Nhà sản xuất bộ phim “Đường đua” từng viết lời kêu gọi trên trang cá nhân, rằng các bạn hãy ra rạp xem phim đi, để tạo cơ hội cho một bộ phim tử tế. Tác giả bài phỏng vấn Đỗ Bảo trong Đẹp số tháng 9 cũng nói với tôi, “Đỗ Bảo thường không có ý định tự truyền thông cho tác phẩm của mình, nhưng chị muốn giới thiệu Bảo và album mới, vì nó là một tác phẩm tử tế.” Trong cuộc tranh luận về nghệ thuật cũng có phần ầm ỹ trên mạng gần đây, một người đã nhận xét: “Thế giới chỉ có khái niệm hay hoặc không hay, còn các nhà báo ở Việt Nam đã khai sinh ra một cái gọi là nghệ thuật tử tế”…
Dường như chưa bao giờ hai chữ “tử tế” trong nghệ thuật được nhắc tới nhiều như vậy, và xem ra cái sự “nhiều” này tỷ lệ thuận với sự gia tăng của những kẻ hám danh cùng những trò lố. Khi mà thông tin về những Long Nhật, Bà Tưng…, càng dồn dập thì khao khát hướng tới một nền nghệ thuật nhiều con người tử tế làm những việc tử tế càng mãnh liệt. Nhưng con đường cho sự tồn tại của cái gọi là nghệ thuật tử tế hoàn toàn không đơn giản.
Những cái kết ngậm ngùi của nghệ thuật tử tế
Quay lại chuyện về “Đường đua”, có người nhận xét không sai rằng đây phải được coi là một trường hợp cá biệt của điện ảnh Việt. Khi mà truyền thông và báo chí hết lời ca ngợi, động viên, nâng đỡ, thì con đường trụ rạp lại hết sức thê thảm – chỉ sau đúng 1 tuần phim đã lặng lẽ rời cụm rạp Megastar, chỉ được chiếu lấy lệ ở cụm Galaxy và tồn tại lay lắt ở những cụm rạp nhỏ khác. Đứng phía sau “Đường đua” là Hãng phim Xanh (Blue Productions) của diễn viên Hồng Ánh, và cả một công ty truyền thông lớn của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, nên làn sóng ủng hộ cũng có phần dễ hiểu: nó là phép cộng của thiện cảm dành cho một người làm nghệ thuật vốn sạch scandal, là phản ứng ưu ái tự nhiên của những mối quan hệ bền chặt, là hệ quả của phép tính tâm lý rất khôn ngoan từ những người đứng sau.
Quan trọng hơn, “Đường đua” không phải một bộ phim dở, tuy vẫn còn sạn nhưng đã hình thành một tác phẩm điện ảnh chỉn chu, logic và không phải không hấp dẫn kịch tính cũng như giàu cảm xúc. Tuy vậy, khán giả lại có những phép tính của riêng mình. Quá nhiều lý do, tâm lý cảnh giác của nhóm đối tượng khán giả mà nhà sản xuất muốn hướng tới, sự không hợp gu với nhóm khán giả chăm xem rạp…, và cả điểm rơi đen đủi sau màn lộ bản nháp của “Bụi đời Chợ Lớn”… đã khiến “Đường đua” thất bại thê thảm về mặt doanh thu.
Một trường hợp khác cách đây hơn 2 năm, vào thời điểm chìm lắng của giới sân khấu âm nhạc, ê-kíp đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Thanh Phương và biên tập âm nhạc Chu Minh Vũ đã cho ra đời series “Không gian âm nhạc” với bài toán ca sĩ chất lượng, kịch bản âm nhạc mới mẻ, hòa âm phối khí tốt, sân khấu riêng biệt, và có một nhà tài trợ sẵn sàng đồng hành đường dài. Họ đã có những cuộc chơi sang, bỏ tiền mời ca sĩ hạng sao như Tuấn Ngọc, Hà Trần, Thu Phương từ nước ngoài về chỉ để hát riêng một chương trình. Giá vé cũng được coi là hàng xa xỉ thời đó (thời chưa có những sự kiện như Bằng Kiều concert, khi khán giả sẵn sàng bỏ ra gần 10 triệu để mua 1 cặp vé chợ đen) nhưng sân khấu thì đêm nào cũng chật chỗ.
