"Ender's game" - mãn nhãn và giàu cảm xúc - Tạp chí Đẹp

“Ender’s game” – mãn nhãn và giàu cảm xúc

Review

Ngày nay, khi mà công nghệ 3D ngày càng trở nên phổ biến và các phim bom tấn cháy nổ ồ ạt ra đời thì các đạo diễn lại càng cố gắng hơn trong việc xây dựng cốt truyện hấp dẫn, nhân vật chi tiết, thay vì biến “đứa con” của mình trở thành một sản phẩm đơn giản của kỹ xảo vi tính.

Mùa hè vừa qua chúng ta đã có dịp chứng kiến siêu phẩm “Oblivion” với sự tham gia của tài tử Tom Cruise, thực hiện bởi đạo diễn Joseph Kosinski – người đã từng làm sống lại series “Tron: Legacy”. Nội dung đậm tính nhân văn cùng những cảnh quay đẹp đến nao lòng nhưng lại được nam đạo diễn kể bằng một phương thức giàu cảm xúc nhất, và quyết định không hề sử dụng 3D. Tương tự, Ender’s game” của đạo diễn Gavin Hood cũng không đào sâu khai thác yếu tố kỹ xảo mà chỉ sử dụng nó như một công cụ khiến cho bộ phim trở nên hấp dẫn hơn.

ender's game

Xem Ender’s game”, có cảm giác rằng câu chuyện “sao chép” khá nhiều chi tiết từ những bộ phim khoa học viễn tưởng trước đó như The Hunger Games”, “Starwars”, “Star Trek”. Thậm chí, những trận chiến, những trò chơi trong bộ phim cũng rất gần với môn Quidditch nổi tiếng do nhà văn J. K. Rowling sáng tạo trong series sách về cậu bé phù thủy Harry Potter, khi sử dụng những chiêu bay lượn, nhào lộn giữa không trung vô trọng lực. Tuy nhiên, thực tế thì kịch bản của “Ender’s game” được viết dựa trên series nổi tiếng cùng tên của nhà văn Mỹ Orson Scott Card phát hành vào năm 1985, trước khi cả hai series The Hunger Games” “Harry Potter” ra đời.

Bộ phim xoay quanh cuộc chiến trong tương lai giữa loài người và một chủng tộc ngoài hành tinh có hình dạng giống những con kiến, được gọi là Formics. Năm mươi năm sau khi Trái đất bị binh đoàn Formics tấn công, loài người vẫn ráo riết đi tìm người có đủ khả năng lãnh đạo để giúp thế giới thoát khỏi kẻ thù. Do đó, một trường học được xây dựng đặc biệt trong không gian để đào tạo những đứa trẻ có khả năng thích hợp trở thành một vị chỉ huy tài ba, điều khiển được trận chiến. Ở đó, chúng được huấn luyện bằng những bài học và quy định hết sức nghiêm ngặt không kém gì quân đội.

phim bom tấn

Điểm đáng chú ý đầu tiên của “Ender’s game” là quy tụ được dàn diễn viên đắt giá. Hai ngôi sao nhí Asa Butterfield và Hailee Steinfeld lần lượt đảm nhận tuyến nam nữ chính của bộ phim. Asa Butterfield từng nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi đóng vai chính trong bộ phim 3D Hugo” của đạo diễn Martin Scorsese, còn Hailee Steinfeld cũng đã được đề cử Oscar với vai diễn trong “True Grit”. Bên cạnh đó là dàn diễn viên người lớn đều là những tên tuổi gạo cội như Harrison Ford, Ben Kingsley và Viola Davis.

