Có rất ít nghệ sĩ xuất sắc ở cả hai vai trò: nghệ sĩ dương cầm và nhạc trưởng như nghệ sĩ gốc Nga Vladimir Ashkenazy. Ông đã chỉ huy nhiều dàn nhạc danh tiếng trên thế giới, sở hữu một số lượng bản thu đồ sộ – hàng nghìn đĩa nhạc, cả cổ điển và lãng mạn. Vladimir Ashkenazy còn giành được tới 5 giải Grammy.
Ông được thừa hưởng di sản âm nhạc từ gia đình, từ người cha cũng là một nhạc công piano chuyên nghiệp, và từ ông ngoại là một nhạc công violin. Di sản ấy tiếp tục được truyền cho con trai ông – nghệ sĩ Vovka Ashkenazy.
Hai cha con nghệ sĩ dương cầm Vladimir và Vovka Ashkenazy trong đêm nhạc Hennessy
Vào tối 20/3, nghệ sĩ Vladimir Ashkenazy và con trai đã có một đêm nhạc tuyệt vời ở Nhà hát Lớn Hà Nội với khán giả thủ đô, sau 11 đêm trình diễn trong hai tuần tại Nhật Bản. Ngay sau đó, hai nghệ sĩ dương cầm sẽ tiếp tục biểu diễn ở châu Âu với dàn nhạc European Union Youth. Đây là một lịch làm việc dày đặc với một nghệ sĩ ở tuổi 76. Mặc dù vậy, trước đó, trong những phút giao lưu với các nhà báo và các sinh viên nghệ thuật, Vladimir Ashkenazy thể hiện năng lượng và sự nhiệt tình bất chấp tuổi tác và chuyến bay dài. Ông nói chuyện duyên dáng, hài hước và chân thành.
– Theo ông, sự khác biệt giữa biểu diễn trên sân khấu và chỉ huy một dàn nhạc là như thế nào?
Âm nhạc thì vẫn giống nhau, nhưng khi tôi chỉ có một mình với cây đàn, không ai có thể giúp tôi được. Còn với dàn nhạc, đó là sự tập hợp của những nỗ lực. Như bạn thấy, mọi người đều hỗ trợ bạn.
– Dù sống ở nước ngoài từ rất lâu, nhưng ông nói rằng âm nhạc của ông vẫn có sự kết nối với đất nước Nga, nơi ông sinh ra?
– Tôi có những người thầy rất tuyệt vời ở Nga, môi trường nơi tôi lớn lên cũng rất tuyệt – tràn đầy âm nhạc. Tôi phải nói rằng nước Nga có một di sản âm nhạc giàu có, và tôi nghĩ khi mình ra đi, tôi phải dùng cuộc đời mới, cơ hội mới, môi trường mới để xác định xem phần còn lại của âm nhạc thế giới là như thế nào. Tôi muốn chơi tất cả các bản nhạc kỳ diệu của những nhà soạn nhạc, đó là phần cơ bản nhất của cuộc đời tôi.
– Ông rất hiếm khi chơi cùng những nghệ sĩ dương cầm khác, trừ con trai ông. Có điều gì đặc biệt ở chàng trai này?
– Vladimir Ashkenazy: Con trai tôi là một nghệ sĩ giỏi, và nó cũng khá đặc biệt. Nó còn là người trong gia đình tôi nữa.
– Vovka Ashkenazy: Chúng tôi khá giống nhau về phong cách, về cách chúng tôi chơi nhạc. Khi còn trẻ, tôi có cảm thấy một chút áp lực khi trình diễn cùng cha, nhưng bây giờ thì không.
– Vladimir Ashkenazy: Dù bạn là ai, là nghệ sĩ nào, dù có tài năng đến mấy, khi chơi nhạc trước khán giả, bạn cũng sẽ cảm thấy có áp lực.
– Ông thành danh từ các giải thưởng âm nhạc, đồng thời ông cũng có một số lượng các bản thu đồ sộ, các chương trình biểu diễn lớn… Có nhiều cách để trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng trên thế giới, nhưng hiện nay hầu hết các nghệ sĩ trẻ đều phải trải qua con đường từ các cuộc thi. Quan điểm của ông như thế nào?
