Hai “ông hoàng sân khấu”, ông bên Idecaf, ông bên Nụ cười mới, mỗi ông một chiếu. Ông (được cho là) thuộc về chiếu “bác học, hàn lâm”, ông còn lại thuộc về chiếu “bình dân”. Họ có bao giờ xem nhau diễn? Có phục nhau không? Và có điểm chung nào không? Giống và khác, xa mà gần, liệu họ nghĩ gì về nhau, có như những gì truyền thông trước giờ phỏng đoán?
Cũng như bạn, Đẹp vừa tìm thấy câu trả lời, thú vị chưa từng có…
Đọc thêm bài viết: NSƯT Thành Lộc: “Chắc Linh nợ nhân gian nhiều hơn tôi”
Nghệ sĩ Hoài Linh
Chưa bao giờ… xem Thành Lộc diễn trực tiếp
– Được gọi là “Hai Lúa của làng kịch”, anh thấy sao?
– Tôi thích. Vì nó đúng bản chất của mình, “hai lúa” nằm trong máu của mình rồi. Biệt danh đó đưa tôi về (chứ không phải đến) đúng với gốc gác của mình. Tôi sinh ra ở quê, từng lăn lộn làm ruộng, tuổi nhỏ cũng băm bèo, nấu cám, làm đủ nghề rồi. Giờ tôi diện đồ đẹp, tôi nói ra hai chữ cũng thấy lúa à! Nói kiểu văn hoa bóng bẩy tôi nói không được.
– Theo anh, trong nghệ thuật có cái gọi là “sang trọng” hay “bình dân” không?
– Có chớ! Có những vở mang tính bác học, hàn lâm đấy chứ! Nhưng tôi mà cái gì hàn lâm hay bác học là diễn không được. Tôi phải cái gì “lúa lúa” mới vô được.
Nhưng nói qua nói lại, đích cuối cùng của người nghệ sĩ là chạm được đến trái tim khán giả thôi. Chứ sang, hèn là chuyện của mỗi người. Người đời hay dùng chữ “sang trọng”, “nghèo hèn”, nhưng sang chắc gì đã trọng, nghèo chắc gì đã hèn. Trong nghề này, lên thì dễ, trụ mới khó. Muốn trụ được chỉ trông chờ vào tình yêu của khán giả thôi.
– Nhưng vẻ như khi làm nghệ thuật, nhất là sau khi nổi tiếng, tâm lý nhìn chung là đều muốn vươn tới một vị trí sang trọng hơn trong nghề…
– Tôi nghĩ đơn giản. Bây giờ vậy đi, bản chất mình là lúa, vậy cứ để vậy đi cho khỏe. Mình là người thích cơm hàng, cháo chợ, nếu mặc bộ đồ sang trọng ngồi ăn vỉa hè cũng chẳng chết ai, nhưng nó không thoải mái như khi mặc quần đùi, áo thun rồi. Đời người, ăn thua vẫn là ở cách xử sự của mình thôi. Chuyện muốn này kia, ai muốn, tôi không biết. Chứ tôi làm nghề 20 năm, vẫn được khán giả yêu thương, tôi chẳng còn ước gì hơn.
– Anh có biết người ta mặc định: Hoài Linh và Thành Lộc là hai ông hoàng sân khấu, một ông thuộc chiếu bình dân, một ông thuộc giới hàn lâm không?
– Tôi đã nói rất nhiều về điều này, tôi là người không được đào tạo trường lớp về nghề diễn, chính vì vậy, tôi không phân biệt cái gì là hàn lâm, cái gì là bình dân. Công việc của tôi là đem tiếng cười cho khán giả, anh Lộc cũng làm công việc đó. Cũng có lúc tôi thử mang nước mắt cho khán giả và anh Lộc cũng làm việc đó. Nhưng nếu mọi người cứ nhất định cho rằng kịch của anh Lộc là kịch bác học thì tôi cũng… đồng ý. Bởi vì, dù là “bác học” hay “chú học” thì anh Lộc cũng là người có học, còn tôi là một tay ngang. Với tôi, anh Lộc là một phù thủy sân khấu, anh ấy có sự biến hóa riêng của mình. Anh Lộc là người đàn anh tôi rất nể.
