Trước khi họ đi xa... - Tạp chí Đẹp

Trước khi họ đi xa…

Sự Kiện

 

Vẻ đẹp thuần khiết của đời sống con người, may sao, vẫn chưa bị tuyệt diệt. Nó nằm ở những đỉnh núi cao, những cánh đồng băng, trong rừng già, dọc các con sông hay trong các thung lũng. Nhiếp ảnh gia Jimmy Nelson đã tìm tới những tộc người ở nơi tận cùng thế giới và quan sát họ. Anh mỉm cười, cùng họ uống từng ngụm rượu bí ẩn được chưng cất từ lâu trước khi chụp ảnh họ. Anh chia sẻ những gì mọi người ở đây cùng chia sẻ: các rung động, dù vô hình nhưng luôn cảm nhận được. Khi sự tin tưởng tăng dần lên, nhiệm vụ của Jimmy cũng thay đổi. Anh muốn cả thế giới này không bao giờ quên những con người ấy. Vì họ chính là thế giới trong sáng nhất. Những tộc người, với các nền văn hóa đang dần bị quên lãng, có thể dạy chúng ta về các khía cạnh Người nhất của nhân loại: tình yêu, sự tôn trọng, hòa bình, và sẻ chia.

Đó là vẻ đẹp thuần khiết ở mục đích của đời sống con người, trong mối liên hệ bền chặt của gia đình, trong niềm tin của họ ở Thượng đế và thiên nhiên. Dù ở Papua New Guinea hay Kazakhstan, dù ở Ethiopia hay Siberi, những tộc người này chính là nơi lưu giữ cuối cùng thiên nhiên chân xác.

– Hãy kể cho tôi đôi chút về bản thân anh, như là tuổi thơ và ước mơ của anh. Tại sao anh lại chọn làm một công việc vừa cần sự can đảm, vừa cần lòng say mê vô cùng với cái đẹp, với con người và những nền văn hóa?

– Với những gì còn nhớ được, thì tôi đã được đi du lịch khắp thế giới từ rất sớm. Bố tôi làm việc cho một công ty dầu mỏ và khi lên 7 tuổi, tôi đã tới nhiều đất nước hơn hầu hết mọi người trong suốt cuộc đời họ. Sau đó, tôi trở lại Anh để đi học. Nhưng dù sao, bạn cũng có thể hình dung được rằng từ rất sớm, tôi đã nhận thức được về sự thay đổi văn hóa nhanh khủng khiếp đang diễn ra trên khắp thế giới.
Khi 16 tuổi, tôi bị rụng hết tóc vì dùng nhầm thuốc. Sự việc này không chỉ khiến ngoại hình tôi thay đổi, mà tôi đã nhận ra sự khác biệt giữa mọi người qua sự thay đổi của mình. Ngay sau đó, tôi quyết định từ bỏ kế hoạch học đại học, thay vào đó, tôi “biến mất” để thực hiện chuyến đi mà tôi gọi là “đi tìm chính mình”. Tôi đi dọc Tây Tạng, chỉ đi bộ, và trở lại với một loạt các hình ảnh được chụp một cách khá nghiệp dư. Tôi đã bắt đầu sự nghiệp là một nhiếp ảnh gia như thế.

Trong những năm tiếp theo, tôi làm việc như một phóng viên ảnh ở nhiều nơi như Afghanistan, Pakistan, El Salvador, Nicaragua, Trung Quốc, Hà Lan. Tuy vậy, trong hơn 10 năm chụp các bức ảnh mang tính thương mại, tới một thời điểm, tôi cảm thấy rằng sự nghiệp của mình đang lún sâu vào sự thiển cận. Điều tôi thực sự muốn là trở lại với thế giới rộng lớn và đi tìm kiếm những nền văn hóa cổ xưa của con người.

– Mục tiêu đầu tiên anh hướng tới khi bắt đầu con đường ấy là gì?

– Thế giới của chúng ta đang thay đổi ở tốc độ khủng khiếp. Có những đất nước, ở thời điểm cách đây không xa lắm, mới chỉ là các quốc gia đang phát triển, giờ đã trở thành những vùng đất thịnh vượng nhất toàn cầu. Điều không thể phản bác lại là quá trình này, cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin, đã chạm tới các nền văn hóa, tới những con người đang xoay xở để bảo tồn bản sắc và giá trị của mình. Những truyền thống tồn tại hàng nghìn đời đang dần biến mất.

