Cuộc thử nghiệm trên được tiến hành tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Ebola trong nhiều tháng qua như thủ đô Freetown, với sự hỗ trợ của khoảng 6.000 nhân viên y tế.
Những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ được sắp xếp ngẫu nhiên vào một trong hai thời điểm tiêm vắcxin là tiêm ngay hoặc khoảng sau sáu tháng.
Nhân viên y tế làm việc tại trung tâm điều trị Ebola ở Sierra Leone hồi năm 2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi các đối tượng này trong 6 tháng để so sánh tỷ lệ nhiễm Ebola.
Vắcxin thử nghiệm rVSV-ZEBOV do Cơ quan y tế công cộng Canada bào chế và được cấp phép cho hai công ty Mỹ Newlink và Merck sản xuất.
Đến cuối tháng 3/2015, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại vắcxin này ở hơn 800 người tại các nước châu Phi, châu Âu, Canada và Mỹ.
Kết quả ban đầu cho thấy rVSV-ZEBOV an toàn đối với người và có thể tạo phản ứng miễn dịch với Ebola.
Đến nay, đã triển khai nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng một số vắcxin ngừa Ebola trong nhiều giai đoạn khác nhau, song chưa một loại vắcxin nào chính thức được cấp phép để sử dụng cho con người.
Cùng ngày, 1,8 triệu trẻ em ở Sierra Leone đã bắt đầu trở lại trường học, 9 tháng sau khi các lớp học phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus chết người Ebola.
Trước đó, Sierra Leone dự kiến mở lại các trường học vào ngày 30/3 khi tỷ lệ các ca nhiễm mới giảm dần, song lại lùi sang 14/4 do xuất hiện một số trường hợp nhiễm Ebola mới, chủ yếu gần Freetown và 3 huyện miền Tây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 5/4, chỉ có 9 trường hợp được xác nhận nhiễm Ebola trong vòng một tuần, ít hơn đáng kể so với 25 ca vào tuần trước.
Kể từ khi bùng phát dịch vào cuối năm 2013, Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, chủ yếu tại 3 quốc gia Tây Phi Liberia, Sierra Leone và Guinea.
Theo Vietnamplus