– Có lần, “bác học” định “đét mông” tay ngang, vì cho rằng “tay ngang” lăng xê “gà” không đúng chỗ. Thật lòng, anh còn giận?
– Nếu lúc ấy hay bây giờ, anh Lộc kêu tôi lại, mắng tôi y chang câu đó, tôi cũng không bao giờ buồn anh Lộc. Tôi chỉ tiếc cái dòng tâm trạng ấy của anh Lộc lại bị mang lên trên báo, còn không, nếu gặp anh Lộc, tôi sẽ nói với anh ấy rằng: “Đét em đi, đại ca!”.
Cá nhân tôi, ngoài sự nể trọng anh ấy, tôi không có gì hiềm khích. Chúng tôi, mỗi người làm một sân khấu khác nhau. Chưa kể, trên phương diện giao tiếp, anh Lộc còn là đàn anh của tôi. Chỉ là tôi không có thời gian gần anh Lộc nhiều, trừ thời gian gần đây mới có dịp, khi cùng nhau làm chương trình Vietnam’s Got Talent.
– “Tìm kiếm tài năng” có giúp kiếm tìm đồng cảm?
– Trong thời gian làm việc, anh Lộc có những góp ý rất chân thành với tôi, và tôi cũng có những điều hỏi ý kiến anh Lộc. Riêng về Vietnam’s Got Talent, anh Lộc ngồi mấy mùa rồi, nên tôi hay hỏi anh ấy kiểu: “Ca này xử lý sao đại ca?”.
– Có đủ để chia sẻ những khát vọng làm nghề không?
– Cũng có nói, nhưng chưa được nhiều lắm, mới chỉ là chút đỉnh.
– Anh có bao giờ xem Thành Lộc diễn trên sân khấu?
– Xem băng đĩa thì tôi có xem. Còn xem diễn trực tiếp thì tôi chưa. Mới đây anh Thành Lộc diễn vở “Hợp đồng mãnh thú”, tôi có nói với anh ấy, hôm nào anh diễn vở đó, có gì báo em. Nhưng bữa anh Lộc nhắn, tôi lại có lịch diễn, nên cuối cùng vẫn chưa đi xem được. Nhưng tôi ái mộ anh ấy từ lâu rồi, từ thời chưa bước vào nghề diễn kia.
Tôi đang bất chấp để kiếm tiền
– Anh thấy mình đang ở đâu trong quãng đời nghề của mình?
– Thực ra thì lĩnh vực chính của tôi vẫn là hài. Tuy nhiên, trong thời điểm này, nếu nói ở góc độ tâm linh thì tôi đang gặp may. 20 năm đi diễn, mọi người vẫn thương mến, vẫn quan tâm đến mình như vậy, tôi cảm thấy rất vui và xúc động. Nhưng tôi chỉ coi truyền hình thực tế là cú rẽ ngang, rồi sẽ có lúc dừng lại. Vì ông bà mình có câu “Bá nghệ bá chi, vị chi bá láp”, thành thử mình vẫn làm sở trường thì hơn sở đoản.
– Chỉ là sở đoản và cú rẽ ngang, sao anh lại dành thời gian cho nó nhiều quá vậy?
– Hai mươi năm làm nghề, về cuộc sống riêng, tôi không đòi hỏi gì nhiều. Có cái nhà trú mưa nắng, có cái xe di chuyển, có tiền lo cho cha mẹ, là xong.
