Khế ước xã hội
Tác giả: Jean-Jacques Rousseau
Dương Văn Hóa dịch
Alphabooks & NXB Thế giới, tủ sách “Alpha & Omega”
Rousseau, cũng như nhiều người ở thời Khai minh, không bỏ qua một lĩnh vực trí tuệ nào. Là nhà văn rất thành công, đã từng bàn luận xuất sắc về các nguyên tắc giáo dục, lại còn tham gia công trình “Bách khoa toàn thư”, và năm 1762, ông cho xuất bản “Khế ước xã hội”, một tác phẩm nền tảng của chính trị học hiện đại. Đây ít nhất đã là lần thứ tư tác phẩm này được dịch ra tiếng Việt: ta từng có một “Dân ước” vào năm 1926, “Xã ước” vào năm 1960 và sau này, đầy đủ hơn, “Bàn về khế ước xã hội” (2004). Bàn về tổ chức xã hội, chính quyền, luật pháp một cách tổng quát và với các lập luận chặt chẽ, nhưng tác phẩm chính trị kinh điển này cũng thật đẹp và bay bổng trong một văn phong bậc thầy và một cái nhìn sâu sắc vào bản chất con người.
Dưới cột đèn rót một ấm trà
Tác giả: Nguyễn Trương Quý
NXB Trẻ
Tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Trương Quý có 15 truyện, gồm 14 truyện ngắn và 1 truyện dài. Tác giả tự cho đây là “những câu chuyện về dục vọng, ham muốn và niềm tin của những người trẻ trong một đô thị bề bộn.” Những tính cách ấy của người trẻ đúng hay không đúng với thực tế, mang lại những gì cho họ và cho xã hội, cần phải làm gì… đó không phải là đích đến của tập truyện, đơn giản truyện ngắn với Quý chỉ là một cách viết khác về một nơi và những con người mà anh gắn bó từ bé. Những gì hài hước giễu nhại của những tản văn vẫn được Quý mang vào truyện ngắn, bên cạnh những nét bạo liệt, xù xì của dục vọng, ham muốn và những bi kịch bất ngờ.
Tâm
Tác giả: Marina Tsvetaieva
Phạm Vĩnh Cư dịch
Đông Tây & NXB Hội Nhà văn
Tập thơ (in song ngữ Nga – Việt) này có tác giả là một nhà thơ nữ vĩ đại, một trong những thi sĩ nổi bật nhất của giai đoạn vẫn hay được lịch sử văn học gọi là “Thế kỷ bạc”. Marina Tsvetaieva (1892-1941) ít tuổi hơn Anna Akhmatova một chút, rất được Boris Pasternak yêu mến và được Joseph Brodsky tôn sùng, và cũng như các nhà thơ lớn thời ấy, cuộc đời bà đặc biệt gian nan với những biến động khủng khiếp dẫn bà đến con đường lưu vong, rồi khi đã trở về nước Nga thì phải chứng kiến người thân của mình bị chính quyền ngược đãi tàn tệ. Nhà thơ đặc biệt say đắm màn đêm và khát khao ngọn lửa, suốt cuộc đời mình đã bừng cháy trong những khoảnh khắc vươn cao vời vợi, và cũng đặc biệt cô độc trong cuộc đời: “Trong tiếng huýt của kẻ ngốc, tiếng cười của phường túi cơm giá áo/Một mình – giữa tất cả, vì tất cả, chống lại tất cả!” (bài thơ “Chiếc tù và của Roland”).
Vĩnh biệt, các gangster
Tác giả: Takahashi Gen’ichiro
Mộc Miên dịch
Nhã Nam & NXB Thời đại
Mặc cho chủ đề và cách biểu hiện “quái gở” của nó, “Vĩnh biệt, các gangster” vẫn chủ yếu là một tác phẩm bàn về thơ. Nhân vật chính là người điều hành một “Trường Thơ” dạy người ta làm thơ, và khi làm công việc ấy, anh trải qua những cuộc gặp kỳ quặc với các học viên, trong đó có cả một nhân vật không định hình. Anh ta trò chuyện với nhà thơ vĩ đại La Mã Virgil bị biến thành một cái tủ lạnh, và thế giới nơi anh ta sống hóa ra là một thế giới vị lai, ở đó trên tầng một tòa nhà có dòng sông bất tận, và ở đó chính quyền gửi giấy báo trước cho những người sẽ qua đời vào ngày hôm ấy. Đây vốn là tác phẩm được viết ra khi Gen’ichiro từng là sinh viên cấp tiến, được thả tự do sau hơn một năm ngồi tù và được bác sĩ khuyến khích viết văn. Thế giới dạng ý niệm trong “Vĩnh biệt, các gangster” đặc biệt hấp dẫn ở các hình dung mãnh liệt; với trí tưởng tượng kỳ quái đó Gen’ichiro, sau tác phẩm đầu tay này, tiếp tục viết và tạo ra một sự nghiệp văn chương đặc sắc.
Phụ trách: Nhị Linh
>>> Có thể bạn quan tâm: Những bài thơ trong tập “Em giấu gì ở trong lòng thế” trải dài từ khi Nguyễn Thế Hoàng Linh còn là một cậu thanh niên cho đến khi sắp thành một trung niên 32 tuổi. Tập thơ là sự trưởng thành hay sự khác đi rất cần thiết của sự sống.