Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ này, ngành công nghiệp làm đẹp chứng kiến những bước chuyển mình lớn lao trong tư tưởng. Điều này không chỉ đến từ những bộ não đầu ngành mà còn từ chính những vị khách hàng phổ thông. Cộng hưởng cùng sự phát triển của mạng xã hội và một thế hệ mới cởi mở, làm đẹp đã trở thành một niềm vui không phân định giới tính, mang lại xúc cảm tích cực cho tất cả mọi người.
Tháng 11 vừa qua, Harry Styles – “chàng thơ” của âm nhạc và thời trang thế giới đã chính thức ra mắt thương hiệu làm đẹp của riêng mình, thương hiệu có cái tên êm ru: Pleasing. Vốn được biết đến như một nguồn cảm hứng cuộn trào chất thơ không chỉ trong thứ âm nhạc Britpop, Soft Rock chàng theo đuổi, Harry Styles còn là “chú tắc kè hoa” được giới thời trang ưu ái và là chàng hoàng tử mà “nữ chúa mùa đông” Anna Wintour tỏ lòng mến mộ. Không nam tính gai góc, Harry lòe loẹt, điệu đà diện những thiết kế sequin lấp lánh, choàng khăn lông, sơn móng tay đủ màu, đánh phấn mắt… Nói vui thì Harry cuốn hút mọi giới tính, nói thật thì chàng đã ban phát những xúc cảm tích cực, tự do bằng âm nhạc, thời trang và làm đẹp.
Chuyện người nổi tiếng rẽ sang ngạch son phấn không còn là điều hiếm. Nhưng chuyện một nam thần tượng “thẳng tưng” như Harry Styles ra mắt thương hiệu mỹ phẩm riêng giống như hồi chuông ngân nga mở ra một thời kì khi lằn ranh giới tính được xóa nhòa trong ngành công nghiệp làm đẹp. Pleasing của Harry bao gồm các sản phẩm sơn móng tay, son dưỡng, serum dưỡng mắt và da mặt. Tất tật đều phản chiếu niềm yêu thích đặc biệt của Harry đối với ngọc trai. Nếu quan tâm đến Harry, bạn sẽ nhận ra anh chàng rất hay đeo một chiếc vòng ngọc trai trên cổ, và bản thân anh cũng rất thích hình tượng những nữ thợ lặn thu hoạch ngọc trai tại các vùng biển của Nhật Bản – làn da họ óng ánh dưới nắng mặt trời và trong làn nước biển khơi phóng khoáng. Đối với Harry, Pleasing là một áng thơ anh đã ấp ủ từ lâu, được thành hình từ những niềm vui nhỏ nhặt anh gom góp từ chính cuộc sống của mình.
“Tôi nghĩ rằng khi người ta hạnh phúc, họ tỏa ra một thứ năng lượng ấm áp và dễ chịu. Đó cũng là những gì tôi muốn ở Pleasing – khiến mọi người cảm thấy an tâm, đẹp đẽ và đủ đầy với chính mình” – Harry Styles chia sẻ.
Trước Harry Styles, các nam nghệ sĩ như Pharrell Williams hay Lil’ Yachty đều từng ra mắt thương hiệu làm đẹp của riêng mình. Nhưng với mức độ phủ sóng thấp hơn, phong cách trầm tĩnh hơn, Pharrell và Lil’Yachty chưa tạo ra được sự chú ý rầm rộ như cách mà Harry đã ra mắt Pleasing. Điều đó không có nghĩa là sự xuất hiện của Humanrace (thương hiệu skincare của Pharrell Williams) và Crete (dòng sản phẩm sơn móng của Lil’Yachty) không đóng góp vào sự xoay chuyển theo hướng “genderless” (phi giới tính) của ngành công nghiệp làm đẹp hiện đại. Trái lại, đó còn là sự cổ vũ nhiệt thành cho đấng mày râu tự do thể hiện sức sáng tạo, lòng yêu bản thân và cái tôi của chính mình.
