Ai cũng bảo Victor liều khi nhà nhà đổ xô làm phim kinh dị, trinh thám, kể chuyện showbiz hay cố gắng níu chân khán giả với tấu hài, cậu ấy lại chọn một mảng khác, trầm lắng và khó khăn hơn – phim về tuổi thơ. Với người từng để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm trước đó như Victor, thì sự mạo hiểm trong “ván cờ” này càng lớn hơn so với người khác nhiều lần.
Từ khi dự án bắt đầu, tôi đã thấy Victor trăn trở, âu lo. Sự trăn trở ấy đeo bám Victor đến ngày quay, và tôi tin nó ở bên Vũ tới tận lúc phim hoàn thành. Lúc xong bản dựng, Vũ vẫn chưa yên tâm, tự Vũ kiểm tra lại bản phim nhiều lần, thấp thỏm đến hôm “đứa con tinh thần” ra mắt. May thay, phim ra rạp, tôi ít nghe những lời phàn nàn.
Không ít người cho rằng bộ phim lần này của Vũ thành công do nguyên tác nổi tiếng. Điều này đúng, nhưng theo tôi, chưa đủ. Với những ai đã làm phim đều biết, tự mình tạo ra kịch bản để làm khó một, phim chuyển thể… khó mười. Bởi không phải ai cũng đủ khéo để gói ghém mấy trăm trang sách vào vừa vặn trong hai tiếng đồng hồ trên màn ảnh. Nhưng Vũ đã tạo ra một bộ phim vẫn đậm chất điện ảnh nhưng cũng không vắng cái hồn của nguyên tác. Tôi thấy Victor đã làm tốt điều tưởng chừng khó đó.
Phim tạo được tiếng vang không chỉ bởi sự chỉn chu ngay từ khi trailer ra mắt, sự đồng lòng của cả ekip mà còn vì nó chạm đến được những góc khuất trong lòng khán giả. Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ, một khoảng trời muốn quay về và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã gợi nhớ những điều mà người ta tưởng chừng mình đã quên. Điều hay là, bộ phim kể chuyện đời cậu nhóc Thiều, cô bé Mận nhưng lại làm người xem thấy phảng phất bóng dáng mình trong đó.
Từ lâu, điện ảnh Việt Nam đã bỏ quên khá nhiều đề tài và mảng “trở về tuổi thơ” là một trong số đó. Đây là chủ đề khó, khai thác không tốt sẽ trở thành sáo rỗng. Chưa kể, loại đề tài này quá thiên về cách làm phim nghệ thuật, hợp với các liên hoan phim hơn trình chiếu đại chúng. Nhưng tôi đã rất mừng khi thấy những thước phim chậm rãi của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không khiến khán giả buông tiếng thở dài. Điều đó chứng tỏ gu thưởng thức của khán giả Việt đang được nâng cao. Đây cũng là cái cớ để những người làm nghệ thuật tự phải yêu cầu mình cao hơn trong từng tác phẩm, và nó cũng là lời nhắc nhở với những người làm phim cẩu thả, chỉ màng chạy theo doanh thu cần xem xét lại.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm nên điều kì lạ. Đây là lần đầu tiên, một bộ phim có vốn đầu tư nhà nước nhưng tư nhân lại được quyền giữ nhiều vai trò như vậy (tư nhân sản xuất, giữ bản quyền, tự quyết định về cách làm…). Điều đặc biệt hơn, phim không hề có gương mặt ngôi sao cũng chẳng chiều chuộng theo tâm lý muốn cười của khán giả nhưng vẫn đạt doanh thu cao ngất ngưởng.
Dù truyền thông gây được sự tò mò cho khán giả trước khi công chiếu nhưng thực tế điều đó chỉ phát huy được ở thời điểm ban đầu. Truyền thông kéo khán giả đến rạp nhưng không giữ được khán giả ngồi lâu, và cũng không thể buộc họ nói lời tốt đẹp về nó. Khán giả bây giờ đủ sáng suốt để tự mình đưa ra những kết luận của riêng mình. Và“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã xuất sắc trong việc tạo ra hiệu ứng truyền miệng để phim trở thành một hiện tượng.
Hết thảy những điều tưởng chừng không thể đó, Victor Vũ đã làm được rồi.
Diễn viên Thái Hòa
Ảnh: Nhân vật cung cấp