Phan An: Tôi đang vứt ngọc vào chuồng gà! - Tạp chí Đẹp

Phan An: Tôi đang vứt ngọc vào chuồng gà!

Sao

Tháng 4/2013, Phan An quyết định dừng hoạt động trang web này sau 2 năm 3 tháng tồn tại. Lý do là dù có mục đích “nhặt sạn” báo chí, đả kích những thứ giật gân, câu khách, đầu độc người đọc, dần dần lacai.org lại trở thành nơi “người ta vào kiếm chút giải trí hàng ngày.”

Bìa cuốn sách “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt”

Gần đây, Phan An trở lại với Ca dao Mẹ (địa chỉ: http://cadao.me), một dự án “là thành quả làm việc miệt mài gần một năm của mười bảy thành viên (hiện giờ còn mười ba). Có người là tiến sĩ vật lý ở Nhật, có người đang hoàn tất khóa thạc sĩ công nghệ thông tin ở ở Úc, có người đang làm việc cho Microsoft, lại có người chỉ mới tốt nghiệp phổ thông trung học.”

Mục đích của những người thực hiện Ca dao Mẹ rất giản dị: “Chúng tôi hi vọng nghe thấy bạn bè, anh em mình, và về sau nữa, con cháu mình, không chỉ kháo nhau về một bộ phim chiến tranh, một đoạn nhạc có tiếng guitar điện, một điệu nhảy có quần thụng và giày thể thao. Chúng tôi mong muốn rằng bây giờ đây và nhiều năm về sau nữa, người Việt sẽ còn hát dân ca để ru con, còn biết ví von, và còn biết đọc cho nhau nghe những tâm tư của cha ông mình vào buổi đầu dựng nước và giữ nước.


Đây đó cũng đã có một số trang web lưu trữ ca dao dân ca. Tiếc rằng, những trang web ấy đều khá sơ sài về số lượng và chất lượng. Người đọc không thể biết giá gương, nhiễu điều là gì, hay truông nhà Hồ nằm đâu, hay tại sao cha mẹ thương nhau lại bằng gừng cay muối mặn, hay thế nào là mối tơ, là cau là trầu. Chúng tôi muốn làm tốt hơn thế. Chúng tôi muốn rằng, với mỗi câu ca dao, chúng ta hiểu được từng từ cổ, từng tiếng địa phương, từng điển tích, điển cố, từng địa danh đã từng hay vẫn còn tồn tại trên đất nước mến yêu này….”

Phan An đã dành cho Đẹp Online một cuộc nói chuyện rất thẳng thắn nhân dịp giới thiệu dự án này với công chúng.

“Người ta không thể nghe hát nếu bịt tai”

– Thực ra tôi có quan tâm tới anh từ lâu, và tôi thấy anh dành sự quan tâm không nhỏ cho những giá trị cổ truyền, và anh tiếc nuối vì những giá trị đó đang mai một dần. Tôi thấy dự án Ca dao mẹ của anh và bạn bè rất hay. Tuy vậy, tôi muốn chia sẻ một suy nghĩ khác: tôi cho rằng cái gì cũng có thời điểm, bối cảnh của nó. Liệu anh có nghĩ rằng, một trong những lý do khiến cho nhiều điều đẹp đẽ không còn tồn tại, hoặc đang mai một dần đi trong đời sống hiện đại, cũng là vì nó không thực sự phù hợp nữa?

Nếu những người trẻ không quan tâm tới ca dao, thành ngữ, đồng dao… và cả những dị bản của chúng, đơn giản vì có nhiều thứ hấp dẫn hơn, dễ tiếp nhận hơn, thú vị hơn, hoặc ít nhất là gần gũi hơn thì anh nghĩ sao?

Tôi đang mong đợi một câu trả lời khác ngoài câu: ca dao, tục ngữ rất hay, rất đẹp, những giá trị cổ truyền rất tuyệt vời, chúng ta phải gìn giữ…

– Ủa, ca dao, tục ngữ hay mà. Bạn muốn đối thoại với tôi thì không thể muốn tôi nói theo ý bạn được.

– Anh có thể nói với tôi, một cách ngắn gọn và giản dị: nó hay như thế nào? Cái hay đấy giúp ích được gì cho người ta trong hiện tại? Trong muôn vàn cái hay bây giờ, tại sao phải quan tâm tới cái hay đó?

