Nếu thông tin tôi vừa đọc được về việc sẽ
giám sát giao thông từ dữ liệu điện thoại vào năm 2016 là chính xác, tôi e sẽ là không khả thi, có thể dẫn đến “phá sản”.
Thứ nhất, việc này sẽ xâm phạm quyền cá nhân của công dân. Lấy gì đảm bảo, những thông tin cá nhân của chúng tôi được an toàn? Hay đến một lúc nào đó sẽ bị rơi vào tay các công ty quảng cáo, theo kiểu “bình thông nhau”? Khi thông tin cá nhân bị xâm nhập, sẽ ảnh hưởng đến an toàn của người dân và an ninh xã hội.
Thứ hai, làm sao mà giám sát được khi mỗi người có thể dùng nhiều thuê bao, hoặc thuê bao không đứng tên chính chủ? Chưa kể, khi đó, dân tình sẽ bỏ sim và thay vào đó, là sóng wifi, cùng điện thoại và máy tính bảng thông minh?
Rapper Đinh Tiến Đạt
Thay vì thế, tại sao không giải quyết triệt để những vấn nạn giao thông đang còn tồn đọng trước? Hãy làm đường xá tốt hơn, biển báo phải rõ ràng. Tôi thường tự lái xe từ Nam ra Bắc, đi khắp các vùng thì thấy mỗi nơi biển báo ghi một kiểu, xử lý vi phạm giao thông cũng khác nhau, không theo chuẩn nào nên người tham gia giao thông không khỏi hoang mang không biết luật mình học có đúng. Đơn cử như biển báo hạn chế tốc độ, lẽ ra con số phải thống nhất dùng một ký tự cho dễ nhìn. Đằng này mỗi vùng vẽ một kiểu, trông số 6 tưởng số 8, số 8 tưởng số 6 – gần như đánh đố người đi đường. Có nơi quy định phải đậu xe dưới lòng đường, nơi lại bắt đậu ở trên lề (chẳng hạn miền Tây)…
Hãy cải tổ lại hạ tầng giao thông! Lái xe qua cầu Sài Gòn – Cát Lái hoặc đi miền Tây, tôi thấy có những đoạn đường cao tốc mới xây được cắm cái biển rất khó hiểu: “Đường đang chờ lún”. Hai tháng sau, quả nhiên lún, chỗ lồi chỗ lõm thật!
Đường cao tốc Trung Lương về miền Tây cho phép chạy 120km/giờ, nhưng giữa đường lại rất nhiều ổ gà, khác nào đánh đố!
Đinh Tiến Đạt cho biết, anh có sở thích lái xe đi khắp các vùng miền đất nước
Tôi là người rất chấp hành luật giao thông, nhất là trên đoạn đường về nhà tôi đã thuộc lòng. Nhưng vào một ngày, bất thình lình xuất hiện một cái biển cấm từ lúc nào không ai hay, cũng không có thông báo trước. Một loạt ô tô ngay lập tức “dính chưởng”, hết xe này xe khác bị phạt chỉ vì một cái biển cấm tạm thời. Không có anh cảnh sát giao thông nào đứng ra hướng dẫn cho người dân mà chỉ lăm lăm phạt.
Theo tôi, những người có trọng trách xây dựng các phương pháp đảm bảo an toàn giao thông nên rà soát lại luật đã hợp lý hay chưa. Luật chưa hợp lý thì có dùng biện pháp hiện đại đến đâu cũng vẫn cứ lộn xộn. Khi người dân thắc mắc khiếu nại thì phải giải đáp ngay, phải xin lỗi nếu bắt sai, phải đền bù thiệt hại khi họ chứng minh được là họ đi đúng, vì anh đang làm mất thời gian của họ, gây cản trở lưu thông.
Trong các biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng nhằm giúp đảm bảo an toàn giao thông, tính đến nay, tôi thấy chỉ có camera giám sát hành trình là hợp lý hơn cả, là bằng chứng để mọi người có ý thức hơn. Dù biện pháp này ở nước ngoài người ta thực hiện lâu rồi, ở ta giờ mới làm là đã trễ, nhưng lúc này vẫn là biện phát tốt nhất…
Rapper Đinh Tiến Đạt
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “
Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook,
“trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.