“Không gian âm nhạc” thời điểm ấy được coi như một hiện tượng, và nó cũng tạo được động lực để nhiều nhà sản xuất khác trở lại với sân khấu. Tuy vậy, sau một năm hoan hỉ, mọi thứ trở nên nguội lạnh. Khán giả sau một năm hồ hởi bắt đầu đắn đo khi rút ví, ca sĩ đạt tiêu chuẩn của ê-kíp đề ra không quá nhiều để tránh sự lặp lại, lượng vé suy giảm cũng đặt nặng bài toán kinh tế lên vai ê-kíp và cả nhà tài trợ. Cuối cùng, sân khấu “Không gian âm nhạc” đã đóng cửa không một lời từ biệt, ngay trước thềm chương trình đặc biệt kỷ niệm 1 năm theo dự định. Nó là một nỗi đau của những người trong ê-kíp, mà có người tới thời điểm này vẫn không muốn nhắc tới.
“Làng tôi”, vở xiếc mới đặc sắc từng được khán giả quốc tế đón nhận nồng nhiệt, lại có một cái chết yểu khác trên quê hương mình. Chưa bao giờ chính thức công diễn ở Việt Nam, ngoài những lần ra mắt quan khách tại Sứ quán Pháp, và sau buổi ra mắt báo chí qua sự giới thiệu của ông Minh Đỗ (giám đốc công ty DX fashion, chủ chuỗi thương hiệu Luala, Luala Concert, trang soi.com.vn), “Làng tôi” đành ngậm ngùi khép lại chuỗi ngày lưu diễn đẹp như mơ. Trước đó, dù sân khấu riêng cho “Làng tôi” gần như đã được định sẵn, dù cho báo chí hết lời ca ngợi, người xem trầm trồ, thì những sự trắc trở khách quan đã là dấu chấm lửng dài vô tận.
Được biết, công ty Mỹ Thanh, nhà sản xuất của series “In the spot light”, từ lâu đã đưa vào ê kíp riêng một ảo thuật gia trẻ có tài, dự định cho một series chương trình ảo thuật hoành tráng và “tử tế”. Nhưng từ kinh nghiệm của “In the spot light”, từ tiên lượng khán giả, mãi tới nay series này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Và những con đường sáng
Giữa năm 2012, ông Lê Quốc Vinh, một chuyên gia về truyền thông và sự kiện, nhận được email từ một chàng sinh viên nghệ thuật đang du học tại Mỹ. Chỉ qua những phác thảo trên giấy, sự tự tin, sự nghiêm túc trong cách làm nghề và cả trong hoài bão của chàng trai trẻ đã khiến ông Lê Quốc Vinh gật đầu, đứng ra hỗ trợ tư vấn từ khâu sản xuất tới truyền thông. Chàng trai trẻ ấy là Nguyễn Phi Phi Anh, và sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam của cậu là vở diễn “Góc phố Danh Vọng”. Đạo diễn, diễn viên hoàn toàn vô danh, hình thức sân khấu lạ lẫm và tưởng như không hấp dẫn giới trẻ, các buổi diễn tuy đã thành hình nhưng vẫn nhiều dấu ấn nghiệp dư…, vậy mà tất cả các đêm diễn đều hết sạch vé.
Mùa hè 2013, Nguyễn Phi Phi Anh trở lại độc lập với “dự án kép” gồm 2 vở: “Góc phố Danh Vọng Remake” và vở mới “Đêm hè sau cuối”. Nói “độc lập” là bởi cậu và ê kíp đã chứng tỏ được sự trưởng thành, một đội ngũ từ truyền thông tới sân khấu đều hoàn toàn là những gương mặt trẻ tự mày mò sáng tạo, đội ngũ chuyên gia tư vấn đã không còn cần can thiệp nhiều. Trong dàn diễn viên lần này có Hương Thảo (Á quân Vietnam Got Talent) và Bảo Trâm (Á quân Vietnam Idol) nhưng họ chưa bao giờ được coi là chìa khóa truyền thông, thậm chí Hương Thảo tuy là một trong những vai chính nhưng còn không có mặt trong poster quảng cáo. Vậy mà sự trở lại của “Nguyễn Phi Phi Anh và đồng bọn” – như cách cậu tự giới thiệu – được báo chí nghênh đón với những bài phỏng vấn dài, những lời ngợi ca chiếm dung lượng lớn trên báo chí chính thống, trong đó có cả kênh truyền hình quốc gia.
