Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang: khi bác sĩ tham gia "bút chiến" - Tạp chí Đẹp
BS_nguyen_thanh_sang_cover

Sang gọi mình là bác sĩ yêu con nít. Mọi việc anh làm hàng ngày đều hướng về lũ trẻ. Từ sáng đến tối, anh làm bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng Tp. HCM. Đêm đến, Sang cởi áo blouse trắng, trở thành người hùng trên mạng xã hội. Facebook cá nhân là nơi anh lắng nghe tâm sự của các bậc cha mẹ có con nhỏ và chiến đấu với những trào lưu chữa bệnh vô căn cứ.

Vừa kết thúc ca sáng, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang rảo bước quay về phòng nghỉ, với laptop, mở Facebook. Anh đăng một bài viết đã soạn sẵn từ đêm trước về cách xử lý khi trẻ bị sốt cao, co giật. Xong xuôi, Sang ăn vội bữa trưa ở căng-tin bệnh viện rồi bắt đầu ca trực chiều.

Suốt ngày hôm ấy, điện thoại của bác sĩ trẻ liên tục rung vì thông báo và tin nhắn từ những người lạ. Nhưng anh không thể trả lời ngay. Ở bệnh viện còn rất nhiều đứa trẻ khác đang cần tới sự giúp đỡ của “bác Sang” – tên thân mật mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khoa Ung bướu huyết học, Bệnh viện Nhi đồng Tp. HCM vẫn gọi chàng bác sĩ chỉ mới 28 tuổi.

“Bác Sang ơi con kể bác Sang nghe nè. Tối qua có con sâu…”, đứa nhỏ vừa nhìn thấy bóng anh đã chạy đến ôm chầm lấy, miệng cứ líu lo “bác Sang ơi, bác Sang này”, vui vẻ kể từ chuyện này tới chuyện khác. Đó là một ngày hè tháng 7/2017, cũng là năm đầu tiên Sang làm bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Huyết học. Em bé đó mang trong mình căn bệnh ung thư máu, đã điều trị hơn nửa năm.

“Mình rất thương bé. Mỗi lần mình vô khám, bé lại chạy đến ôm mình. Đợt đó, sau khi xuất viện, về nhà bé bắt đầu sốt cao và có vấn đề về tri giác. Ba mẹ đưa vào khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thì phát hiện bé bị viêm não Nhật Bản. Lúc mình qua gặp bố mẹ bé, hỏi chuyện thì mới điếng người”, giọng chàng bác sĩ trẻ nhỏ dần. Ngưng một lúc, anh nói tiếp, nhấn mạnh từng từ: “Ba mẹ không tiêm cho con một mũi vaccine nào hết”.

Theo lời kể của đôi vợ chồng, họ đọc trên mạng thấy nhiều người nói chích vaccine là chết, còn không chích nhưng chăm con kỹ chút thì không sao. Nghe vậy, Sang vừa giận vừa thương. Đứa nhỏ mấy hôm trước còn tươi cười, giờ đang hôn mê sâu, não úng thủy, nằm bất động, chẳng biết khi nào mới tỉnh lại. Tất cả chỉ vì một trào lưu vô lý trên mạng mang tên “anti-vaccine”.

Khi đó, anh đã mang toàn bộ bức xúc của mình viết lên trang Facebook cá nhân, mong cảnh tỉnh những người cha người mẹ khác. Điều Sang không ngờ là bài viết đó nhận được tới hơn 12 ngàn lượt thích, gần 9 ngàn lượt chia sẻ và hàng ngàn bình luận. Hộp thư của anh liên tục thông báo có tin nhắn mới từ những ông bố bà mẹ với câu hỏi đầy bối rối, xin lời khuyên về việc tiêm vaccine và chăm sóc trẻ.

Sau bài viết ấy, Sang nhận ra rằng mọi người không chỉ đang thiếu thông tin mà còn bị dắt mũi bởi rất nhiều nội dung sai lệch từ những nguồn thiếu khoa học.

“Một buổi sáng, bác sĩ dù gào thét cỡ mấy, cùng lắm cũng chỉ khám và tư vấn được cho 40-50 bệnh nhân thôi. Còn một bài viết như vậy mình giúp được hàng ngàn người, hiệu quả hơn rất nhiều. Có những căn bệnh mà các bậc cha mẹ hoàn toàn có khả năng tự phòng ngừa cho trẻ, giảm được rất nhiều áp lực cho ngành y tế, bác sĩ sẽ có thời gian lo cho những đứa trẻ bệnh nặng hơn”.

Ai làm bác sĩ nhi như Sang một ngày sẽ hiểu, khi người mẹ thấy con không ổn tức là có gì đó thực sự không ổn. Đôi khi có thể họ quá lo lắng, nhưng cảm nhận của người mẹ không bao giờ sai. Động lực này thôi thúc anh trở thành tổng đài viên thân thiết của các bà mẹ bỉm sữa, từ đó đến giờ đã là 2 năm.

“Mình chiến đấu với 3 nhóm. Nhóm 1 là anti-vaccine. Nhóm 2 là anti sữa bò. Nhóm 3 là sống thuận tự nhiên và ăn chay trường bằng gạo lứt muối mè. Điều người dân thiếu nhất là thông tin, dẫn tới đủ thứ tiêu cực được sinh ra. Nào là bán sách, làm dịch vụ, lớp học, kiểu như thần thánh hóa một cái gì đó khiến nhiều người bệnh mù quáng lao theo”, Sang nói rõ quan điểm khi tham gia “bút chiến” trên mạng.

