Tôi luôn nhìn thấy những người bán hàng rong hai bên đường chạy “tán loạn” mỗi khi lực lượng chức năng xuất hiện, nhưng vẫn phải thú thật rằng việc vỉa hè, và thậm chí cả lòng đường được trả lại sự thông thoáng luôn làm tôi cảm thấy thoải mái khi buộc phải ra đường vào những giờ cao điểm.
Chở hàng cồng kềnh
Việc chở hàng cồng kềnh, hàng quá khổ quá tải xảy ra ở bất kể con đường to nhỏ, đặc biệt phổ biến vào dịp lễ tết. Không ít người bị “tai bay vạ gió” vì va quệt với những chiếc xe chở hàng này. Hay như giờ cao điểm, một chiếc xe máy với đầy hàng chiếm chỗ có thể gây tắc đường và khuất tầm nhìn cho các phương tiện khác.
Lấn chiếm lòng đường
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường xảy ra như cơm bữa, chỉ hạn chế khi lực lượng chức năng có mặt hoặc đi tuần ngang qua, từ người bán hàng rong cho đến các hộ kinh doanh. Việc hàng rong “mọc” ven đường còn dẫn tới thói quen dừng mua hàng đột ngột của nhiều người, gây nên nhiều tình huống bất ngờ, lúng túng cho người đi phía sau.
Chở quá số người quy định
Cứ mỗi dịp Tết đến là ta lại quen với việc nhìn thấy những xe khách nhồi nhét, chở quá số người quy định. Nhiều vụ tai nạn với hàng chục người thương vong chỉ vì xe khách chở quá tải lao xuống vực hay chạy nhanh gây tai nạn có lẽ vẫn chưa đủ để đánh động lương tâm của những người lái xe cố tình nhồi nhét, hay thậm chí những hành khách “cắn răng” ngồi trên chiếc xe chật như nêm để được nhanh chóng về quê .
Việc chở quá số người quy định cũng xảy ra ở cả xe máy, xe máy, xe đạp điện… Khi phóng viên Đẹp hỏi, họ nói rằng biết như vậy là vi phạm nhưng tiện thì chở thôi, chứ chả lẽ lại bắt một người đi taxi hay xe ôm. Đấy, cũng chỉ vì cái tặc lưỡi vẫn còn ngồi được thì cứ cố mà chở, vô tình tạo nên những hình ảnh không đẹp và tự gây nguy hiểm cho chính bản thân.
Đứng ngồi trên đường sắt
Mọi hành vi đứng ngồi trên hành lang an toàn đường sắt đều bị cấm và rất nguy hiểm. Tuy nhiên, không ít người vẫn nhởn nhơ coi thường mạng sống khi lấn chiếm khu vực này: chơi đùa, ngồi giữa đường ray để khi có tàu hỏa đi qua mới cuống cuồng chạy. Ai cũng hiểu khi xảy ra tai nạn với tàu hỏa, cơ may sống sót là rất ít nhưng vẫn cứ làm.
Dừng đỗ vô tội vạ
Nhiều người tham gia giao thông có thói quen dừng đỗ một cách vô tội vạ, không thèm quan tâm là đoạn đường đó có được dừng đỗ không hay việc dừng đỗ có gây nguy hiểm cho người đi sau không. Cánh taxi, xe ôm thì lại càng tùy hiện hơn, dừng đỗ ở cả những nơi biết có biển cấm, thậm chí còn dẫn đến tình trạng kẹt xe tắc đường. Không ít va chạm kiểu “dồn toa” đã xảy ra chỉ vì không tuân thủ khoảng cách an toàn và dừng đỗ vô tội vạ.