Đổ xô đi chụp ảnh
Những ngày gần đây, thông tin về việc hơn 34 triệu thuê bao phải cập nhật lại thông tin, bổ sung ảnh khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi đã đứng đợi ở cửa hàng của nhà mạng rất lâu để được bổ sung thông tin theo quy định.
Đáng chú ý là trong số họ có rất nhiều người không nhận được tin nhắn thông báo về việc phải bổ sung thông tin từ nhà mạng.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào hôm qua (22/4), ông đã phải đợi từ sáng tới trưa tại điểm giao dịch của Viettel để được cập nhật thuê bao. Theo chia sẻ của ông Quỳnh, có một số người tới nơi, nhưng không cần cập nhật nên dù xếp hàng xong lại ra về nhưng có những người vẫn yêu cầu nhân viên bổ sung thông tin bởi “thừa còn hơn thiếu.”
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus cũng đã nhận được rất nhiều câu hỏi về việc thuê bao không nhận được tin nhắn thông báo của nhà mạng liệu có phải đi bổ sung thông tin và ảnh không?
Trao đổi với chúng tôi, đại diện nhà mạng cho biết, những thông tin không nhận được tin nhắn thuộc diện đã có thông tin và chưa cần phải bổ sung. Do đó, họ có thể yên tâm dùng dịch vụ mà không cần phải xếp hàng chụp ảnh.
Chặn thế nào?
Theo quy định tại Nghị định 49, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Với trường hợp thuê bao không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Sau đó, nhà mạng sẽ thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện bổ sung thông tin theo quy định.
Đối với các số thuê bao đã bị chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông nói trên, doanh nghiệp có quyền cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu.
Như vậy, theo quy định này, thì cho dù tới hạn chót, bị khóa một chiều thì thuê bao vẫn còn thời gian để “cứu” số điện thoại của mình bằng cách “nạp” đủ thông tin theo quy định.
Nhà mạng ráo riết
Trước tình trạng quá tải ở cửa hàng, các nhà mạng cho phép khách hàng đăng ký thông tin trên ứng dụng và một số kênh trực tuyến. Tuy nhiên, cả những ứng dụng của nhà mạng bình thường chạy rất nhanh thì nay cũng ở trong tình trạng khó truy cập…
Đại diện của Viettel cho hay, đơn vị này đang dốc toàn lực hỗ trợ khách hàng hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo đó ngoài các kênh đã triển khai (cửa hàng, qua web, wapsite, ứng dụng MyViettel), Viettel đã tổ chức cho hơn 20.000 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc tiếp nhận và hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, Viettel cũng liên tục tăng cường nhân sự cho các địa phương có dấu hiệu tăng tải để hỗ trợ. Cụ thể, trong sáng nay (22/4) gần 500 nhân viên thuộc các khối phòng ban, cơ quan Viettel đã ra quân tăng cường cho 14 tỉnh/thành phố đang cao tải…
Phía VinaPhone cho biết ngoài cửa hàng và ứng dụng, khách hàng có thể cập nhật thông tin qua website của nhà mạng, đăng nhập vào số điện thoại cần cập nhật, xác nhận qua OTP rồi chọn “Cập nhật thông tin thuê bao” và điền theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó, người dùng có thể gửi thông tin qua email cskh@vnpt.vn. Thông tin bao gồm: số thuê bao, họ tên, kèm ảnh chụp Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước/Hộ chiếu cùng ảnh chân dung để được hỗ trợ cập nhật.
Trong khi đó, MobiFone cho hay ngoài việc đến cửa hàng chính thức, thuê bao có thể tới khoảng 14.500 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone ủy quyền.
“Tại nhiều cửa hàng, nhân viên MobiFone thậm chí làm việc tới sau 21 giờ để phục vụ khách hàng,” đại diện MobiFone nói.
Ba nhà mạng cho biết đã thành lập các tổ lưu động tại khu vực có đông khách hàng, các tổ chức, đơn vị có nhiều khách hàng phải cập nhật thông tin để chụp ảnh và hỗ trợ khách hàng nhập trực tiếp lên hệ thống.