Nếu xét một cách nghiêm khắc và sòng phẳng, “Góc phố Danh Vọng” và “Đêm hè sau cuối” chưa phải các tác phẩm hoàn chỉnh. Vẫn còn những thiếu sót từ thiết kế sân khấu, trang phục tới đài từ, nhạc vũ… Nó cũng không phải một điển hình của hình thức sân khấu nhạc kịch hay cụ thể hơn là nhạc kịch Broadway, mà nghiêng về hình thức kịch hát nhiều hơn. Nhưng không thể phủ nhận sự lột xác của các diễn viên trẻ, cách họ tự tin và cái duyên “ăn sân khấu” khi thoại, hát, cách họ chứng tỏ sự nghiêm túc suốt mấy tháng trời tập luyện qua những nét diễn vững vàng, đôi lúc xuất thần trên sân khấu, và cả kịch bản hấp dẫn thắt mở liên tục… đã khiến khán giả hò reo cổ vũ không ngớt.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới chiến dịch tiếp cận khán giả rất thông minh, khi chủ động phát gần 4.000 tờ rơi tại gần 100 quán cà phê mà giới trẻ hay lui tới, kèm theo một cuộc “đua” sưu tầm tờ rơi nho nhỏ. Sự thành công của “Góc phố Danh Vọng” và “Đêm hè sau cuối” đưa ra một câu trả lời hết sức rõ ràng: miễn là tìm tới đúng khán giả, chứ nhu cầu của khán giả (trong trường hợp cụ thể này là những người trẻ) về một thứ nghệ thuật mới mẻ và “tử tế” không hề nguội lạnh.
Một hiện tượng khác cần được nhắc tới là con đường của ca sĩ Tùng Dương. Các công thức thu hút khán giả thường thấy, anh không có, nhưng 2 năm trở lại đây Tùng Dương là một trong những ca sĩ đắt show cá nhân nhất. Sau cú vặn mình bất ngờ, chiều lòng người với “Tùng Dương hát tình ca”, anh đã cho khán giả một hình dung khác, để khi trở lại với những khám phá, sáng tạo theo con đường của một nghệ sĩ Indi mà Dương đeo đuổi ngay từ đầu, anh đã có cho mình một lượng khán giả trung thành.
Nếu phía trên đã nhắc tới giấc ngủ dài của “Làng tôi” thì ở đây lại phải kể tới cuộc đột kích bất ngờ của người anh em “À ố show”. Cùng ê kíp sáng tạo, cùng con đường xiếc mới đã được mở rộng và hoàn thiện hơn, “À ố show” tìm được nhà đầu tư, tìm được mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật giải trí – Tp. HCM, nơi mang tới cho nó một sân khấu định kỳ và cả lượng khán giả say mê cái mới. Một thời gian dài sau khi ra mắt, trên Facebook ngập tràn những lời cảm thán vui sướng về sự xuất hiện của “À ố”. Nhắc tới chuyện này, thấy anh Minh Đỗ thoáng có chút buồn. Tôi biết những trở ngại mà “Làng tôi” mắc phải vượt ngoài định liệu ban đầu của anh.
Tuy vậy, nếu coi “À ố” là một bài học cho “Làng tôi” thì hoàn toàn không phải. Cũng như sự thành công của cái “tử tế” này chưa chắc đã là bài học cho sự “tử tế” khác. Đặc biệt, chưa ai – kể cả những người đang thành công trên con đường “tử tế” – dám khẳng định “Tôi đã hiểu rõ khán giả”. Như ê kíp sản xuất “Không gian âm nhạc”, sau gần 1 năm thành công, quyết định đặt phép thử: danh tiếng có sẵn của series có khiến khán giả tin vào những ca sĩ chưa hấp dẫn công chúng? Câu trả lời chua chát là: Không. Công chúng là thế, luôn đỏng đảnh, nhiều lúc cả thèm chóng chán, nhưng những tràng vỗ tay và những tiếng biz liên hồi trong khán phòng suất diễn cuối cùng của “Đêm hè sau cuối” đã cho tôi một niềm tin, rằng ở đâu đó, vẫn có đất sống cho “nghệ thuật tử tế”.
Bài: Vũ Thủy
Ảnh: Tuấn Đào
(Hình ảnh từ Dự án kép “Góc phố Danh Vọng Remake” và “Đêm hè sau cuối”)