– Cái hay của nó không phải ai cũng nhìn thấy, đó là sự thật. Vả lại, suy nghĩ: “A hay, tại sao phải quan tâm B” rất là vô lý. Thêm nữa, thất bại nhất là phải nói: Đây, nó hay ở chỗ này này.

Phan An ký tặng sách cho độc giả

– Hãy nghĩ tôi giống như một khán giả vô cùng tầm thường, mở tivi ra, sau 10 giây mà không thấy gì hay thì tôi sẽ chuyển kênh khác.

– Tôi có một từ, đó là: Vô ơn. Vì những từ ngữ bạn sử dụng bây giờ, hoặc từ nãy đến giờ, đều là từ đâu đó mà ra cả. Cũng giống như cuộc sống của bạn cũng từ đâu đó mà ra. Tôi có nghĩa vụ phải nhớ.

– Tôi thì không câu nệ tiếng Anh hay tiếng Việt, và cả dân tộc tính nữa. Với tôi, vẻ đẹp của “Kiêu hãnh và định kiến” (“Pride and Prejudice” – tác phẩm của nhà văn Anh Jane Austen – PV) cũng đẹp, “Truyện Kiều” cũng đẹp.

– Tôi cũng nói tiếng Anh hàng ngày, vì tôi ở nước ngoài. Tôi cũng nghe Death Metal (một thể loại nhạc rock – PV) từ năm tôi 18 tuổi. Những việc đó không ảnh hưởng gì đến chuyện tôi thích ca dao, dân ca, và Phan Bá Vành, và quận He. Tôi không biết từ đâu ra cái suy nghĩ: nếu A thì không thể B. Và tại sao một số người nghĩ rằng chuyện đó có liên quan đến dân tộc tính. Trong khi cái người ta có trong đầu chỉ là sự cực đoan.

“Tôi không dân tộc cực đoan đâu!!!” là một sự cực đoan. Những người trẻ có cơ hội đi nhiều lại càng dễ bị tật ấy, có lẽ họ cho rằng như thế mới là mở mang, thông thoáng.

– Tức là anh cho rằng mọi thứ đẹp đẽ của các dân tộc khác cũng đẹp, nhưng anh phải làm trang Ca dao mẹ, vì không có ai khác làm việc này? Còn những giá trị khác thì đã có người lo gìn giữ, bảo vệ nó rồi?

– Gần như thế. Tôi đâu có yêu các dân tộc khác đến vậy.

– Liệu có thể có tình yêu với mọi vẻ đẹp, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ…

– Sao lại không? Và tiếp theo chúng ta lại có một bài ca về dân tộc tính…  

– Không, chủ đề của chúng ta chỉ là về vẻ đẹp thôi.

– Tất nhiên, cũng như tôi không yêu bà hàng xóm bằng mẹ tôi. Dân tộc tính thì có gì xấu và tại sao phải tỏ ra rằng tôi yêu tất thảy, tôi yêu dân tộc tôi cũng như mọi dân tộc khác?

Tôi không quan tâm lắm đến chuyện người khác nghĩ gì về suy nghĩ và việc làm của tôi. Tôi cũng đã từng thử giới thiệu những thứ tôi làm tới nhiều người hơn, và tôi kết luận rằng bạn không thể thay đổi con người nếu tự thân người ta không muốn thay đổi. Người ta không thể nghe hát hay nếu người ta tự bịt tai.

“Tôi muốn gà nhận ngọc theo cách của người”

– Quay trở lại chuyện một vật hay, việc hay, người đẹp… nếu bạn thật sự muốn cho tôi thấy “Kiêu hãnh và định kiến” hay ở chỗ nào thì bạn làm gì?

– Tôi sẽ nói cho anh biết nó hay ở chỗ nào, tại sao lại hay. Tôi sẽ đưa anh đi xem phim, một thứ dễ tiếp nhận hơn truyện, và tôi cho anh nghe nhạc phim, tôi trích những câu nói hay trong sách, kể những câu chuyện đời của tác giả, sau đó giới thiệu sách cho anh đọc. Tới lúc này anh vẫn chưa thấy nó hay à?

