Nguyễn Hữu Tuấn: “Cái đẹp không bao giờ có giá thấp” - Tạp chí Đẹp

Nguyễn Hữu Tuấn: “Cái đẹp không bao giờ có giá thấp”

Sao

Việc làm phim ngắn – loại phim trước đây chỉ dành cho sinh viên điện ảnh làm bài tập – hiện đã trở thành một phong trào trong giới trẻ. Nhờ sự trợ giúp của máy ảnh có chức năng quay phim, giờ đây, dường như ai cũng có thể trở thành “nhà làm phim ngắn”.

Chuyên đề “Phim ngắn cho đường dài”của Đẹp online sẽ gửi tới bạn đọc những lời chia sẻ chân thành của 4 nhà làm phim Đỗ Quốc Trung, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Hữu Tuấn và Phan Đăng Di. Phim ngắn không phải thể loại chỉ dành cho người nghiệp dư, mà đây chính là một thể loại riêng, có yêu cầu riêng. Đi từ phim ngắn tới phim dài là một quá trình cơ bản của người đạo diễn, và qua các tác phẩm nhỏ này mà chặng đường của những nhà làm phim trẻ đầy đam mê được bắt đầu.

Các bài viết trong chuyên đề:

Trung ROD: “Không tự tin thì nên bỏ nghề”
Trung Rwo: “Điện ảnh Việt như… quả trứng gà”
Nguyễn Hữu Tuấn: “Cái đẹp không bao giờ có giá thấp”
Phan Đăng Di: “Chỉ có thể trông chờ vào những gương mặt mới”

Tổ chức: Linh Hanyi

“Phim ngắn không phải là một bài tập”

– Có lý do nào khiến một người tốt nghiệp Đại học Kiến trúc như anh lại chuyển hướng sang đam mê nghệ thuật thứ 7?

– Tôi thật sự nghĩ là mình sinh ra để làm công việc này, điện ảnh luôn ở trong tôi, chỉ là tôi phát hiện ra điều đó hơi muộn. Tôi thậm chí còn rất ít xem phim cho đến tận năm 21 tuổi.

Tôi luôn cho rằng một cá nhân nên tập trung vào việc gì mình làm tốt nhất, đó là cách cống hiến cho xã hội hay nhất. Về tinh thần, khi làm phim, tôi được là chính mình, hoàn toàn tự tin, thoải mái, không lo sợ thất bại cũng không cần đến những hư danh để mình nấp vào đó mà trốn tránh sự yếu kém của bản thân. Đó là điều mà khi làm kiến trúc tôi không cảm thấy.

Thời điểm định mệnh đối với tôi là khi tôi vô tình được xem “Lost in Translation” trên một kênh truyền hình nước ngoài. Bộ phim tuyệt vời gần như ngay lập tức thay đổi nhận thức của tôi về điện ảnh. Những bộ phim tôi xem trước đó đa số là phim giải trí, cũng có một vài bộ phim thật sự rất hay và tôi cũng rất thích như “Amélie” hay “A love of Blueness” chẳng hạn. Nhưng “Lost in Translation” lại khác, nó kết nối với tâm hồn của tôi ngay lập tức và tôi nhìn thấy mình trong đó, trong một câu chuyện của hai con người xa lạ. Tôi vỡ ra được sự kỳ diệu của điện ảnh ở giây phút ấy.

Tôi nhận ra hóa ra người ta có thể làm phim như thế! Không phải là họ tạo ra một thế giới tưởng tượng mà tôi thấy thích thú, hay là một câu chuyện mà tôi muốn mình được là một nhân vật trong ấy, “Lost in translation” là chính tôi. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu điện ảnh, tôi dần dần đi tới những góc độ, tầng nhánh khác của nó cho đến một ngày mà tôi thật sự muốn kể những câu chuyện mà mình sáng tác.

Từ lúc nhỏ các câu chuyện đã đến với tôi, nhưng tôi không thật sự để ý và không coi đó là một hướng đi để theo đuổi, nhưng nhờ “Lost in Translation”, tôi sẵn sàng trở thành một người kể chuyện bằng hình ảnh.

– Và con đường kể chuyện bằng hình ảnh của anh là: chỉ làm một phim ngắn, sau đó tiến tới làm phim dài luôn?

– Tôi có một phim ngắn bé xíu. Nói thật sự là ngoài việc thử chơi thì nó cũng không có ý nghĩa nhiều về mặt chuyên môn, nó hoàn toàn không phải là một bước tập luyện để làm phim dài. Cho nên tôi thường coi như mình chẳng làm phim ngắn nào trước phim “Dành cho tháng Sáu” cả.

