Trung Rwo: “Điện ảnh Việt như… quả trứng gà” - Tạp chí Đẹp

Trung Rwo: “Điện ảnh Việt như… quả trứng gà”

Sao


Việc làm phim ngắn – loại phim trước đây chỉ dành cho sinh viên điện ảnh làm bài tập – hiện đã trở thành một phong trào trong giới trẻ. Nhờ sự trợ giúp của máy ảnh có chức năng quay phim, giờ đây, dường như ai cũng có thể trở thành “nhà làm phim ngắn”.

Chuyên đề “Phim ngắn cho đường dài”của Đẹp online sẽ gửi tới bạn đọc những lời chia sẻ chân thành của 4 nhà làm phim Đỗ Quốc Trung, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Hữu Tuấn và Phan Đăng Di. Phim ngắn không phải thể loại chỉ dành cho người nghiệp dư, mà đây chính là một thể loại riêng, có yêu cầu riêng. Đi từ phim ngắn tới phim dài là một quá trình cơ bản của người đạo diễn, và qua các tác phẩm nhỏ này mà chặng đường của những nhà làm phim trẻ đầy đam mê được bắt đầu.

Các bài viết trong chuyên đề:

Trung ROD: “Không tự tin thì nên bỏ nghề”
Trung Rwo: “Điện ảnh Việt như… quả trứng gà”
Nguyễn Hữu Tuấn: “Cái đẹp không bao giờ có giá thấp”
Phan Đăng Di: “Chỉ có thể trông chờ vào những gương mặt mới”

Tổ chức: Linh Hanyi


“Tôi chỉ muốn kể câu chuyện nho nhỏ”

– Tôi có một thắc mắc khá… tầm thường: tại sao anh lại chọn học Học viện Ngoại giao dù muốn làm đạo diễn từ những ngày còn học phổ thông?

– Biết nói sao được, cuộc đời đầy rẫy nhưng ngã rẽ bất ngờ mà. Việc học tập ở Học viện Ngoại giao dù không thực sự giúp tôi trong lĩnh vực chuyên môn, nhưng chí ít cũng giúp tôi có nền tảng tự tin hơn về kỹ năng mềm và ngoại ngữ.

Trung Rwo (Nguyễn Thành Trung)

Đam mê điện ảnh nảy sinh trong tôi từ ngày cả nhà tôi cùng nhau đi xem phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” tại rạp Tháng Tám, khoảng 12 năm trước. Khung cảnh thần tiên trong phim làm tôi choáng ngợp hoàn toàn và dần muốn dấn bước tiến sâu hơn vào trong thế giới tưởng tượng ấy. Nhưng lúc đó, tôi mới chỉ cảm thấy thích thích thôi, chứ chưa có đam mê tới mức sống chết như bây giờ, sau khi được xem nhiều phim và trải nghiệm nhiều câu chuyện làm phim.

Trung Rwo (Nguyễn Thành Trung) tốt nghiệp Học viện Ngoại giao nhưng lại dành niềm đam mê cho môn nghệ thuật thứ 7. Trung xây dựng một blog riêng, chuyên đăng tải các bài bình luận phim từ nhiều năm nay và rất được độc giả yêu thích.  

Các phim ngắn của Trung Rwo được khán giả nhận xét là khá “dị”, nhưng thực ra đó là những câu chuyện lạ, hấp dẫn với hình ảnh biểu tượng dày đặc. Phim của anh thường có đoạn kết bất ngờ, và dù là phim ngắn, nhưng các tác phẩm của Trung Rwo thể hiện sự đầu tư thực sự trong việc thể hiện các thủ pháp điện ảnh.

Tác phẩm:

  • “Món quà của tương lai” (2013)
  • “Bữa ăn cuối cùng” (2011)
  • “Chiều ngọt” (2011)

Tại thời điểm đó, tôi có nghe tới cách “truyền nghề” tại các trường dạy điện ảnh ở Việt Nam, nhưng cảm thấy có nhiều điểm không hợp với tính cách của mình. Do đó, tôi cho rằng mình nên thi vào một trường Đại học khác, có một tấm bằng thì sẽ đảm bảo chắc chắn hơn cho cuộc sống tương lai của mình. Kiến thức điện ảnh tôi sẽ trau dồi ở trường đời và rạp chiếu phim sau.

– Dù anh thể hiện niềm đam mê từ rất lâu với điện ảnh, cũng như ấp ủ các câu chuyện mong được kể, nhưng cả hai bộ phim ngắn “Bữa ăn cuối cùng” hay “Món quà của tương lai” dường như vẫn là một ý tưởng vụt lóe, và anh chọn thể hiện thành bộ phim vài phút?