Giấc mơ của tôi là giữ gìn vẻ đẹp của những tộc người trên khắp thế giới thông qua các bức ảnh. Tôi không muốn thay đổi những gì đang diễn ra – vì tôi biết là không thể – nhưng tôi sẽ tạo ra các tư liệu sống động có thể nhắc nhớ chúng ta, và những thế hệ sau nữa, về vẻ đẹp của sự trong sáng và trung thực đã từng tồn tại – đây cũng là những điều chúng ta dường như đang lãng quên trong thế giới (tạm gọi là) văn minh này.

Tôi cũng muốn các bức ảnh của mình trở thành một nguồn cảm hứng cho mọi người. Tôi biết rằng mình rất may mắn khi có cơ hội được đổ đầy đam mê của đời mình, nhưng đây không phải những câu chuyện của tôi. Đây là chất xúc tác cho những điều lớn lao hơn nữa.
 
– Hãy nói về quá trình thực hiện những bức ảnh tuyệt đẹp này. Làm thế nào để anh có thể tiếp cận các tộc người, cũng như làm sao để anh có sự kết nối với họ?

– Bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được là: để kết nối với bất kỳ ai trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn phải bỏ đi tất cả sự ngạo mạn của mình. Hãy thể hiện với họ rằng chúng ta – cũng giống như họ – là con người, và cũng yếu đuối, dễ bị tổn thương như thế. Đây là điều kiện tiên quyết. Cũng giống như mọi mối quan hệ trong đời sống, chìa khóa để kết nối một cách sâu sắc với người khác là sự tin tưởng. Khi mọi người bị ngăn cách bởi tài sản, địa vị, tầng lớp, màu da hay văn hóa, thì sự giao cảm chân thành giữa con người vẫn có thể dâng lên như nước triều.

Tôi đã tới rất nhiều nơi, nhưng nếu vừa đặt chân đến một vùng đất nào đó mà đã chụp ảnh ngay thì sẽ rất miễn cưỡng. Điều tôi làm là bỏ máy ảnh lại phía sau, trong những ngày đầu, để không làm họ e ngại. Tôi cố gắng để giao tiếp với họ nhờ sự giúp đỡ của các thông dịch viên.

Khi mối quan hệ đã ấm áp hơn, thì sự nhiệt tình của tôi cũng trở thành chất xúc tác khiến họ cởi mở. Đam mê của tôi, sự cầu toàn của tôi và ê kíp làm việc cùng tôi dường như có thể lây lan, và trong hầu hết các trường hợp, những tộc người này đều muốn được tham gia vào dự án. Có lẽ năng lượng tích cực đã nổi lên khi tôi làm việc chung với họ, và chúng được phản chiếu trong các bức ảnh.

– Liệu anh có thể nói với tôi, một cách khái quát nhất, về những gì anh nhận thấy ở các tộc người này, sau chừng ấy thời gian?

– Những bộ tộc đều rất giống nhau ở cách họ sống một cách cân bằng với môi trường. Đó là sự khác biệt rất lớn giữa họ với những người sống ở thế giới “phát triển hơn”. Họ đã đạt được sự hòa hợp hoàn hảo với thiên nhiên xung quanh, điều mà những người đến từ phương Tây như chúng tôi chỉ dám mơ ước.

Có một vẻ đẹp tinh khiết trong mục đích sống của họ, trong mối liên kết bền chặt giữa những người trong gia đình, ở niềm tin của họ vào các đấng thiêng liêng, vào Mẹ thiên nhiên, và cả ý chí của họ để làm những điều đúng đắn nhằm bảo vệ, chăm sóc tất cả.

Jimmy Nelson

– Vậy đâu là tộc người mà anh thấy yêu mến nhất?

– Đây là câu hỏi rất khó. Tất cả họ đều quá sức đặc biệt. Càng đi xa khỏi thế giới “phát triển”, thì bạn sẽ càng trải nghiệm được sự thuần khiết, sự đặc biệt mà những tộc người này có được. Tuy vậy, tôi phải nói rằng những chuyến đi đến với những người sống ở nơi lạnh lẽo tận cùng của thế giới khiến tôi có xúc cảm mạnh mẽ, bởi vì họ thực sự đã sống sót ở nơi khắc nghiệt nhất trên Trái đất.

