Trang Phạm: Nỗi buồn là để niềm vui nhỏ bé trở thành quý giá! - Tạp chí Đẹp

Trang Phạm: Nỗi buồn là để niềm vui nhỏ bé trở thành quý giá!

Sao

Trong bộ hình này, các thiết kế thời trang từ những thương hiệu lớn hòa quyện một cách tự nhiên với những tác phẩm nghệ thuật bởi những tông màu, những đường nét… Và Trang Phạm, gương mặt người mẫu Hà Nội cá tính và nhiều nỗ lực với nghề đã biến hóa bản thân qua từng bức hình. 

Một cuộc đối thoại tự nhiên, để câu chuyện tự dẫn dắt hóa ra có thể bộc lộ nhiều điều về Trang Phạm. Và hóa ra, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt bởi các chân dài, Trang vẫn có thể sống đời sống giản dị, nghiêm túc và yên tĩnh như thế.

Ba năm để biết mình cần gì và tự tin sải bước

– Tôi đọc bài phỏng vấn nào của Trang cũng thấy thích. Nói chung là Trang trả lời hay. Và tôi băn khoăn không biết vì sao một người như thế lại chọn trở thành người mẫu. 

– Một người như thế nào cơ?

– Tức là theo những gì tôi đọc trên báo, thì là một người thích yên bình, không muốn bon chen, không muốn bận tâm vào những rắc rối, phiền toái không cần thiết. 

– Tôi muốn sự yên bình nhưng lại không muốn bị lãng quên. Rất kỳ quặc phải không? Nhưng nghề người mẫu rất phù hợp với tôi. 


– Yên bình thì sẽ bị lãng quên thôi. Vì làng giải trí thì không ngày nào không có chuyện. 

– Bỏ qua những yếu tố bên lề của làng giải trí, đơn giản chỉ coi nghề người mẫu là một công việc, như bao công việc khác, thì bạn sẽ thấy nó hoàn toàn khác. Bạn cứ hình dung về những người ham mê công nghệ vậy – có người yêu công nghệ nên họ sưu tập tất cả đồ công nghệ mới nhất, có người sử dụng công cụ để phục vụ họ, nhưng cũng có người yêu công nghệ và tìm cách nghiên cứu, chế tạo những đồ công nghệ mới. 

Cái nhìn của tôi, hay tình yêu của tôi với nghề người mẫu, cũng gần như thế. Tôi lúc nào cũng muốn tìm hiểu xem làm sao có thể chụp những bức hình đẹp? Làm sao có những bước đi thật đẹp? Làm sao để người ta thấy Trang Phạm của ngày hôm nay đã khác và tiến bộ hơn Trang Phạm của ngày hôm qua? 

Tôi muốn biết tại sao có thể chụp hình được như thế này? Làm sao để truyền tải cảm xúc của mình qua hình thể? Làm sao để kiểm soát được cơ thể – sự kiểm soát tổng hợp của múa, của âm nhạc, cảm xúc là thứ tôi muốn tìm tòi và khám phá. Và tôi vui vì sự cố gắng của mình được công nhận và đánh giá tốt. 

Chỉ vậy thôi. Tôi bỏ qua mọi yếu tố khác và chỉ tập trung vào những thứ mình yêu thích. 


– Trang làm nghề chuyên nghiệp được 2 năm rồi đúng không? Nhưng có vẻ bạn không thay đổi nhiều. 

– Thay đổi nhiều chứ, nhưng là những thay đổi từ bên trong nội tâm. Khi bước vào nghề, tôi là một cô gái nhút nhát, ngơ ngác và sợ hãi đứng trước đám đông. Rồi những bước đi đầu tiên trên sàn catwalk cho tôi một cảm giác rất kỳ lạ, giống như bạn lần đầu tiên đối diện với nỗi sợ của mình vậy. Và cũng là lần đầu tiên tôi được sống trong giấc mơ của mình. Hai cảm xúc mâu thuẫn tồn tại cùng một lúc, trong cùng một thời khắc. Sự mâu thuẫn này theo tôi một thời gian rất dài, và khiến tôi rất khó chịu, vì thế, tôi phải tìm ra cách nào đó chế ngự nỗi sợ ấy, để giấc mơ của mình trở nên hoàn hảo. 

Và một cách tự nhiên, việc đó giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều trong tính cách. Còn về bề ngoài, mọi người thường nghĩ người mẫu phải có gu, ăn mặc phải thời trang, quần áo phải là đồ hiệu, sang trọng… tôi thì không như thế được. Từ khi vào nghề đến giờ, tôi không khác xưa là mấy, vẫn thích gì mặc nấy. Tôi học cách tự tin với những gì mình có. 

– Phải học à? Học như thế nào? 