“Đôi lúc bạn muốn gột sạch tâm trí. Đôi lúc bạn muốn rửa trôi các tế bào da chết trên mặt. Nhiều lúc bạn muốn từ bỏ những thói quen xấu. Nhiều lúc bạn lại muốn dưỡng ẩm cho da và cảm thấy dễ chịu. Đôi khi đó là tất cả những gì bạn cần” – Pharrell Williams chia sẻ về trải nghiệm dưỡng da suốt 2 thập kỷ của mình. Đối với thầy phù thủy âm nhạc kiêm biểu tượng thời trang này, dưỡng da giống như một nghi lễ thiền định cho tâm trí sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Thực chất, xu hướng làm đẹp ở phái mạnh đã có sự manh nha phát triển từ trước đó tại châu Á. Ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, sử dụng mỹ phẩm là một điều tất yếu để duy trì vẻ ngoài chỉn chu của các chàng trai thế hệ Gen Y, Gen Z. Theo báo cáo năm 2021 của Euromonitor tại thị trường Trung Quốc, nguyên nhân chính dẫn đến mối bận tâm này là nỗi sợ vẻ ngoài không tươm tất sẽ đi liền với thất bại trong tình cảm và các mối quan hệ xã hội của phái mạnh. Còn tại Anh Quốc, tập đoàn nghiên cứu thị trường NDP cho hay chỉ riêng trong quý I năm 2021, hạng mục dưỡng da cho nam giới đã có sự vượt trội so với thị phần dành cho nữ giới. Thấu hiểu được điều này, ngành công nghiệp làm đẹp đã kịp xoay chuyển để đón nhận thêm một đối tượng người tiêu dùng quan trọng. Shiseido hồi sinh dòng sản phẩm Shiseido Men (vốn đã ra mắt từ 2 thập kỷ trước nhưng không mấy thành công do nhu cầu từ thị trường không cao); Chanel tiếp tục giới thiệu các sản phẩm sơn móng tay, kẻ mắt cho nhánh mỹ phẩm nam giới Boy de Chanel trong năm 2021.
Các thương hiệu chưa có dòng mỹ phẩm dành cho phái mạnh cũng không chịu thua kém khi sẵn sàng mời các nam thần tượng quảng bá những sản phẩm mà trước đây ngỡ rằng chỉ dành cho nữ giới: Gucci Beauty công bố ca sĩ Luhan là gương mặt đại diện vào năm 2020 (cho cả nước hoa, mỹ phẩm); MAC Cosmetics lần lượt công bố đại sứ toàn cầu là Lay Zhang (thành viên nhóm nhạc EXO) vào năm 2020 và đại sứ thị trường Trung Quốc là diễn viên Ngô Lỗi vào năm 2021; Giorgio Armani Beauty tiếp tục mối nhân duyên cùng ca sĩ – rapper Jackson Wang từ năm 2019…
Tại thị trường châu Mỹ và châu Âu, do sự tồn tại của khái niệm cố hữu “alpha-male” (con đực đầu đàn) cùng định kiến rằng nam tính là không được bộc lộ cảm xúc nên sự thay đổi vẫn chưa diễn ra quyết liệt. Tuy vậy, xu hướng sơn móng tay sặc sỡ ở các nam nghệ sĩ dù chỉ mới manh nha cũng phần nào cho thấy sự mờ nhòa của ranh giới giới tính trong địa hạt làm đẹp. Từ một Harry Styles sặc sỡ cho đến những rapper vốn gắn bó với hình tượng nam tính ngút ngàn như A$AP Rocky, Snoop Dogg hay nhà thiết kế thời trang Virgil Abloh đều không hề giấu giếm chuyện thích sơn móng tay và coi đây như một thú vui làm đẹp rất cá nhân.
Suy cho cùng, niềm vui thì chẳng bao giờ phân biệt giai cấp, tuổi tác và giới tính. Miễn là cảm thấy tích cực, ai cũng có quyền sơn móng tay.