"Lẩu trăn" - Cười mà đau - Tạp chí Đẹp

“Lẩu trăn” – Cười mà đau

Review

Kịch bản được viết bởi tác giả Đăng Nhân (ký tên khác là Phạm Hữu Thông), người đã quen mặt sân khấu Idecaf bằng những vở diễn như “Nụ cười của biển”, “Người đàn bà không ngủ”, “Cưới vợ cho ai”“Lẩu trăn” qua bàn tay dàn dựng của chính nghệ sĩ Hữu Châu, là một câu chuyện mang đầy hơi thở thời đại. 

Ông Hai Cò (Hữu Châu) vốn là một đại gia miệt vườn sau khi bán đất, quyết định lên thành phố tìm đứa con trai mình đang học ở đây, ông mang theo một con trăn làm quà cho mọi người. Lên tới nơi, ông Hai Cò biết con mình đang sống trong một căn chung cư với những người hàng xóm ích kỷ, cơ hội. Đó là cô Hoa bán đồ góp (Lê Khánh) sống bên ông chồng già bất lực (Đình Toàn), nhưng vẫn léng phéng với anh thợ chụp hình trẻ tên Bì (Bảo Sơn). Đó là ông Tới (Bạch Long), bảo vệ già nhưng suốt ngày say xỉn, một anh trí thức như Tình (Tuấn Khải) vẫn giấu người anh tâm thần tên Ân (Đức Thịnh) trong căn phòng nhỏ mà không ai biết. Ngay cả con trai ông Hai, Bình Ba (Quốc Trường), ca sĩ làng nướng có tuổi nhưng chưa có tên cũng bắt cá hai tay với Hương (Vân Trang) và ca sĩ Mộng Mơ (Tường Vi). 

Câu chuyện bắt đầu xảy ra khi con trăn ông Hai đem lên làm quà bị xổng chuồng khiến cả chung cư hoang mang, sợ hãi. Người ta lo lắng, truy tìm xem ai là chủ nhân con trăn, ông Hai muốn đứng ra nhận, nhưng vì tính sĩ diện hão, Bình Ba không cho cha mình nhận trách nhiệm. Cả chung cư quyết định sẽ canh bắt lại con trăn, và ông Hai xin nhận trọng trách này. Qua những đêm thức canh, những câu chuyện về lòng người, về bộ mặt thật của những người sống trong chung cư dần dần được bóc mở, khiến ông Hai thấy sợ hãi những con người sống chốn thành thị này. Trước tình hình căng thẳng đó, Bình Ba quyết định đi mua một con trăn khác, nói là mình bắt được, đem làm lẩu cho mọi người ăn, nào ngờ con trăn thật lại đùng đùng xuất hiện, gây ra biết bao chuyện bi hài.

Tình huống được đặt ra trong “Lẩu trăn” hơi khiên cưỡng. Lý do để Bình Ba không cho cha mình nhận là chủ nhân con trăn không làm hài lòng những người đòi hỏi tính logic cao cho câu chuyện. Thêm vào đó, tình huống gây cười và các mảng miếng, chi tiết kịch được rải đều cho các nhân vật, từ câu chuyện tình tay ba của Bình Ba, trò vụng trộm của cô Hoa đồ góp, thói ghen tuông của ông chồng già, căn bệnh tâm thần của Ân cho đến thỉnh thoảng có bà già bán vé số nhào ra hét mấy câu vu vơ rồi thôi, cũng làm cho vở kịch có vẻ rối rắm, dàn trải hơn mức cần thiết.


 

Thêm vào đó, để xây dựng tính cách nhân vật là người nhà quê, bộc trực, thẳng thắng trong cách phát ngôn, hành xử, cũng như đảm bảo cho tính chân thực của chuyện kịch, các câu chửi thề được mang vào “Lẩu trăn” ở mức hơi dư thừa. Khi cần thiết để chửi, nhân vật chửi không có gì bàn cãi và mang đến tiếng cười bất ngờ cho khán giả, nhưng việc chửi được lặp lại với tần suất cao, liên tục, về sau chỉ mang đến những cái lắc đầu, mỉm cười ngán ngẩm. Đây có lẽ là điều cần lưu ý ở một sân khấu kịch lớn như Idecaf.

