Hennessy Concert 18: Càng nghe càng thấy sâu - Tạp chí Đẹp

Hennessy Concert 18: Càng nghe càng thấy sâu

Review

Khác với nhiều nghệ sĩ piano lớn xuất phát từ các nhạc viện tại Liên Xô cũ, điển hình như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn của Việt Nam, cách tiếp cận tác phẩm của Vladimir Ashkenazy không đem lại cảm giác ấm áp, êm dịu và thân mật. Âm thanh mà Vladimir Ashkenazy tạo ra cũng không phải thứ âm thanh khoa trương, lộng lẫy và hừng hực như nghệ sĩ đồng hương lớn khác của ông là Emil Gilels. Nếu phải tóm gọn những gì đặc biệt ở âm nhạc của Vladimir Ashkenazy khiến người nghe phải chú ý, thì có lẽ đó là: càng nghe càng thấy sâu.

 

Phần I của chương trình bao gồm hai tác phẩm: “Divertimento à la hongroise, op. 54” của Schubert và “Các khúc biến tấu theo chủ đề của nhà soạn nhạc Joseph Haydn, op. 56a” của Brahms. Người ta thường nói các nghệ sĩ Nga biểu diễn tác phẩm của Đức thường không hợp, do khác biệt về suy nghĩ, trải nghiệm, nhưng với các nghệ sĩ hàng đầu như cha con Ashkenazy, có lẽ đó hoàn toàn là nhận định sai lầm. Hẳn nhiên, tâm hồn âm nhạc không phân biệt về văn hóa, nhất là với Ashkenazy, người vốn nổi tiếng với danh mục biểu diễn rộng nhất trong số các nghệ sĩ piano lớn cùng thế hệ với ông. 

Thoạt tiên, tiếng đàn của Vladimir Ashkenazy có thể khiến nhiều người thấy hơi khô lạnh và tỉnh táo, rành mạch tới mức phải rùng mình. Vì âm nhạc của ông cũng như con người ông: thâm trầm, sâu sắc mà không khoe mẽ. Dần dà, thính giả cảm thấy như đang được một triết gia kể về tình yêu của ông với âm nhạc, cùng lúc khơi gợi cảm hứng âm nhạc ẩn sâu trong mỗi người. Không hiểu tự lúc nào, cái cảm giác khô lạnh ban đầu biến thành cảm giác rạo rực. Vladimir Ashkenazy vốn nổi tiếng là người có khả năng điều khiển màu sắc của âm thanh. Nếu ông muốn tiếng đàn lạnh lẽo, người nghe cảm thấy như đang bước dạo trong vườn ngày đông, nếu ông muốn tiếng đàn nồng ấm, người nghe như thấy ánh mặt trời ló rạng sưởi ấm cả khu vườn.

Ngược hẳn với cha mình, Vovka Ashkenazy có tiếng đàn tròn trịa, sáng rỡ và trẻ trung, đôi khi hơi hấp tấp hơn so với một Vladimir Ashkenazy hết sức trầm tĩnh. Dù vậy, chính sự đối lập giữa âm thanh mà hai cha con Ashkenazy đem lại – có lẽ do cách biệt tuổi tác, trải nghiệm và môi trường trưởng thành – đã khiến buổi song tấu piano càng thêm giá trị. Khi được hỏi liệu về áp lực khi phải biểu diễn cạnh người cha quá mức vĩ đại, anh đã nói mình không thấy có chút áp lực gì. Quả nhiên, qua màn trình diễn đầy tự tin và táo bạo của Vovka Ashkenazy, không ai nghi ngờ chút gì lời anh nói.

Nếu như phần I của đêm nhạc là màn phô diễn của hai nghệ sĩ về mặt âm thanh, thì phần II của chương trình là sự phô diễn về tư tưởng âm nhạc. 

Mở đầu phần II là “Đêm trên núi trọc” của Mussorgsky, phiên bản song tấu piano do chính Vovka Ashkenazy chuyển soạn. Phiên bản gốc được Mussorgsky lấy cảm hứng từ tác phầm của nhà văn Nikolai Gogol. Tác phẩm mô tả về một đêm bầy phù thủy tụ họp trên đỉnh một ngọn núi ở Ukraine. Khi màn đêm buông xuống, những giọng nói siêu nhiên vang lên từ lòng đất, theo sau đó Hắc Ám Thần xuất hiện tại Lễ Đen. Khi cuộc chè chén lên tới đỉnh điểm, tiếng chuông nhà thờ vẳng lại từ đẳng xa. Linh hồn của Đêm Tối bị xua tan. Bình minh lên.

