Vẻ đẹp bình yên của vùng quê Bắc bộ được tái hiện qua lăng kính "Tháng 5 để dành" - Tạp chí Đẹp

Vẻ đẹp bình yên của vùng quê Bắc bộ được tái hiện qua lăng kính “Tháng 5 để dành”

Giải Trí

Không chỉ chuyển thể mối tình học đường “huyền thoại” của thế hệ 8x Việt Nam lên màn ảnh rộng, “Tháng 5 để dành” còn đưa người xem trở về vùng ngoại ô miền Bắc vào đầu thế kỉ 21, cũng như gợi nhắc vô vàn hoài niệm đáng nhớ ở mỗi người.

Ngoài việc khắc họa tình đầu ngây ngô nhưng sâu nặng của anh chàng Trung Hiếu (Xuân Hùng) và nàng “sếp” Mai Ngọc (Minh Trang), đoạn trailer mới nhất của “Tháng 5 để dành” cũng giúp khán giả du hành ngược thời gian để viếng thăm một địa điểm hết sức đặc biệt. Đó là “thị trấn yên bình nằm giữa vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ” hồi năm 2000, nơi đã truyền cảm hứng dạt dào, giúp blogger Rain8x chấp bút nên đứa con tinh thần đình đám.

Bối cảnh bình dị mà khó quên

Rời xa khu phố thị sầm uất, sôi động cả ngày lẫn đêm, câu chuyện trong “Tháng 5 để dành”  diễn ra tại một miền đất hoang sơ, với biết bao khung cảnh tuyệt vời: con đường nông thôn dẫn qua ruộng lúa chín vàng, bãi cỏ tươi mát rượi trải dài dưới chân đồi, hay hồ nước xanh biếc lọt thỏm giữa lòng núi…

Bức tranh nông thôn miền Bắc tuyệt đẹp nơi “Tháng 5 để dành”.

Mang đậm phong vị làng quê Bắc Bộ, những thước phim ấy hứa hẹn đem lại một trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn thú vị, khác biệt rõ rệt so với mặt bằng chung phim học đường lẫn thương mại hiện nay.

Tuổi hoa niên của hầu hết các cô cậu học trò 8x đều chẳng thể tách rời khỏi lũ ngựa sắt.

Bên cạnh hình ảnh thân quen này, “Tháng 5 để dành” tiếp tục khiến lứa khán giả 8-9x xúc động, bồi hồi trước hàng loạt chi tiết gần gũi khác. Đó là món quà bình dị dân dã như bánh rán (bánh cam), hũ sữa chua, bánh mì chả, chiếc ti vi màu Pana Color cổ lỗ sĩ, đầu đĩa VCD Samsung, cái ăng-ten truyền hình kinh điển,… Tất cả góp phần tạo nên một màu sắc hoài cổ vừa quen vừa lạ, khiến ai cũng dễ dàng “rung rinh” chứ không riêng thế hệ 8x.

Những món ăn tuổi thơ cũng sẽ được mang đến để mang lại không gian học trò “đầy đủ nhất”.
Không chỉ khai thác chủ đề tình yêu đôi lứa, “Tháng 5 để dành” còn cho thấy khía cạnh tình cảm gia đình.

Màu sắc hiếm thấy của làng điện ảnh Việt

Bộ phim là dự án hiếm hoi mà ngôn ngữ được thể hiện bằng 100% là tiếng Bắc. Dẫu còn khá mới mẻ với khán giả miền Nam, nhưng sự chân phương trong các góc máy, sự lãng mạn với cả một trời thương về tuổi học trò, cùng hai gương mặt đang rất thu hút giới trẻ là Xuân Hùng và Minh Trang, phim vẫn có những tiền tố để tạo ra những sự bất ngờ cho tác phẩm.

Bộ phim vốn được thực hiện bởi một ê-kíp trẻ tuổi tới từ miền Bắc.

Thường bị vấp phải định kiến về cách phát âm khó nghe, lối diễn xuất giả lả hay nội dung thâm thúy, nên phim ảnh phía Bắc luôn gặp khó khăn với việc thâm nhập thị trường miền Nam. Tuy nhiên, đứa con tinh thần do đạo diễn Lê Hà Nguyên nhào nặn đã khắc phục một số nhược điểm cố hữu đó. Chú trọng vào cảm xúc ngây ngô nhẹ nhàng, bộ phim sẽ tái hiện thật trọn vẹn suy nghĩ thầm kín của giới trẻ khi yêu, cũng như cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa những suy nghĩ trong sáng và thứ bản năng giới tính ngấm ngầm.

Liệu Xuân Hùng – Minh Trang sẽ trở thành cặp đôi điện ảnh mới sau bộ phim này?

Vì vậy, mặc dù đây là một bộ phim thấm đẫm tinh thần độc lập lẫn màu sắc rất riêng, nhưng chủ đề, thông điệp mà nó muốn gửi gắm đến người xem lại cực kì gần gũi và dễ hiểu. Xoay quanh tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu và cả tình người, “Tháng 5 để dành”  hứa hẹn sẽ tạo nên dấu ấn khó quên vào mùa hè năm nay.

Phim dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 24.05.2019

Thực hiện: Đặng Trung Hiếu

29/03/2019, 16:00