“Healing” hay còn gọi là chữa lành, một xu hướng nở rộ trong thời gian gần đây của các bạn trẻ, khi con người dần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần. Mỗi người sẽ tìm đến những liệu pháp chữa lành phù hợp với bản thân như yoga, thiền hoặc phim ảnh. Và 5 tựa phim dưới đây sẽ giúp bạn xoa dịu tâm hồn và thư giãn trong những ngày mỏi mệt.
“Cô bé Heidi” là bộ phim gia đình Thụy Sĩ, xoay quanh cuộc sống hồn nhiên, vui tươi của cô bé tóc xoăn tít – Heidi tại một vùng núi cao. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Heidi sống cùng dì đến năm 5 tuổi, sau đó cô chuyển đến sống tại nhà ông nội. Tại đây, cô bé nhỏ nhắn sống hòa mình với thiên nhiên và có những người bạn tốt như cậu bé chăn dê – Peter và muôn vàn động vật nơi thảo nguyên xanh mướt. Bộ phim là chuyến phiêu lưu của cô bé khi đến nơi thành phố thành phố Frankfulf và được gặp gỡ thêm người bạn mới – cô tiểu thư tật nguyền Klara. Sau tất cả, Heidi lại không mấy thiết tha sự tiện nghi, xa hoa của thành phố mà chỉ mong muốn được sống tự do giữa thiên nhiên tại dãy An-pơ (Alpes).
“Cô bé Heidi” sẽ giúp bạn chiêm ngưỡng cảnh núi rừng hùng vĩ nơi vùng núi An-pơ, từng thước phim đều mang hơi thở đặc trưng của thiên nhiên. Dù không sở hữu nội dung kịch tính hay kỹ xảo tân tiến, tác phẩm vẫn lôi cuốn người xem bằng các tình tiết nhẹ nhàng, sâu sắc và tình thương, sự tử tế giữa người với người. Đặc tả rõ nét hình ảnh dãy An-pơ hùng vĩ, từ đồng cỏ xanh mướt, hương hoa thơm ngát đến những ngày mùa đông tuyết phủ trắng xóa đều sẽ sẽ hiện lên trước mắt người xem một cách chân thật. “Cô bé Heidi” chắc chắn sẽ là một lựa chọn hoàn hảo giúp bạn thư giãn và chữa lành sau nhiều ngày ngột ngạt, mệt mỏi.
“Little Forest” (Khu rừng nhỏ) gồm 2 phần: Hạ – Thu và Đông – Xuân. Cũng giống như câu rap của Đen Vâu: “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau/Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”, “Little Forest” là câu chuyện về cô gái trẻ Ichiko lựa chọn rời nơi thành phố để quay trở về miền quê và sống một cuộc sống nông thôn mộc mạc. Bộ phim không mang cốt truyện cụ thể, dường như đây chỉ đơn thuần là cuốn nhật ký của Ichiko trong những ngày sống tại nơi đây. Nói như thế không có nghĩa là “Little Forest” không chỉn chu và trau chuốt, các cảnh quay của tác phẩm đều rất đặc biệt, đậm chất tự sự, thuật lại cuộc sống hàng ngày của cô đầy sống động.
Trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngôi làng nơi Ichiko sinh sống vẫn vẹn nguyên, luôn mang một nét mộc mạc vốn dĩ. Bên cạnh đó, bộ phim còn là sự kết hợp đặc biệt và thăng hoa giữa ẩm thực và điện ảnh. Thông qua mỗi món ăn giản dị nhưng lại vô cùng tinh tế của Ichiko là những câu chuyện, hồi tưởng của cô về quá khứ. Bình dị trong từng thước phim, “Little Forest” đã đặc tả rõ nét hơi thở của vùng quê Nhật Bản. Không cầu kỳ, phóng đại hay lãng mạn hóa cuộc sống nông thôn thế nhưng bộ phim vẫn thu hút người xem một cách kỳ lạ. Có chăng chính sự bình dị và chân thật đó lại là điều đặc biệt của tác phẩm.