– Vậy anh có thể kể lại cho tôi nghe về những trải nghiệm khó quên nhất được không?

– Tôi có một bức ảnh chụp ba người đàn ông Kazakh ở Mông Cổ với những con đại bàng ở trên vai khi họ đứng trên đỉnh núi. Tôi mất 3 ngày mà vẫn không xong, bởi lúc bình minh thì không đủ ánh sáng để chụp. Vào buổi sáng thứ tư, nhiệt độ trên đỉnh núi lúc đó là -20oC, nhưng ánh sáng thì tuyệt đẹp. Tôi cởi găng tay ra để bấm máy, tay tôi và những người đàn ông đó như đông cứng lại trước ống kính. Tôi bật khóc và khi quay đầu lại, tôi nhìn thấy hai phụ nữ lặng lẽ theo sau chúng tôi. Một người trong số họ đã nắm lấy tay tôi để ủ vào trong áo cho tới khi tay tôi có cảm giác trở lại và có thể chụp tiếp.

Lúc đó, tôi không biết rằng đó là những người phụ nữ theo đạo Hồi, và việc giúp đỡ tôi khiến họ phải phá vỡ các luật lệ nghiêm khắc. Lúc đó, họ chỉ nhận thấy rằng tôi liều lĩnh một cách tuyệt vọng và những gì họ có thể làm là giúp tôi đạt được những gì tôi mong đợi.

Một lần khác, những người Tasaatan khá xa cách và từ chối cho tôi chụp ảnh. Điều đó không có nghĩa rằng họ không thân thiện, họ liên tục mời tôi rượu vodka, nhưng vì không uống tốt lắm nên tôi từ chối. Sau khi thất bại trong việc giành sự tin tưởng của họ, tôi quyết định bỏ máy ảnh đi và trở thành vị khách dễ chịu. Kết quả là tôi say lử và trở thành kẻ nghiện rượu một cách sững sờ. Điều tiếp theo mà tôi biết được, đó là tôi tỉnh dậy trong một cái lều. Quấn quanh người khoảng 8 lớp quần áo, nhiệt độ bên ngoài thì đã xuống tới -40oC, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài… tè dầm ra quần và trở lại giấc ngủ.

Khoảnh khắc tiếp theo khiến tôi thức dậy trong lều là lúc cái lều của tôi bị sập vì bước chân của đàn tuần lộc – sau đó tôi biết rằng chúng bị hấp dẫn bởi vị muối trong nước tiểu. Vì thế, tôi đã đứng trong cái lạnh -40oC với một con tuần lộc liếm quần áo mình. Băng cũng tan nhờ thế. Cứ quăng mình vào đời sống của mọi người, và trở thành nhân tố khiến họ cười, cuối cùng rồi họ cũng cởi mở với mình thôi.

– Có lẽ anh đã nhận được rất nhiều từ những con người này, nhưng anh có nghĩ rằng mình phải mang lại điều gì đó cho họ, một cách trực tiếp hơn không?

– Tôi rất muốn thể hiện để những người tôi gặp biết rằng họ rất giàu có. Rằng họ có những điều mà tiền không thể mua được. Tôi rất muốn cho họ thấy rằng xã hội phương Tây hiện đại không thể trong trẻo và truyền cảm hứng như những nền văn hóa và giá trị họ đang có. Tôi rất muốn những bộ tộc đó nhận ra phong cách của họ chính là sự thuần khiết và đẹp đẽ: nó hoàn toàn được giải phóng khỏi tính tham lam và sự mục ruỗng của đạo đức. Tôi muốn họ tự hào vì sự chân thực của mình, cũng như bảo vệ, duy trì nó.

Nếu chúng tôi có thể bắt đầu một chiến dịch toàn cầu bằng cách ghi lại tư liệu về các bộ lạc và chia sẻ những hình ảnh, suy tư, những câu chuyện về đời sống của họ, có lẽ chúng ta có thể cứu được phần nào những di sản văn hóa quý giá của thế giới này khỏi bị tiêu tan. Tôi cảm thấy chúng ta phải cố gắng để những con người ấy cùng tồn tại trong thời đại này, bằng cách ủng hộ, tôn trọng tập tục của họ, ghi lại sự kiêu hãnh của họ và giúp đỡ họ lưu giữ, trao chuyển những truyền thống tới các thế hệ tiếp sau.

