Trên một diễn đàn dành cho người yêu làm vườn, chị Thảo thường xuyên chia sẻ hình ảnh và kinh nghiệm chăm bón cây, hoa. Rất nhiều người đã “phải lòng” khu vườn của chị và dõi theo chúng mỗi ngày.
Chị Thảo bên cây hồng chị trồng
Chị Thảo cho biết, để có những bụi hồng tuyệt đẹp như vậy, không hề khó khăn và tốn thời gian. Theo chị, chỉ cần yêu hoa hồng, dành ra mỗi buổi sáng, trưa chiều hay trước khi đi ngủ chỉ vài phút để chăm sóc chúng là đủ. Đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng hồng, coi hoa như bạn, chị Thảo rút ra bí quyết trồng và chăm của riêng mình và chia sẻ với những người cùng sở thích.
Chị Thảo trồng rất nhiều loại hoa hồng, chị coi mỗi cây hồng là một người bạn
Để chuẩn bị cho việc trồng hồng, bạn cần có kéo cắt tỉa hoa và đôi găng tay, đây là những vật dụng quan trọng không thể thiếu của người làm vườn. Những vật dụng này bạn nên mua ở cửa hàng bán vật tư cây trồng để đảm bảo chất lượng.
Khi mua hoa, bạn hãy chọn những cây có màu mình yêu thích, gốc cây khỏe. Trước khi trồng, bạn nên cắt tỉa hết những cành lá đã bị dập nát và cành quá dài. Lúc cắt tỉa cây, bạn nhớ đeo găng tay để tránh bị gai đâm.
Tiếp theo là việc đào hố để trồng, khi hố vừa đủ sâu, bạn nên cho một ít đất mua ngoài hàng (chuyên để trồng hoa) xuống trước, sau đó là phân bón (loại phân chuyên bón cho hoa hồng), rồi mới trồng gốc hồng xuống và tiếp tục đổ đất vào. Nhớ lấy tay nhấn mạnh để cho đất bám chặt gốc hồng. Nếu trồng hồng ở chậu thì sau 6 tháng nên thay đất cho cây để đất luôn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Chị Thảo cho biết, dù trồng hồng ở vùng đất nào cũng vậy, bạn cứ làm theo cách này là có thể thành công.
Loại phân bón dùng cho hoa hồng chị Thảo mua để chăm hoa
Vào đầu vụ, chị Thảo thường xới gốc, phun thuốc sâu chống nấm cho hồng, cắt tỉa các cành khô và yếu. Hàng ngày, chị đều tưới nước cho cây bằng vòi phun nhẹ, nếu trời nắng nóng, chị sẽ tưới vào buổi sáng sớm và xế chiều. Theo kinh nghiệm của chị, hồng chỉ cần tưới vừa đủ, không cần tưới quá nhiều nước.
Chị Thảo ”bật mí”, muốn cây sinh trưởng nhanh thì nên “thúc” bằng cách cắt tỉa cành. Những cành non mới thường khỏe, có nhiều khả năng cho hoa hơn. Trước hết, nên cắt bỏ những cành khô, yếu, cắt ngay trên một chồi khỏe và cắt xiên so với hướng mọc cành. Đối với hồng leo, chị vừa cắt tỉa, vừa uốn cho cành leo theo ý của mình.
Với chị Thảo, ngắm những đóa hoa hồng tuyệt đẹp do chính tay mình trồng là một niềm hạnh phúc
Đây là một trong những cây hồng chị Thảo gửi tặng bạn ở Tp.HCM, bạn chị đã “hồi âm” thành quả với chị
Còn đây là cây hồng chị gửi cho một bạn ở Hà Nội đã đâm chồi