Trong khi thành phố đang chậm lại ngoài kia, mỗi ngày ở bệnh viện lại là một cuộc chiến. Các y bác sĩ gặp nhiều khó khăn hơn vì là lực lượng chính trong tuyến đầu chống dịch. Họ là người chúng ta ngợi ca, và cũng là người cần được hỗ trợ lúc này.
Các y bác sĩ là người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Covid, đồng nghĩa đối mặt với rủi ro lây nhiễm rất cao. Một sơ suất nhỏ trong động tác cũng khiến nguồn bệnh xâm nhập vào cơ thể. Mặc dù hạn chế được tốc độ lây lan, các thiết bị bảo hộ cũng không đảm bảo sẽ bảo vệ họ 100%. Khẩu trang N95 vốn có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, 5% vẫn lọt qua. Chính vì vậy, mọi nhân viên y tế đều được nhắc nhở phải có tinh thần thép, và ý thức được rằng mình đang trong vùng có nguy cơ lây nhiễm chéo.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đang nỗ lực bảo vệ “những anh hùng” tuyến đầu chống dịch, kêu gọi quyên góp từ người dân và đảm bảo các trang thiết bị phòng hộ. Rõ ràng lực lượng tuyến đầu không thể đánh giặc bằng tay không. Thứ sức mạnh đặt trên tay họ cần có đóng góp từ chính người dân nữa.
Đằng sau những “anh hùng áo xanh” chính là mồ hôi ướt đẫm lưng áo, bộ đồ bảo hộ phập phồng nóng, gò má in dấu vết khẩu trang, đôi tay hằn đỏ do phải đeo găng tay y tế liên tục. Còn có một giai đoạn, người ta xúc động cảnh nhân viên y tế lần lượt “xuống tóc”, cho đỡ nóng và đỡ vướng víu lúc mặc đồ bảo hộ.
“Thật sự chúng tôi phải gồng hết sức, cố gắng gồng gánh công việc cho nhau. Có khi bác sĩ làm cả việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm việc của hộ lý. Chỉ cần nghe tiếng báo động ở bất kỳ khu vực nào, anh em lại tức tốc chạy lên hỗ trợ, không phân biệt khu vực do bệnh viện nào quản lý. Mọi người gắn kết với nhau thành một khối như vậy để gồng gánh cho nhau”, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chia sẻ với báo chí. Mặc cho bệnh viện đã trở thành nơi tàn khốc nhất, các nhân viên y tế vẫn không bỏ cuộc. Bức tranh dịch tễ 2021 có virus Corona, đối diện với nó là các y bác sĩ. Nhìn vào bức tranh đấy, mong rằng dù ở hiện tại hay tương lai, thời bình hay thời “bệnh”, họ vẫn nhận được những tri ân và lời động viên lớn nhất.
Theo BBC, hệ thống y tế Mỹ năm qua đã nhận được nhiều báo cáo về hậu chấn tâm lý (PTSD) sau dịch bệnh. Đối diện với trận chiến thứ 4 kéo dài và nghiêm trọng hơn, các y bác sĩ Việt Nam cũng đang chịu nhiều tác động về sức khỏe tinh thần. Ngoài rủi ro lây nhiễm, họ cũng chịu nhiều bất lợi tâm lý do tính chất công việc căng thẳng, thường xuyên đứng trong vùng “sinh-tử”, và mỗi ngày đều đối diện với những quyết định khó khăn. Chính vì vậy, sức khỏe tinh thần của các y bác sĩ cũng nên được chú ý tới trong giai đoạn này.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhân viên y tế buộc phải xa rời người thân. Có anh bác sĩ ghé nhà nhưng chỉ dám đứng ngoài nhìn vô, có một nhân viên y tế chịu tang người nhà khi đứng trong tâm dịch. Tất thảy bọn họ đều lên đường vì trận chiến lớn, tất thảy bọn họ đều chịu đựng nỗi nhớ người thân. Sự hỗ trợ và động viên lúc này sẽ một phần nào bù đắp vào khoảng trống đó. Rõ ràng ta đang gọi các y bác sĩ là anh hùng. Nhưng thật mong sự hi sinh không phải là ý nghĩa kèm theo. Vì anh hùng nào cũng chiến đấu để trở về, chiến đấu để hội ngộ, không phải chiến đấu để hi sinh.
Đêm nhạc “Cảm ơn những điều phi thường” chính là một lời gửi gắm đến lực lượng tuyến đầu, động viên họ trụ vững giữa những khó khăn trên. Những ngày này lực lượng y tế đang được cả nước ngợi ca. Nhưng hãy nhìn vào những khó khăn kia và đừng quên một thực tế rằng, họ hơn ai hết cũng cần ta hỗ trợ lúc này.
Vào 15/08/2021, online concert “Cảm ơn những điều phi thường” sẽ được tổ chức trên nền tảng online vào lúc 19h30, với sự góp mặt của các ca sĩ Tạ Quang Thắng, Minh Thư, Kyo York, Nguyễn Phi Hùng, Cẩm Vân… Trước sức ép do dịch bệnh tạo ra cho các “chiến binh” tuyến đầu, đêm nhạc chính là một lời gửi gắm động viên, đồng thời kêu gọi khán giả cùng đóng góp về mặt vật chất lẫn tinh thần.
– Xem thêm thông tin của đêm nhạc tại đây.
– Cập nhật những thông tin mới nhất tại website.