Ngoài những điều trên, nhìn chung “Lẩu trăn” là vở kịch thích hợp để coi và suy ngẫm về lối sống thực dụng hiện nay của không ít người thành thị, đặc biệt qua sự kết hợp diễn xuất của những tên tuổi gạo cội như Hữu Châu, Bạch Long, Đình Toàn, Lê Khánh…

Vai diễn trung tâm, mang tính dẫn dắt, kết nối các lớp kịch với nhau là ông Hai Cò, do nghệ sĩ Hữu Châu thủ diễn. Ở Hữu Châu, mỗi một vai diễn của anh là một dấu nhấn trong lòng khán giả. Nếu như với vai diễn Nguyễn Trải của anh trong “Bí mật vườn lệ chi” khiến người ta nổi da gà, Linh Xinh trong “Nụ cười của biển” làm người ta thích thú, thì ông Hai trong “Lẩu trăn” lại làm người ta băn khoăn, trăn trở.

Ông Hai đại diện cho một lớp người nông thôn, quen với đồng áng, ruộng vườn, cả đời chân thật, chất phác, nghĩ sao nói vậy, cái tâm ra sao thì bộc bạch ra ngoài cho người ta biết. Ông Hai còn là đại diện cho hình ảnh người cha, suốt một đời hi sinh, nghĩ đến hạnh phúc, tương lai của con mình. Vai diễn ông Hai có nhiều đất diễn từ đầu vở kịch đến tận cảnh cuối cùng. Sự tương phản của cách ông Hai suy nghĩ, hành động, luôn quan tâm đến những người sống trong chung cư với thói thờ ơ ích kỷ của những người khác chính là điều đáng để người ta suy nghĩ, trăn trở khi ra khỏi rạp. Và cũng như những vai diễn trước đây, Hữu Châu đã hoàn toàn xuất sắc khi khắc họa được một ông Hai Cò đầy ấn tượng trong lòng người xem.

Đình Toàn và Lê Khánh là cặp bài trùng trong “Lẩu trăn” khi thể hiện hai tuyến nhân vật tạo nên những màn tung hứng đầy ắp tiếng cười. Vai cô Hoa bán đồ góp của Lê Khánh với sự điệu đà, cái liếc mắt đưa tình, sự tráo trở trong lời ăn tiếng nói làm cho người ta vừa ghét vừa thích, vừa ngóng mỗi phân đoạn cô Hoa xuất hiện lại mang đến điều gì cho khán giả. Đình Toàn cũng hóa thân vào vai diễn ông chồng bất lực, sợ vợ, ghen tuông nhưng vẫn luôn yêu thương, chấp nhận tha thứ cho vợ mình trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, khán giả sẽ có dịp cười gần té ghế khi chứng kiến ông già quyết chiến cùng anh nhân tình của vợ.

Ở các tuyến nhân vật phụ khác như ông bảo vệ, bà bán vé số, anh khùng, chàng trai học thức, đều hoàn thành tốt vai diễn. Một số vai có vẻ hơi thừa như bà bán vé số của Mỹ Duyên khiến khán giả có phần tiếc nuối, vì so ra với khả năng của Mỹ Duyên, có thể đảm nhận những vai tốt hơn. 

kịch idecaf 

Một điểm đặc biệt khác của “Lẩu trăn” chính là nhóm diễn viên trẻ, có Quốc Trường, Vân Trang, Bảo Sơn và Tường Vi. Nếu nói các vai diễn này tạo được ấn tượng trong lòng khán giả thì không hẳn, bởi họ chỉ vừa làm đúng nhiệm vụ của mình là làm tròn vai, đúng kịch bản. Trong đó, một số chỗ Quốc Trường và Bảo Sơn diễn có vẻ như hơi gồng quá sức so với tâm lý nhân vật, mất đi vẻ tự  nhiên. Tường Vi trong vai diễn ca sĩ Mộng Mơ tạo được nét riêng hơn khi xuất hiện lòe loẹt cùng phần “làm quá” khá duyên.

Nhìn chung, “Lẩu trăn” không hẳn xuất sắc như những vở diễn trước đây của Idecaf, nhưng nó vẫn đảm bảo được số lượng khán giả đến rạp vì những tên tuổi “nóng” như Hữu Châu, Lê Khánh, Vân Trang… Với người khó tính, họ sẽ có những chỗ lắc đầu khi nghe chửi, khi thấy kịch thiếu logic. Với người dễ tính, họ cười, rồi sẽ quên. Và với những người cần sự chiêm nghiệm, họ nhận ra rằng vở kịch đúng là một nồi lẩu, khi trong đó, đầy những cung bậc cảm xúc, đầy những lối sống mà khán giả sẽ nhận ra, hình như đã có lúc, mình cũng sống ích kỷ y chang nhân vật.

Bài: Chú Hề

Ảnh: Kichidecaf

Mười hai bà mụ” – một vở diễn của NS Thành Lộc rất được yêu mến tại sân khấu kịch miền Nam: 

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

21/10/2013, 21:29