Tại cuộc họp báo sáng 18/7, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết có nhiều vấn đề trong cơ chế tính giá thành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần phải sửa đổi.
Theo báo cáo của EVN năm 2010, giá thành sản xuất điện bình quân là 1.092 đồng/kWh. Nhưng sau khi kiểm toán, giá thành được xác định lại là 1.184 đồng/kWh. Như vậy, so với báo cáo của tập đoàn EVN thì giá thành điện đã tăng lên 92 đồng/kWh.
Tuy nhiên, ông Khái cho hay, khi xem xét tất cả các khoản thu, chi, chúng tôi phát hiện có những khoản thuộc kinh doanh ngành điện nhưng không đưa vào hạch toán để giảm chi phí giá thành điện.
Ví dụ như khoản thu được nhờ cho thuê cột điện, thu từ thanh lý, nhượng bán vật tư của sản xuất kinh doanh điện, thu từ công suất phản kháng liên quan tới điện. Tuy nhiên, theo quy chế quản lý tài chính thì không hạch toán vào giá thành.
Chúng tôi tính toán các khoản này là trên 400 tỷ đồng/kWh, nếu chia ra, đưa vào giá thành điện thì sẽ giảm được 5 đồng/kWh so với EVN công bố.
Giá thành điện có thể giảm nếu EVN tính đầy đủ (ảnh minh họa: theo hanoipc)
Nội dung thứ hai các khoản thu có lãi, tại thời điểm kiểm toán, EVN cũng chưa đưa vào hạch toán tính giá thành điện, ví dụ như lãi từ kinh doanh chính, lãi từ các hoạt động liên doanh, liên kết khác.
“Theo tính toán của chúng tôi là trên 2.900 tỷ đồng. Nếu EVN hạch toán các khoản lãi này vào và chia cho 85 tỷ kWh thì sẽ giảm giá thành điện được 29 đồng/kWh”, ông Khái nói.
Như vậy tính tổng lại, nếu EVN hạch toán đầy đủ, giảm trừ các khoản thu được liên quan đến điện thì giá thành điện có thể giảm 34 đồng/kWh.
“Chúng tôi chỉ đưa ra khuyến cáo, còn lại, yêu cầu EVN rà soát lại Quy chế tài chính, sửa đổi theo hướng cần hạch toán đầy đủ các khoản thu liên quan về sản xuất kinh doanh điện nhằm giảm giá thành điện”, ông Khái cho biết.
Bên cạnh vấn đề giá thành, tập đoàn này cũng bị KTNN dẫn chứng điển hình cho việc xây dựng đơn giá,, kết hoạch quỹ tiền lương chưa phù hợp, không gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặc dù, EVN thực hiện đúng đơn giá tiền lương theo thông báo 281 của VPCP, nhưng hệ thống định mức lao động tổng hợp do Viện Khoa học Lao động và xã hộ, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng vào năm 2008 đã lỗi thời, không phù hợp thực tế. KTNN cho biết, hầu hết các đơn vị của EVN có số lao động thực tế sử dụng và hệ số cấp bậc bình quân thấp hơn nhiều so với số lao động định biên kế hoạch.
Trong khi đó, thu nhập bình quân chung ở công ty mẹ của EVN bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện lên tới 13,7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập cán bộ ở khối văn phòng EVN cao gấp 2 lần thu nhập bình quân chung.
Ngoài ra, cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho hay, EVN là tập đoàn phải điều chỉnh lại các số liệu về tài chính ở mức lớn nhất. Sau kiểm toán, nguồn vốn của EVN giảm 7.789 tỷ đồng, tổng doanh thu- thu nhập thuần tăng 32,9 tỷ đồng, tổng chi phí tăng 7.786 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của EVN giảm 7.753 tỷ đồng, thuế và các khoản còn phải nộp Ngân sách Nhà nước của EVN tăng lên 102 tỷ đồng. Kết quả chung, năm 2010, EVN có lợi nhuận trước thuế lỗ 8.416 tỷ đồng. Khoản lỗ này là do giá bán lẻ bình quân thấp hơn giá thành công bố.
Theo Vietnamnet