– Tương tự như rất nhiều bộ phim cả ngắn lẫn dài, xuất phát điểm của cả 2 bộ phim ngắn của tôi chính xác đều từ những ý tưởng vụt loé lên. Và sau khi hoàn thành phim, tôi đều cảm thấy may mắn vì nghĩ ra được ý tưởng, đôi khi rất vụn vặt ấy, bởi từ ý sơ khai đó, mình có thể khai triển nó ra nhiều hướng khác nhau và thể hiện được rõ ràng thông điệp mà mình muốn truyền tải.

Tôi nảy ra ý làm “Bữa ăn cuối cùng” trên một chuyến xe bus, và tôi đã tốn khoảng 5-6 tháng sau mới có thể hoàn thiện bộ phim. Trong khi đó, ý tưởng “Món quà của tương lai” đã loé lên từ hai năm trước, nhưng tôi bỏ đó và chỉ suy nghĩ về nó trong… 1 ngày rồi quyết định sẽ quay phim sau đó 2 tuần.

Tôi cho rằng điều quan trọng trong quá trình làm phim là sự chủ tâm chăm chút cho ý tưởng ban đầu của mình hoàn thiện, chứ không quan trọng  tới việc thời gian mình dồn cho nó là bao nhiêu. Tôi đã nghe rất nhiều đạo diễn lớn nói về ý tưởng ấp ủ 5, 6 năm trời của họ, nhưng sản phẩm cuối cùng thì dưới mức trung bình, trong khi có những bộ phim chỉ tốn vài ba tháng để chào đời, lại trở thành kiệt tác.

Trung chỉ đạo diễn xuất cho phim “Bữa ăn cuối cùng”

– Lý do anh lựa chọn phim ngắn, ngoài về kinh phí, còn có nguyên nhân nào nữa không?

– Về mặt lý thuyết, kinh phí không phải là một lý do để tôi, hay nhiều người khác, làm phim ngắn. Nguyên nhân đơn giản và cốt lõi của tôi khi quyết định làm phim ngắn, chính là vì tôi có một câu chuyện nho nhỏ muốn kể cho mọi người. Giống như viết văn thôi, nếu ta chưa đủ thời gian, kinh nghiệm và sức lực để viết “tiểu thuyết”, thì cứ trau dồi bằng các truyện ngắn trước đã.

Còn về thực tế, làm phim ngắn có thể là một sự thử sức, thăm dò thị trường, đánh tiếng cho các nhà đầu tư,… Tôi không quan tâm thời lượng của phim, mà quan trọng vào điều mình muốn truyền tải. Nếu điều tôi muốn nói chỉ gói gọn trong 15 phút phim như “Bữa ăn cuối cùng”, tôi sẽ làm phim ngắn, còn nếu điều tôi muốn thổ lộ rộng hơn, thì tôi cần khai triển thêm để thể hiện rõ các lớp ý của mình. Và khi làm phim dài, thì đó lại là một câu chuyện khác.

– Có vẻ phim ngắn hiện nay là loại phim được nhiều bạn trẻ nghiệp dư lựa chọn. Phim của họ, chưa biết chất lượng như thế nào, nhưng sức lan truyền rất cao và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Trong khi phim của anh thì khó tiếp nhận hơn và bị nói là “dị quá”. Thực ra, anh có định chinh phục đông đảo công chúng?

– Cho dù làm phim với bất kỳ mục đích gì, các nhà làm phim đều muốn đưa đứa con tinh thần của mình đến với thế giới bên ngoài. Tôi cũng tự hiểu rằng, phim của tôi và một vài người bạn khác có nội dung và cách thể hiện khó tiếp cận được đông đảo khán giả Việt Nam đương thời. Nhưng tôi vẫn cảm thấy hài lòng khi bộ phim của mình được tiếp nhận trong một cộng đồng người tâm huyết với điện ảnh và sẵn sàng bao dung với những hướng làm phim mới.

Đương nhiên là phim thì càng đông người xem càng “vui”, nhưng đưa ra một món không hợp gu thì e cũng chưa quen ngay được.

– Anh tự đánh giá mình là kiểu chuyên nghiệp hay nghiệp dư?

– Sự thật: Nghiệp dư đúng nghĩa. Đi lên chuyên nghiệp là một quá trình dài và cam go trong bất kỳ một lĩnh vực nào, và với phim thì càng khó hơn trong thời điểm hiện nay, khi mà nền điện ảnh Việt Nam còn chưa được đánh giá đúng mức. Và khi đích đến còn đang chênh vênh tới vậy, thì con đường lên chuyên nghiệp cũng không thể vạch ra những kế hoạch rõ ràng. Tuỳ cơ ứng biến thôi.

