Hai mươi hai tuổi, Cát Tường trông chững chạc hơn hẳn tuổi trẻ của cô. Tường bị một hạn chế là cô không thể gọi tên dòng nhạc mình nghe, vì cô “đâu xuất phát từ trường âm nhạc bài bản nên chỉ biết nghe theo giai điệu mà mình thích chứ không gọi tên được nó”. Nhưng đấy là câu chuyện trước khi cô gặp Huy Tuấn. Bây giờ thì, với sự hướng dẫn tận tình của Huy Tuấn, “À, bài này con viết theo pop ballad, bài kia con viết theo electronic” thì Cát Tường đã hiểu ra nhiều, dù cô vẫn thừa nhận mình là một sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện. Đấy hẳn là bài học về sự chuyên nghiệp đầu tiên cô nhận được.
Chặng đường từ một cuộc thi hát sang Cống Hiến có lẽ là khá chông chênh đối với ca sĩ trẻ hiện nay, nhất là những người phải mặc chung chiếc áo quá cỡ mà người ta đang khoác lên các show truyền hình thực tế. Cát Tường vừa đi qua chặng đường ấy, và danh hiệu Nghệ sĩ mới của năm đánh dấu nỗ lực đã cho Cát Tường biết rằng cô đang được yêu quý thế nào, song đồng thời, cũng chính nó tạo ra cho cô một áp lực vô cùng lớn. “Nhiều người nhìn vào bề nổi tôi đang có và họ ngạc nhiên, tại sao tôi đã được giải thưởng rồi mà không biết cái này cái kia. Trong sáng tạo, tôi chỉ làm theo cảm xúc mách bảo”.
Cát Tường kể, hồi đi thi The Voice, mục đích của cô là khám phá bản thân mình, không nghĩ gì nghiêm túc hay xa xôi. The Voice với Cát Tường vẫn là sân chơi ở phạm vi cái tôi, cho tới lúc đạt được giải thưởng, Tường mới nhận ra, “Ồ, mình cũng đi được khá xa và cũng có một chút hay ho”. Một tháng sau, Cát Tường đóng cửa lại và bình tâm suy nghĩ mình muốn gì. “Tôi viết ra hết cái viễn cảnh tương lai mà mình mong muốn ra rồi thử tưởng tượng mình sống trong cảm xúc đấy có thật sự hạnh phúc hay không, nếu có thì mình nhất định sẽ theo đuổi tới cùng. Vậy là tôi phát hiện ra, ồ mình muốn làm kỹ sư, và mình cũng muốn làm nghệ sĩ nữa. Một thứ là ngôn ngữ máy tính, một thứ là ngôn ngữ tâm hồn, và hai cái đó giao nhau ở một điểm chung là sáng tạo. Muốn làm kỹ sư thì phải tốt nghiệp đại học, muốn làm nghệ sĩ thì cần người hướng dẫn mình đi trên con đường mình lựa chọn”. Tường khẳng định cô hiểu rõ cái mình cần không phải định hướng mà là người đồng hành.
Liệu có nên tin một người hai mươi hai tuổi khi họ nói rằng, họ hiểu rõ mình đang cần gì? Nên, ít nhất là với Cát Tường, một nghệ sĩ trẻ có bản tính điềm đạm chịu ảnh hưởng từ ngành học kỹ thuật y sinh cô đang theo học, một ngành học để đưa ra kết quả cuối cùng. “Trong bất kỳ dự án nào, từ lúc mình nghiên cứu đến lúc mình hoàn thành, bao giờ cũng phải xác lập một con đường đi. Cái tôi học được là phương pháp để đi đến mục đích. Tôi hoàn toàn có thể áp dụng ngành học của mình vào lĩnh vực khác. Tôi thấy rằng, một khi đã xác định muốn đi đường dài thì ngoài kiến thức phải có sự chuyên nghiệp, mà chuyên nghiệp không thể học trong một sớm một chiều. Phải có người dạy mình”.
