Nhật kí 120 ngày “mắc kẹt” trên đảo Ngọc của gia đình "nhà có 3 người" - Tạp chí Đẹp

Nhật kí 120 ngày “mắc kẹt” trên đảo Ngọc của gia đình “nhà có 3 người”

Sống

“Tôi tạm mất những chuyến du lịch, nhưng lại có cơ hội cùng con lớn lên”. Đấy là lời chia sẻ của chị Ngân Nguyễn Mattingly, Giám đốc kinh doanh của một công ty truyền thông, khi nói về 3 tháng giãn cách. Chị cùng gia đình nhỏ của mình, gồm “anh bạn thân” và cô con gái nhỏ Kela đã có những ngày tháng “bất thường” nhưng đáng nhớ khi “mắc kẹt” trên đảo Phú Quốc.

Kì nghỉ 1 tuần nhưng kéo dài… 3 tháng

Được biết chị cùng gia đình đã “mắc kẹt” ở đảo Phú Quốc vì dịch bệnh. Nếu viết một quyển nhật kí về những ngày đó, chị sẽ viết những gì?

Chuyến đi ấy bắt đầu bằng một quyết định chớp nhoáng. Đó là vào buổi chiều đầu tháng 7, chung cư nơi tôi ở vừa tháo phong tỏa và cả nhà đang chuẩn bị đồ ăn cho 2 tuần tiếp theo. “Hay là mình ra đảo một tuần?”, chồng hỏi tôi thế. Sau khi thống nhất, anh đặt ngay chuyến bay vào sáng mai, còn tôi thì bận bịu mua đồ dùng cần thiết cho cả gia đình. Thế là chỉ ngay sáng hôm sau, cả nhà 3 người đã có mặt trên đảo Phú Quốc.

Chị Ngân Nguyễn Mattingly cùng chồng Quinn Ryan Mattingly và con gái Kela 

Lúc đầu, chúng tôi dung dăng dung dẻ với tâm thế đi chơi một tuần là về. Nhưng đến ngày thứ 2, đột ngột tất cả các chuyến bay ra vào Phú Quốc phải tạm dừng vì dịch bệnh. Cả nhà xác định rằng sẽ không còn chuyến đi một tuần nào nữa, và quyết định thuê villa có đầy đủ bếp núc. Hành trình “tạm định cư” cứ thế bắt đầu.

Điều gì chị nghĩ mình sẽ không có được nếu bỗng dưng bị “mắc kẹt” ở một nơi khác thay vì Phú Quốc?

Tôi cho rằng “đặc sản” Phú Quốc phải là hoàng hôn. Có một lần, cả nhà đang ăn tối thì bầu trời chuyển màu rất đẹp. Thế là chúng tôi bỏ dở cả bữa ăn, rủ nhau đạp xe ra biển, để rồi thực sự nín lặng trước vẻ đẹp của hoàng hôn hôm ấy. Đó có lẽ là hoàng hôn đẹp nhất trong suốt thời gian ở đảo. Bên cạnh đó, người dân hiền hòa, dễ thương từ cô bán rau đến chị bán thịt, ai ai cũng giữ nụ cười trên môi.

Chị Ngân cùng con gái tận hưởng khoảnh khắc hoàng hôn tại Phú Quốc

Chúng tôi cũng có một đời sống chậm hơn so với khi ở Sài Gòn. Mỗi buổi sáng đều có thời gian nhâm nhi một tách cà phê, cùng đi dạo trong vườn, cùng nhau nấu bữa sáng để bắt đầu một ngày mới. Chiều tới, cả nhà cùng nhau ra biển ngắm mặt trời. Hàng xóm chúng tôi khi đó là một gia đình người Nga, hai nhà được dịp trao đổi văn hóa, ẩm thực, đời sống giữa hai nước.

Nếu là một nơi khác, những trải nghiệm trên hẳn sẽ không tồn tại. Gia đình tôi hẳn đã sống trong khu phong tỏa, cách ly tại nhà 120 ngày, và như thế thì sẽ chẳng có gì vui vẻ và đáng nhớ.

Vậy còn điều bất tiện nhất khi phải sống ở đảo từ đầu mùa dịch?

Khoảng thời gian đầu, cả hai vợ chồng phải dùng chung một chiếc laptop, nên phải gắng sắp xếp thời gian thật chặt chẽ để cả hai cùng đảm bảo tốt công việc. Đó có lẽ là điều bất tiện thứ nhất. Điều bất tiện thứ hai, như mọi gia đình khác, chúng tôi phải thích nghi với một lịch trình “ba đầu sáu tay” mùa giãn cách: làm việc, chăm con, chăm sóc nhà cửa và nấu nướng.