– Phải học chứ! Khi bạn sinh ra đã là một người đẹp, thì tự tin có thể là một thứ rất dễ phải không? Tôi không phải là một người đẹp, và tôi đã từng rất tự ti với ngoại hình của mình. Cho đến bây giờ, trong môi trường làm việc có biết bao nhiêu người đẹp, cái sự học để tự tin của tôi vẫn là một quá trình không đơn giản. Tôi đã từng trả lời báo chí: Là một người mẫu, nhất định không được sợ xấu. Nhưng đẹp thì sẽ có người khác đẹp hơn thôi, vậy nên cá tính và sự khác biệt mới là thứ thực sự làm nên một người mẫu, giúp bạn tồn tại lâu bền với nghề. Và để có một cá tính và sự khác biệt thì phải học rất nhiều bạn ạ. 

– Ừ, hoặc là tự mình có – cứ sống đúng với cá tính và sự khác biệt của mình thôi. 

– Cá tính tự nhiên thì ai cũng có và luôn tồn tại cả cá tính tốt và xấu. Nhưng để điều khiển được nó, áp dụng nó trong nghề nghiệp của mình thì phải học chứ? Ví dụ về việc đi trên sàn catwalk của tôi: đi đẹp thì có rất nhiều người mẫu, nhưng để có những bước đi đẹp và mang dấu ấn cá nhân thì không phải ai cũng làm được. Ở ngoài đời, bạn có thể là một người rất cá tính, nhưng truyền tải được cá tính đó qua những bước đi, để người xem có thể thấy được cá tính đó, thì mất không ít thời gian. 

Tôi đã từng đi không đẹp, và tôi rất muốn đi đẹp, nhưng cứ loay hoay không biết làm thế nào. Làm thế nào để có những bước đi mạnh mẽ, tự tin và uyển chuyển? Lên sân khấu nhiều khi tôi cứ gồng lên, cố gắng để có những bước đi dài và đẹp nhưng không thành công. 

Ba năm. Phải mất ba năm để tôi tự rèn giũa bản thân, để biết mình cần gì và tự tin sải bước. Ta luôn nói là ta tự tin, cá tính, nhưng thực sự để tự tin, cá tính khi bước ra ánh đèn sân khấu là một thử thách thực sự – bao nhiêu con người dõi theo và đánh giá bạn, và bạn phải bỏ qua những áp lực, bất chấp khen chê để thể hiện cái mình muốn. 

Sẽ có rất nhiều người nói với bạn: Trang Phạm là một cô gái rất nam tính, có lúc rất điên rồ. Đúng! Nhưng những lúc tôi cần thể hiện một bộ trang phục nữ tính, dịu dàng thì sao? Chẳng lẽ tôi nói rằng tôi không làm được? Và làm sao để chế ngự sự nam tính trong tôi, biến tôi thành một cô gái dịu dàng và ngọt ngào? Tôi cần cảm xúc thật và tôi phải tự tin là mình làm được, và điều đó cần phải học. 

Chỉ khi tôi hiểu được cảm xúc, hiểu được khuôn mặt và cơ thể của mình thì tôi mới dám nói rằng mình tự tin. Cho nên tự tin là một thứ cần phải học, phải trau dồi. Có thể nói, làm người mẫu, ngoài những thứ trời cho như vóc dáng, gương mặt… còn cần rất nhiều kỹ thuật. Chỉ khi biến kỹ thuật thành bản năng, bạn mới có thể tự tin. 

Thực ra, điều đó đúng, không chỉ với nghề người mẫu, mà với tất cả các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác. Những thứ tôi có ở đây không chỉ là những thứ tự nhiên, mà là những thứ tôi cóp nhặt, trau dồi trong cuộc sống. 

Nhớ một Trang Phạm trên hình là đủ

– Cóp nhặt, trau dồi, và Trang có nghĩ tới chuyện mở rộng, phát triển, ví dụ ra thế giới chẳng hạn? 

– Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến, nhưng tôi cũng nghĩ mình có duyên với cái gì thì nó tự đến, có cố cũng không được. 

– Trang biết chuyện “tạo duyên” đúng không?

– Tôi hiểu. Nhưng người ta cũng có câu: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiếu một trong ba yếu tố đó thì cũng coi như không đủ duyên. 

– Ý tôi là trước hết về mặt “nhân hòa” – nỗ lực của mình đã…

– Tôi thì nghĩ thế này: có những thứ đúng với cuộc đời người khác, chưa chắc đúng với cuộc đời mình. Tôi sẽ không cố gắng mở một cánh cửa luôn đóng chặt trước mắt mình, dù tôi có thích chết đi được. Vì biết đâu khi tôi cố gắng mở cánh cửa này, tôi đã bỏ qua những cánh cửa khác mở sẵn, và đằng sau những cánh cửa đó lại có chìa khóa mở cánh cửa đóng kín? 

