Có lẽ, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy ở chàng trai này có điều gì đó khá già dặn, sống hơi ẩn mình và có những lúc tưởng như u uất trong cuộc sống, thì tất nhiên, mọi thứ đều có lý do của nó …
Chênh vênh
Tôi mới hai mươi bốn tuổi mà có khi tôi thấy mình già lắm! Tôi thích một mình, không muốn tụ bạ bạn bè, không ồn ào, đình đám. Tôi yêu những khoảnh khắc một mình trong thinh lặng, nghĩ ngợi mọi điều về cuộc sống, công việc, sự nghiệp ca hát, những vai diễn …, nghĩa là nghĩ ngợi về mọi thứ.
Tôi hát nhạc trẻ trong một tâm thế của người tự thấy mình già. Tôi nhìn thấy sự chia cách, tôi nghe thấy những tàn phai, mất mát, nhưng hoang hoải xót xa. Và tôi hát bằng tâm thế ấy: một người trẻ đang tìm kiếm bản ngã của mình, giữa lòng một đô thị xa lạ – dù tôi đã lớn lên trong lòng đô thị ấy.
Có lẽ, cái chết của ba tôi hai năm trước đã tạo cho tôi những nỗi niềm riêng ấy và sự già dặn ấy. Hình như, người ta đều già đi khi một đấng sinh thành của mình qua đời. Ba tôi mất vì ung thư gan, mất trong vòng hai năm từ khi phát hiện bệnh, dù gia đình đã chữa chạy mọi cách, sang tận Trung Quốc (sợ đi Singapore vì thấy đạo diễn Huỳnh Phúc Điền cũng sang bên ấy chữa trị mà không khỏi).
Tôi vốn đã hay suy tư và già trước tuổi lại càng thêm suy tư và yêu thích sự lặng lẽ kể từ khi ba tôi qua đời. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình: rồi mình sẽ đi về đâu, sẽ như thế nào, sẽ ra sao, sẽ làm gì để để lại dấu vết của mình trong đời sống này, một khi tôi sẽ đi về một nơi khác – như ba tôi? Hai năm trước, tháng 6/2010, tôi bước những bước chân đầu tiên vào nghệ thuật với việc biểu diễn miễn phí trong một show diễn ở Huế. Tôi cảm thấy mình may mắn vô cùng khi được hát trên sân khấu chung với những Hồ Ngọc Hà, Lê Hiếu. Tôi không có cát-xê cho bài hát ấy. Nhưng tôi đã bay bổng và hạnh phúc vô cùng, như tên của bài háy vậy: Ngày bay bổng.
Một tháng trước, tôi tham gia chương trình Đêm hội Điện Ảnh – cũng với rất nhiều tên tuổi khác và lần này, tôi đã có cát-xê, một mức thù lao không là gì so với ngôi sao, nhưng là sự tiến bộ của tôi – sau hai năm đi hát, miệt mài học nhảy tại trung tâm Bước nhảy, học luyện thanh với thầy Nam Khánh. Tôi vui vì thấy mình đang lớn dần lên, đang trưởng thành theo đúng nghĩa của từ ấy.
Đừng gọi tôi là hot boy nữa
Tôi đã có vai diễn đầu tiên của mình, sau khi bỏ ngang việc học ngành diễn viên tại trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM. May mắn của số phận, sự hướng dẫn của đạo diễn cộng với nỗ lực của riêng tôi đã giúp cho vai diễn cậu trai nổi loạn trong “Hot boy nổi loạn” được khán giả đón nhận. Đó là điểm mốc quan trọng, đầu tiên. Vai diễn cho tôi tiếng tăm, nhưng cũng mang đến một nỗi âu lo: tôi sẽ mãi bị đóng đinh với hai tiếng hot boy phù phiếm – như cách người đời vẫn nghĩ: hot boy, hot girl là những chàng trai, cô gái trẻ chỉ có hình thức, chẳng có thực tài và lượn lờ những event để … lấy tiếng! Tôi không muốn như thế!
Tôi chưa bao giờ công nhận và tự gọi mình là hot boy. Đó là một vai diễn trong phim, tôi hạnh phúc khi người ta gọi tôi bằng tên nhân vật nhưng xin đừng đồng nhất tôi với nhân vật ấy. Tôi thích và tôi muốn người ta gọi mình là Hồ Vĩnh Khoa hơn.
Tôi biết, không dễ dàng để người ta quên đi danh xưng hot boy. Tôi đang cố gắng hết sức để thoát khỏi nó. Tôi đang cố gắng làm mọi thứ một cách chuyên nghiệp nhất có thể: làm mọi thứ đều có đầu tư tâm huyết, công sức, thể hiện khả năng của mình để mọi người công nhận trong từng vai trò ca sĩ, diễn viên.