Sở hữu một trang cá nhân hàng chục ngàn người theo dõi đồng nghĩa với một “mỏ vàng” cho quảng cáo, không biết bao nhiêu lần Sang nhận được những lời mời gọi đầy cám dỗ từ các nhãn hàng với giá cho mỗi post lên đến hàng chục triệu đồng. “Có nơi trả mình 30 triệu một bài, bằng 3 tháng mình đi làm, nghe là thấy hấp dẫn rồi, nhưng nó vi phạm nguyên tắc của mình nên mình không làm”, Sang cười kể lại những lần anh chối từ cám dỗ.

“Bác sĩ là người làm nhiều, nói nhiều, chạy nhiều, thức khuya, giận nhiều, stress nhiều, bị ‘đánh’ nhiều nhưng lương thấp lắm”. Ngoài công việc ở bệnh viện, mỗi tuần 3 buổi tối Sang còn duy trì một lớp dạy tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập. Anh cũng thường đi “dịch dạo” tại các hội thảo chuyên ngành. “Mình làm ở bệnh viện đâu có cơ hội luyện ngoại ngữ. Mà không thực hành là quên mất nên mình đành tự tạo ra cơ hội vậy”.

Quote2c

Sang vẫn có ước mơ được du học một ngày nào đó. Khi còn là sinh viên, anh đã hai lần để tuột mất cơ hội trong tầm tay do tiếng Anh không đáp ứng đủ yêu cầu dù năng lực chuyên môn hoàn toàn phù hợp. Đó là một trong những ký ức buồn và cũng là nguồn động lực lớn để anh lao đầu vào học ngoại ngữ. Đến giờ, trình độ đã đủ để “gõ đầu” sinh viên, anh mở lớp dạy tiếng Anh, truyền thụ lòng yêu nghề và kĩ năng cho những thế hệ bác sĩ trẻ hơn. 

Sang chưa một lần bước chân ra nước ngoài. Ngoài nguyên nhân do quỹ thời gian hạn hẹp, thu nhập cũng là vấn đề đối với các bác sĩ trẻ như anh. Dù làm việc mười mấy tiếng một ngày, tiền lương mỗi tháng của anh chỉ vừa đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống.

 

Áp lực công việc khiến có giai đoạn, Sang phải đóng trang cá nhân và ngừng viết khoảng 6 tháng. “Nghịch lý của ngành này là chính bác sĩ lại là người chăm sóc bản thân kém nhất. Có thời điểm, sáng nào mình cũng bị trào ngược dạ dày. Sức khỏe rất yếu, nhiều hôm kiệt sức phải xin nghỉ. Ngang trái nhất là có khi người nhà mình vào Sài Gòn khám bệnh, mình không thể đưa họ đi được bởi đã dùng hết ngày nghỉ trong năm cho chính mình rồi”.

Trở về nhà lúc 10 giờ đêm, Sang tiếp tục ngồi vào máy tính, đọc hàng trăm tin nhắn chờ của các bà mẹ. Dù mệt đến mấy, anh vẫn cố gắng trả lời từng câu hỏi trên Facebook của mình vì tin rằng chỉ cần anh cố thêm một chút, có thể giúp được một em bé nào đó khỏe mạnh, tươi cười trở lại.

ANH HÙNG KHOÁC ÁO BLOUSE

Từ y học – “medicine” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “ars medicina”, nghĩa là nghệ thuật chữa bệnh. Vì sao là nghệ thuật? Bởi kĩ thuật thôi chưa đủ, công việc của các thầy thuốc đòi hỏi cả sự kết hợp nhuần nhuyễn của đạo đức, tính minh bạch, khả năng phán đoán, sự dũng cảm, sức chịu đựng bền bỉ, tài lắng nghe – thuyết phục, và sự góp mặt tối quan trọng của lương tri luôn tự vấn trước khả năng hữu hạn của con người, luôn xúc động trước những sinh lão bệnh tử vốn đã là lẽ đương nhiên.

Ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cũng như những bậc thánh thần, đó là nơi chúng ta trao toàn bộ niềm tin và hi vọng còn sót lại trên hành trình chiến đấu với bệnh tật. Trong khi ta được quyền phó mặc cho ngành y và số phận, họ – trong bất kể trường hợp nào – cũng không được phép buông xuôi.

Sự vất vả của những “anh hùng khoác áo blouse” nhiều hơn 100 giờ làm việc mỗi tuần. Sau nhiều ngày nỗ lực đeo đuổi các bác sĩ bằng cách tìm cho mình một vài giây phút hiếm hoi lách vào 24 giờ đã bị lèn chặt của họ, chúng tôi rút ra điều đó. Thời gian biểu kín đặc có thể rút cạn sức lực của một người thầy thuốc, nhưng nó chưa đáng sợ bằng áp lực tâm lý đè nặng lên lòng trắc ẩn – thứ mà bác sĩ Nguyễn Đức Toản của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh đã nói: đôi khi, nó nhấn chìm cả một trái tim thầy thuốc hoặc lấy đi cả một cuộc đời.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Tổ chức hình ảnh: Hellos.

Đọc thêm

Anh hùng khoác áo blouse: Thời gian của bác sĩ

Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng: “Tôi là người họa sĩ không được quyền sáng tác”

Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: Nghề nói thay người đã khuất

Bác sỹ nhi khoa Nguyễn Thanh Sang: Khi bác sĩ tham gia “bút chiến”

Anh hùng khoác áo blouse: Anh hùng cũng khóc

Bác sĩ ơi, đừng “biến mất”!

Tổ chức chuyên đề Hương Thủy Tổ chức hình ảnh Hellos.
Bài Thu Hằng Ảnh Lam Nguy
Thiết kế Uyển Quân

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP