Diễn ra từ ngày 2-12/9, Liên hoan phim Venice lần thứ 77 là sự kiện điện ảnh quốc tế đầu tiên quay trở lại kể từ khi COVID-19 khiến toàn bộ ngành giải trí ngưng trệ. Trong bối cảnh khó khăn này, khuôn khổ sự kiện bao gồm số lượng người tham gia cùng các tác phẩm được trình chiếu đều giảm xuống đáng kể.
Sau khi lỡ hẹn với Liên hoan phim Cannes vào đầu tháng 5 vừa qua, giới mộ điệu điện ảnh đã vô cùng hân hoan trước thông tin Liên hoan phim Venice lần thứ 77 vẫn được diễn ra như thường lệ tại Lido vào đầu tháng 9. Được tổ chức tại nước Ý, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Coronavirus, đơn vị tổ chức chương trình La Biennale di Venezia đã đưa ra những phương án cần thiết để phòng chống sự lây lan của dịch mà vẫn đảm bảo các hoạt động truyền thống của liên hoan phim được diễn ra theo đúng quỹ đạo. Đây được xem là một trong những bước đi quan trọng của nền công nghiệp điện ảnh thế giới trong nỗ lực vực dậy tình hình đình trệ kéo dài suốt nhiều tháng qua, trên tinh thần của một sự khởi đầu mới đối với giới làm phim.
Trao đổi với Variety vào đầu tháng 7, ông Alberto Barbera, chỉ đạo nghệ thuật của liên hoan phim cho biết bên cạnh việc giảm số lượng các tác phẩm công chiếu xuống còn 55-60, các biện pháp thắt chặt an toàn trong suốt chuỗi sự kiện diễn ra đều được đẩy mạnh. Ngoài sự xuất hiện bắt buộc của những chiếc khẩu trang, mỗi rạp chỉ được chứa lượng người xem bằng một nửa so với thường lệ mọi năm.
Chịu thiệt hại to lớn do COVID-19, điện ảnh Mỹ không có nhiều đại diện xuất hiện trong loạt phim công chiếu tại liên hoan phim năm nay. Cụ thể hơn, các studio lớn của kinh đô điện ảnh Hollywood đều phải rút khỏi danh sách tham gia khi những bộ phim được trông đợi đều không hoàn thành tiến độ sản xuất do ảnh hưởng của Coronavirus, hoặc phải đẩy lùi thời gian công chiếu sau thông tin lễ trao giải Oscar được dự kiến dời tới tháng 4/2021.
Giữa năm nay, Netflix đã cho biết sẽ bỏ qua toàn bộ các hoạt động liên quan đến các liên hoan phim và trao giải trong 2020, đồng nghĩa với việc sẽ không có đại diện nào của studio này tham gia tranh giải Sư tử Vàng–giải thưởng cao quý nhất của LHP Venice mà ông lớn này đã mang về với “Roma” (Alfonso Cuarón) hai năm trước. “Joker” (Todd Phillips), bộ phim thắng giải này vào năm ngoái cũng là một sản phẩm đến từ studio lớn khác của Hollywood là Warner Bros. Như vậy, sự vắng mặt của các các đại diện Hollywood năm nay được xem là đã để lại một khoảng trống khá lớn đối với chuỗi sự kiện của liên hoan phim.
Giữa loạt các thông tin ảm đạm, một điểm sáng chính là tỉ lệ đạo diễn nữ có phim tham gia tranh Sư tử Vàng nói riêng và công chiếu tại Liên hoan phim Venice năm nay nói chung đã đạt mốc cân bằng so với nam giới, cho thấy tình hình khởi sắc ở phương diện bình đẳng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh. Từ mức 9,5% vào năm ngoái, phần trăm đạo diễn nữ tranh giải thưởng cao quý nhất năm nay đã tăng lên đến 44%, tức 8 trong số 18 phim, con số cao nhất trong lịch sử của liên hoan phim quốc tế này. Cũng theo ông Barbera, các tác phẩm của những đạo diễn nữ năm nay sở hữu chất lượng mặt bằng chung xuất sắc hơn hơn so với các đồng nghiệp nam, từ đó bác bỏ nghi ngờ về việc cố tình thay đổi chỉ tiêu nhằm mục đích truyền thông.
Có thể nói, đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng cho thấy những thay đổi tích cực trong điều kiện và môi trường làm việc đối với các nhà làm phim nữ, song song đó góp phần phá bỏ rào cản và định kiến về giới trong ngành công nghiệp vốn được mặc định là đầy tính nam.
Cùng với việc thiếu vắng những cái tên đến từ các studio lớn của Hollywood chính là sự lên ngôi của những bộ phim art house, phim độc lập cũng như những ứng viên đến từ những nền điện ảnh không nói tiếng Anh. Nằm trong cuộc đua chính tranh giải Sư tử Vàng năm nay là 18 tựa phim đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Ý, Pháp, Nga, Israel, Mexico, Ba Lan, vv. Trong số đó, “Nomadland”, bộ phim Mỹ của nữ đạo diễn Chloé Zhao và là một trong hai cái tên duy nhất đến từ studio lớn, đang được kỳ vọng sẽ mang về thành tích cao ở lễ trao giải Oscar sắp tới. Nếu dự đoán này thành sự thật, Venice sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu là sân chơi “mở đường” cho những cái tên được vinh danh tại các lễ trao giải quan trọng như với trường hợp “Joker” và “Marriage Story” (Noah Baumbach) của năm trước.
Cũng trong đường đua tranh giải thưởng chính này là bộ phim còn lại đến từ studio lớn Sony, “The World to Come” của nữ đạo diễn người Na Uy Mona Fastvold. Một số cái tên đáng chú ý khác bao gồm “Wife of a Spy” của Kiyoshi Kurosawa, “Miss Marx” của Susanna Nicchiarelli, “Amants” của Nicole Garcia, “Pieces of a Woman” của Kornél Mundruczó…
Diễn ra song song với hạng mục chính Venezia 77 tranh giải Sư tử Vàng là Orizzonti, hạng mục dành cho những tác phẩm thể hiện các xu hướng và thẩm mỹ điện ảnh đương đại. Tranh giải ở hạng mục này có 19 phim dài và 12 phim ngắn, trong đó, “Mainstream” của Gia Coppola, “Nowhere Special” của Uberto Pasolini, “Apples” của Christos Nikou… là những cái tên đang nhận được nhiều sự chú ý. Ngoài ra, “The Duke”, tác phẩm nằm ngoài khuôn khổ tranh giải của đạo diễn Roger Michell cũng nhận về nhiều đánh giá tích cực sau khi công chiếu tại liên hoan phim vào ngày 4/9 vừa qua.
Với thành phần giám khảo bao gồm những tên tuổi lớn trong giới điện ảnh như diễn viên Cate Blanchett–người nắm giữ vai trò chủ tịch hội đồng giám khảo, đạo diễn người Áo Veronika Franz (“Goodnight Mommy”, nhà làm phim người Anh Joana Hogg (“The Souvenir”), tiểu thuyết gia người Ý Nicola Lagioia, đạo diễn Pháp Claire Denis (“High Life”)… Liên hoan Phim Venice đang được kỳ vọng sẽ tái tạo lại không gian thưởng thức và chia sẻ trải nghiệm điện ảnh cho những người yêu thích cảm giác hòa mình vào thế giới của bộ phim trước màn ảnh rộng và trong phòng tối. Dù còn gặp phải nhiều khó khăn và hạn chế, ông Barbera cho biết việc tổ chức sự kiện này là một bước đi cần thiết để tôn vinh điện ảnh và giúp văn hóa xem phim rạp không phải chịu cảnh chết yểu trước sự đi lên của những nền tảng phim trực tuyến sau đại dịch.