"Ngồi lên sách" - thêm đắng lòng Lệ Rơi - Tạp chí Đẹp

“Ngồi lên sách” – thêm đắng lòng Lệ Rơi

DELETED

Với sự cho phép của các tác giả, Đẹp Online gửi tới độc giả tổng hợp các status hay trên mạng xã hội về sự kiện văn hóa – giải trí đang nóng nhất hiện nay: Cư dân mạng bày tỏ sự quan tâm và thái độ với một tấm ảnh đạo diễn Lê Hoàng và hoa hậu Triệu Thị Hà ngồi lên chiếc ghế được kê bởi những chồng sách.

Phước Châu: 

Câu chuyện “ngồi lên sách” của đạo diễn Lê Hoàng và hoa hậu Triệu Thị Hà trong buổi ghi hình tại trường quay talkshow “Giấu Mặt”, theo tôi thấy, nói cho cùng thì cũng chỉ là một chuỗi tiếp nối những đắng lòng Lệ Rơi lúc nào cũng mặc nhiên thuộc hàng “đại sự kiện” đang tung hoành khắp xứ Việt, những ngày gần đây. Xứ sở diệu kỳ, cứ ra ngõ là gặp sự kiện và nhân vật để đời. 

Nhưng tôi không nghĩ trường hợp này là một “tai nạn nghề nghiệp” gì cả, thậm chí ngược lại là khác. Thử lý giải câu chuyện này, héng: 

1. Người trong cuộc (đạo diễn Lê Hoàng) đã chính thức thừa nhận trên các báo chính thống về tình tiết “ngồi trên sách” ở trường quay là hoàn toàn có thật, nghĩa là cho dù lý do thật sự là gì thì khả năng đây là ảnh photoshop của người trong giang hồ nhằm “vu oan giá họa” đã bị loại bỏ hoàn toàn. 

2. Những ai từng là người làm nghề và biết về chuyện “bếp núc” trường quay thì đều thừa hiểu là chẳng có bất kỳ một công ty/ hãng phim nào dù lớn dù nhỏ lại tệ hại đến mức tổ chức ghi hình talkshow của mình theo kiểu như vậy, nhất là với bản demo hoặc là với những số đầu tiên của một chương trình mới. 

Tôi nhắc lại điều này là vì thấy có nhiều ý kiến nhận định rằng người làm nghề/làm phim/làm chương trình truyền hình xứ Việt luôn làm ăn cẩu thả như thế, bởi vậy nên chất lượng các chương trình truyền hình/ phim ảnh cứ ở mức sơ khai, kém chuyên nghiệp này nọ. Thiệt tình, tôi thấy sự nhìn nhận có phần ngộ nhận vậy về người làm nghề xứ Việt là rất đắng lòng Lệ Rơi chứ chẳng chơi! 

Có thể các bạn thiết kế ở từng công ty/hãng phim sẽ có trình độ và phương cách làm việc khác nhau, tùy theo thâm niên làm nghề hoặc kiến thức nền hoặc cả chuyện phụ thuộc về kinh phí, chẳng hạn. Nhưng chắc chắn với một chương trình có khung hình toàn – trung – cận thì sẽ không bao giờ có chuyện sơ suất như thế về “vật lót ghế”. Đặc biệt là, với các talkshow thì đạo cụ ưu tiên hàng đầu và luôn được đầu tư trau chuốt sẽ chính là bộ ghế sofa dành cho các nhân vật được ghi hình, được tính toán với rất nhiều tiêu chí cực kỳ sát sao với từng chủ đề và mục tiêu cùng đối tượng liên quan của toàn bộ chương trình. 

Chưa kể là trường quay của các talkshow cũng không phải là nơi ghi hình cảnh nội các phim truyện, có liên quan bối cảnh kiểu như “căn phòng – giá sách”, có sẵn lượng sách cũ “đông như quân Nguyên” mà bày biện la liệt đến độ vậy. Hào nhoáng và diêm dúa về bối cảnh/đạo cụ xưa nay luôn là thuộc tính bề mặt của mọi talkshow. Đừng đổ thừa “tại thằng thiết kế”, như cái trò “tại thằng đánh máy” là loại – người – thế – thân quen thuộc nhàm chán xưa giờ. 

3. Tôi cũng không tin là có biên tập chương trình truyền hình nào (kể cả có là người mới vào nghề) lại hồ đồ hoặc dám hời hợt đến độ vậy trong buổi ghi hình chương trình mới của mình, kể cả với cái gọi là bản demo (vốn dĩ quyết định chuyện “ăn thua” rất lớn cho mọi sự xét duyệt liên quan, với một đống bên “tai to mặt lớn” giám sát trực tiếp lẫn gián tiếp, theo thông lệ). 