Có nhiều lý do vì sao ở giai đoạn đã chín hơn tôi không làm phim ngắn nào, chủ yếu là vì hạn chế tài chính và kỹ thuật. Làm phim ngắn tốn tiền và chẳng thể kiếm ra tiền từ nó. Tôi không thể có tiền để quay bằng phim nhựa hay bằng máy quay RedOne, trong khi tôi muốn phim của mình thực sự có dáng vẻ của điện ảnh. Tôi không muốn quay bằng Betacam vì hình ảnh nhìn quá xấu, rất tiếc đó lại là giải pháp khả thi duy nhất ở thời điểm đó.

Có lẽ tính duy mỹ là điều đọng lại sau quá trình học kiến trúc của tôi, vì nó mà tôi từ chối làm phim ngắn. Tôi cho rằng cũng chẳng phải riêng mình tôi duy mỹ như thế, bằng chứng phim ngắn thời đó số lượng tương đối ít. Sau khi trào lưu quay phim bằng máy ảnh xuất hiện, các bạn trẻ hơn tôi đã có một vũ khí tuyệt vời mà thế hệ tôi đã không có, số lượng phim ngắn tăng đột biến ngay.

Ngoài ra cũng có thể là số phận nữa, khi tôi tham gia khóa học sản xuất của trung tâm TPD (trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh do quỹ Ford tài trợ – PV), tôi được giao sản xuất một kịch bản của dự án “10 tháng 10 phim”. Tuy nhiên, đến phút cuối vì trục trặc với tác giả kịch bản nên TPD đã dừng sản xuất bộ phim đó.

– Đi từ phim ngắn đến một bộ phim dài là quá trình cơ bản của một người học và làm về điện ảnh. Anh có tiếc khi mình chưa được trải nghiệm nhiều với phim ngắn không?

– Vì điều kiện khách quan nên tôi không trải qua quá trình cơ bản ấy mà bị buộc phải lao vào làm phim dài luôn. Nếu được làm thì tôi nghĩ là sẽ tốt hơn cho tôi, dẫu sao phạm các sai lầm nhỏ vẫn dễ chịu hơn sai lầm lớn.

Tôi may mắn là cũng đã chuẩn bị tốt để không sai quá lớn, nhưng nhìn lại thì tôi cũng phải thừa nhận là mình đã… tuổi trẻ liều lĩnh. Được tập luyện bằng phim ngắn thì quá tốt rồi, nhưng chúng ta không nên nghĩ phim ngắn chỉ là bài tập. Nó là một thể loại riêng có những yêu cầu riêng, nhiều khi còn khó làm hơn cả phim dài. Có người làm phim ngắn giỏi nhưng làm phim dài dở, có người lại ngược lại.

Cho nên tôi thường chia sẽ rất chân thành với những bạn trẻ hơn tôi là phải nghĩ lớn, nghĩ dài đi, nếu thật sự nghiêm túc với nghề này. Làm phim dài yêu cầu một cái nhìn tổng thể mà chỉ có thể học được trong khi làm nó, bắt đầu với việc viết một kịch bản dù hay dù dở.

Poster phim “Dành cho tháng Sáu”

“Điện ảnh phải là một thương vụ”

– Vậy phim dài đầu tiên “Dành cho tháng Sáu” của anh đã ra đời như thế nào?

– Ý tưởng của “Dành cho tháng Sáu” đến với tôi vào khoảng năm 2006. Trong tất cả các ý tưởng, thì ý tưởng đó tôi nghĩ nó vừa sức mình để làm đầu tiên nhất. Nó không quá khó để thực hiện, chỉ có một cảnh trận đấu bóng rổ là đặc biệt nhất thôi. Nó cũng không quá hay để tôi phung phí khi mình còn non tay. Và nó là một dạng phim mà cho đến giờ vẫn ít thấy là phim học đường. Thể thao cũng là một thể loại hiếm của điện ảnh Việt Nam.

Vì những lý do đó tôi đã bắt tay vào viết kịch bản năm 2008, tôi viết tập trung trong 4 tháng cho bản đầu tiên. Tôi đã muốn đưa nó vào làm năm ấy luôn, nhưng thật sự là các điều kiện chưa đầy đủ, khó nhất là con người. Hai năm sau tình hình thuận lợi hơn rất nhiều, thiết bị kỹ thuật đã tiên tiến hơn và lại còn rẻ hơn, và quan trọng nhất là yếu tố con người – tôi dễ dàng có được một đoàn làm phim trẻ và đầy năng lực, sẵn sàng cùng tôi tạo nên bộ phim này hoàn toàn vì đam mê với nghề và khao khát được làm việc, được đem năng lực ra sử dụng. Đương nhiên khó khăn vẫn chưa hết, nhưng sự ra đời của “Dành cho tháng Sáu” là không thể đảo ngược được nữa.

