Vụ việc nghiêm trọng này diễn ra hôm 23/9, trước trận đấu giữa đội chủ nhà Persib Bandung và đội khách Persija Jakarta, hai đối thủ nhiều duyên nợ thuộc giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu của Indonesia.
Haringga Sirla, 23 tuổi, một người hâm mộ đội Persija Jakarta, đã thiệt mạng sau khi bị một nhóm người hâm mộ đội Bandung đánh đập bên ngoài sân vận động chính ở thành phố Bandung, cách Jakarta 150km về phía Đông Nam.
Ngay sau vụ việc, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 16 người vì có liên quan tới cuộc tấn công này.
Theo nhà bình luận bóng đá Akmal Marhali, đây là lần thứ 7 có người thiệt mạng liên quan tới một trận đấu giữa 2 đội bóng nói trên kể từ năm 2012.
Sirla là người hâm mộ bóng đá thứ 70 của Indonesia thiệt mạng vì những hành vi bạo lực có liên quan tới một trận bóng đá kể từ năm 1994 đến nay, Marhali cho biết.
“Điều này vẫn tiếp diễn là do không có sự quan tâm vào cuộc” của các nhà chức trách, ông nhận xét. “Trước đây, chưa từng có hình phạt cứng rắn nào cho hành vi bạo lực và phá hoại… Nó đã trở thành một thói quen trong bóng đá Indonesia.”
Hồi tháng 7, các cổ động viên Indonesia cũng đã để lại hình ảnh không đẹp khi ném đá và chai lọ vào đội khách Malaysia sau khi đội nhà nhận thất bại trong trận bán kết U19 AFF Cup.
Bóng đá Indonesia đã phải hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng trong nhiều năm gần đây. Xích mích nảy lửa giữa liên đoàn bóng đá trong nước và chính phủ nước này khiến FIFA tạm thời cấm Indonesia thi đấu trong các giải đấu quốc tế vào năm 2015. Lệnh cấm này đã được dỡ bỏ vào năm ngoái.
Các ngoại binh cũng từng bị các câu lạc bộ Indonesia ngược đãi. Ít nhất đã có 2 cầu thủ ngoại thiệt mạng ở Indonesia vì không được trả lương nên không thể chi trả nổi các dịch vụ y tế.