩa sâu lòng, chan nước xốt nấm, đậu hũ non lên trên mặt. Đặt cá vào vỉ hấp, cho vào nồi cơm điện hấp trong khoảng 10 phút nữa là được. Dọn cá xốt nấm và đậu hũ ra đĩa, ăn kèm với rau các loại.



* Salad củ đậu, bí đỏ, bơ và pho mai dê




Nguyên liệu:





Bí đỏ nướng
1 củ đậu, bóc vỏ và thái nhỏ.
Nước ép từ 1 quả chanh
120g pho mai dê
1 quả bơ sắt miếng
Rau chân vịt non/ mồng tơi


Cách làm:


Nướng bí đỏ:

Nguyên liệu: 

700g bí đỏ, cắt thành những miếng nhỏ bằng ½ ngón tay cái
¼ cup dầu olive
1 hoặc 2 hộp ớt khô Chipotle ngâm sốt adobo, xắt nhỏ (Adobo được chế biến từ rong biển và thịt hoặc cá, dùng ăn với cơm hoặc chế biến các món ăn)
1 muỗng canh băm tỏi
1 muỗng canh mật ong
Muối và hạt tiêu đen
Chanh
Rau mùi tươi xắt nhỏ



Các bước:

– Trộn dầu olive, ớt, tỏi, mật ong, hạt tiêu và muối trong một chiếc bát làm nước xốt.

– Xiên các miếng bí vào que xiên và chải nước xốt lên. Cho vào lò nướng đã bật sẵn ở 300 độ F. Thỉnh thoảng lại chải thêm nước xốt lên miếng bí.

– Khi bí chín thì mang ra, bỏ que xiên.

 

2. Trộn bí đỏ đã nướng với củ đậu. Cho nước chanh và muối vào vừa đủ.

3. Chia rau chân vịt thành 4 bát (mỗi người 1 bát). Đổ hỗn hợp vừa trộn ở trên vào mỗi bát, cho thêm pho mát dê và bơ.

 


* Canh gà nấu dứa, khổ qua








Nguyên liệu:



– 300g thịt gà (tùy thích có thể chọn phần ức, cánh hoặc đùi)
– 1 quả khổ qua cỡ vừa, 1/4 quả dứa, 700ml nước hầm xương gà hoặc nước lã
– Hạt nêm, muối, rau mùi.



Cách làm:



– Gà xát muối rửa sạch, để ráo rồi chặt miếng vừa ăn.



– Khổ qua bỏ ruột rồi cắt miếng miếng dày cỡ 2cm.



– Dứa cắt miếng vừa ăn.



– Cho nước vào nồi đun nóng vừa rồi cho thịt gà vào nấu cùng với khoảng non nửa muỗng nhỏ muối cho đến khi thịt gà chín vừa ăn (khoảng 15 phút).



– Trong khi nấu thỉnh thoảng vớt bọt cho nước canh được trong, sau đó cho dứa vào nấu cùng thêm khoảng 5 – 7 phút, cuối cùng cho khổ qua vào nấu khoảng 1 – 2 phút là được, nêm thêm chút hạt nêm cho vừa ăn.



– Múc canh ra bát, trên rắc rau mùi, dùng nóng hay nguội đều ngon.


Tổng hợp


Thực hiện: depweb

14/12/2012, 14:55