– Hay chứ. Ca dao cũng thế. Bạn có biết sau chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, trong dân gian xuất hiện một bài văn tế quân thiên triều, gọi là “Thiên triều văn”? Có biết là Phan Bá Vành có một người thầy dạy đánh đao, người này có con trai tên là Ba Rãng, và chỉ có ông này mới theo kịp tài đao của Ba Vành? Bạn có biết Gò Công còn có tên là Khổng Tước Nguyên, nên mới có câu: “Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất?” Bạn có biết cầu Long Biên vốn có tên là cầu Doumer, và đây là tên viên quan toàn quyền Đông Dương đã cho xây cầu?

Trừ cây cầu Doumer ra, câu trả lời của bạn đều là “Không biết.” Tại sao một chuyện đã xảy ra trên đất nước của bạn mà bạn không biết?

– Anh hãy nói cho tôi biết lý do tại sao tôi phải biết chuyện đã xảy ra trên đất nước tôi?

– Vì đó là chuyện đã xảy ra đối với bạn, cha mẹ bạn, ông bà bạn. Tôi quay lại với chữ “vô ơn”, đây là từ tôi dành cho tôi nếu tôi không biết và không làm những chuyện này.

– Tôi không thấy thuyết phục lắm. Tôi không ép con tôi phải biết những gì nó không muốn. Tôi nghĩ rằng con tôi hãy tìm hiểu những điều nó muốn tìm hiểu, chứ không vì nó phải tìm hiểu.

– Lại quay lại chuyện bạn chỉ có thể thay đổi một người nếu người ta muốn thay đổi. Còn thì không thiếu cách để phản biện lý lẽ của tôi. Chỉ là tôi không nghĩ thế, và tôi khác bạn. Bạn có thể nghĩ sống yên vui, nhỏ bé cũng là đang trả ơn ông bà cha mẹ rồi.

– Anh nói nếu người ta không muốn tiếp nhận thì cũng chẳng làm sao được. Sau việc anh làm, người ta không muốn nghe thì sao? Anh sẽ làm gì? Giả sử trang của anh chỉ có vài trăm lượt truy cập thì sao?

– Không sao cả, vì đó không phải là cái trang người ta vào hàng ngày. Cũng như cuốn “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức không phải là cuốn sách người ta mở ra đọc hàng ngày, mà là người ta đọc khi cần, sau này cần, làm phim cần, viết sách cần.

– Thực ra chủ đề vẫn quay lại câu hỏi ban đầu của tôi. Tôi cho rằng một trong những lý do khiến thứ gì không tồn tại nữa là do nó không còn phù hợp. Còn anh, anh nghĩ lý do nào để có những thứ không tồn tại được, hoặc mai một dần đi?

– Ai là người có quyền quyết định cái gì đáng tồn tại hay không? Bạn vứt viên ngọc vào chuồng gà, rồi bảo vì gà không thích ngọc, nên ngọc là vô giá trị? (Gà và ngọc là một cách nói, đừng câu nệ chữ nghĩa.)

– Nhưng anh lại luôn muốn gà nhận ngọc?

– Cho nên tôi mới làm Ca dao Mẹ. Tôi đang vứt ngọc vào chuồng gà đây. Bây giờ nếu có con gà nào nói việc đó là vô nghĩa, liệu điều đó có khiến tôi thay đổi không?

– Anh thỏa hiệp hơn đi. Tôi thì nghĩ rằng muốn gà nhận ngọc thì nên làm theo cách của gà.

– Không, tôi muốn gà nhận ngọc theo cách của người.

– Bằng cách nào?

– Bằng cách hướng đến những con gà gần người nhất. Con gà nhận mình là gà và muốn thay đổi.

– Cảm ơn anh đã chia sẻ!

“….Con sẽ luôn nói tiếng Việt, tiếng nói của người mẹ đã sinh ra con, của người cha đã nuôi nấng con, của người thầy đã dạy dỗ con, trừ những lúc công việc yêu cầu, hoặc trong số những người đọc, người nghe có người không hiểu tiếng nước con.

Cho dù con đang ở một mình, hoặc chỉ đang nói viết cho một mình mình xem nghe, con sẽ không chêm tiếng nước ngoài vào tiếng Việt của con, trừ phi con không tìm ra được từ thay thế. Và những lúc như vậy con sẽ xấu hổ về kiến thức hạn hẹp của mình, về sự ngu dốt đáng thương của mình, xấu hổ với những người đi trước, những người đã nhào nặn ra cho con từng từ, từng chữ từ nước mắt, mồ hôi, và đôi khi là xương máu nữa.

