Một nghệ sĩ lớn phát động phong trào từ thiện, kêu gọi cộng đồng tham gia đỡ đầu cho các trẻ nhỏ sống trong làng SOS. Số tiền đóng góp hàng tháng chỉ 100.000 đồng/tháng cho một cháu bé. Người khởi xướng hoạt động này chỉ mong những người tham gia duy trì đều đặn khoản đóng góp đó cho đến khi trẻ trưởng thành. Nếu có điều kiện, hãy viết thư cho trẻ, hoặc tốt hơn nữa là đến thăm trẻ, bởi ngoài vật chất, các bé rất cần tình thương yêu, cần biết rằng có ai đó trong cuộc đời này quan tâm đến chúng.
Với thông điệp đầy nhân văn như vậy, cô hưởng ứng hoạt động thiện nguyện một cách không đắn đo. Nhận đỡ đầu hai đứa nhỏ ở trại trẻ mồ côi, cô cầm hồ sơ về các bé hào hứng chia sẻ với chồng. Cô muốn hai đứa con mình tham gia vào dự án này, các con sẽ học cách tiết kiệm tiền tiêu vặt hàng tháng để giúp đỡ những người em “mới” của mình.
Sau hồi đăm chiêu nghiên cứu bộ hồ sơ, chồng cô ngẩng đầu lên hỏi: “Em có yêu cầu họ gửi bảng giải chi mỗi tháng không?”.
Câu hỏi làm cô giật mình, chững lại: “Giải chi khoản đóng góp 200.000 đồng hàng tháng hả anh?”. Anh chồng nhún vai kiểu “Đương nhiên vậy mà phải hỏi!” càng khiến cô ngơ ngác “Có hai trăm nghìn thôi mà anh. Làm vậy kỳ lắm.”
Chồng cô được thể lắc đầu: “Ai cũng nghĩ như em nên xã hội bây giờ có cái nghề gọi là nghề quyên góp từ thiện đấy! Cứ nghĩ 200.000 đồng là nhỏ, em không quan tâm họ tiêu khoản tiền nhỏ ấy như thế nào. Nhưng nếu có 10 người khác cũng chọn đỡ đầu hai bé đấy, đều đặn hàng tháng họ cũng chuyển về 200.000 đồng. Không ai quản lý nguồn thu chi. Vậy là, cứ mỗi bé, người quản lý ngấm ngầm bỏ túi được hai triệu đồng. Một làng bao nhiêu bé? Cả nước có bao nhiêu quỹ từ thiện hoạt động kiểu vậy? Thử tính xem, em sẽ thấy số tiền ấy nhỏ mà không nhỏ chút nào.”
Cô ngẫm nghĩ kể ra chồng nói cũng có lý. Nhưng mà 200.000 đồng thì giải chi kiểu gì? Chỉ hình dung khoản chi tối thiểu cho hai đứa con của mình, cô đã thấy chóng mặt, nào là tiền ăn sáng, tiền sách vở, tiền quần áo, và vô số khoản chi không tên khác. Để giải trình số tiền hai trăm nghìn, hẳn công việc của các mẹ sẽ bị nhân lên rất nhiều, chưa kể, một mẹ phải trông nom, chăm sóc cho 10 bé.
Cô bắt đầu cảm thấy khó nghĩ, chưa kể, ông bà có câu “của cho không bằng cách cho”. Chỉ đóng góp có 200.000 đồng, mà mở miệng đòi bản thu chi mỗi tháng, cô thực tâm cảm thấy khó ăn nói.
Cuộc tranh cãi giữa cô và anh-chồng-minh-bạch cứ giằng co như vậy cho đến cuối tuần, cô đề nghị cả nhà lên trại trẻ mồ côi thăm hai bé mà cô nhận đỡ đầu, phần vì cô muốn các con được nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, phần vì muốn chồng thay đổi cái nhìn gay gắt của anh.
Hai đứa con cô, một cậu con trai 8 tuổi và một bé gái 5 tuổi, chẳng cần mất nhiều thời gian để làm quen với hai người em mới. Hồn nhiên, chân thành, trẻ con có ngôn ngữ riêng của chúng. Hai đứa nhỏ trong trại mồ côi nắm tay, dẫn các con cô ra vườn. Hai đứa trẻ thành phố xưa nay chưa từng thấy những luống rau vun thẳng tắp, háo hức nhặt từng cọng rau, hay xúm xít quanh những quả cà chua lúc lỉu trên cây. “Mẹ ơi, đẹp quá này! Y như cái đèn lồng đỏ nhấp nháy trong lá ấy!” Cô đứng tựa cửa, nhìn lũ trẻ xúm xít ngoài vườn, thấy lòng hạnh phúc.
Vươn tay hái quả cà chua đỏ mọng, con cô cho luôn vào miệng trước cái nhìn lo lắng của một chị trong trại trẻ: “Ôi, khéo không đủ để nấu canh cho cả nhà mất!”, anh lớn hơn tay cầm rổ rau, mỉm cười xuề xòa: “Khách quý mà, có sao đâu, chút nữa tụi mình ăn ít canh đi một tẹo.
Cô cảm thấy mắt mình rưng rưng mà không hề biết chồng đã đứng sau lưng từ khi nào. Nhẹ nhàng nắm lấy tay cô, anh thì thầm: “Mình nhận đỡ đầu thêm mấy bé nữa được không em? Có 200.000 đồng/tháng thôi mà. Cứ vài tuần cả nhà mình lại về đây chơi. Anh vốn luôn thích nhà có đông con.”
Sự hồn nhiên của lũ trẻ có năng lực cảm hóa lạ thường. Câu nói của chồng đã xóa đi những băn khoăn trong lòng cô bấy lâu, có lẽ như cô, anh hiểu rằng cho đi là được nhận lại nhiều hơn thế.
Bài: Ngọc Anh