Bất kỳ một bộ phim nào ra được đến rạp cũng phải có rất nhiều yếu tố của vận may, tôi nghĩ là tôi đã may mắn khi chỉ phải chờ có hai năm để được quay và thêm một năm nữa để được thấy đứa con tinh thần của mình chiếu trên màn bạc.

– Anh là một nhà làm phim độc lập, không thuộc tổ chức, cũng chẳng thuộc một nhóm làm phim nào? Anh làm phim từ chính tiền túi của mình đúng không?

– Một người như tôi, ở thời điểm của tôi, không có cơ hội nào khác ngoài việc phải tự bỏ tiền ra. Tôi không phải người nhà nước, chẳng phải tên tuổi đảm bảo doanh thu cho các hãng tư nhân, cũng chẳng thể xin tiền tài trợ của nước ngoài với một kịch bản ít nhiều mang tính giải trí như “Dành cho tháng Sáu”.

Nhưng tôi thuộc về một nhóm những người cùng trang lứa, cùng khao khát được làm phim và đã trải qua một thời gian rèn luyện năng lực để chờ cơ hội. Tôi mong rằng sẽ được thấy họ xuất hiện nhiều hơn và mạnh mẽ hơn. Tôi đã được xem phim “Đường đua” và tôi rất hạnh phúc vì một bộ phim hay như thế được đạo diễn bởi một người cùng thế hệ. Tôi cũng thuộc về một cộng đồng lớn hơn nữa của những người bạn trẻ hơn tôi rất nhiều nhưng đã sớm tìm thấy hướng đi của mình trong điện ảnh. Họ dũng cảm và dư thừa tiềm năng hơn tôi rất nhiều. Tôi cũng hạnh phúc vì mình đã góp phần tạo nên sân chơi cho các bạn trẻ ấy.

Cảnh trong phim “Dành cho tháng Sáu”

– Anh có nghĩ điện ảnh là một cuộc chơi rất tốn kém không?

– Phải nói thẳng là không có bộ phim điện ảnh nào là rẻ tiền cả. Bởi vì điện ảnh đòi hỏi những tiêu chuẩn hậu kỳ rất cao để có thể ra được rạp chiếu. Tiêu chuẩn cao đi kèm với những công nghệ đắt giá, thù lao đặc biệt cho các chuyên gia…Dù cho bạn có cố gắng quay rẻ đến mấy thì bạn vẫn không thể tránh được chi phí hậu kỳ cao khủng khiếp.

Ví dụ như một bộ phim huyền thoại kinh phí thấp là “El Mariachi”. Phim được quay và dựng sơ bộ với số tiền chỉ có 7.000 USD của đạo diễn. Thế nhưng khi nó trở nên nổi tiếng và được mua lại bởi một hãng phim lớn, người ta phải tốn hơn 1.000.000 USD cho công tác hậu kỳ để phim đủ tiêu chuẩn chiếu thương mại. Vì thế hãy quên đi câu chuyện thần thoại về những bộ phim siêu rẻ.Cái đẹp, cái tinh tế không bao giờ có giá thấp.

Tôi nghĩ, điện ảnh phải là một vụ làm ăn. Mỗi bộ phim là một vụ đầu tư kinh doanh, rủi ro rất cao nhưng lợi nhuận cũng rất cao. Đạo diễn George Lucas thậm chí đã trở thành tỷ phú nhờ làm phim đó thôi? Đế chế giải trí Disney đã khởi đầu như thế nào, hẳn ai cũng rõ. Và cũng như đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản… đã kinh doanh thì cũng sẽ có lúc bị lỗ. Nhưng với điện ảnh thì ngay cả khi bạn mất hết tiền, bạn vẫn có trong tay một món tài sản tinh thần vô giá là bộ phim của mình. Cũng như văn chương, phim của bạn sẽ còn được người ta xem kể cả sau khi bạn chết. Bạn không phải là một kẻ thất bại đáng thương vì giờ đây bạn đã để lại một dấu ấn nhỏ bé nhưng bất tử trong nền văn hóa của nhân loại. Cho nên lợi nhuận của một thương vụ điện ảnh không chỉ là tiền, mà còn hơn thế nữa.

