Sau khi đọc một những quyển sách dưới đây bạn sẽ muốn chạy thật nhanh về nhà chỉ để ôm mẹ thật chặt.
1. Beloved (Toni Morrison)
Không dễ đọc. Không đơn giản. Khó chấp nhận.
Beloved được xuất bản tại Mỹ năm 1987 và đoạt giải Pulitzer năm 1988. Tác phẩm kể về Seth – người mẹ đã tự tay giết chết con mình khi vừa mời sinh ra. Cô chọn hành động kinh khủng này vì không muốn nó sinh ra cũng giống cô, là một nô lệ, có một kiếp sống bi kịch, đau đớn, tủi nhục, và cùng quẫn. Tuy nhiên sau cùng con bé đã trở lại nhưng với một hình hài khác.
Đọc Beloved, độc giả sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của tình mẫu tử, vẻ đẹp của sự hy sinh vượt lên trên tất cả những bất công áp bức của xã hội. Cuối cùng tình yêu vẫn có thể chữa lành những vết thương nhức nhối nhất và mở ra ánh sáng hy vọng cho những con người tưởng chừng đã không còn lối thoát.
2. The Mother – Người Mẹ (Macxim Gorki)
Nếu đọc những tác phẩm viết về mẹ, hẳn không thể bỏ qua tác phẩm kinh điển “Người Mẹ” của Macxim Gorki. Câu chuyện xuyên suốt thời kỳ nước Nga mới chỉ chớm trong mùa thu cách mạng với hình ảnh quê sầu đá sỏi, cằn cỗi với hình bóng những cột đá, những vật mảng u ám, nhà máy lợp đen, khói loang lổ, thời kỳ hỗn mang tư bản chủ nghĩa.
Đằng sau hình ảnh các bà mẹ già với vẻ cáu bẳn, cằn cỗi đó là tấm lòng, nghị lực phi thường của những người mẹ đã vươn lên trở thành hình tượng đài người mẹ Tổ quốc. Chuyện kết thúc bằng hình ảnh “Người mẹ bị bắt” khiến ta khó lòng nguôi ngoai song vẫn làm người đọc lạc quan, tin tưởng ở ngày mai. Tác phẩm không dễ đọc, tuy nhiên rất đáng cho ta nghiền nghẫm và chiêm nghiệm.
3. Hãy Chăm Sóc Mẹ – Kyung-sook Shin
Nhẹ nhàng, lắng đọng, day dứt, buồn đến nao lòng, cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về một người mẹ giản dị, mộc mạc với đức hy sinh lớn lao và tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình. Với chi tiết người mẹ bị mất tích, đã cho thấy được sự vô tâm của cả gia đình. Đến lúc này, cuộc hành trình thật sự mới bắt đầu, không đơn thuần chỉ là cuộc hành trình tìm mẹ mà còn là cuộc hành trình tìm về những hồi ức đớn đau, những nỗi xót xa đến nao lòng, những tháng ngày chứa chan tình yêu thương mà lâu nay những đứa con đã vô tình đi ngang qua mà không hề ngoái lại…
Làm sao để có thể tìm được mẹ? Mẹ đang ở đâu, và liệu mẹ có còn sống? Tất cả đều không thể hiểu được tại sao một người như bà lại có thể lạc, và tại sao bà không tự biết hỏi đường để quay về nhà cậu con cả, cho đến khi mọi người phát hiện ra sự thật khủng khiếp…
4. Room – Căn Phòng Khóa (Emma Donoghue)
Room là cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật từng gây rúng động thế giới về một người đàn ông ở Áo đã từng bắt cóc, giam cầm và hãm hiếp chính con gái ruột của mình trong suốt 24 năm, khiến cô sinh 7 đứa con.
Jack, cậu bé 5 tuổi được sinh ra và lớn lên trong một căn phòng bị khóa kín cùng với mẹ. Ở trong căn phòng không lối thoát, nạn nhân của cuộc bắt cóc – mẹ Jack, dù phải đối mặt với bạo hành, cưỡng hiếp từng ngày vẫn luôn đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng cho con, và để đeo đuổi giấc mơ đào thoát.
Tưởng sẽ buông xuôi, tưởng sẽ không gượng nỗi, cô gái ấy vẫn kiên trì không thỏa hiệp với số phận. Vì rằng giờ phút này cô đâu còn sống cuộc sống của riêng mình mà còn cho cả những đứa con bất hạnh của mình. Cô phải là cánh cửa để mở ra cho chúng một xã hội, một thế giới thực sự mà chúng chưa từng chạm đến.
5. Có Mẹ Trong Cuộc Đời Này – Phong Điệp
Khi làm mẹ mới thực sự hiểu tấm lòng người mẹ. Tác phẩm chính là những trải lòng của tác giả để nhắc nhở chúng ta rằng Mẹ luôn bên cạnh chúng ta trong cuộc đời này, dù có gặp bao nhiêu khó khăn hay vấp ngã thì Mẹ vẫn luôn ở bên ta. Dù đi đâu đi nữa thì Mẹ vẫn luôn là nơi chúng ta mong muốn được trở về nhất. Cuộc đời là hữu hạn, hãy trân trọng và yêu thương người Mẹ. Đừng để đến khi mất đi mới biết mình đã từng có những gì.
6. Mùa Sương Thương Mẹ – Phan Đức Lộc
Mùa Sương Thương Mẹ là tập tản văn của tác giả 9X Phan Đức Lộc viết về những kí ức ngọt ngào, thanh sáng về tuổi thơ gắn bó cùng miền quê yêu dấu với hương bồ kết dịu dàng, mùa câu tôm sôi nổi những ngày hè, tết Trung thu sáng trăng, nhung nhớ cả vị nhót chua – một thức quà quê dân dã, cùng những nỗi lo khi mùa mưa lũ đến. Người mẹ tảo tần, dịu dàng và ấm áp, là nơi mỗi đứa con trở về sau bao cơn giông bão của đời người. Hình ảnh người Mẹ hiện ra trong căn bếp nghèo nhưng đầy yêu thương (Căn bếp yêu thương), trong bài học về những bông hoa cát (Mơ về hoa cát)…được mẹ mua ở chợ phiên (Tò he thơ bé).
7. Tùy bút “Mẹ Ơi!” – Diệp Hồng Phương
“Không có bữa cơm nào ngon cho bằng bữa cơm với Mẹ, không có bài hát nào hay bằng bài hát về Mẹ, không có giấc ngủ nào yên lành bằng giấc ngủ bên Mẹ”. Tùy bút “Mẹ Ơi!” của Diệp Hồng Phương là những cảm xúc yêu thương xen lẫn hối hận nhưng không dám nói lời xin lỗi, để rồi một ngày kia “Giữa tiếng chuông chùa công phu trong buổi sáng ngân nga. Làn gió ban mai lành lạnh đã rước Mẹ đi rồi…Giọt nước mắt chảy tràn qua khóe. Từ giây phút này tôi biết thế nào là đứa trẻ mồ côi!”. Không còn bông hồng đỏ nữa. “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”