4. Và vì rất khó thể xảy ra chuyện vừa đề cập nên hẳn nhiên cũng sẽ khó có câu chuyện là nguồn hình kiểu vậy bị “rò rỉ” từ hậu trường ghi hình, ngoài tầm quản lý kiểm soát. Hoặc từ phóng viên ảnh được mời đến tham quan buổi ghi hình, hoặc với “người nhà” của Khách hàng. Ví dụ vậy. Thế nên cũng đừng đổ thừa “tại thằng chụp hình hậu trường” đã chơi trò tuồn- hàng- ra- chợ nữa nhé, người đời ơi! 

5. Nếu bạn là người phải ngồi lên một bộ ghế sofa và được kê thấp kê cao nhìn thấy rõ mười mươi (bất kể là ghi hình buổi nào thì trường quay sẽ chẳng bao giờ bị thiếu đèn bố quang tối thiểu tại một khu vực trọng yếu là sân khấu chính) bằng hàng đống sách như vậy (bất kể là sách cũ/sách mới; sách bổ ích/sách độc hại…gì đó, như đã có một vài lời biện giải, chẳng hạn) tại một trường quay, và hơn nữa bạn cũng là người có danh ít nhiều trong chốn showbiz Việt, bạn cũng chẳng phải là loại người “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” trong bất kỳ hoàn cảnh nào… Vậy bạn có im lặng tặc lưỡi bỏ qua, cứ thế chấp nhận ghi hình cho xong việc xong chuyện không nè? 

Bức ảnh lan truyền trên Facebook được cho là trong chương trình “Giấu Mặt”

P/S: Đời làm nghề PR như một nghiệp chướng bất đắc dĩ, tôi đã thấy không ít câu chuyện giang hồ thiên hạ liều lĩnh “bẫy truyền thông”, thậm chí thì khi cần cũng chơi tới bến để “bẫy Cục” luôn, cũng là chuyện đã có và đang diễn ra chưa có hồi kết! Nhưng dám “đặt bẫy” đến độ này mà bất kể mọi danh tiếng liên quan thì công nhận là đáng nể đáng sợ mấy bạn thiệt luôn đó! Đành rằng “cơm canh” của các bạn có phần đang nguội lạnh, nhưng lẽ nào cứ thế mà “hâm nóng” bất biết kiểu cách hoặc nơi chốn? 

Ừ, mà ngay cả khi tôi khen hay chê với sự vụ liên quan thì cũng như là cầm bằng chấp nhận xúm vào góp thêm củi tươi củi khô cho đống lửa ma trơi này à? Kể ra mấy bạn tạo sự kiện hội hè cũng hay ghê, héng! Thiệt là đời đắng lòng Lệ Rơi gì đâu, một lần nữa.

Nguyễn Dũng Minh: 

Thực ra về vụ này, mình nghĩ có một kịch bản: bạn biên tập này rất mê sách, đau lòng trước sự xuống cấp của văn hóa đọc, cả xã hội khinh sách trọng tiền, ngập mặt trong cướp giết hiếp. Quán triệt tinh thần “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”, cộng thêm nghiên cứu Le Bon về đám đông (cuốn sách “Tâm lý học đám đông” của Le Bon – PV), thực chứng Facebook và truyền thông báo chí Việt, bạn hiểu rằng mình cần làm gì đó sốc-độc-lạ để tạo sự chú ý của dư luận. Và như bạn muốn, báo chí và Facebook dậy sóng, cả dân tộc nổi giận như thể chúng ta là một dân tộc trọng sách và tri thức nào đó. 

Mình mấy hôm cũng thấy nhiều bạn đọc không nhiều và mình biết trong nhà chả có được mấy quyển sách cũng ùn ùn lên bày tỏ quan điểm, hùng hổ như một đám dân làng hô nhau đánh trộm chó. Nhiều giáo sư khả kính mặc áo in chữ Trí thức, đeo huy hiệu Trí thức, cũng đăng đàn, nói chuyện đạo đức, trích dẫn đầy sách vở và thỉnh thoảng gãi mông sồn sột, và khinh bỉ lũ ít học ít đọc.

Mình thì cho rằng, sách mà để kê chân ghế thì có nghĩa nó còn có tác dụng. Cần mừng cho nó.  Ít nhất nó cũng bước ra khỏi bụi bặm tháp ngà và làm cái gì đấy có ích.

Nguyễn Kim Trung: 

Những cuốn sách đã làm cho Lê Hoàng và cô hoa hậu cao hơn vài phân khi ngồi trong trường quay, theo đúng nghĩa đen, nhưng cũng đang khiến họ bị dư luận dìm xuống một cách không thương tiếc.