– Nhiều bạn trẻ mong muốn làm phim mà không có kinh phí. Nếu họ không có tiền túi để bỏ ra làm phim như anh, anh có lời khuyên gì cho họ không?

– Có nhiều nguồn vốn để làm phim. Ở Việt Nam chúng ta có nguồn vốn từ nhà nước và nguồn vốn tư nhân. Chúng ta cũng có thể xin tài trợ từ các quỹ văn hóa nước ngoài. Nếu được thì vay người thân, bạn bè, họ hàng. Thậm chí có thể tập họp những người cùng chí hướng để mở một công ty cổ phần mà chung vốn, thủ tục mở một hãng phim đã được nhà nước tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa.

Ngoài ra, hiện nay hình thức crowdfunding đã phổ biến trên thế giới và đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, bạn có thể đăng dự án lên mạng, ai yêu thích có thể cho bạn một khoản tiền nho nhỏ, nhiều người như thế sẽ đem lại một khoản tiền lớn. Tôi thật sự không có lời khuyên nào ngoài việc là phải dựa vào những lợi thế mà mình có. Cuộc đấu tranh sẽ gian khổ, nhưng không gian khổ thì không thể có quả ngọt.

– Theo anh, nếu không phải là kinh phí, khó khăn nhất với người làm phim trẻ ở Việt Nam là gì?

– Khó khăn lớn nhất luôn đến từ bên trong chính bản thân mình.

Thứ nhất, đúng là không thể làm phim nếu không có tiền, nhưng sẽ chẳng có tiền nếu như bạn không có một kịch bản. Tôi biết nhiều người bạn của tôi, đầy đủ tài năng và điều kiện, nhưng vẫn đang đau đáu chờ một kịch bản tốt. Nếu bạn có ý tưởng thì hãy bắt tay vào viết đi chứ đừng chần chừ nữa. Tôi muốn nói thế với rất nhiều người vì tôi sốt ruột với việc họ cứ quẩn quanh mãi trong các dự án nhỏ hoặc đi học triền miên không dứt, không rõ là vì họ thiếu một tham vọng hay lười biếng. Mọi thứ sẽ thay đổi và đi lên với tốc độ vũ bão, chậm chân là sẽ bị rớt lại phía sau ngay.

Thứ hai, điều này tôi thấy còn nguy hại hơn. Tôi theo dõi khá sát tình hình làm phim ngắn hiện nay của giới trẻ. Trong trào lưu quay phim bằng máy ảnh, số lượng phim ngắn trở nên nhiều hơn hẳn, đó là điều đáng mừng. Nhưng số lượng tăng mà chất lượng lại chưa tăng, số phim ngắn tốt vẫn đếm trên đầu ngón tay. Phim ngắn Việt vẫn lép vế trong tiệc phim ngắn YxineFF, một liên hoan phim ngắn trực tuyến do người Việt sáng lập.

Trừ vài trường hợp rất cá biệt, tôi hầu như không thấy một gương mặt nào có tín hiệu là một tài năng. Phim ngắn của họ bị sa đà vào những câu chuyện hời hợt, hoặc là lại ra vẻ triết lý quá đà. Ngôn ngữ kể chuyện cũng rất nhợt nhạt, không định hình, không ý đồ. Hình ảnh long lanh nhưng vô nghĩa, bố cục xấu xí, thiếu tính toán. Và còn rất nhiều điểm yếu nữa ở từng bộ phim cụ thể. Nguy hiểm là khi các phim ngắn này được tải lên internet, nhiều phim có số lượng người xem cực cao. Được nhiều người tung hô, được truyền thông chú ý, trở nên nổi tiếng trong giới trẻ, các bạn trẻ làm phim dễ bị ảo tưởng và quên đi việc rút kinh nghiệm, quên đi việc trau dồi bản thân. Cứ thế họ tạo ra những sản phẩm lặp đi lặp lại đến phát ngán với các sai lầm y chang.

Tôi mong các bạn hãy gạt bỏ những phù phiếm ấy và dành thời gian đau đáu cho nghề. Hãy xem thật nhiều những bộ phim đỉnh cao của thế giới để đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cao. Chỉ có đặt tiêu chuẩn cao thì chúng ta mới nỗ lực vươn tới được. Tự hài lòng với bản thân chính là cách tự sát nhanh nhất.

Bài: Thảo Vi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

09/08/2013, 11:33