Khi đặt bút viết một điều gì đó, bất kể nghiêm túc hay bâng quơ, con cũng sẽ cẩn thận cân nhắc từng ngữ, từng từ, soát từng lỗi chính tả, từng vần điệu, từng dấu thanh. Con sẽ băn khoăn: nên dùng từ này hay từ nọ? Nên đặt dấu phẩy ở đâu? Nên kết câu bằng thanh bằng hay thanh trắc, dấu huyền hay dấu hỏi? Bởi vì con yêu tiếng nước con, con muốn tất những gì con viết ra đều phải đẹp, phải có âm của nhạc, có vần của thơ, phải xứng đáng với tiếng nói thiêng liêng ấy.

Con sẽ khóc khi nghe bài vọng cổ, nghe câu hát bội, bài chòi, dân ca, ví dặm, những bài ca cha ông đã gìn giữ cho con từ những ngày đầu mở đất. Con sẽ thương hại và giận dữ khi có người mở miệng chê bai câu hò Huế, giọng quan họ, tiếng đàn kìm, bài hát xẩm, cũng như con sẽ tủi nhục đau lòng khi thấy một em bé mới chín mười tuổi, áo quần xúng xính, má phấn môi son lên truyền hình, đứng trước hàng nghìn người Việt hát một bài nhạc tình tiếng Anh.

Con sẽ đọc từ điển tiếng Việt luôn luôn, giống như Phật tử đọc kệ, giáo dân đọc kinh. Làm sao để mỗi ngày trôi qua con học thêm được nhiều từ chưa biết, hiểu hơn những từ đã biết. Khi bắt gặp một từ tiếng Việt lạ lẫm, con sẽ đau đớn, sẽ mừng rỡ, sẽ lúng túng, ngượng ngập, nhưng không bao giờ con lại dửng dưng.

Con sẽ yêu từng tên đất, tên làng, tên từng dòng sông con suối, từng chiếc cầu, từng ngôi chợ, từng đỉnh núi ngọn đèo. Con sẽ yêu tiếng Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Nam Quảng Ngãi, Bình Định Phú Yên, những bậu, những qua, những choa, những nẫu. Mỗi vùng đất con đi qua là một mở mang cho ngôn ngữ của con, đừng bao giờ là rào cản. Gặp một người nói giọng địa phương mà con không hiểu được, con sẽ không cười nhạo họ. Bởi vì người đáng để cười nhạo không phải họ mà chính là con, vì họ nói tiếng Việt trong khi con, người con cùng chung máu đỏ da vàng, lại không hiểu không nghe tiếng Việt.

Con sẽ cười gằn mỗi khi đọc phải một cuốn sách cẩu thả, ngu dốt, lai căng của bọn dịch giả, nhà văn, nhà phê bình đang nhan nhản ngoài kia, những kẻ vênh vang mang danh là trí thức đang đang tâm huỷ hoại nền văn hoá của dân tộc con. Con sẽ căm ghét bọn chúng như căm thù những kẻ đã lăng mạ mẹ mình, sỉ nhục cha mình, giẫm đạp lên quê hương đất nước mình.

Con sẽ ngày một yêu thêm những người đã yêu tiếng nước con, bất kể xưa kia họ đã làm gì, theo phe phái nào, bất kể những kẻ nhân danh lịch sử đang phán xét họ như thế nào. Bởi vì một người biết yêu tiếng Việt quyết không phải là người xấu, không bao giờ là người xấu. Và ngược lại, một người Việt dù tài giỏi đến đâu, đạt được những thành tựu vẻ vang thế nào, nếu không yêu tiếng Việt thì cũng chưa thể gọi là người tốt được.

Rồi đến khi con có con, con cũng sẽ căn dặn con mình những lời như thế. Dù cho lúc đó có thể con đang ở một đất nước khác, sống giữa một nền văn hoá khác, một dòng lịch sử khác, nơi người ta tự hào về tiếng nói của họ cũng như con yêu tiếng Việt của con.” – Phan An.

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo

>> Có thể bạn quan tâm: Họa sĩ Bút Chì: “Tôi mong sao mọi trẻ em đều được cứu sống bởi những người bạn bước ra từ trong sách – những thiên sứ của trí tưởng tượng bất tử”: 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

26/12/2013, 10:26