– Các tác giả làm phim ngắn như Trung Rwo, Phạm Thu Hằng, Đồng Phương Thảo… đều là “sản phẩm” của dự án Hỗ trợ tài năng điện ảnh của quỹ Ford. Khi quỹ này ngừng tài trợ tiền cho Việt Nam, anh có nghĩ là anh và các bạn có thể tiếp tục làm phim? Và những “tài năng chưa được khai quật” khác liệu có được tìm thấy?

– Lại một sự thật khác: tôi và bạn bè vẫn làm phim (cười to). Đơn giản là bởi vì chúng tôi vẫn có những câu chuyện khát khao muốn kể và chuyển tới người xem thông điệp của mình. Đối với tôi, Dự án Hỗ trợ tài năng điện ảnh không đơn thuần mang đến tiền, mà quan trọng hơn là đem tới những kiến thức chuyên môn nhằm giáo dục tư duy điện ảnh tốt hơn và hướng dẫn cách làm phim theo tiêu chuẩn toàn cầu. Đó mới là điều giáo dục điện ảnh Việt Nam chưa dạy đầy đủ cho những người đam mê phim.

 

Trung chỉ đạo diễn xuất cho phim “Bữa ăn cuối cùng”  

Theo quan sát của tôi, hiện tại đã có nhiều cơ quan tổ chức quan tâm hơn tới điện ảnh và cơ hội đang dần mở ra cho giới làm phim trẻ hơn. Internet cũng nhiều hơn những hội nhóm trao đổi chuyên môn điện ảnh, với thành viên bao gồm cả những người từng làm phim dài hay mới làm phim ngắn. Đây là một ánh sáng “nhẹ” cho điện ảnh nước nhà nhằm kích thích những “tài năng chưa được khai quật”. Các tài năng ấy sẽ được tìm thấy nếu họ cố gắng bồi bổ kiến thức chuyên môn và sau đó, hét thật lớn với tác phẩm xuất sắc của mình thôi.

“Nghiệp dư không ở phim ngắn hay dài”

– Thấy tình hình điện ảnh Việt như hiện nay, anh có thấy nản lòng?

– Điện ảnh Việt Nam hiện tại giống như một quả trứng gà vậy. Những con người có tâm huyết cần nội lực đầy đủ để đạp vỡ vỏ trứng, đi ra ngoài rồi tồn tại, chứ không thể nhờ thế lực bên ngoài tác động vào – sẽ chết ngay. Với điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật, tư tưởng hiện nay, Việt Nam rõ ràng chưa phải là môi trường tốt để phát triển điện ảnh. Tuy vậy, nếu không có người quan tâm, chăm chút và nuôi dưỡng, thì nó sẽ càng thảm hơn.

Thời điểm hiện giờ đúng là khiến nhiều người làm phim rất dễ nản lòng, nhưng không thể giết đi hy vọng và tâm huyết được. Đó là lý do nhiều nhà làm phim vẫn cố gắng làm phim, bất chấp mỗi lần làm phim là phải đem nhà đi cầm cố, chạy ngược chạy xuối kiếm tiền làm, hay lo ngay ngáy lưỡi hái kiểm duyệt. Tôi và nhiều người khác vẫn đang làm phim, tin rằng dần dần điện ảnh Việt sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực lên.

Poster phim “Món quà của tương lai”

– Nguyễn Khắc Huy mới chỉ làm một phim ngắn, sau đó được Hồng Ánh tin tưởng giao cho làm phim dài và được giới chuyên môn đánh giá cao. Có lẽ người tài ở Việt Nam không hẳn là không có đất dụng võ, và con đường làm phim dài cũng không thực sự khó khăn đến thế. Liên hệ với bản thân, anh thấy sao?

– Có một nguyên tắc gọi là “3 Đúng” – đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm – và Nguyễn Khắc Huy may mắn có được cả 3 yếu tố này. Anh gặp công ty sản xuất phim Blue Production của Hồng Ánh đúng vào thời điểm giới làm phim chán nản với các gương mặt cũ, tại một Việt Nam đang chú ý nhiều hơn tới phim ảnh. Đó là một cơ hội tuyệt vời và anh đã có một tác phẩm được đón nhận.  Câu chuyện này đúng là minh chứng cho rằng ở Việt Nam vẫn còn những người thực sự có tâm huyết đem đến những điều mới mẻ cho điện ảnh.