Nhìn chung, các diễn viên đều làm tốt vai diễn của mình, đặc biệt là vai chính Ender do Asa Butterfield thể hiện. Số phận của Ender cũng đặc biệt chẳng kém gì Harry Potter: là con trai út trong gia đình ba anh em, một điều trái với luật pháp trong xã hội tương lai, Ender sở hữu trí tuệ thiên bẩm của một chiến lược gia. Chính khả năng đó đã khiến cậu bé trở thành đối tượng bị bạn bè ganh ghét, bắt nạt, thậm chí cả anh trai lớn tuổi của cậu cũng bực mình với em. Tuy nhiên, trái với Harry Potter, càng được học về cách để trở thành một vị chỉ huy vĩ đại, Ender lại càng nhận ra rằng ngôi trường này đang cố gắng biến cậu thành một người mà cậu chưa bao giờ muốn trở thành.

end game

Trong suốt hai tiếng đồng hồ của bộ phim, đạo diễn Gavin Hood khéo léo lồng ghép những bài học đầy ý nghĩa mà không phá vỡ mạch truyện. Chẳng hạn như trường học ở ngoài không gian vừa là hình ảnh của một xã hội thu nhỏ, lại vừa biểu tượng cho một gia đình. Cậu bé Ender buộc phải rời xa người thân trong gia đình để làm quen với những người bạn mới trong trường học. Ở đó, cậu được chăm sóc và giáo dục bởi những người thầy mà đại diện là đại tá Graff (do Harrison Ford đóng) và cô thiếu tá Gwen Anderson (do Viola Davis đóng). Ở đây, hai nhân vật này đại diện cho “bố”, “mẹ” trong một gia đình với những cách dạy dỗ hoàn toàn khác biệt. Nếu như cô thiếu tá luôn tìm cách phát triển tài năng và trí tuệ bên trong con người của Ender, thì ông đại tá lại chỉ biết thử thách cậu bé bằng những bài tập khắc nghiệt và sau đó là ngợi ca, khen thưởng.

Bên cạnh đó, trạng thái tâm lý và cách ứng xử trước các tình huống trong phim cũng cho thấy rằng dù Ender có thông minh, tài giỏi đên mấy, được mọi người ca ngợi như một “anh hùng” thì cuối cùng cậu vẫn chỉ là một đứa trẻ, một con người bình thường có cảm xúc. Cậu tức giận khi bị chơi đểu, thất vọng khi bị loại khỏi cuộc chơi, sợ hãi, lo lắng cho tính mạng của chị gái,… Và trên tất cả, Ender là người duy nhất trong trường học biết đồng cảm với kẻ thù, điều mà ngay cả những người thầy lớn tuổi cũng không thể hiện được. Đó mới chính là những thử thách, những bài học khó khăn nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Ngoài ra, kỷ xảo hình ảnh trong “Ender’s game” cũng rất ấn tượng, không thua kém gì siêu phẩm 3D “Tron: Legacy”. Trước đó, chính tác giả Orson Scott Card đã thừa nhận rằng tiểu thuyết của mình “bất khả làm phim”, nhưng cuối cùng Gavin Hood đã biến những chi tiết trong sách trở nên vô cùng sống động và mãn nhãn. Từ những chiếc phi thuyền vũ trụ bị phá tan thành từng mảnh, không gian lớp học thiết kế như một mê cung, cho đến những cảnh chiến đấu hoành tráng giữa không gian đều được chăm chút một cách tỉ mỉ, tạo hiệu ứng đẹp mắt thu hút người xem.

“Đây không phải là trò chơi”, lời đề tựa của bộ phim thật chính xác. “Ender’s game” không chỉ dừng lại như là một cuộc chiến đấu giành hòa bình giữa loài người và kẻ thù như những bộ phim giả tưởng khác. Hơn thế, đây còn là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác tận sâu bên trong mỗi con người, mà ở đó, cậu bé Ender mới chiến thắng như một người anh hùng thực sự.

Bài: Sal Paradise
Ảnh: IMDB

>>> Có thể bạn quan tâm: Không phải tác phẩm dở, nhưng “Và anh sẽ trở lại” khó có thể khiến khán giả thoả lòng. Dẫu mang dáng dấp của một phim truyền hình chiếu trên màn ảnh rộng, phim vẫn đoạt giải của Ban giám khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 18.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

02/11/2013, 17:45