Nhưng tôi còn có một tâm nguyện riêng, muốn xây dựng một đền thờ tổ nghiệp, để nghệ sĩ có nơi thờ phượng nghiêm trang, đàng hoàng. Vì muốn thực hiện tâm nguyện đó nên tôi phải “cày”. Tôi không muốn xin xỏ ai, không muốn lệ thuộc vào ai, thành thử ra phải cố. Đây là phát nguyện của tôi, tôi sẽ cố làm. Tổ nghiệp cho tôi cái nghề, tôi sẽ lấy cái nghề đó để phụng sự lại tổ nghiệp chứ tôi không muốn lấy tiếng của mình để xin mọi người.
Sau này về già, không còn diễn được nữa, lúc ấy mình làm ông từ giữ đền, cũng gọi là có chút gì dính líu đến nghề của mình. Đời mình, tôi từng thấy nhiều người sống tiếng tăm lừng lẫy nhưng chết không có cái hòm chôn, tôi thấy đau lắm. Thành thử ra, bây giờ làm được gì đó cho nghề nghiệp, tôi gắng làm…
– Việc tham gia các chương trình truyền hình thực tế thời gian qua có giúp anh kiếm được nhiều tiền không?
– Có chứ. Nhưng tôi cũng không muốn mình xuất hiện dày đặc như vậy, vì tôi vẫn nghĩ “bạo phát thì bạo tàn”. Nên thôi hết năm nay mình ráng rút dần, cố gắng thực hiện được tâm nguyện của mình, xong xuôi cũng phải trở về nghề chính của mình, đấy là làm hài. Tuy nhiên, bây giờ là thời gian tôi bất chấp để kiếm tiền thực hiện mơ ước của mình nên tôi vẫn ráng.
– Truyền hình thực tế là những cuộc dàn xếp. Giai đoạn “bất chấp” này, anh sử dụng luật nào cho riêng mình?
– Thực ra, tôi có một nguyên tắc, đó là chương trình nào có sự sắp đặt là tôi không làm. Ngồi mà bắt buộc phải chịu sự điều khiển của người này, người kia tôi không làm được. Tôi vẫn thường nói, thà ăn miếng cơm với mắm mà mình nuốt thấy trơn cái cổ họng, còn hơn là ăn miếng thịt mà thấy mắc nghẹn. Ăn mà khổ thế, thì thà không ăn còn hơn, vì ăn vào cũng ói ra thôi.
– Nhà nhà đua nhau làm nghề tay trái, anh nghĩ, nghệ thuật sẽ đi về đâu?
– Thực ra, nếu tôi bỏ sân khấu đi diễn hài thường xuyên, cũng kiếm được tiền. Nhưng tôi còn sân khấu Nụ Cười Mới, nếu mình bỏ đi, nó sẽ ra sao. Một sân khấu 300 – 400 ghế ngồi, bán hết vé (100.000 – 120.000VND/vé), tổng thu một đêm khoảng năm chục triệu. Số tiền đó đem chia cho 40 con người, thử làm phép tính thì mỗi đêm một người được bao nhiêu? Tôi bỏ 10 năm nay không đi làm ngoài, chỉ để làm cho Nụ Cười Mới. Nếu đi làm riêng 10 năm nay, tôi kiếm được biết bao nhiêu tiền. Nhưng vì không làm được điều đó nên tôi dùng sức mình để “cày” trên các chiếu khác, như ngồi ghế giám khảo truyền hình thực tế.
– Đến lúc này, sân khấu với anh là gì?
– Là đời tôi. Nghề sân khấu cho tôi nhiều hơn mất. Tôi vào nghề rất bất ngờ và nổi tiếng cũng bất ngờ. Tính đến nay là hơn 20 năm rồi, hơn 20 năm nổi tiếng, nhiều khi giật mình nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao mình nổi tiếng vậy trời!
– NSƯT Thành Lộc: “Chắc Linh nợ nhân gian nhiều hơn tôi”
– NSND Lê Khanh: Thành Lộc – Hoài Linh đều là phù thủy
– Chị Việt Hương mới đây có chia sẻ với Đẹp: “Nếu khóc, tôi chỉ khóc với Hoài Linh”. Còn anh, nếu cần khóc, anh khóc với ai?