Mọi người hỏi tôi có dự thi các cuộc thi hát, thi diễn không. Câu trả lời của tôi là: Không bao giờ. Tôi muốn khẳng định mình trong công việc chứ không phải qua thi thố nữa. Tôi đã và đang là diễn viên, ca sĩ rồi, thi làm gì?
Cũng có người so sánh tôi với anh Lương Mạnh Hải – ở sự bắt đầu của nghề khi chúng tôi cùng xuất hiện trong phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Đúng, chúng tôi có điểm chung là cùng đóng phim anh Đãng nhưng tôi là tôi, anh Hải là anh Hải. Anh Hải đã có những thành công và là một người được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Tôi chỉ là người mới bắt đầu. Tôi khác anh Hải nhiều vì ngoài là diễn viên, tôi còn đi hát. Tôi không đóng nhiều phim mà chỉ đóng những phim mình thích, ngoài ra, tôi chăm chút cho việc ca hát. Tôi không muốn xuất hiện với những vai diễn nhạt nhòa chỉ có mục đích làm cho khán giả quen mặt. Tôi muốn là một Hồ Vĩnh Khoa đáng nhớ trong từng vai diễn, hát hay trong từng bài hát và là một nghệ sĩ chuyên nghiệp trong mỗi lĩnh vực mà mình tham gia hoạt động.
Sau “Hot boy nổi loạn”
Vai Khôi – cậu trai quê từ bỏ gia đình vì bị phát hiện là gay để lên Sài Gòn kiếm cơ hội mưu sinh, sa vào mối tình với một thành niên hành nghề đứng đường tên Lam và cuối cùng quay trở lại quê hương để đi thi đại học – đã trao cho Khoa một tấm hộ chiếu đáng kể với giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc trong LHP Việt Nam 17 – giải thưởng Bông sen vàng. Trong phim này, Khoa phải khóc không dưới 5 lần. Khi casting, đạo diễn cũng đã bắt Khoa phải khóc. Khóc ngay lập tức, trước đám đông hoàn toàn không đơn giản. Khoa đã làm được và bí quyết của anh chàng này là nghĩ về ba của mình. Sau khi dự casting một ngày, Khoa được thông báo là đã được chọn vào vai Khôi. Đây là vai diễn đầu tiên và duy nhất của Khoa tính đến thời điểm này.
Cũng sau vai Khôi, Hồ Vĩnh KHoa cũng thực hiện đĩa nhạc đầu tay “Lạc giữa thiên đường” cùng với những cộng sự trẻ: nhạc sĩ Đông Âu, hòa âm Nhân Ảo và Nguyễn Dân, hình ảnh Lê Thiện Viễn và Tang Tang. Đến CD thứ hai, Khoa vẫn đặt niềm tin vào họ. Dự kiến trong tháng 8 này, Khoa sẽ ra mắt CD mới (chưa được đặt tên). Khoa chia sẻ: “Lạc giữa thiên đường” có may mắn được hậu thuẫn là những khán giả đã xem và yêu mến “Hot boy nổi loạn” Đĩa nhạc này không có lợi thế đó nhưng tôi mong là khán giả sẽ tiếp tục ủng hộ mình”.
Sẽ hát Jazz
Hồ Vĩnh Khoa cho rằng, anh không lường hết những áp lực khi bước chân vào nghệ thuật. Sự lựa chọn một hình tượng để theo đuổi là áp lực lớn lao với anh. Anh cho rằng, ca sĩ trẻ như anh có rất nhiều . Anh cũng đã cố gắng tạo nét riêng cho mình bằng sự trẻ trung, hiện đại, từ trang phục đến phong cách biểu diễn, đến việc chọn nhạc, phối âm, phối khí; nghiêng hẳn từ Pop sang Dance, Electronic để hát thật hiện đại, trẻ trung và duy trì điều đó khoảng vài ba năm nữa. “Trong thời gian từ nay đến 3 năm nữa, tôi muốn mình là một ca sĩ dẫn đầu về sự mới mẻ, đi tiên phong trong việc tạo phong cách mới” – anh nói.
Kế hoạch dài hạn của Hồ Vĩnh Khoa là sẽ trở thành một ca sĩ hát nhạc Jazz khi anh cảm nhận mình đã đủ chín chắn, đủ từng trải. Cũng có người khuyên anh là nên hát Jazz từ bây giờ, mới trở thành “lạ”, “thành của độc” nhưng “tôi sợ mình chưa đủ độ trải nghiệm để có thể biểu thị được cái thần của những ca khúc nhạc Jazz”. Anh đang tiếp tục trang bị hành trang cho mình trong một tương lai với Jazz: tìm kiếm bài hát phù hợp, vỡ bài, thu âm và tìm đến những người thầy để họ cho anh lời khuyên tốt nhất.
Theo TGNNT