Liên quan đến việc tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ theo Nghị quyết 71, trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: “Việc phạt lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện là hoàn toàn không khả thi”.
Theo ông Hùng, việc xử phạt lỗi này theo Nghị định 71 phải hiểu một cách chính xác là xử phạt chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ chứ không phải xử phạt người điều khiển xe không chính chủ. Đây là 2 điều hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Bởi vì luật pháp Việt Nam không ai cấm người không có xe mượn xe của người có xe để đi. Chẳng hạn như ngay trong gia đình có một chiếc xe ô tô thì nếu như có giấy phép lái xe cả bố mẹ và các con đều có thể sử dụng. Và luật pháp Việt Nam cũng không bắt buộc người điều khiển phương tiện phải điều khiển xe chính chủ của mình.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là khi lực lượng chức năng tiến hành xử phạt làm sao xác định được người điều khiển phượng tiện là khi mua bán không sang tên đổi chủ?.
Khó xác định được người điều khiển phượng tiện là khi mua bán không sang tên đổi chủ.
“Bởi trong luật dân sự có một quy định là hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản. Thậm chí người được ủy quyền sử dụng tài sản mà cụ thể ở đây là sử dụng phương tiện còn qua công chứng. Điều này hoàn toàn hợp pháp được pháp luật bảo vệ.
Vậy, điều đơn giản là khi mua bán phương tiện, giữa 2 bên hoàn toàn có thể không cần phải thực hiện các thủ tục sang tên đổi chủ mà thực hiện dưới hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản thì vẫn hợp pháp và việc xử phạt lỗi không sang tên chính chủ trở nên vô hiệu”, ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, vì thế, việc xử phạt lỗi mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện nghe thì rất hợp lý nhưng không khả thi.
“Ở đây, câu hỏi phải đặt ra là tại sao khi người dân mua xe lại không muốn thực hiện sang tên đổi chủ. Trong khi tâm lý chung của bất cứ ai là khi sở hữu tài sản mình phải bỏ tiền mua đều muốn đứng tên chính danh. Như việc khi mua nhà đất, ai cũng muốn chuyển ngay sang tên của mình. Vấn đề chính nằm ở phí trước bạ khi sang tên đổi chủ với phương tiện quá cao”, ông Hùng nói.
Khi mà việc sang tên đổi chủ phương tiện mất phí đến hơn 1/10 tài sản thì chủ phương tiện sẽ thực hiện dưới hình thức ủy quyền hoặc cầm giấy tờ khi lưu thông dưới danh nghĩa mượn phương tiện thì cũng không thể có đủ căn cứ để xử phạt được.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định: “Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương thực hiện việc khi mua bán trao đổi phương tiện đồng thời tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Bởi như vậy, việc quản lý phương tiện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chẳng hạn như với hình thức quản lý vi phạm giao thông bằng camera tại các tuyến đường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… hình ảnh quay lại xe vi phạm có khi chỉ là số biển xe. Nếu là xe chính chủ, việc phạt rất dễ dàng. Hoặc trong các vụ án hình sự có manh mối là phương tiện giao thông, việc phá án cũng sẽ thụân lợi hơn nhiều.
“Khi mua bán phương tiện, có thể không cần phải thực hiện các thủ tục sang tên đổi chủ mà thực hiện dưới hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản thì vẫn hợp pháp và việc xử phạt lỗi không sang tên chính chủ trở nên vô hiệu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phân tích.
Tuy nhiên, cách thức đưa việc mua bán trao đổi phương tiện kèm theo sang tên đổi chủ thì không phải cứ phạt mà thực hiện được. Theo tôi, “mắt xích” là việc các cơ quan chức năng phải tham mưu để giảm lệ phí trước bạ thì người dân sẽ tự nguyện thực hiện. Ví dụ như lệ phí trước bạ nhà đất có 1% thì thử hỏi có ai mua xong mà không muốn thực hiện sang tên đổi chủ ngay đâu?”.
Cũng về việc xử phạt lỗi mua bán trao đổi phương tiện nhưng không sang tên đổi chủ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng khi chưa xác định được rõ ràng chủ sở hữu phương tiện thì chưa thể xử phạt người điều khiển. Vì vậy, căn cứ tình hình thực tế tại Việt Nam thì việc xử phạt với những trường hợp này là rất khó.
Trong ngày đầu tiên thực hiện xử lý lỗi phạt mua bán trao đổi phương tiện nhưng không sang tên đổi chủ tại một số tỉnh thành cũng không mấy khả thi. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Huynh – Trưởng phòng CSGT tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Điều vướng là rất khó xác định phương tiện đã được sang tên đổi chủ khi mua bán hay chưa bởi người điều khiển có thể trả lời rằng xe của nhà hay xe đi mượn. Trong khi tại các chốt chặn kiểm soát giao thông trên đường, lực lượng chức năng lại không thể có thời gian để xác minh tất cả các trường hợp. Tôi cũng chưa nhận được báo cáo về kết quả xử lý ngày hôm nay”.
Lãnh đạo phòng CSGT tỉnh Hải Dương cũng cho biết: Thực tế, người ta có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết và nói đang mượn xe thì CSGT khó làm gì được. Muốn điều tra, xác minh không thể làm ngay. Chỉ khi nào người ta thú nhận mới xử phạt được.
Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Kim Hải – Phó trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ – Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt (C67 – Bộ Công an) cho biết: Trong thông tư 36 của Bộ Công an đã quy định rõ, việc đăng ký xe sau 30 ngày mua bán thì phải sang tên đổi chủ, sau 30 ngày đó, nếu không làm thủ tục này, khi CSGT phát hiện sẽ tiến hành xử phạt.
Thượng tá Hải cũng giải thích rõ, mua, bán, cho tặng không sang tên đổi chủ theo đúng quy định mới tiến hành xử phạt theo quy định, còn trong trường hợp mượn xe hay hợp đồng lái thuê cũng không bị xử phạt.
Bắt đầu từ hôm nay 10/11, Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Mức phạt rất nặng, lên đến 10 triệu đồng.
Theo đó, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 – 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.
Theo Dân trí