Liên hệ với bản thân mình hay bất cứ một nhà làm phim nào khác đang tìm đủ mọi cơ hội để làm phim, tôi cũng tin rằng cái đích đến của con đường làm phim dài hoàn toàn dễ nhìn, nhưng để lọt qua khe cơ hội được làm phim thực sự thì không hề đơn giản. Người Việt không quen với những điều mới, những gương mặt mới, nên điện ảnh Việt từ chục năm nay vẫn chỉ có vài cái tên đạo diễn không thay đổi. Hơn thế, tâm lý sính ngoại (hay bất cứ yếu tố ngoại lai nào) cũng là một điều đáng bàn, bởi vì ưu thế này, các nhà làm phim Việt kiều dễ dàng về nước làm phim hơn hẳn những ai đang học tập, nghiên cứu ở Việt Nam. Khe cửa làm phim cứ thế mà hẹp dần đi bởi các studio sẵn sàng làm phim Việt không có quá nhiều.

– Hoặc nếu thực sự muốn làm phim và dám dấn thân, người ta vẫn có thể tự mình làm phim dài, như Nguyễn Hữu Tuấn?

– Như tôi đã nói ở trên, có rất nhiều cách để làm phim. Xin tài trợ của nước ngoài, của Nhà nước, của các nhà đầu tư lớn, hoặc tự bỏ tiền túi ra… Những bộ phim của anh Hữu Tuấn, Phan Đăng Di là những bộ phim đầy mạo hiểm về doanh thu dưới góc độ của nhà đầu tư, nhưng chí ít, họ cũng đã bỏ tiền ra để tạo ra những phim hoàn chỉnh, trọn vẹn và khiến đạo diễn cảm thấy tự hào khi nó được công chiếu trên màn ảnh rộng. Có được tinh thần dám nghĩ, dám làm vì nghệ thuật đó đã là điều tuyệt vời nhất rồi.

– Như trường hợp của Nguyễn Hữu Tuấn hay Phan Đăng Di, họ chỉ làm 1 phim ngắn, sau đó chuyển sang làm phim dài luôn. Dù không có ý so sánh, nhưng tôi thấy băn khoăn: nếu cứ hài lòng với những câu chuyện nhỏ, ý tưởng nhỏ, liệu anh có bị “mắc kẹt”?

– Theo tôi, nghiệp dư không thể hiện ở việc làm phim ngắn, hay dài, mà là thái độ đối với công việc ấy. Nhiều bộ phim ngắn do những ê kíp chuyên nghiệp và có mức đầu tư rất khủng. Nhưng cũng có nhiều nhà làm phim dài có tư tưởng rất nghiệp dư, khi họ không hiểu công việc thực sự của một nhà làm phim, cũng như không có tâm huyết khi làm nghề. Có lẽ các nhà đầu tư đã mắc kẹt trong vòng xoáy doanh thu khi cấp tiền cho nhà làm phim ấy, đơn giản chỉ vì anh ta có tên tuổi sẵn trong nghề.

Poster phim “Bữa ăn cuối cùng” 

Đối với các nhà làm phim chân chính, họ có thể hài lòng với một bộ phim của mình, nhưng không thể hài lòng với cả quá trình làm phim. Do đó, họ phải luôn tìm tòi những cái mới, làm thêm nhiều bộ phim mới. Phim ngắn và phim dài là hai thể loại có định hướng khác nhau hoàn toàn, nhưng đều là những lựa chọn của cá nhân. Mỗi người làm phim ngắn đều có những mục đích khác nhau, vì đam mê, vì danh tiếng, vì “vui thì làm”, nhưng ít nhất trong số đó, có những người có tư duy muốn làm phim dài, thì sẽ cố gắng làm cho bằng được.

Tôi cho rằng không nên quá bi quan khi nhắc tới cách suy nghĩ “chỉ muốn làm phim ngắn” của giới làm phim độc lập, bởi chắc chắn trong số đó, có không ít người đau đáu một tác phẩm dài được chiếu rạp. Do đó, các nhà đầu tư Việt Nam nên mở rộng cánh cửa cho họ bằng những quỹ đầu tư điện ảnh, và những cơ hội học chuyên môn theo tư duy hiện đại, thì sẽ lợi cả đôi đường cho nền điện ảnh Việt hơn nhiều.

– Anh từng nói rằng sau phim “Món quà tới từ tương lai”, anh có một kế hoạch cho tương lai cũng khá “khủng”. Đó là gì?

– (Cười to) Có lẽ không khủng như nhiều người nói tới đâu. Tôi có rất nhiều kế hoạch trong tương lai, cả ở việc làm phim cũng như công việc viết phê bình phim. Tuy vậy, tôi cho rằng mình vẫn đang cần thời gian để trau dồi năng lực bản thân, đồng thời suy nghĩ cho nhuyễn dự án phim dài mà mình khao khát thực hiện, cũng như xây dựng một hệ thống đánh giá nhằm đem đến cho khán giả những lựa chọn tốt hơn khi xem phim.

– Xin cảm ơn anh!

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Nhân vật cung cấp 

 

 

 Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

09/08/2013, 11:09