Chữa biếng ăn bằng khoai lang - Tạp chí Đẹp

Chữa biếng ăn bằng khoai lang

Sống

“Bạn có biết?

Không cho trẻ ăn khoai lang và quả hồng gần thời gian với nhau, nên ăn cách nhau khoảng 5 giờ trở lên. Nếu ăn cùng, lượng đường trong khoai lang sẽ lên men trong dạ dày, khiến dịch vị dạ dày tiết ra nhiều hơn, phản ứng với chất tannin và pectin trong quả hồng sẽ gây ra sự kết tủa, nghiêm trọng hơn có thể khiến xuất huyết dạ dày hoặc viêm loét dạ dày.”

Tràn lan các công thức tự chế

Mẹ bé Bin, một trong những thành viên trung thành của các diễn đàn này chia sẻ: “Món này cu nhà mình ăn hoài à, tháng trước đi cân Bin đã tăng được 2kg nhờ ăn khoai lang đấy. Khoai lang dễ nấu lắm, có thể nấu chung với cháo trắng, thành món hỗn hợp khi nấu vẫn cho thịt, cá, dầu ăn, khiến trẻ đủ dinh dưỡng, mà khoai lang lại nhiều chất pectin giúp bé dễ tiêu hóa”.

Chị Hằng, mẹ bé Su Su 20 tháng tuổi ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cũng chia sẻ: “Bé nhà tôi thuộc diện biếng ăn, nên tôi tìm mọi cách để cháu ăn nhiều hơn. Nhưng càng cố ép, bé càng nôn trớ, nên tôi đành chịu. Hôm trước, tôi đọc được thông tin cho bé ăn khoai lang, đặc biệt là khoai lang vàng sẽ giúp trị chứng biếng ăn, nhưng thực hư thế nào cũng chưa nắm được nên tôi vẫn hoang mang chưa dám cho con ăn thử”.

Chưa có minh chứng khoa học

Khoai lang ngon miệng dễ ăn nhưng ăn không dễ

Trước những thông tin trên, BS. Bùi Quang Sáng, Chủ nhiệm khoa Dinh Dưỡng, BV Quân Y 354 Hà Nội cho biết: Khoai lang chứa nhiều chất xơ, protein, các vitamin A, C, B6, E, sắt, calci… thuộc hàng cao nhất so với các loại rau củ khác, trên cả khoai tây.

Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn khoai lang để trị biếng ăn chỉ là thông tin truyền miệng, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh về điều đó. Ngoài ra, việc các mẹ cho trẻ ăn quá nhiều khoai lang có thể gây tới những tác động tiêu cực với hệ tiêu hóa của trẻ, vì khoai lang có lượng xơ rất cao, nếu ăn thay lương thực cho đủ calorie tương ứng thì lượng xơ cao sẽ khiến bé dễ bị đầy hơi, trướng bụng…

BS. Bùi Quang Sáng khuyến cáo: Khoai lang có nhiều loại như ruột vàng, ruột đỏ, ruột trắng… Nếu các bà mẹ muốn bổ sung thêm khoai lang cho trẻ để tạo cảm giác lạ miệng, dễ ăn thì nên chọn loại vỏ đỏ ruột vàng, nếu để giải cảm và chữa táo bón thì dùng khoai vỏ trắng, ruột trắng. Có một điều các mẹ cũng cần chú ý, khi dùng khoai, nhất thiết phải rửa sạch vỏ, loại bỏ đi các phần hà, thối. Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nên khi chế biến tránh gọt vỏ khoai quá dày sẽ làm mất đi lớp protein trong khoai vốn chỉ tồn tại ở sát vỏ. Khi làm bột cho trẻ, tốt nhất bạn nên luộc khoai cho chín, rồi bóc vỏ trước khi ăn.

Tuyệt đối không cho trẻ ăn những loại khoai lang đã lên mầm, vì mầm khoai có chứa chất acaloit khi ăn vào sẽ tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc. Chất acaloit này tuy không gây ra những biểu hiện tức thời, nhưng về lâu dài sẽ khiến làn da trông xanh xao, nhợt nhạt, sức khỏe kém. Đặc biệt, với trẻ nhỏ do đề kháng kém, nếu ăn nhiều vỏ khoai mọc mầm sẽ dẫn đến nhiễm độc mạn tính, làm giảm khả năng thải độc của cơ thể.

Theo  Sức khỏe Gia đình

                                                                                        

Thực hiện: depweb

02/11/2012, 14:30