Ví dụ như một ngày, cánh cửa trở thành một người mẫu đã tự mở ra và tôi bước vào, rất đúng lúc. Không thể sớm hơn, không thể muộn hơn. Mọi việc diễn ra tự nhiên. Và tôi không lãng phí cái “thiên thời” ấy. Với tôi, đó chính là duyên. Tôi nghĩ nếu mình cứ cố gắng theo đuổi nghề này ngay từ ban đầu, chưa chắc tôi đã lĩnh hội được nhiều điều như ngày hôm nay. 

– Điều đó đúng, hoặc không. Vì Trang đã thử trải nghiệm đâu. 

– Trước đây tôi hiểu sai về nghề này, chính vì thế, nếu tôi theo đuổi ngay từ đầu, có thể tôi sẽ đi sai đường. Có những tư duy nghề nghiệp cần phải trải qua một giai đoạn va vấp với cuộc sống nhất định thì bạn mới thấy được nó. Nghề người mẫu, cũng như một nghề lao động bình thường như bao nghề khác. Mọi hào quang chỉ đơn giản là một thành quả. Nhiều người muốn thành quả nhiều hơn sự cố gắng thực chất, dĩ nhiên sẽ dẫn tới tiêu cực. Mà tiêu cực thì nghề nào chẳng có, chỉ là nghề này gây chú ý quá nên mọi người dễ thấy tiêu cực thôi. 


– Ừ nhưng nghề này cũng có một số đặc thù, ví dụ như tuổi nghề ngắn chẳng hạn…

– Tuổi nghề ư? Tôi nghĩ nó không quá quan trọng. Dĩ nhiên, mọi người vẫn nghĩ người mẫu là nghề dành cho các bạn trẻ. Nhưng người mẫu thực thụ là những người làm nghề bền bỉ, họ khẳng định được mình qua thời gian, và khó có ai thay thế được họ. Đây mới là thứ tôi nghĩ rằng một người mẫu có tư duy đúng đắn nên theo đuổi. 

– Còn tôi thì nghĩ đây là chuyện lý thuyết, hoặc chuyện xa vời ở Việt Nam. 

– Và sẽ có những người nào đó bắt đầu đưa lý thuyết vào thực tiễn. Tôi nghĩ mọi chuyện đều cần một hành động cụ thể, để lý thuyết được áp dụng mà, phải không? Tôi cũng đang theo đuổi cái gọi là làm nghề một cách bền bỉ, còn có được hay không thì do duyên với nghề. 

Sáng nay tôi vừa đăng ký một lớp yoga, để khỏe là một chuyện, còn mục đích chính là sau này bẻ dáng cho dễ hơn. Cũng đã đến lúc tôi chán những cái cũ và muốn tìm một thứ gì khác mới mẻ, những dáng mà chỉ Trang Phạm mới làm được thôi (cười). Tư duy nghề nghiệp của tôi là phải luôn đổi mới bản thân. Một khi bạn đã chán mình thì nguy cơ “nghỉ hưu” là rất cao. Chán mình ở đây hiểu theo nghĩa là tự thấy chán bản thân, thấy mình chẳng làm được điều gì thú vị, mới mẻ nữa. Nhưng tôi cũng không có kế hoạch gì dài hạn, cứ thích nghi và khám phá thôi. 

– Chứ không phải Trang biết rằng cuộc sống là vô thường, các kế hoạch dài hạn không có nhiều ý nghĩa à?

– Cái gì cũng được. Nhưng cái chính với tôi là sống ngày nào phải vui vẻ ngày ấy. Làm người mẫu cũng mang lại cho tôi sự vui vẻ ấy. Những gì không vui, tôi sẽ loại bỏ ngay trong đời sống. 

– Nhưng nỗi buồn cũng có giá trị đấy chứ?

– Giá trị của nỗi buồn, với tôi, là để thấy niềm vui dù nhỏ bé nhưng cũng quý giá đến nhường nào. Dĩ nhiên, cuộc sống không thể tránh lúc buồn, nhưng loại bỏ được chút nào thì tốt chút ấy. Cho nên, khi diễn, khi lên sân khấu, mặt tôi lạnh lùng thế nào thì kệ, nhưng xóa lớp trang điểm đi, tôi chỉ thích cuộc sống đơn giản. Mọi người nhớ một Trang Phạm trên hình, trên sàn catwalk là đủ rồi. Và tôi cũng chỉ muốn nói người nhớ đến tôi và quý những gì tôi làm được. 

– Cảm ơn Trang đã chia sẻ!

 

Bài: Linh Hanyi
Giám đốc sáng tạo: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: Tang Tang
Sản xuất: Hellos
Trang điểm: Tú Shark
Làm tóc: Gil Nguyễn
Stylist: Lyskeli


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: – Khi nhắc đến Nhung, các bài báo thường gắn với cụm từ “bạn gái Trí Nguyễn khoe dáng đẹp”, “bạn gái Trí Nguyễn nóng bỏng”; “Người tình tin đồn của Trí Nguyễn sexy”… Nhung nghĩ gì khi đọc những bài báo đó? – Tôi không nghĩ gì hết. 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

30/07/2014, 16:23