Chỉ có cách đó chúng ta mới có thể giúp những người này tiếp tục sống như họ vẫn sống càng lâu càng tốt. Nếu không, chắc chắn họ sẽ biến mất, và chúng ta sẽ thực sự mất mát.

– Sau dự án này, anh có muốn làm gì nữa không?

– Chúng tôi đã chụp cho tới giờ hình ảnh của 35 bộ tộc, được lựa chọn dựa trên vẻ đẹp, nơi cư trú, và sự đa dạng của thiên nhiên nơi họ sống. Bước tiếp theo là tôi sẽ trở lại gặp những con người mà tôi đã chụp, và cho họ thấy kết quả. Tôi muốn họ nhận ra rằng sự tồn tại của họ quan trọng như thế nào với phần còn lại của thế giới, cũng như với tương lai của nhân loại.

Trong những năm tiếp theo, tôi lên kế hoạch sẽ tới thăm và chụp ảnh 35 tộc người khác, ví dụ những người sống ở Trung Đông, Trung Quốc và Australia. Tuy nhiên, tôi cũng phải tính trước rằng vì hoàn cảnh chính trị, tôn giáo hay các cuộc xung đột, một vài nơi trên thế giới và một số bộ tộc rất khó tiếp cận. Bất cứ lời khuyên hay sự giúp đỡ liên lạc nào với tôi bây giờ đều vô cùng quý giá.

Người Maori

Photo © Jimmy Nelson Pictures BV, www.beforethey.com

Người Maori (New Zealand)
“Ngôn ngữ của tôi chính là sự nhận thức, là cửa sổ để đi tới tâm hồn tôi”

Lịch sử lâu dài và say đắm của những người Maori bản xứ bắt đầu từ thế kỷ 13, ở vùng đất của thần thoại và tưởng tượng Hawaiki, phía Đông các quần đảo Polynesia. Trong suốt hàng thế kỷ bị chia cắt, những người Maori đã hình thành một xã hội với nghệ thuật đặc trưng, ngôn ngữ độc đáo và những thần thoại kỳ lạ.

Các yếu tố trong văn hóa truyền thống của người Maori có thể kể tới các điệu nhảy, truyền thuyết, hình xăm và những cộng đồng người. Tới thế kỷ 18, sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân đã mang tới những tác động sâu sắc tới cách sống của người Maori, nhưng vẫn còn nhiều cộng đồng người với bản sắc độc đáo vẫn tồn tại tới thế kỷ 21.

Người Maori

Người Drokpa (Ấn Độ & Pakistan)
“Hãy khoe khoang suốt cả ngày, nhưng khiêm tốn vào lúc đêm xuống”

Có khoảng 2.500 người Drokpa sống ở ba làng nhỏ trong lãnh thổ bị tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan – thung lũng màu mỡ của Ladakh. Người Drokpa rất khác biệt, cả về ngoại hình, văn hóa, ngôn ngữ và xã hội.

Trong suốt nhiều thế kỷ, những người Drokpa duy trì những nụ hôn nơi công cộng và sự trao đổi vợ giữa những người đàn ông mà không phải chịu sự kiềm chế nào. Sự cởi mở trong văn hóa của họ cũng được phản chiếu ở những bộ trang phục, trang sức phóng khoáng và thanh tú. Nguồn thức ăn chính của họ là các sản phẩm tới từ những khu vườn trồng rau.

Người Drokpa (Ấn Độ & Pakistan)

Người Ladakh (Himalaya)
“Vùng đất này thật khắc nghiệt, rất nhiều người đã qua đời. Ở đây, chỉ có những bạn bè tốt nhất, hay những kẻ thù tàn độc nhất mới tới thăm bạn”

Ladakh có nghĩa là “vùng đất của những người đã khuất”. Đây là một sa mạc rất lạnh ở phía Bắc Ấn Độ, khu vực Jammu và Kashimir. Những người Ladakh có nền văn hóa dân gian giàu có, một vài phong tục, truyền thống còn xuất hiện từ trước khi có Phật giáo.

Mùa trồng trọt ở Himalaya rất ngắn, nên người Ladakh chỉ lao động khoảng 4 tháng một năm. Tất cả mọi người đều phải làm việc và giúp đỡ nhau. Trong suốt 8 tháng mùa đông, người Ladakh ít làm việc mà chỉ tổ chức lễ hội. Các cuộc hội hè miên man này chính là dịp tốt cho họ được mặc Goncha – một trang phục truyền thống.

