Đây là câu chuyện về những người chúng tôi đã gặp giữa thành phố Sài Gòn vào những ngày cuối năm, những người đã chịu ngồi lại và lắng nghe chúng tôi nói về tinh thần “Chúng ta là chiến binh!”, rồi lại kể cho chúng tôi nghe về họ, về những ký ức về người thân yêu đã mất, những khó khăn mà họ đang mạnh mẽ vượt qua, những thái độ sống rất riêng mà cũng rất thú vị… Họ, với nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau – nhưng giống nhau ở tấm lòng rộng mở và một tinh thần mạnh mẽ.
Đầu tiên, chúng tôi gặp chị Quyên, người đã chia sẻ rất nhiều nhưng “ngại lắm” nên không muốn lên hình. Người nhà chị Quyên tuy không mắc phải căn bệnh ung thư hiểm nghèo, nhưng hiện tại chị đang phải chăm sóc cùng lúc đến 3 người thân trong viện. Chị nói “Chị không nghĩ, không nhớ mình đã vất vả như thế nào nữa, chị chỉ nhớ ở bệnh viện, khi chị ăn cơm cùng cậu, ngồi nhìn bà truyền dịch, nghe cháu chị khóc, chị chỉ ước mãi một câu: Người thân của mình sẽ mau hết bệnh thôi để không ai phải chịu đau đớn nữa.”.
“Chị nghĩ điều gì làm chị không còn biết mệt mỏi trong những ngày chăm sóc cùng lúc 3 người thân?” – chúng tôi hỏi. “Tình yêu thương thôi em. Đơn giản khi em yêu thương ai rồi, nhìn thấy họ bệnh là em bất chất mọi vất vả, cực nhọc để lo chu đáo cho họ. Mà lúc đó em nghĩ tới họ có còn nghĩ gì về bản thân mình nữa đâu.”
Anh Tèo đã làm nghề sửa xe ở góc ngã tư Pauster và Hàn Thuyên 14 năm nay. Hỏi anh về cái gọi là “nghị lực sống” anh bình thản nói “Ba đã mất, mẹ già, anh chị em đều có cuộc sống ổn định. Gia đình, vợ con thì anh cũng chẳng có. Động lực sống mỗi ngày của anh là chính bản thân anh thôi.”
Ngoài công việc chính nuôi sống bản thân, anh còn tìm thấy niềm vui nho nhỏ khi mỗi ngày giúp các anh công an giữ gìn an ninh công cộng. “Ước mơ của anh là có thể làm những việc nhỏ để giúp đỡ xã hội. Với sức của mình anh giúp gì được thì sẽ giúp thôi. Khu vực này trước đây có rất nhiều trộm cắp, sau này được truy quét bớt rồi. Anh làm việc ở đây mỗi ngày nên sẽ phụ với mấy anh dân phòng bắt trộm cắp. Một người thì không làm được, nhưng nhiều người chung tay giúp sức thì sẽ dẹp được bọn trộm cắp, giữ cho thành phố tươi đẹp, an lành, nhất là trong mắt của du khách nước ngoài.”
Anh cũng chia sẽ dự định tương lai của mình: “Nếu lỡ mai này mà chết đi, anh chỉ mong là xác của anh sẽ được hiến cho khoa học để họ nghiên cứu, tìm tòi những căn bệnh hay cách chữa trị bệnh, hoặc hiến nội tạng của anh cho những người cần nó.”
Anh sống một cuộc sống đơn giản và vừa đủ, chỉ cần vì mình và vì mọi người. Người đàn ông này chỉ là một người bình thường với ước mơ nhỏ bé, nhưng cuộc sống này sẽ đẹp hơn, khi có những người như anh.
Cô Hiền ngồi thản thơi nhìn dòng người qua lại, bằng giọng nói ấm áp cô kể: “Năm nay tôi 73 rồi, cũng còn khoẻ mạnh lắm, ông nhà tôi mất lâu rồi nhưng tôi cũng không buồn lắm. Ngày ngày tập thể dục giữa sức khoẻ, sống vui vẻ với con cháu thôi!”. Nhìn cô vui vẻ khuyến khích chúng tôi tập thể dục thể thao, khiến tôi hiểu rằng việc tự chăm sóc bản thân thật tốt cũng chính là cách tốt để bạn chăm sóc cho người thân của mình.
Khi nghe về chiến dịch, Uyên chia sẻ ký ức về người ông đã qua đời: “Ngày trước, ông mình cũng mất vì ung thư. Do khi phát hiện thì ông bị giai đoạn cuối rồi nên từ lúc đấy đến lúc ông mất rất nhanh. Con cháu cũng có người buồn khóc nhưng ông cứ cười nói: ‘Khóc làm gì, thà đến thăm ông rồi nghe ông kể chuyện’. Và bây giờ, nhớ về ông – vẫn là nhớ về nụ cười lạc quan của ông, về mong muốn những người ở lại được vui vẻ…”
Tình cờ bắt gặp cô bạn Kamun trên phố, chúng tôi đã đến bắt chuyện cùng cô và bất ngờ phát hiện ra cô bạn đáng yêu này đến từ Malaysia. Bạn ấy đến Việt Nam để tham gia vào một chương trình tình nguyện dành cho trẻ em Việt Nam do AIESEC Malaysia tổ chức trong 3 tuần. Biết được ý nghĩa sâu sắc của chiến dịch “Chúng tôi là chiến binh!”, cô bạn không ngần ngại chia sẻ những suy nghĩ và dự định của mình. “Nếu chỉ còn 1 ngày để sống, minh mong có thể dành quãng thời gian quý báu còn lại cho gia đình. Bởi vì nghị lực sống của mình chính là gia đình thân yêu. Còn hiện tại, động lực thúc đẩy mình cố gắng chính là mơ ước trở thành một cô giáo Tiếng Anh thật tốt”.
Cô bạn Kim Cương chia sẻ về người ông của mình: “Thật ra ông mình cũng mất vì bệnh ung thư, nhưng hồi đấy mình cũng còn bé lắm không nhớ được nhiều. Nhưng mình hiểu được việc giữ cho người bệnh có tinh thần tốt quan trọng như thế nào, nên mình chỉ muốn nhắn nhủ tới các gia đình có người đang chống chọi với các căn bệnh hiểm nghèo rằng ‘Đừng bi quan, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi!’ “
Ngọc chủ động bắt chuyện với Đẹp rồi bạn chia sẻ sự quan tâm đến anh Duy Nhân cùng chiến dịch “Chúng ta là chiến binh!”. “Khi bà ngoại mình ở dưới quê lên thành phố khám bệnh mà bà vẫn đem trái cây của vườn nhà cho mình. Mình thấy bà làm vậy, mình…mừng lắm vì ít ra căn bệnh của bà cũng không làm suy sụp tinh thần, bà chưa hề bớt yêu thương một ai cả.” – Ngọc nói.
Bạn nhờ chúng tôi nhắn gửi đến bà ngoại: “Hai tuần nữa, ngoại khám bệnh rồi, cháu sẽ về quê cùng bà nhé. Cháu thèm trái cây vườn nhà mình quá, rồi bà sẽ chỉ cháu: ‘Mày hái trái này… Trái kia chưa chín, đừng hái’ như lúc bà còn khỏe vậy. Cháu sẽ chờ ngày đó, bà ơi!”.