– Trong nhiều thập kỷ qua, tôi thấy không có nhiều khác biệt về cách chơi nhạc, cách cảm thụ và truyền cảm hứng qua âm nhạc. Tôi nhớ là từ cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin đầu tiên sau Thế chiến thứ 2, yêu cầu về mặt kỹ thuật của cuộc thi cho tới nay không có gì thay đổi. Theo thời gian, số lượng các nhạc công cũng nhiều lên, đặc biệt là các nhạc công trẻ, vì vậy, các cuộc thi âm nhạc trên thế giới cũng được tổ chức nhiều hơn. Các nhạc công vẫn phải chơi nhạc cụ của mình một cách thật nhuần nhuyễn, hoàn hảo.
Tuy vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng kỹ thuật chỉ là một phần, quan trọng là người nghệ sĩ phải truyền tải được cảm xúc của mình, tinh thần của mình với khán giả. Âm nhạc là một hình thức giao tiếp về tâm hồn. Đây mới chính là điều quan trọng và làm nên sự nổi tiếng của các nghệ sĩ, còn nếu không, họ sẽ sớm bị lãng quên.
– Tôi được biết ông có một vốn nhạc mục rất đồ sộ. Ông cũng tìm hiểu kỹ về các nhà soạn nhạc. Ai là người khiến ông thấy khó hiểu nhất, khó thể hiện nhất?
– Các nhà soạn nhạc đều rất khó hiểu, và tôi luôn cố gắng để tìm hiểu họ, cố gắng hết sức để hiểu các thông điệp họ muốn gửi gắm qua các bản nhạc. Nhưng ai mà biết được tôi có hiểu họ hay không, vì có cách nào để đo đếm? Tâm nguyện của tôi là luôn nỗ lực hết sức mà thôi.
– Tôi có thể biết được ý kiến của ông về sự khác nhau giữa việc thể hiện một tác phẩm trên sân khấu và trong phòng thu?
– Tôi cho rằng về cơ bản là giống nhau. Ở đâu tôi cũng phải chơi hết sức mình. Nếu có điểm khác biệt, thì ở trong phòng thu, tôi có thể chơi đi chơi lại một bản nhạc cho đến khi thành công thì thôi. Còn ở trên sân khấu, nếu tôi thất bại thì cũng là lúc tôi… xong rồi. Đó là thực tế hết sức hiển nhiên của cuộc đời.
– Với một người có giấc mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp, muốn trở thành người tự tin đứng trên sân khấu, thể hiện cảm xúc và có phong cách riêng có thể truyền cảm hứng cho người khác, ông có lời khuyên nào?
– Nếu bạn yêu âm nhạc, hãy giữ tình yêu ấy đến trọn đời. Lời khuyên của tôi là: tập luyện, tập luyện và tập luyện. Điều quan trọng là tình yêu âm nhạc rất khác với tình yêu dành cho sự nghiệp, hay tình yêu cho sự thành công. Nếu bạn yêu sự nổi tiếng thì tình yêu sẽ không kéo dài đâu, nhưng nếu bạn yêu âm nhạc, thì chính âm nhạc sẽ đổ đầy cuộc đời bạn, và bạn chỉ có một cuộc đời thôi.
Nhiều người không xứng đáng thành công thì lại rất thành công, nhiều người rất xứng đáng thì lại chẳng ai biết đến cả, cũng có nhiều người thành công mà chẳng vì lý do gì, hoặc chẳng có lý do gì hay ho… vì cuộc đời là thế, nó không công bằng đâu. Nên cứ làm hết sức, nếu bạn yêu âm nhạc.
– Vậy kế hoạch của ông trong tương lai là gì?
– Tôi chẳng bao giờ có kế hoạch trong cuộc đời mình. Không bao giờ. Tôi chỉ chơi nhạc, hoặc chỉ huy dàn nhạc, rồi chuyện gì đến sẽ đến, nếu có nơi nào mời thì tôi sẽ biểu diễn. Tôi nghĩ không thể lên kế hoạch với âm nhạc được, tôi chỉ có thể cố gắng hết sức thôi.
Có người thích bạn chơi nhạc, có người không, có lúc bạn thích chơi bản nhạc mới, có lúc lại không, và cuộc đời cũng chỉ là những sự lựa chọn của bạn mà thôi.
Linh Hanyi (thực hiện)
Ảnh: Tuấn Đào
>>> Có thể bạn quan tâm: Âm thanh mà Vladimir Ashkenazy tạo ra cũng không phải thứ âm thanh khoa trương, lộng lẫy và hừng hực như nghệ sĩ đồng hương lớn khác của ông là Emil Gilels. Nếu phải tóm gọn những gì đặc biệt ở âm nhạc của Vladimir Ashkenazy khiến người nghe phải chú ý, thì có lẽ đó là: càng nghe càng thấy sâu.