Người Ladakh (Himalaya)

Người Kazakhs (Mông Cổ)
“Những con ngựa tốt và những con đại bàng dũng mãnh chính là đôi cánh của người Kazakhs”

Người Kazakhs là một nhánh của tộc người Turk, sống ở khu vực giữa Siberi và biển Đen. Họ là những người sống nửa du canh du cư, đi dọc các ngọn núi và thung lũng ở phía Tây Mông Cổ với bầy gia súc từ thế kỷ 19.

Một trong những truyền thống và kỹ năng mà những người Kazakhs có chính là nghệ thuật săn đại bàng. Những người Kazakhs sống theo nhóm, chăn gia súc để làm thực phẩm và có niềm tin mãnh liệt vào đạo Hồi, vào tổ tiên, vào ngọn lửa và các sức mạnh siêu nhiên khác của những linh hồn thánh thiện cũng như độc ác.

Người Kazakhs (Mông Cổ)

Người Himba (Namibia)
“Đừng bắt đầu việc đồng áng của bạn với một lâu đài, hãy bắt đầu với mọi người”

Người Himba là một tộc người chăn gia súc tồn tại lâu đời. Họ cao, gầy, mảnh khảnh và đẹp như tượng. Từ thế kỷ 16, họ sống rải rác thành những cụm dân, với đời sống ít thay đổi qua chiến tranh và những đợt khô hạn. Có lẽ chính cấu trúc bộ tộc đã giúp họ sống sót được ở một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái đất.

Cuộc hôn nhân giữa những người Himba được sắp đặt dựa trên mức độ giàu có, thịnh vượng. Ngoại hình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó nói lên địa vị của người Himba trong cộng đồng, cũng như về cuộc sống của họ.

Người Himba (Namibia)

Người Nenet (Nga)
“Nếu không uống máu nóng và ăn thịt tươi, bạn sẽ bị kết tội phải chết trên lãnh nguyên”

Tộc Nenet là những người nuôi tuần lộc. Họ sống thịnh vượng trong điều kiện thời tiết -50oC vào mùa đông cho tới 35oC vào mùa hè. Những cuộc di cư hàng năm của họ thường qua quãng đường hàng ngàn km, bao gồm cả 48km phải đi qua dòng sông băng Ob.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, con người phát hiện ra dầu mỏ và khí ga trên vùng đất của người Nenet, cũng như sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đã tạo ra những thách thức với phong cách sống hồn nhiên của họ. Kể từ giai đoạn Stalin còn cầm quyền ở Nga, tất cả những đứa trẻ Nenet đều phải tới học trong các trường nội trú Xô Viết.

Người Nenet (Nga)

Người Tạng (Tây Tạng)
“Tai nghe không bằng mắt thấy”

Có khoảng 5,5 triệu người Tạng vẫn đang sống như những nhóm người vô thần, với bản sắc đậm đà và tự do. Các phát hiện về khảo cổ và địa chất đã chỉ ra rằng những người Tạng chính là hậu duệ của người Khương. Lịch sử của người Tạng bắt đầu từ khoảng 4.000 năm trước.

Những lá cờ nguyện, tục thiên táng, lễ múa quỷ, hòn đá thần… tất cả những thứ này đều có liên quan tới niềm tin của người Tạng, có lẽ bắt nguồn từ tôn giáo nguyên thủy gọi là Bön. Trang phục và trang sức của họ không chỉ nói lên tập quán, mà còn thể hiện lịch sử, niềm tin, cũng như tính cách của con người.

Người Tạng (Tây Tạng)

“Before They Pass Away” – Jimmy Nelson
Nhà xuất bản teNeues
Kích cỡ: 29 x 37cm
Số trang: 424
402 bức ảnh màu
Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức
Giá bán: 128€/150$/100£
© Before They Pass Away by Jimmy Nelson, published by teNeues, € 128, – Also available as Collector’s Edition XXL, www.teneues.com

"Before They Pass Away" - Jimmy Nelson

Bài: Linh Hanyi
Ảnh: Jimmy Nelson

logo

Xem thêm: Alexander không là huyền thoại

Thực hiện: depweb

20/01/2014, 18:31