Ở Israel – nơi tập hợp những người thông minh nhất thế giới – từ nhiều năm trước, người ta đã áp dụng việc dạy học cho trẻ con bằng cách đưa chúng tới những khu vườn. Triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại – Platon – một thiên tài trên nhiều lĩnh vực, khi mở học viện Platon từ thời Hy Lạp cổ đại cũng đã áp dụng cách học này cho các học viên. Và cả đức Khổng Tử, bằng cách dẫn những người học trò của mình đi đây đó, vừa đi vừa học, cũng là lựa chọn học từ thiên nhiên… Những vườn cây, nông trại, núi đồi… có thể mang đến rất nhiều bài học cho cả cuộc đời chúng ta.
Cho lũ trẻ làm gì trong mùa hè? Chừng 20 năm trước, chẳng mấy ai đặt ra câu hỏi này. Nhưng đây thực sự là “chuyện hại não” của rất nhiều phụ huynh ở thì hiện tại, đặc biệt là ở thành thị. Mọi giải pháp đưa ra hầu như đều phải có dính dáng đến chuyện học thêm, học kèm. Những người cho con “nghỉ hè là nghỉ hè, không học hành, sách vở gì hết” bỗng thành “hàng hiếm”.
Lũ trẻ thành thị thiệt thòi
Nhìn trẻ con thành thị không có mùa hè mới thấy chúng thiệt thòi quá đỗi so với trẻ con miền quê ở khoản được chơi đúng nghĩa. Chúng có thể trả lời vanh vách nhiều câu hỏi khó về khoa học kỹ thuật, có thể nói tiếng Anh như gió nhưng không hề biết con gà cũng có thể biết bơi như vịt và không biết ước lượng một khoảnh vườn rộng bao nhiêu nếu không có sự trợ giúp của các công cụ đo đạc. Chúng cũng sẽ không biết xoay xở ra sao nếu lạc vào một nơi không có nước sạch để uống mà chỉ có toàn cây cối. Lịch trình ngày nào cũng như ngày nào chỉ vỏn vẹn từ nhà đến trường rồi đến các trung tâm học thêm, tiếp xúc với chừng ấy người biến lũ trẻ thành những người bị hạn chế về mặt giao tiếp và chỉ gói gọn hiểu biết trong vài phạm vi… Điều chúng thiếu mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể làm được, là cho con những bài học từ thiên nhiên.
Người Việt thông minh, học giỏi nhưng thiếu khả năng cạnh tranh
Cuối năm 2014, Ngân hàng Thế giới (World Bank) có cuộc khảo sát về kỹ năng của giới trẻ Việt Nam để chuẩn bị lực lượng cho một nền kinh tế hiện đại. Kết quả cho thấy, sinh viên Việt Nam giỏi học từ sách nhưng lại thiếu trầm trọng những kỹ năng sống cần thiết cho công việc và cuộc sống. Lý do quan trọng dẫn đến điều này là trẻ con Việt Nam hầu như chỉ được tập trung học chữ ngay từ mẫu giáo cho đến hết trung học, rồi lại tiếp tục sự nghiệp học hành ở bậc đại học. Trong khi đó, độ tuổi tiểu học và trung học là giai đoạn nền tảng của nhận thức và hành vi, thì các em phần lớn chỉ được học những kiến thức hàn lâm chứ không biết đến các khóa huấn luyện về kỹ năng sống. Chính vì điều này mà khi trưởng thành, “những đứa trẻ Việt Nam thông minh, học giỏi” lại không có khả năng cạnh tranh với bạn bè quốc tế, do thiếu những kỹ năng quan trọng, đặc biệt là các kỹ năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề, và giao tiếp.
Vẫn là công thức 10.000 giờ luyện tập
Không chỉ từ kết quả đáng báo động của Ngân hàng Thế giới mà rõ ràng từ nhiều tình huống trong thực tế, ai cũng có thể thấy được sự lép vế của người Việt ở khả năng giành cơ hội việc làm tốt so với bạn bè thế giới, mặc dù chúng ta thậm chí còn nổi trội hơn họ về mặt thành tích học tập. Và cũng từ thực tế này, nhiều “khóa học hè” đặc biệt ra đời, chỉ chú trọng vào việc dạy kỹ năng sống. Sau các khóa “Học kỳ quân đội” rầm rộ từ vài năm trước, giờ đến lượt các khóa học làm nông dân, thả bọn trẻ về với thiên nhiên.
Khác với những đứa trẻ miền quê lớn lên từ ruộng vườn, ao cá – có được các kỹ năng sống để thích nghi với môi trường một cách tự nhiên, những đứa trẻ thành thị sẽ tiếp nhận việc làm nông dân theo các bài học đặc biệt với nhiều tình huống được tạo ra từ các chuyên gia. Mục đích của các tình huống giáo dục này là bổ sung những kỹ năng còn thiếu và phát hiện những khả năng tiềm ẩn chưa có dịp bộc lộ trong môi trường chỉ có sách vở. Hoàn toàn không phải là những chuyện cao siêu mà rất bé mọn, lặp đi lặp lại nhiều lần, như bài học thành công “10.000 giờ luyện tập” của nhiều thiên tài.
Học những gì từ các nông trại?
Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tháng 7/2014: cả nước có khoảng 162.000 lao động có trình độ đại học trở lên không có việc làm, gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.
Những ngày sống giữa thiên nhiên, lũ trẻ sẽ được học:
– Giao tiếp: Mỗi chuyến đi đều có bạn nam và nữ. Các em sẽ học cách làm quen, xếp hàng, chia đội, đặt tên cho nhóm. Không chỉ giao tiếp với nhau, các em còn được làm quen và học cách chào hỏi, bắt chuyện với nhiều người khác như: chú bảo vệ, bác nông dân, cô chú đầu bếp… Đây cũng là lúc bọn trẻ được biết thêm nhiều người, nhiều công việc mới. Những mâu thuẫn, hiềm khích giữa lũ trẻ cũng được hướng dẫn dàn xếp thông qua kỹ năng giao tiếp hiệu quả hơn, làm hòa, hóa giải xích mích. Thầy cô hướng dẫn (có phụ trách chung và phụ trách riêng cho bé trai và bé gái) sẽ quan sát, ghi nhận nhiều điều ở các em để có thể gửi báo cáo cho bố mẹ về những kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: sức khỏe, cảm xúc, trí tuệ và hành động, từ đó có giải pháp phù hợp thêm cho bé về sau.
Những câu chuyện quá đỗi bình thường với người lớn nhưng lại là điều tuyệt vời với trẻ thơ. Tạo hóa vốn dĩ ban tặng cho con người nhiều thứ đẹp đẽ nhưng cuộc sống hiện đại đôi khi làm chúng ta quên mất và không sử dụng chúng. Cho con có những ngày xa nhà đi làm nông dân, học những bài học từ cây cối, loài vật cũng là lúc để bố mẹ nhìn lại: mình đầu tư quá nhiều hay quá ít cho con?
Bài: Như Thảo