Có lẽ mô típ phim thanh xuân chưa bao giờ cũ hay bị thoái trào, bởi những người đang trong độ tuổi này sẽ tìm thấy sự đồng cảm, còn những ai đã trải qua tuổi trẻ bồng bột sẽ có dịp lại hoài niệm về một thời đã qua. Là một bộ phim không được đầu tư cũng như kỳ vọng quá nhiều của đài jTBC bởi dàn cast đều là những diễn viên trẻ chưa mấy tiếng tăm, thế nhưng “Age of Youth” (Tuổi trẻ muôn màu) gây tiếng vang ngoài mong đợi.
Nội dung bộ phim kể về 5 cô gái với 5 cá tính khác nhau chung sống trong một ngôi nhà trọ. Các tập phim kể về những khó khăn, thử thách, sự rung động của từng người trong quá trình trưởng thành và vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Bên cạnh đó, phim còn giúp chúng ta nhận ra tình yêu thương luôn hiện diện trong cuộc sống của mỗi người. Đó có thể là tình bạn, tình yêu hoặc tình thân, và bạn luôn xứng đáng có được một tình yêu đúng nghĩa.
Tạm gác lại những câu chuyện tình yêu lãng mạn, các tình tiết kịch tính lôi cuốn, “Move to Heaven” (Hướng tới thiên đường) sẽ giúp bạn nhận ra thế giới này còn đẹp biết bao nhiêu. Được lấy cảm hứng từ bài luận “Things Left Behind” (Những điều ẩn sau), bộ phim là câu chuyện về dịch vụ “hướng đến thiên đường” do hai cha con – Han Jeong U (Ji Jin Hee) và Han Geu Ru (Tang Joon Sang) vận hành. Sau cái chết của Jeong U, người con trai lại tiếp tục công việc này cùng chú của mình Cho Sang Gu (Lee Je Hoon).
Đã bao giờ bạn từng nghĩ sau khi rơi vào cõi vĩnh hằng con người sẽ đi về đâu? Có những sự ra đi để lại nhiều mất mát, những ước nguyện dở dang cho cả họ và người thân, dịch vụ giúp thu nhập và sắp xếp lại các di vật của người quá cố để lại. Thông qua đó, họ sẽ được nhìn thấy câu chuyện của chủ nhân sở hữu và hoàn thành tâm nguyện của người đã khuất. Nếu trước đây người ta nói “chết là hết” thì giờ đây những câu chuyện dang dở, những số phận bất hạnh sẽ được viết tiếp và có một cái kết trọn vẹn, viên mãn hơn nhờ dịch vụ này. Với những thông điệp đấy, bộ phim đã sưởi ấm, chữa lành trái tim khán giả và khiến chúng ta có thêm trân trọng cuộc sống này hơn.
“Ảo thuật lợi hại nhất thế giới này chính là giấu đi phiền não của con người” là câu thoại đi vào lòng người trong bộ phim truyền hình ăn khách tại Đài Loan “Ảo thuật gia trên cây cầu bộ hành”. Chuyển thể từ tiểu tuyết cùng tên và do đạo diễn Dương Nhã Triết cầm trịch, nội dung xoay quanh câu chuyện của những con người sinh ra và lớn lên tại trung tâm mua sắm Trung Hoa. Mỗi tập phim tập trung vào một nhân vật, câu chuyện tại nơi đây. Đến một ngày, một ảo thuật gia hiện diện trên cây cầu bộ hành, kể từ đó cuộc sống của những ai từng gặp ảo thuật gia đều xuất hiện những thay đổi lớn.
Lấy bối cảnh Đài Bắc cũ vào những năm 80 khi đất nước này vừa kết thúc thời kỳ thiết quân luật và bắt đầu những cải cách mới trong chính trị, bộ phim mang thông điệp ý nghĩa về sự tự do, niềm hy vọng và sự lạc lõng của con người trong thời đại lúc bấy giờ. Mỗi con người trong thời kỳ đấy đều ấp ủ mong muốn sở hữu ma thuật để cuộc sống trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn. Chỉ với 10 tập nhưng phim lại gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả bằng những lời thoại sâu lắng.