Kê đồ lên sách, hay áo dài quốc phục được các cô dẫn chương trình diện với quần soóc, bức ảnh cho thấy một cảnh không quá hiếm hoi trong các trường quay. Nhưng khi bị kéo ra ngoài không gian hậu trường điện ảnh, truyền hình, đã trở thành hình ảnh phản cảm đối với công chúng.

Trên mạng xã hội, một số người lên tiếng dữ dội về “cách ứng xử với sách”, thậm chí coi đây là “biểu hiện suy đồi của văn hóa, xã hội”. Nói như vậy có lẽ quá nặng nề. Hoặc nói như vậy thì dễ được nhìn nhận như là có văn hóa và học thức, do sự định hình trong tư duy xã hội về cách trân trọng đối với sách.

Sách rất cần được thực sự trân trọng. Nhưng tôi không nghĩ mọi cuốn sách hoặc mọi thứ giống sách đều trở thành vật thiêng. 

Có vẻ như từ thủa sách được mang xuống từ phương Bắc, chúng ta đã quen ứng xử với sách như với chữ thiêng của thánh hiền. Sách, dù là sách gì, miễn là thẻ tre hay giấy đóng quyển thì đều có xu hướng được coi như chỉ chứa đựng chân lý, đều thiêng liêng, cao cả, thậm chí có phần hơi xa vời và không dành cho tất cả. Mà đã thiêng, thì hình như không được nghĩ đến một cách ứng xử trần tục, đời thường nào đó khác?

Với khá nhiều người, sách phải được nâng niu trên giá sách đẹp đẽ, được giữ mới tinh, phẳng phiu, gáy không một vết nhăn. Có những người đáng kính đọc sách như hành lễ. Lưng ngồi thẳng trước chiếc bàn ngăn nắp, chăm chú ngắm nhìn từng trang giấy. Một hình ảnh đẹp khiến ai cũng phải ngước nhìn! 

Trên trang Facebook cá nhân của mình, một giảng viên khi viết về bức ảnh “kê sách mà ngồi” than rằng, ứng xử với sách thế này, thì đã đến hồi mạt mất rồi. Tôi lại nghĩ, cái sự mạt, nếu đúng là ta đang phải đối diện, thì bắt nguồn từ việc chúng ta đã quay lưng lại với tri thức ở trong các cuốn sách nhiều hơn, chứ không phải từ việc thiếu trân trọng những quyển sách theo cách chúng ta thường được dạy.

Tôi nhìn thấy sự tôn trọng có tính hình thức đối với sách đã bị đánh đồng, bị coi như là sự tôn sùng thực sự với tri thức. Cũng giống như một tấm bằng đại học có thể được cả xã hội theo đuổi và trân trọng, đề cao nhiều hơn cả những kiến thức thực sự mà mỗi cá nhân cần có.

Có một sự nửa vời và hình thức không hề nhẹ mà xã hội ta đang dành cho tri thức. 

Với nhiều người, sách là những tập giấy được in chữ. Nội dung những con chữ chuyển tải quan trọng hơn tập giấy. Những câu chuyện vẫn cuốn hút, tri thức vẫn hữu ích, vẫn là những điều kỳ diệu với cuộc sống, dù được chứa trong những chiếc Kindle sản xuất từ nhựa tái chế. Vẫn có những người hàng ngày khám phá được những điều thú vị từ trang sách, dù họ cầm sách khi đang ngồi trên những món đồ sứ hiệu TOTO.

Tôi tin rằng, giá trị của những cuốn sách không phải chúng nằm ở chỗ nào, được đọc theo cách nào, mà nội dung của chúng là gì, được tiếp nhận như thế nào và đem gì đến cho cuộc sống.

Những cuốn sách đem đến sự khai sáng sẽ luôn có giá trị, dù đặt ở đâu, được đọc theo cách nào.

Còn những cuốn sách dù đẹp đẽ, nếu chỉ mang đến sự lú lẫn, thì dùng để kê ghế thì cũng là trả lại đúng giá trị cho giấy.

L.H (tổng hợp)

logo
 

>>> Có thể bạn quan tâm: Tung hô hay phản ứng với Lệ Rơi, phải chăng là cách công chúng hả hê với những gì mà họ có cảm giác hồn nhiên, chân thành, đáng tin cậy? Và phản ứng này thể hiện sự dị ứng với những chiêu trò, tiểu xảo ít giá trị đang thừa mứa bây giờ?

Thực hiện: depweb

06/07/2014, 21:41