Vovka Ashkenazy chia sẻ rằng, ngoài mục đích muốn mở rộng danh mục các tác phẩm cho piano song tấu, thì việc anh chuyển soạn “Đêm trên núi trọc” sang cho piano song tấu là vì tác phẩm gợi anh tới nhiều kỷ niệm từ thời thơ bé. Hẳn nhiên, với những thính giả có mặt tại Nhà Hát Lớn, từng nốt nhạc mạnh mẽ, sáng rỡ mà ma quái mà hai cha con Ashkenazy tạo ra đều mang tới ít nhiều trải nghiệm rùng mình và háo hức.

Nếu không tính đến vài ba thính giả sơ ý chưa tắt chuông điện thoại, gây phiền hà tới các nghệ sĩ và người nghe khác, có thể nói Hennessy Concert lần thứ 18 là chương trình hoàn hảo nhất kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1996 với chương trình biểu diễn của nghệ sĩ cello huyền thoại người Nga Mstislav Rostropovich.

 

Kết thúc chương trình là tác phẩm “Lễ Bái Xuân” hay “Nghi Lễ Mùa Xuân” (The Rite of Spring) của Igor Stravinsky. Đây là một bước ngoặt lớn của âm nhạc cổ điển trong thế kỷ 20. Vladimir Ashkenazy đã tự tin nói rằng, bản thân Stravinsky cũng là một nghệ sĩ piano hết sức tài năng, nên ông không có gì ngần ngại khi thể hiện phiên bản chuyển soạn cho piano song tấu cùng con trai. Ông cho rằng, phiên bản dành cho piano không hề mất đi tính đa sắc của bản gốc soạn cho dàn nhạc.

Tác phẩm gốc kết hợp các giai điệu dân gian mang tính dị giáo nhằm đem lại hồi tưởng về thuở hồng hoang của Trái đất. Những phụ nữ bộ lạc cổ đại vào mùa xuân hằng năm đều thực hiện nghi thức hiến sinh mạng cho đấng Tối cao. Người được chọn sẽ nhảy múa cho tới chết. Sau đó, thi thể người phụ nữ ấy sẽ được xẻ ra làm nhiều mảnh và chôn ở tứ phương nhằm cầu cho đất đai được màu mỡ. Có lẽ, qua tác phẩm này, Igor Stravinsky muốn đưa đến một bức chân dung âm nhạc về nỗi ám ảnh trong đó con người bị hủy diệt bởi nguồn sức mạnh nguyên thủy. Một tác phẩm quá mức phiêu lưu và độc đáo.

Thính giả có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 20/3 như được chứng kiến cuộc đối thoại lớn giữa hai nghệ sĩ, trong đó người tri thức trẻ cứ từng bước, từng bước đặt ra câu hỏi cho vị giáo sư đáng kính hồi đáp, người hồ như đã chứng kiến tất cả, về cuộc đời âm nhạc nói riêng và tình yêu nghệ thuật nói chung. 

Trong buổi giao lưu với nhà báo và sinh viên diễn ra ngày 19/3, khán giả không khỏi ngỡ ngàng trước thái độ khiêm tốn, giản dị và thân thiện của các nghệ sĩ lớn, những người đã biểu diễn tại khắp các phòng hòa nhạc danh tiếng nhất trên thế giới. Nhưng danh mục tác phẩm mà hai nghệ sĩ chọn để thể hiện lại không có gì khiêm tốn: Phần I của chương trình là hai tác phẩm theo trường phái “âm nhạc tuyệt đối” (pure music) của Đức là Schubert và Brahms, vốn mang nặng tính tư tưởng và thiên về gây ấn tượng âm thanh. Phần II thì ngược lại, cha con Ashkenazy đã chọn biểu diễn hai tác phẩm tiêu biểu của nước Nga của Mussorgsky và Stravinsky – hai nhà soạn nhạc thiên về trường phái “âm nhạc chương trình” (programme music) với rất nhiều phá cách trong sáng tác.

Phải có bản lĩnh của nghệ sĩ hàng đầu thế giới mới dám tự tin thể hiện hai mặt hoàn toàn đối lập của âm nhạc trong một chương trình hòa nhạc như thế. Nghệ sĩ lớn, tham vọng lớn, và đương nhiên, cha con Ashkenazy thừa tài năng để thể hiện tham vọng âm nhạc của mình.

Bài: Trạch Lam

Ảnh: Tuấn Đào


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Nghệ sĩ dương cầm xuất sắc nhất thế kỷ 20 Vladimir Ashkenazy không sinh ra với một đôi tay để chơi piano. Đây là sự thật. Và ông phải luyện tập rất nhiều, nỗ lực hơn những nghệ sĩ khác rất nhiều để tạo nên sự kỳ diệu trong âm nhạc. Tập luyện, tập luyện và tập luyện – đây cũng là những lời ông nhắc đi nhắc lại với các bạn sinh viên nghệ thuật.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

21/03/2014, 10:45