Theo chị Ngân, phụ huynh hoàn toàn có thể điều chỉnh được lịch trình công việc để dành thời gian cho con, và điều đó lúc nào cũng tốt hơn là cố phớt lờ bọn trẻ.
Gia đình – “Hầm trú ẩn” mùa dịch 

Như chị nói, mọi gia đình đều thấy khó khăn khi phải vừa làm việc vừa chăm con trong thời gian giãn cách. Trải nghiệm của chị như thế nào?

Lúc đầu chúng tôi khá chật vật vì chuyện này, thời gian bận nhất ngày lại là thời gian bé Kela muốn chơi cùng nhiều nhất. Vì không muốn con sử dụng nhiều Ipad nên tôi đã điều chỉnh thời gian làm việc, dùng thời gian nấu ăn để tương tác nhiều hơn với Kela. Dần dà về sau, cả hai vợ chồng tôi đã quen nhịp, thấy phấn khởi hơn khi được cùng con khám phá thiên nhiên. Ngược lại, Kela cũng rất vui khi được mẹ rủ cùng nấu ăn, hay ra vườn hái rau củ. Tôi rút ra được kinh nghiệm là, ta luôn có thể điều chỉnh được lịch trình công việc để dành thời gian cho con, và điều đó lúc nào cũng tốt hơn là cố phớt lờ bọn trẻ.

Với nhiều người, dịch bệnh khiến họ phải làm quen lại từ đầu với đời sống gia đình. Điều đó liệu có đúng với chị?

Do cả hai vợ chồng đều làm công việc tự do nên vốn dĩ đã có nhiều thời gian dành cho gia đình. Vì vậy, khoảng thời gian cùng nhau mắc kẹt này chỉ giúp các thành viên hiểu nhau nhiều hơn, thay vì phải làm quen lại từ đầu. Ngoài ra, tôi có thể dễ thở hơn trong đời sống gia đình là vì luôn có một “người bạn đặc biệt” song hành. Riêng khoản nhà cửa, những điều tôi có thể làm thì anh nhà cũng sẽ làm được. Hầu hết các việc như rửa chén, giặt đồ, nấu ăn, chăm con anh đều san sẻ cùng tôi, vì vậy nên tôi được “nhẹ gánh” phần nào.

Chị Ngân cho biết chồng chị luôn sẵn sàng chia sẻ công việc nhà cùng vợ

Tài khoản Tiktok của chị đầy ắp những video về gia đình. Đây có phải là một thú vui mùa giãn cách?

Chính xác. Có nhiều khoảnh khắc vui quá, hạnh phúc quá nên tôi muốn ghi lại, cho chính mình và cũng cho mọi người nhận được nhiều năng lượng tích cực. Nói về thói quen ngày giãn cách, tôi cũng hay dậy vào lúc 5 giờ sáng để dành thời gian cầu nguyện. Tôi trước giờ không phải là người có thể dậy sớm nhưng từ khi thói quen này hình thành, tôi có thể bắt đầu một ngày mới nhiều năng lượng tích cực hơn.

4 tháng giãn cách tại Phú Quốc giúp hai vợ chồng chị có nhiều thời gian dành cho con gái nhất.

Nhìn lại thì dịch bệnh đã lấy đi của chị những gì? Và kì lạ thay, nó cũng đã trao cho chị điều gì?

Dịch bệnh không tước đi của tôi cái gì. Tôi chỉ gọi chúng là điều tạm mất. Trong hai năm, tôi tạm mất những chuyến thăm hai bên gia đình nội ngoại, tạm mất những chuyến du lịch, tạm mất cơ hội được ở bên cạnh người thân thương khi họ cần tôi nhất. Tôi biết mỗi một người đều có những khó khăn, đặc biệt còn khó khăn hơn trong mùa dịch. Khi ấy, tôi chỉ ước gì có thể ngồi bên cạnh, được lắng nghe, được ôm những người thân, bạn bè của mình. Tôi tạm mất những điều đó vì an toàn của gia đình và nhiều người khác.

Nhưng đúng vậy, thật kì lạ thay, dịch bệnh cũng trao lại cho tôi nhiều hạnh phúc giản dị khác. Hai vợ chồng chúng tôi được dành thời gian cho Kela nhiều nhất có thể, cùng con chơi, cùng con học, cùng con lớn lên. Ngoài ra tôi còn phát hiện khả năng nấu nướng và làm bánh của mình cũng ổn phết, ổn hơn mình tưởng (cười).

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Tác giả: Hằng Trần

21/10/2021, 16:16