Và Huy Tuấn đã dạy gì cho Cát Tường? Huy Tuấn đã trả lời rằng: “Chú không muốn gò con vào bất cứ cái gì hết”. Anh biết trong Cát Tường đã có sẵn tố chất của một nhà sản xuất rồi, chỉ là Cát Tường trước đấy còn đang loay hoay trong việc tìm người rành về sản xuất, bởi lẽ, cô còn quá mới để nắm vững việc đưa ra một sản phẩm chuyện nghiệp cần những bước gì. Và anh đồng ý đồng hành cùng cô. Bây giờ thì, sản phẩm của sự đồng hành ấy đã thành hình hài và chờ đợi hoàn tất, một thứ âm nhạc vẫn đậm chất Cát Tường với sự hướng dẫn chuyên nghiệp từ Huy Tuấn.
Ai tiếp xúc Cát Tường rồi sẽ thấy, đấy là một cô gái rất mực lễ độ và ngoan ngoãn, nhưng dĩ nhiên Tường không ngoan tới mức thiếu chính kiến. Ở Tường có một thứ tinh thần mạnh mẽ và những tư duy hết sức độc lập. Giả sử ngày hôm đó, câu nói Tường nhận được chẳng phải là “chú không muốn gò con vào bất cứ cái gì hết”? Nhạc sĩ Huy Tuấn ngoài việc chỉ dẫn cô theo hướng chuyên nghiệp, anh còn làm Tường cảm thấy an tâm. Không riêng gì Cát Tường, ngay cả Văn Mai Hương cũng từng chia sẻ, những nghệ sĩ trẻ như họ rất e ngại sự áp đặt của người dày dạn kinh nghiệm đi trước. Mà Tường thì thuộc kiểu người cần có cảm hứng mới làm việc chung được. Cô nói: “Tôi đặt niềm tin vào người đã có thành tựu, nhưng quan trọng nhất với tôi vẫn là cả hai tôn trọng sự khác biệt của nhau”.
Nghe như Cát Tường đã gặp được một người bạn tâm ý trên con đường cô theo đuổi, và dù xuất hiện người đồng hành thì Tường vẫn đang đi con đường của cô chứ không phải rẽ theo một hướng nào khác. Nhạc sĩ Huy Tuấn sẵn sàng làm khán giả cho Cát Tường, một khán giả khó tính và chuyên môn. Bài hát của Tường, có khi, cô chỉnh sửa bản phối đến hàng chục lần, song cuối cùng vẫn quay lại chọn bản đầu tiên mà Huy Tuấn đã hướng dẫn cô làm.
Rất kiên nhẫn, Huy Tuấn đã để mặc Cát Tường tự do khám phá giai điệu của con người cô.
Vì họ cần nhau
Huy Tuấn vẫn gắn bó chặt chẽ với ban nhạc “Anh em”, nhưng từ khi Nam tiến và tham gia nhiều hơn vào các show truyền hình thực tế với tư cách Giám đốc âm nhạc, anh dường như tham gia sâu hơn vào showbiz phía Nam theo một hướng đi vừa tích cực vừa linh hoạt. Người ta thấy anh đứng sau thành công của nhiều hiện tượng âm nhạc như Văn Mai Hương hay gần đây là một loạt hiện tượng ca sĩ trẻ như Sơn Tùng, Cát Tường, Đông Hùng… Một mô hình “Team up” rất lý tưởng vốn rất thịnh hành ở làng âm nhạc thế giới.
Tất nhiên, khác với Mỹ Linh, Nguyên Thảo – những người bạn đồng chí hướng và cùng thời, vai trò của Huy Tuấn đằng sau các ca sĩ trẻ nói trên là người định hướng chuyên môn, thầy và trò (trong giao tiếp hàng ngày họ là chú – cháu). Trả lời câu hỏi của TTVH & Đàn Ông “Ai tìm đến ai trong các mối quan hệ này?” – Huy Tuấn trả lời: “Vì ta cần nhau là chuẩn nhất. Tôi cần tuổi trẻ của họ, còn họ cần kinh nghiệm của tôi”.
Bài liên quan:
– Huy Tuấn – “Tôi cần tuổi trẻ của họ”
– Văn Mai Hương: “Hình ảnh của tôi là bộ mặt của Huy Tuấn…”
– Sơn Tùng M-TP – Chàng trai của ngày hôm nay
– Cát Tường – Như người bạn đồng hành